Đằng sau cuộc đời “kỳ bí” của các “nhà ngoại cảm”
Những ngày qua, câu chuyện thực hư về những nhà ngoại cảm và khả năng nói chuyện với người chết của họ đang gây ra những thông tin dư luận trái chiều.
Chúng tôi đã có những tìm hiểu về cuộc đời của các nhà ngoại cảm này.
Và, thật kỳ lạ là trước khi bước chân vào “ thế giới người âm” đa phần các nhà ngoại cảm đều có một quá khứ không lấy gì làm tốt đẹp cho lắm. Ví dụ như tù tội, lừa đảo, trốn nợ, nghiện ma túy hay thậm chí là thất học, không biết chữ. Vậy nguyên nhân vì sao mà từ những con người như vậy, bỗng chốc họ trở thành các nhà ngoại cảm, được nhiều người kính trọng, sùng bái và tôn làm bậc thần thánh, sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nghe những người này nói, dù sự thật thì chưa kiểm chứng được.
Chuyện bà Hằng bị chó dại cắn
Hãy bắt đầu bằng Phan Thị Bích Hằng, nhà ngoại cảm số 1 ở Việt Nam. Bà Hằng kể, khoảng năm 17 tuổi, đang trên đường đi học về, bà bị chó dại cắn, cùng với một người bạn cùng lớp nhưng người kia thì chết, còn bà đã may mắn sống sót sau khi lên cơn…điên dại. Kết quả của cuộc “tái sinh” ấy đã biến Phan Thị Bích Hằng, một cô gái quê mùa trở thành nhà ngoại cảm bậc nhất, được nhiều người sùng kính đến ma mị. Từ đây, theo lời bà Hằng thì sau khi thoát chết trong cơn điên dại ấy, giữa thời khắc sống và chết, bà đã nói chuyện được với người âm.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Kết quả là, bà đã được nhiều tổ chức, cá nhân mời đi… nói chuyện với người âm với mục đích tìm mộ liệt sĩ, đáp ứng những nguyện vọng mong mỏi của hàng chục ngàn gia đình trên khắp cả nước. Vậy nhưng, điều đáng nói là trong biến cố suýt chết của bà Hằng kia, những người dân sinh sống cùng làng, thậm chí cùng xóm với bà đều không ai biết.
Thực tế thì ngay cả việc bị chó dại cắn, người bạn học cùng lớp bị chết cũng không một ai biết, kể cả thầy giáo chủ nhiệm 3 năm học cấp 3 của bà Hằng. Kể về chuyện này, thầy giáo Nguyễn Tử Nhiên – giáo viên dạy ở Trường cấp 3 Yên Khánh B (Ninh Bình), người trực tiếp chủ nhiệm bà Hằng trong niên khóa (1986-1988) – cho biết thầy có nghe học sinh nói là Hằng bị chó dại cắn, bị chết lâm sàng nhưng chuyện người bạn học bị chết vì chó dại cắn thì tuyệt nhiên không có. Hơn nữa, hầu như tất cả người dân ở quê Hằng đều khẳng định, khoảng thời gian trên ở địa phương không có ai bị chó dại cắn chết. Còn chuyện bà Hằng bị chó dại cắn thì đúng là sự thật.
Tiêm heroin tự tử nhưng hóa thành nhà ngoại cảm
Quay trở lại việc những nghi vấn về các nhà cảm sau một biến cố cực lớn trong đời bỗng nhiên có được khả năng đặc biệt, có thần giao cách cảm, sống được cả ở thế giới thực lẫn thế giới của người đã chết. Một trong số đó là nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn, một kẻ nghiện ngập, trộm cắp và nổi tiếng du côn du đãng ở địa phương, trong cuốn tự truyện “Nẻo về” của mình đã kể:
“Lúc đó, tôi đang là một con nghiện nặng, suốt ngày vật vờ đói thuốc. Khi thì trộm cắp, lúc thì trấn lột xe đạp, tiền của mấy em học sinh tiểu học quanh nhà để bán lấy tiền hút thuốc phiện. Nhưng, trong thâm tâm mình, tôi khao khát được dứt bỏ khỏi nàng tiên nâu, mà không biết bằng cách nào. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một cách, dồn tất cả tiền nong mình có, khoảng hơn 2 triệu đồng rồi mua tất cả… heroin rồi tiêm vào người với mong muốn sẽ “sốc thuốc” và chết đi một cách thanh thản. Ai ngờ, lần sốc thuốc ấy tôi lại không chết, chỉ đứng giữa gianh giới của cái chết và sống nên bỗng nhiên nghe tiếng người một người cậu (là em của mẹ Tuấn, đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc) thì thầm vào tai, rằng mộ cậu đang ở nơi này, chỗ này”.
