Đằng sau động thái bất ngờ của Tổng thống Ukraine về đàm phán với Nga và phản ứng của Moskva
Tổng thống Ukraine đã đưa ra một số tuyên bố khá bất ngờ về đàm phán với Nga, đáng chú ý là việc ông rời xa một số lập trường trước đây của mình.
Nga cho rằng đây một tín hiệu tích cực so với việc từ chối đàm phán hoàn toàn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 15/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo kênh CNN của Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra những tuyên bố đáng chú ý, khác biệt so với lập trường trước đây. Ông Zelensky không loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mặc dù hai năm trước ông đã ký sắc lệnh cấm các cuộc đàm phán như vậy. Tổng thống Zelensky cũng cho biết giai đoạn căng thẳng của cuộc xung đột sẽ kết thúc trước cuối năm nay.
CNN lưu ý, Kiev hiện đang đối mặt với tình hình khó khăn ở tiền tuyến và sự bất ổn về mức độ hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây. Dù tiến độ của quân đội Nga ở miền Đông Ukraine đã chậm lại kể từ khi Kiev nhận vũ khí bổ sung của Mỹ, nhưng lực lượng của Moskva vẫn tiếp tục đạt bước tiến với tốc độ chậm hơn.
Trong khi Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine không nhận được đủ hỗ trợ từ phương Tây để giành chiến thắng trong cuộc chiến, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, John Herbst, lưu ý sự thay đổi giọng điệu của ông Zelensky có thể phản ánh tình hình chính trị tại Mỹ, nơi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố người đồng hành tranh cử là JD Vance, vốn chỉ trích việc gửi hỗ trợ tới Ukraine.
Ông Herbst nhận định rằng Tổng thống Zelensky có thể đang tìm cách tiếp cận chính quyền Trump trong tương lai bằng cách nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng đàm phán nếu thỏa thuận là công bằng. Tổng thống Zelensky cũng đã có cuộc điện đàm với ông Trump, người cam kết sẽ “mang lại hòa bình cho thế giới” và kết thúc giao tranh.
Video đang HOT
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu họp báo tại Moskva, Nga. Ảnh: IRNA/TTXVN
Phản ứng từ Nga
Phản ứng về động thái mới từ nhà lãnh đạo Ukraine, theo hãng thông tấn TASS, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, ngày 22/7 nói với các phóng viên rằng tuyên bố của Tổng thống Zelensky về khả năng đàm phán với Nga là một tín hiệu tích cực so với việc từ chối đàm phán hoàn toàn.
“Nhìn chung, tất nhiên, điều này tốt hơn so với việc tuyên bố rằng bất kỳ liên lạc nào với phía Nga và nguyên thủ quốc gia Nga đều bị loại trừ”, ông Peskov nêu rõ, nhấn mạnh rằng “tất nhiên, nói về đối thoại, dù bằng giọng điệu nào, cũng tốt hơn nhiều so với việc nói về ý định chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng”.
Tuy nhiên, ông Peskvo lưu ý phía Nga vẫn chưa thể đánh giá chính xác những gì “ẩn sau những lời này [lời của ông Zelensky về khả năng đàm phán], những kế hoạch cụ thể nào sẽ được thảo luận và những hành động nào sẽ được thực hiện theo hướng này, nếu cuộc thảo luận là nghiêm túc”. Ông Peskov gợi ý rằng “chúng ta nên chờ đợi một số hành động cụ thể, nếu có”.
Các chuyên gia Nga cũng nhận định rằng có một số lý do đằng sau sự thay đổi trong quan điểm của Tổng thống Zelensky. Trước hết, tình hình ở tiền tuyến không có dấu hiệu cải thiện cho lực lượng vũ trang Ukraine. Thêm vào đó, tình hình kinh tế và xã hội của nước này đang xấu đi do chiến dịch huy động quân vẫn tiếp tục và tình trạng mất điện ngày càng trở nên phổ biến. Sự thay đổi trong bối cảnh bầu cử của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến quan điểm của ông Zelensky, đặc biệt khi cơ hội chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tăng sau vụ ám sát hụt, trong khi ông Trump đã cam kết sẽ hòa giải Nga và Ukraine ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Nhà khoa học chính trị Bogdan Bezpalko, thành viên Hội đồng Tổng thống Nga về Quan hệ Liên sắc tộc, tin rằng sự cạn kiệt tài nguyên của Ukraine đã khiến Tổng thống Zelensky thay đổi thái độ. Số lượng nam giới đủ sức phục vụ trong quân đội đang giảm ở Ukraine, trong khi nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây không đủ để bù đắp những tổn thất. “Rõ ràng là ông Zelensky đã đánh giá tình hình và kết luận rằng Ukraine đang phải đối mặt với tình huống khó khăn”, chuyên gia Bezpalko nói.
Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Nga Mikhail Pavliv chỉ ra rằng chính quyền của Tổng thống Zelensky đã nỗ lực để có được thiện cảm của Đảng Cộng hòa trong những tháng gần đây. “Sau màn tranh luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden và vụ ám sát hụt ông Trump, khả năng cao chính quyền Nhà Trắng tiếp theo sẽ là của Đảng Cộng hòa. Do đó, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi và các quan chức cấp cao của Ukraine đang cố gắng đồng bộ hóa quan điểm của họ với người có thể thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”, ông Pavliv giải thích.
Ông Zelensky kỳ vọng Nga tham dự Hội nghị hoà bình Ukraine lần thứ 2
Hôm 15/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông kỳ vọng Nga sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh thứ hai về Ukraine, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo ở thủ đô Kiev. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài Sputnik, ông Zelensky nói với các phóng viên tại Kiev rằng sẽ có ba cuộc họp sơ bộ được tổ chức trước hội nghị này. Cuộc họp đầu tiên, dự kiến được triệu tập vào cuối mùa hè tại Qatar, tập trung vào an ninh năng lượng. Cuộc họp thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 8 tại Thổ Nhĩ Kỳ, dành riêng cho vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đen. Tổng thống Ukraine cho biết cuộc họp thứ ba, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9 tại Canada, sẽ là một diễn đàn để thảo luận về trao đổi tù nhân với Nga.
"Tôi đặt ra nhiệm vụ là vào tháng 11, sẽ có một kế hoạch được vạch ra. Mọi thứ sẽ sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh thứ 2. Chúng tôi sẽ sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai sớm nhất có thể và tôi tin rằng các đại diện của Nga nên có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này", ông Zelensky nói.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Mỹ đã tham vấn với Ukraine về việc mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai và sẽ ủng hộ quyết định của Kiev về vấn đề này.
"Đó là điều chúng tôi đã thảo luận với Ukraine, song như chúng tôi đã nói trước đó, bất kỳ quyết định nào liên quan đến đàm phán ngoại giao đều là quyết định mà Kiev phải đưa ra. Ukraine phải đưa ra quyết định sẽ tiến hành đàm phán ngoại giao khi nào, như thế nào và theo hình thức nào. Là đối tác và là nước ủng hộ họ, chúng tôi sẽ ủng hộ họ nếu đó là con đường họ chọn", ông Miller tuyên bố.
Trước đó, hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine kéo dài hai ngày 15-16/6 tại Thụy Sĩ đã kết thúc với kết quả không như mong đợi. Hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã cùng nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng ven hồ gần thành phố Lucerne để kêu gọi ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Zelensky vạch ra lần đầu vào cuối năm 2022.
Nga không nhận được lời mời tham dự hội nghị này. Giới chức Nga tuyên bố họ sẽ không tham dự các sự kiện này trong mọi trường hợp.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tuyên bố Moskva không chấp nhận tối hậu thư và sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh mới về Ukraine.
"Chúng tôi biết ý định của Kiev và các cố vấn phương Tây là 'tự phục hồi' sau Hội nghị thượng đỉnh hòa bình thất bại ở Burgenstock (Thụy Sĩ) hồi giữa tháng 6 năm nay và đang cố gắng tổ chức một sự kiện tương tự", đài Sputnik dẫn tuyên bố của ông Galuzin.
Ông Galuzin cho biết Nga đã được thông tin rằng Kiev hy vọng đạt được tối hậu thư từ công thức hoà bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời cũng nhận thấy sự coi thường có chủ ý đối với các sáng kiến khác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Chúng tôi không chấp nhận những tối hậu thư đó và sẽ không tham gia vào những 'hội nghị thượng đỉnh' như vậy", ông Galuzin nói.
Trung Quốc cũng đã từ chối tham dự hội nghị hồi tháng 6 và một số quốc gia có ảnh hưởng bên ngoài phương Tây từ chối ký vào tuyên bố chung - bao gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Saudi Arabia. Iraq và Jordan đã yêu cầu rút chữ ký ngay ngày hôm sau.
Tổng thống Ukraine mời Nga dự hội nghị thượng đỉnh hoà bình tiếp theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như điều chỉnh lại lập trường cứng rắn trước đó, thừa nhận khả năng một phái đoàn Nga tham dự hội nghị hoà bình tiếp theo nếu được tổ chức. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngỏ ý muốn mời Nga dự hội nghị hoà bình lần 2. Ảnh minh hoạ: Bloomberg "Nếu hội nghị thượng đỉnh hòa...