Đằng sau chiến công của cảnh khuyển
Trong lịch sử sử dụng chó nghiệp vụ ở Việt Nam, ngoài những vụ án phức tạp, kiếm tìm tung tích nạn nhân, truy lùng tội phạm phát hiện ma túy, thuốc nổ, cứu hộ, cứu nạn… chó nghiệp vụ còn lập công trong việc phát hiện gián điệp, giải cứu nạn nhân bị bắt cóc…
Rút ngắn khoảng cách để chọc tức, làm tăng tính hung dữ cho cảnh khuyển
Cảnh khuyển phá án ma túy
Theo yêu cầu nghiệp vụ, Ban giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ (Bộ Công an) đã cử cán bộ và chó nghiệp vụ phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Phú Thọ phá chuyên án ma túy VN910. Ngày 13-11-2010, 3 CBCS cùng 2 chú chó nghiệp vụ tên là Zắc và Zin đã có mặt tại CAH Phú Thọ cùng họp án. Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa thị xã Phú Thọ và huyện Phù Ninh nhiều đồi núi, vợ chồng Lê Văn Viễn và Ngô Thị Nga đã dùng nhà ở làm tụ điểm buôn bán ma túy. Ngô Thị Nga đã nhiều lần bị bắt quả tang về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, ngoài vài tép nhỏ heroin bị bắt quả tang thì lực lượng công an không thể tìm ra nơi cất giấu ma túy. Trong khi đó, Nguyễn Thị Nga là người trực tiếp bán ma túy cho các “con nghiện” lại liên tục thoát tội vì đang mang thai và nuôi con nhỏ…
15h ngày 13-11, trinh sát báo tin xuất hiện nhiều thanh niên lảng vảng quanh khu vực nhà đối tượng. Ban chuyên án nhanh chóng lên đường. Khi phát hiện lực lượng công an, Nguyễn Thị Nga vội vứt 32 gói heroin vào bụi cây. Đinh ninh lực lượng công an sẽ không thể tìm ra tang vật như các lần trước nên vợ chồng Nga ra sức biện minh, chối tội. Ngôi nhà Nguyễn Thị Nga nằm trên một quả đồi với diện tích 2ha gồm khu vực chuồng trại, vườn rau, đất bỏ hoang và trồng cây sắn.
Thượng tá Nguyễn Huy Hạnh, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Huấn luyện có nghiệp vụ đã chia lực lượng làm 2 đội với 3 chiến sỹ và 1 cảnh khuyển. “Trinh sát” Zin làm nhiệm vụ khu vực trong nhà, còn “trinh sát” Zắc tìm xung quanh khu vực chăn nuôi. Khu vực tìm kiếm dần được mở rộng ra phía vườn. 20 phút trôi qua, giọt mồ hôi đã lấm tấm trên gương mặt các chiến sỹ, hai chú chó vẫn sục sạo khắp nơi mà chưa tìm ra manh mối. Thêm 10 phút nữa, không khí trở nên căng thẳng, mọi ánh mắt dồn vào cảnh khuyển. Bỗng, phía vườn bên phải nơi Trung úy Vũ Long Trọng phụ trách có tín hiệu. Chú chó Zắc sủa vang, chân cào mạnh xuống tảng đá. Ban chuyên án khênh tảng đá ra thì phát hiện đất khu vực này khá tơi xốp. Đào sâu xuống 30cm, nhát cuốc phập vào 1 lọ nhựa, bên trong có chứa 80 gói heroin với trọng lượng 4,74g.
Video đang HOT
Trung úy Trọng kể lại, Zắc biết đã lập được chiến công nên suốt đoạn đường về nó chạy nhảy lăng xăng, hồ hởi. Vừa về đến sân tập, Zắc chạy đến đùa giỡn các bạn, hành động mà trước đây rất hiếm gặp ở Zắc.