Kỳ lạ hơn nữa, sau trận sốc thuốc thập tử nhất sinh ấy, Tuấn lại hết… nghiện thuốc phiện và đã nghe theo lời người cậu, một mình đi tới đó, tìm đúng mộ người cậu và bốc cất mang về trong sự cảm kích của người thân. Sau đó, Tuấn còn giúp các cơ quan đoàn thể tìm thêm nhiều mộ hài cốt liệt sĩ nữa ở rải rác khắp nơi trong cả nước.
Ông Tuấn với một lý lịch không tốt đẹp trong quá khứ bỗng nhiên thành một con người khác, tự xưng là “người nhà trời” với những khả năng kỳ lạ nối liền cõi âm và dương thế mà còn nhiều nhà ngoại cảm cũng có những quá khứ như thế. Thậm chí còn vào tù, ra tội như nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy hay Vũ Thị Hòa.
Bán cá vỡ nợ, tự phong nhà ngoại cảm
Theo đó, bà Hòa (phường Đồng Tâm, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) 41 tuổi, chỉ là một người buôn cá tôm ngoài chợ. Từng đi buôn cá ở chợ đầu mối rồi mang về các chợ nhỏ bán lại nên bà khá lanh lẹn, an nói dễ nghe nhưng được một thời gian, thấy làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều nên bà lại chuyển qua buôn… rắn và động vật hoang dã. Được một thời gian, bà bị công an bắt, lập biên bản vì hành vi buôn bán vận chuyển trái phép động vật hoang dã, có cảnh cáo về nơi cư trú. Sau đó, có nhiều người đi cả ô tô về nhà bà đòi nợ. Thấy vậy, bà Hòa bèn bỏ chồng cùng 4 người con ở nhà, bảo lên Hà Nội làm ăn một thời gian.
Khoảng 5 tháng sau, bà về và tự nhận là “thánh” xuống trần gian, có khả năng siêu nhiên và đặc biệt, bà Hòa có khả năng… tìm mộ liệt sĩ. Để những người khác tin, bà trưng ra rất nhiều đĩa DVD về hình ảnh nhập vong, nhập hồn của mình rồi tự ý xây điện thánh, cúng bái suốt ngày đêm. Sau đó, bà Hòa còn lập ra một “đoàn tâm đức Yên Bái” chuyên đi tìm mộ liệt sĩ ở khắp trong Nam ngoài Bắc. Trong tất cả các lần tìm mộ của bà Hòa đều có một cách làm duy nhất, bà nhập vong và được liệt sĩ đã chết báo lại địa điểm mà liệt sĩ… đang yên nghỉ để rồi bầu đoàn của bà căng bạt, phủ kín một vùng rồi đào bới.
Đặc biệt, hài cốt liệt sĩ nào bà Hòa tìm được cũng có một ít đất đen, chiếc cúc áo đặt trong một lọ thủy tinh nhỏ như ngón chân cái người lớn. Cuối cùng, sau nhiều vụ làm ăn như vậy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã phải đưa xuống địa phương một công văn mang số 50/CCT-PCS ngày 9.1.2012 nêu rõ, tất cả những việc làm ngụy biện là tìm hài cốt liệt sĩ của bà Hòa và phái đoàn Tâm đức Yên Bái là giả mạo, không có căn cứ bởi tất cả hài cốt mà bà Hòa tìm được đều là giả mạo.
Có thể nói, cái mô-típ chết đi sống lại, giữa ranh giới sống chết luôn là lý do mà các nhà nhà ngoại cảm của chúng ta sử dụng, tạo nên một bức màn linh thiêng, bí ẩn, kỳ dị, ma quái bao phủ quanh mình khiến những điều mà các “thầy”, “cô” nói ra có uy lực, linh thiêng để buộc người khác phải tin.
Thậm chí, như một nhà ngoại cảm còn nói với thân nhân của liệt sĩ rằng, nếu người nhà mà không tin lời “thầy”, sẽ có người tiếp theo phải…chết vì “thầy” đã lỡ đụng đến nơi yên nghỉ ngàn thu của người âm theo như mong muốn của thân nhân đang nhờ cậy.
Video đang HOT
Chính vì tâm lý này mà nhiều gia đình liệt sĩ đã cắn răng nghe theo “thầy”, dù cũng có ít nhiều nghi vấn sau những biểu hiện bất thường của nhiều nhà ngoại cảm.
Hoặc, trong tất cả các trường hợp, các nhà ngoại cảm đều nói rằng, nếu đem mẫu xương mà các “thầy” tìm thấy đi xét nghiệm ADN thì sẽ là xúc phạm tới… liệt sĩ, vì thế, chỉ cần đem về nhà thờ cúng là đúng với…đạo lý uống nước nhớ nguồn rồi.
Theo Dân Việt
Chuyện gờn gợn giờ mới kể của người nhiều đêm trắng bên "cậu Thủy"
Ngày 28/10/2013 vừa qua, Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy, SN 1959) và Mẫn Thị Duyên (SN 1962), đã bị khởi tố về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ. Nay xin đăng tải bài viết của một người đã từng nhiều đêm chứng kiến đối tượng Thúy "áp vong, tìm mộ", để bạn đọc có thể hiểu về phương thức lừa đảo của đối tượng này.
"Vong hồn" không thương họ hàng, chỉ "kể ơn cậu Thủy" (!)
Trong 3 lần tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Bình Phước và Đắk Lắk do Thúy tiến hành, tôi theo sát 2 cuộc khai quật nhiều ngày đêm liền.
Lần thứ nhất là từ 29 - 30/1/2013 tại phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Hôm đó vào buổi chiều tà của ngày cuối năm âm lịch, Thúy cùng một số thân nhân liệt sĩ ra nghĩa trang địa phương làm lễ "xin" các anh hùng cho phép được đưa đồng đội còn sót lại trong rừng về hương khói, tránh nằm giữa rừng sâu lạnh lẽo.
Sau khi làm lễ xin xong, trên đường đi về nơi nghỉ ngơi của đoàn thì ông Đặng Văn Hiệp (ngoài 70 tuổi, em trai của liệt sĩ Đặng Văn Thảo ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) bỗng cho rằng nôn nao mệt mỏi và kêu tài xế dừng lại. Khi chiếc xe vừa mở cửa, ông đã chạy thẳng một mạch vào trong cánh rừng cao su bên đường chỉ trỏ.
Dường như đó là kịch bản giữa Thúy và cụ ông này. Thúy khẳng định đó là nơi yên nghỉ của nhiều liệt sĩ. Sáng sớm ngày hôm sau đã làm lễ nhập vong để xác định cụ thể có bao nhiêu liệt sĩ, nằm ở những vị trí nào.
Một người đang bị "vong nhập" khi "Cậu Thủy" tìm mộ
Đúng 9h sáng ngày 30/1/2013, Thúy bắt đầu dõng dạc trên chiếc loa nói với hàng trăm người rằng: "Đây không phải là việc mê tín dị đoan. Tôi không phải là nhà ngoại cảm, mà tôi là nhà tâm linh, làm việc tâm linh, đây là việc hoàn toàn có thật...".
Nói xong Thúy bắt đầu thắp hương làm lễ khấn vái để xin các vong hồn "nhập" vào người đang sống để chỉ nơi hài cốt của mình nằm.