Cảnh khuyển tham gia cứu nạn
Với đặc tính của loài chó là sự nhạy cảm hệ thần kinh và cơ quan khứu giác nên ngành công an đã phát huy tính ưu việt này để xây dựng và phát triển lực lượng nuôi dạy, sử dụng chó nghiệp vụ trong việc tham gia việc cứu nạn. Mới đây, chó nghiệp vụ đã tìm kiếm thành công hai thi thể nạn nhân ở Cao Bằng.
Khoảng 11h45 ngày 25-5, hai người phụ nữ là Nguyễn Thị Minh, SN 1977 và Lương Thị Quy, SN 1985 khi đang mót quặng tại khu vực đất, đá thải của Công ty Luyện kim Cao Bằng đã bị đất đá sụt, lở chôn vùi.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, Tổng công ty Than, khoáng sản Việt Nam đã nhờ Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ ứng cứu. Một lần nữa, Thượng tá Nguyễn Huy Hạnh cùng 3 chiến sỹ với 3 chú chó Zắc, Itaka, Rex nhanh chóng ngược lên Cao Bằng. Sau nhiều giờ đi dưới trời mưa tầm tã, con đường lầy lội ngập bùn, chó nghiệp vụ có mặt tại hiện trường. Khu vực xảy ra tai nạn có độ dốc cao, độ dài trên 200m, đất đá tơi, xốp với nguy cơ sụt lở rất cao. Ngay khi nhận nhiệm vụ, 3 chú chó nghiệp vụ đã nhanh chóng có phản ứng, khoanh điểm nghi vấn. Tuy nhiên, một số người dân đi làm rẫy chứng kiến vụ tai nạn cho biết 2 người phụ nữ bị chôn tại 2 địa điểm khác nhau. Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng quyết định tổ chức tìm kiếm theo chỉ dẫn của người dân nhưng không thu được kết quả. Cuối cùng, mọi người quyết định đào bới địa điểm chó nghiệp vụ đã xác định. 7 ngày liên tục hạ tầng, đến 4h30 ngày 6-6, máy xúc mới chạm được xác 2 nạn nhân ở độ sâu 11m.
Nói đến những chiến công của chó nghiệp vụ thì khó kể hết. Tuy chỉ là những con vật nhưng thông qua công tác huấn luyện đã trở thành công cụ đắc lực, tích cực tham gia vào cuộc chiến chống tội ác và tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đằng sau những thành công đó, nghề huấn luyện chó nghiệp vụ cũng đầy vất vả và gian nan. Hơn 50 năm từ khi ngành công an đưa chó nghiệp vụ vào huấn luyện và chiến đấu, đến nay, nhiều phần thưởng quý giá đã được cấp Bộ, ngành và Nhà nước trao tặng cho trung tâm.
Nỗi niềm khó sẻ chia
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ, Đại tá Nguyễn Văn Bộ chia sẻ, gắn bó gần cả cuộc đời với nghề huấn luyện chó, ông đã chứng kiến không ít trường hợp các bạn trẻ chùn bước vì tâm lý ngại ngùng khi làm nghề huấn luyện chó. Nhiều người mặc cảm với bạn bè khi người này là trinh sát hình sự, người kia là trinh sát chống tội phạm ma túy còn mình hàng ngày chăm sóc, lo lắng cho những chú chó như “con mọn”. Một xu thế chung của giới trẻ, ngoài niềm đam mê nghề nghiệp họ còn đặt nặng lợi ích kinh tế, vị thế nên việc cống hiến hết tâm huyết cho nghề huấn luyện chó là điều hết sức khó khăn. Là người quản lý Trung tâm, Đại tá Bộ không ít lần bắt gặp ánh mắt vô hồn, sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt của người chiến sỹ trẻ. Vì vậy, trong những bài giảng, giờ nói chuyện, ông luôn tạo không khí thân mật, bắt đầu bằng câu chuyện kể về những chiến công mà chó nghiệp vụ góp sức, về vinh dự, tự hào là người huấn luyện viên “cảnh khuyển”. Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, ông hy vọng sẽ truyền được ngọn lửa nhiệt huyết của mình cho các bạn trẻ, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của công việc và đủ tự tin nói với mọi người rằng “tôi là huấn luyện viên chó nghiệp vụ”.