Một số thân nhân được chọn vào "đội tuyển" cầm hương. Làm lễ xong, khoảng 30 người trong đội cầm hương chia nhau đi tứ phía vừa đi vừa nhắm mắt, lẩm nhẩm điều gì đó.
Đi được khoảng 50m trong rừng cao su thì bỗng dưng nghe ồn ào hẳn lên vì có nhiều người cho rằng bị... vong nhập nên khóc lóc, kể lể, rũ rượi, cười sằng sặc, nói ngớ ngẩn, có người đòi uống rượu, có người đòi hút thuốc... đủ chiêu, đủ bài.
Họ chỉ ra 3 chỗ và Thúy phán dưới 3 hố này có 15 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 3 người có tên, tuổi, địa chỉ...
Bắt được "sóng", Thúy bắt đầu cuộc trò chuyện với "người âm" để hỏi han tình hình dưới đó thế nào. Có "người âm" bảo, ngày trước bị địch càn quét qua đây, bị trúng mất chân, nhiều đồng đội cũng nát thân hình.
Có "người âm" lại nói nhớ anh em, họ hàng lắm, nhớ cả cô người yêu xưa. Có "người âm" lại không nói được gì, chỉ biết nấc lên từng cơn, nghoẹo cổ nên Thúy phán: "Ngày xưa liệt sĩ này bị mảnh bom xuyên từ cổ lên hàm nên giờ không nói được...". (?)
Điều khiến nhiều người băn khoăn là việc "vong hồn" một liệt sĩ nhập vào cô em gái của mình khóc lóc thảm thiết, chê trách mấy anh chị em ăn ở không tốt với bố mẹ. Sau đó người này cười khà khà tỏ vẻ rất vui sướng vì:
"Nhờ có bề trên ban ơn cho "cậu Thủy" mà anh mới được về đoàn tụ với gia đình... Chúng mày phải nhớ lấy ơn đó, phải đóng góp tiền bạc, nghe chưa...", lời dặn của "vong hồn liệt sĩ".
Đôi dép cao su mới toanh dù nằm dưới đất đen hàng chục năm
Đúng 5h chiều, đoàn quy tập đã có mặt đông đủ, nhưng điều lấy làm lạ là đại diện chính quyền địa phương... hơi vắng bóng. Thắc mắc điều này với đoàn tìm kiếm thì được biết, cơ quan chức năng không tin tưởng chuyện này.
Dù vậy, để đảm bảo an toàn nên khoảng 6h chiều cùng ngày, địa phương đã cử lực lượng rà phá bom mìn xuống để kiểm tra những nơi mà Thúy phán là có hài cốt.
Nguyễn Văn Thúy luôn lớn tiếng cho rằng mình là "nhà tâm linh"
Máy dò tìm cứ rà, Thúy thì lẻo miệng phán luôn: "Dưới đó không có bom mìn gì hết, chỉ có hài cốt và các kỷ vật của liệt sĩ thôi...".
Không biết đôi mắt "thánh" của Thúy nhìn xuyên lòng đất hay có sự chuẩn bị nào đó từ lâu, mà máy dò không tìm thấy mảnh bom đạn nào.
Một số "chim lợn" của Thúy kể chuyện: "Bữa trước tìm kiếm ở Tây Nguyên, "cậu Thủy" phán rằng dưới đó có quả mìn, nhưng cứ yên tâm đào không sợ nổ vì đã được các vong báo rồi. Đúng như lời cậu, khi đào lên thấy một quả mìn không chốt".
Việc khai quật được tiến hành khi mặt trời vừa lặn. Rất nhiều người hiếu kỳ đã tới để chứng kiến. Họ tận dụng hết các thiết bị từ điện thoại, máy ảnh... để ghi lại "những giây phút hiếm có trong đời mình".
Ở hố thứ nhất Thúy phán có 7 hài cốt chồng lên nhau, dưới đó có một hài cốt có tên tuổi, quê quán là liệt sĩ Phạm Công Thành sinh năm 1950 quê ở Ứng Hòa, Hà Tây (cũ) hy sinh năm 1970.
Sau khoảng 1 giờ đồng hồ thay nhau đào bới với độ sâu khoảng... 30cm thì thấy xuất hiện 2 bình tông, một ghi tên Phạm Công Thành, một ghi tên Nguyễn Hà quê Thái Nguyên nhưng không rõ năm sinh. Tại hố này, đoàn cất bốc còn tìm thấy đôi dép cao su còn mới, chiếc cà men (gô) dùng đựng đồ ăn, các di vật như huy hiệu, ngôi sao và nhiều phần xương.
Đôi dép cao su còn mới này là di vật của liệt sĩ?
Tương tự các hố còn lại đều giống như Thúy phán. Mỗi khi tìm thấy bình toong có ghi tên tuổi của liệt sĩ thì ai cũng trầm trồ khen cậu "quá siêu", càng khiến cho thân nhân liệt sĩ gào khóc thảm thiết và "khâm phục, biết ơn cậu Thủy".
Càng về khuya, trời càng lạnh, đoàn cất bốc vẫn miệt mài với công việc. Lâu lâu Thúy cầm que nhang ngắm nghía soi phía trên bát rượu rồi phán: "Liệt sĩ này còn thiếu một cái răng và một khúc xương tay".
Có lúc Thúy lại phán "liệt sĩ này còn thiếu một huy hiệu, lấy nhầm huy hiệu của liệt sĩ khác rồi, hãy trả lại đi, người ta đang đòi đó...". Những người cất bốc cố moi, cố tìm dưới đống đất màu đen đen đó và cuối cùng cũng thấy chiếc răng, thấy khúc xương, thấy chiếc huy hiệu...
Sau một đêm thức trắng, đoàn cất bốc cũng đã hoàn thành việc đưa 15 hài cốt mà Thúy phán vào tiểu sành để ngày hôm sau tổ chức lễ truy điệu đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước.
Hàng trăm người dân ào tới xin số điện thoại của Thúy để "sau này nhờ coi giúp người nhà của mình nằm ở đâu".
Tôi thì có phần nghi ngờ nên đã để ý rất kỹ từng chi tiết từ việc áp vong cho tới hiện trường. Tuy nhiên khi xem chỗ mà Thúy phán có liệt sĩ thì nhận thấy địa hình vẫn bình thường, có cỏ mọc, đất vẫn bằng, vẫn cứng như xung quanh. Vậy mà khi đào lên thì vẫn thấy có xương, có kỷ vật...
Tuy nhiên lúc đó cũng chỉ dám nghi vấn, chứ chưa nghĩ là Thúy lại ngụy tạo hiện trường như công an Quảng Trị xác định sau này.
Mặc đồ ngủ "trần tục" đi bốc hài cốt liệt sĩ
Qua dịp Tết Quý Tỵ, tôi lại một lần nữa khăn gói theo đoàn. Lần này kế hoạch tìm kiếm của đoàn biết trước sẽ bốc hơn 40 hài cốt ở thôn 3 xã Eah'leo, huyện Eah'leo, tỉnh Đắk Lắk .
Do nằm xa khu dân cư, địa hình hiểm trở nên lần này Thúy làm lễ áp vong vào buổi chiều ngày 6/3, sau đó chờ trời tối và cho đào bới luôn.
Phải nói rằng lần làm lễ nhập vong này rất công phu. Hàng ngàn người với hàng chục chiếc xe ô tô của chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang, đại diện các sở, ngành... của tỉnh Đắk Lắk có mặt để tham gia, chứng kiến và bảo vệ trật tự.
Các cơ quan thông tấn báo chí cũng bị kiểm soát gắt gao, ai có đăng ký, cộng thêm thẻ hành nghề, có thẻ của ban tổ chức và phải trình với công an thì mới được vào quay phim chụp hình.
Khoảng trên dưới 50 người được huy động vào đội cầm hương. Lần này thành phần cầm hương có thêm đại diện chính quyền địa phương, hội phụ nữ xã...