Những người thầy hết sức đặc biệt ấy – huấn luyện viên cảnh khuyển đến ngày 20-11 thường tự mua hoa giắt lên tai chó để tặng mình, hoặc cùng “học trò” đi đến các chuồng khác làm quen, kết bạn. Một đặc thù riêng của nghề, những chú chó khi hoàn thành xong khóa huấn luyện sẽ gắn bó suốt đời với một huấn luyện viên duy nhất. Trong cuộc đời làm lính, Đại tá Bộ đã chứng kiến không ít những hình ảnh người chiến sỹ khóc như mưa khi cảnh khuyển bị thương hoặc hy sinh vì nhiệm vụ. Nhìn vào cơ ngơi chỉ có 3-4 dãy nhà để cho cán bộ sinh hoạt, ít người biết nằm sâu bên trong là ngôi nhà chung của hàng trăm con chó. Gần 52 năm, trung tâm đã đào tạo hàng nghìn cán bộ, huấn luyện hàng nghìn chú chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng chống tội phạm cho các đơn vị trên cả nước.
Theo ANTD
Danh hiệu SBC do dân phong tặng
Họ xuất thân là những công dân bình thường ngày ngày rong ruổi trên những nẻo đường mưu sinh, chứng kiến bọn tội phạm ngang tàng cướp bóc mà họ dũng cảm đương đầu với chúng. Lặng lẽ "vác tù và hàng tổng" như thế, từ những chiến công bắt cướp trừ gian ấy mà các thành viên trong câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở Bình Dương được dân phong cho danh hiệu "hiệp sĩ SBC".
8h tối ngày 16/7, chúng tôi gặp "hiệp sĩ" Ngô Thành Công (Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm - CLB PCTP phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) ngay khi anh và các đồng đội vừa lập chiến tích bắt nóng 2 tên cướp khi chúng vừa giật dây chuyền của một phụ nữ chạy xe tay ga. "Hai thằng này dữ lắm anh" - Công kể lại sự việc: "Lúc bị tụi em gí, chúng chạy tốc độ cả trăm cây số trên giờ, lại chơi chiêu núp gió xe tải để chờ mình sơ hở là ép té vào gầm xe. Biết mánh đó của chúng, em giả vờ bỏ cuộc. Tưởng thắng thế, 2 thằng kia chủ quan, tụi nó đâu ngờ em điện thoại cho Sơn (Đào Văn Sơn, thành viên CLB PCTP phường An Phú) đón lõng phía trước. Khi bị bắt, tụi này mới lộ chúng là tội phạm thứ dữ, chúng lận mã tấu, bình xịt hơi cay, dao bấm trong người để khi đụng chuyện là sẵn sàng giết hại người cản đường để thoát thân".
Sau câu chuyện bắt cướp, chàng "hiệp sĩ" sinh năm 1984, hành "nghề SBC" từ năm 2008, vui vẻ thổ lộ hành trình vào "nghề" của mình: "Khoảng năm 2007, nhỏ em gái của em là Ngô Thị Thảo có đến 3 lần bị bọn đầu trộm đuôi cướp dắt lén, cướp trắng trợn đến 3 chiếc xe máy. Tức quá, em bỏ công bỏ việc lùng sục khắp nơi. Càng tìm hiểu bọn chúng em mới thấy bọn trộm cướp quá lộng hành, nhiều gia đình bao năm trời tích cóp mới mua được chiếc xe máy ai ngờ bị chúng hết cướp lại trộm. Từ đó em nung nấu quyết tâm bắt cho bằng được bọn cướp để bà con mỗi khi ra đường không phải nơm nớp lo sợ chúng".