Cũng không nhanh tìm ra như lần trước, lần này hàng chục người cầm hương rải nhau đi rất xa, họ luồn lách qua bao nhiêu gai rừng, bụi rậm, qua bao nhiêu nương rẩy của người dân, bao nhiêu con suối cạn... với quãng đường nhiều km thì mới có "vong" nhập. Điều đáng nói là lần này, "vong" cũng nhập vào hầu hết những người trước đó ở Bình Phước.
"Vong" cứ đi phăng phăng không kể rào gai bụi rậm, từng đoàn người cứ thế chạy theo để chứng kiến. Cuối cùng đến gần bụi chuối ở cạnh một con suối thì "vong" dừng lại nằm vật xuống.
Thúy mớm lời "thế đâu là đầu, đâu là chân, dưới này có bao nhiêu liệt sĩ". Cũng như những lần trước, "vong" lại đòi uống rượu, khóc lóc, cười nói huyên thuyên.
Và rồi trắng đêm ngày 6 rạng mồng 7/3, đoàn cất bốc được 21 hài cốt tại 3 hố chôn tập thể, trong đó có 3 hài cốt có tên tuổi, quê quán.
Bước sang ngày thứ 2 và 3, Thúy lại tiếp tục làm lễ áp vong, hướng về vùng nương rẫy đang trồng mì của dân, tới gần một tảng đá lớn đào bới 21 bộ hài cốt ở 3 hố.
Mọi việc cứ thế trôi qua, nhưng thỉnh thoảng người địa phương khi nghe tên đến chuyện tìm hài cốt liệt sĩ là lại trầm trồ khen ngợi "cậu Thủy" như thánh sống.
Vợ chồng Thúy khi bị thi hành lệnh bắt
Đến khi Thúy tìm mộ liệt sĩ ở Quảng Trị thì mọi người mới ngớ ra vì công an phát hiện Thúy đem hài cốt động vật ngụy tạo là hài cốt liệt sĩ. Dư luận xôn xao. Những người ngày xưa tin tưởng, nay chia sẻ về những nghi ngờ trước đó.
Không biết trong số 88 bộ hài cốt mà Thúy tìm kiếm trong 3 đợt ở Bình Phước và Đắk Lắk mà chúng tôi tận mắt chứng kiến kia có phải là hài cốt liệt sĩ hay không, hay là xương động vật được Thúy chôn từ trước để bịp bợm mọi người?
Thúy từng có tiền án, vậy mà là trong những lần tiếp xúc trước đó, Thúy thường "lòe" mọi người rằng từng là đại tá, giảng viên của Học viện Cảnh sát Nhân dân, nhưng "do được bề trên giao nhiệm vụ mà cậu mới bỏ nghề về đi tìm hài cốt liệt sĩ để... giúp dân giúp nước".
Mà làm việc tâm linh, sao lại giàu có, lại "trần tục" đến thế? Cổ đeo đầy vàng, đi đâu cũng kè kè cô vợ mập mạp và "báng bổ", khi đi cất bốc hài cốt liệt sĩ mà chỉ mặc đồ ngủ?
Những người từng chứng kiến, nay phẫn uất, cho rằng hành vi mất hết nhân tính của siêu lừa đã chà đạp lên sự linh thiêng, coi thường sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, làm tổn thương với thân nhân các gia đình liệt sĩ. Mong sao các cơ quan chức năng sớm làm rõ cụ thể hành vi đó để nghiêm khắc trừng trị những kẻ dám trục lợi trên xương máu liệt sĩ, trên vong hồn các anh hùng dân tộc.
Theo Phap luât thơi đai
Tiết lộ cách kiểm tra khả năng của Phan Thị Bích Hằng Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến tìm mộ liệt sĩ nhưng kết quả không chính xác củaPhan Thị Bích Hằng, dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có còn khả năng? Có nhiều cách kiểm tra Ngoại cảm là một khả năng đặc biệt của con người. Người có khả năng ngoại cảm không...