Hành trình trở thành "hiệp sĩ" đường phố của anh Trần Lê Đăng Khoa, 32 tuổi, thủ lĩnh CLB SBC phường Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng đong đầy khí phách "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha". Khoa cho biết trước khi dấn thân vào "nghề SBC", anh là bộ đội xuất ngũ. Địa bàn nơi anh cư trú tập trung đông người lao động tứ xứ về sinh sống, làm việc nên rất phức tạp. Núp dưới "mác" là công nhân, nhiều tên tội phạm đâm thuê chém mướn, cướp giật trà trộn vào các khu nhà trọ gây ra đủ màn trấn lột, cướp giật, trộm cắp... Nhiều công nhân mới nhận lương vừa bước ra cổng công ty đã bị chúng gí dao trấn sạch. Có người tằn tiện tích góp mấy năm trời mua được chiếc xe máy làm phương tiện đi lại chạy mới được vài trăm cây số đã bị chúng dắt trộm, thậm chí chặn đường cướp ngang nhiên... "Thấy chuyện của người ta mà mình còn bức xúc huống chi là người trong cuộc" - Khoa nói: "Hổng lẽ để chúng ngang nhiên lộng hành mà mình thì cứ làm ngơ, vậy nên em gia nhập lực lượng Công an viên, sau gia nhập vào CLB PCTP".
Những hiệp sĩ tay không bắt cướp.
Anh Huỳnh Văn Hữu Phước, mới gia nhập CLB PCTP phường Tân Đông Hiệp thị xã Dĩ An) được 4 tháng nhưng đã kịp cùng các "đàn anh" phá nhiều vụ buôn bán ma túy, cướp giật, mới đây là vụ bắt nóng 2 đối tượng Nguyễn Minh Nhật và Quách Hiếu Hoàng, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh đang trên đường đi bán ma tuý cho con nghiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trò chuyện "đối đầu với tội phạm nguy hiểm", Phước tâm tình rằng anh vì mến mộ các hiệp sĩ đàn anh chỉ tay không mà "nay bắt cướp, mai phá án ma tuý, có ngày bắt đến 3 vụ cướp giật" nên lòng rất nể phục mà quyết tâm theo.
"Khi biết được nguyện vọng của em, anh Khoa (hiệp sĩ Nguyễn Đăng Khoa) ủng hộ hết mình nhưng cảnh báo là: "Đã là thành viên SBC thì phải đón nhận sự nguy hiểm, cực khổ, đặc biệt là chẳng có quyền lợi gì, có chăng chỉ là niềm vui khi mình giúp xã hội loại trừ phần tử xấu mà thôi". Lúc được "đe" như vậy, em chỉ nghĩ một điều mấy ảnh làm được thì hà cớ gì mình hổng chịu nổi. Đeo riết rồi dần dà cái máu săn tội phạm nó ngấm vào người lúc nào không hay... Để rồi đến nay, cứ nghĩ đến đi săn bắt cướp là lòng lại "sung" vô cùng...".
Vừa xuất viện sau vụ bị đàn em Tuấn "chó" chém trọng thương, hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên (CLB PCTP phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã lại xông ra bắt cướp. "Mình ngay thẳng, được cả xã hội hỗ trợ, ủng hộ, tụi nó không sợ mình thì thôi, cớ gì mình sợ nó" - chàng hiệp sĩ quả cảm, khẳng khái. Gần 10 năm sát cánh cùng đồng đội truy bắt tội phạm, Tiên như nhiều anh em khác nếm đủ mùi hăm dọa, chống đối của bọn xấu, mà toàn bọn giang hồ cộm cán nhưng anh không nao núng, anh chỉ nghĩ đơn giản "mình xông trận liên tục mà còn sợ bọn xấu bạo ngược thì người khác sao dám phản ứng mạnh với chúng".
Hỏi cơ duyên vào nghề, chàng "Lục Vân Tiên" đất gốm, nhường lời cho đồng đội là "hiệp sĩ" Lương Đức Túy. Túy kể gần 10 năm trước, tình hình an ninh tại khu vực cầu vượt Sóng Thần (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương), nơi có quốc lộ 1A đi qua rất phức tạp, thường xuyên xảy ra cảnh bọn tội phạm cướp giật gây án giữa ban ngày. Có lần phát hiện 2 gã thanh niên mặt mày bặm trợn chạy xe gắn máy ép một cô gái té ngã cướp xe, Tăng Tiên khi ấy là tài xế xe ôm, xông tới quật ngã 1 tên, quá bất ngờ, tên còn lại bỏ chạy nhưng sau đó quay lại dùng hung khí chống trả nhằm giải vây cho đồng bọn. Không may cho 2 tên cướp cạn là khi ấy, Túy cùng 2 bác tài xe ôm khác là Phạm Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Văn Phước lao ra hỗ trợ. Cũng từ sau "phi vụ" bắt nóng 2 tên tội phạm cướp giật, các bác tài xe ôm đã tình nguyện lập nhóm phòng, chống tội phạm và sau này, khi mô hình CLB PCTP ra đời, các anh cùng gia nhập và liên tục lập công. Cảm phục trước những nghĩa cử cao đẹp ấy, các anh được quần chúng nhân dân ở khu vực cầu vượt Sóng Thần cũng như bà con khu phố yêu thương, trìu mến phong cho biệt danh "hiệp sĩ SBC".
Tuy tuổi đời, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, trình độ khác nhau nhưng hành trình đến với "nghiệp" bắt cướp, trừ lưu manh của các hiệp sĩ mà PV Báo CAND tiếp xúc đều có điểm chung là các anh đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với bọn tội phạm hình sự không phải vì để được nổi danh hay vì động cơ thiếu trong sáng nào khác. Các anh trừ gian dẹp bạo chỉ với suy nghĩ rất đơn giản, đáng yêu là bảo vệ người thân cô thế yếu, hỗ trợ lực lượng Công an làm tốt nhiệm vụ gìn giữ kỷ cương phép nước và ổn định trật tự xã hội.
Như nhiều "hiệp sĩ" SBC khác, "hiệp sỹ" Phạm Quanh Hòa (CLB PCTP phường Bình Hòa tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm vì thấy tình hình ANTT ở địa phương phức tạp nên mong muốn góp sức, dấn thân vì sự bình yên cho người thân của chính mình và xã hội), bộc bạch chân tình rằng ngày trước, bao thế hệ cha ông đánh Pháp đuổi Mỹ đứng trước cái chết, đối mặt với đủ kiểu tra tấn man rợ của kẻ thù mà vẫn hiên ngang, bất khuất. Noi gương tiền nhân, khi xông trận, đối mặt với phường đầu trộm đuôi cướp, anh chẳng chút đắn đo. Hiệp sĩ Hòa, khẳng khái: "Bọn tội phạm dù bạo tàn, manh động kiểu nào đi nữa thì chúng vẫn sợ người ngay. Mình cứ khai thác điểm ấy của chúng mà đánh tới. Cứ như vậy, phần thắng ắt sẽ thuộc về mình...!"
Theo CAND
Chuyện về những chàng hiệp sĩ SBC Để bạn đọc hiểu rõ hơn cuộc sống thường nhật của những chàng hiệp sĩ SBC, Báo CAND khởi đăng loạt bài phóng sự điều tra: "Chuyện về những chàng hiệp sĩ SBC" nhằm cung cấp cho bạn đọc hiểu rõ hơn sự hy sinh thầm lặng của những tấm lòng nghĩa hiệp, luôn dám xả thân vì cuộc sống yên bình. Trong...