Đằng sau bức ảnh hàng ghế với hoa và đèn tưởng niệm xếp dọc con hẻm nhỏ Sài Gòn: “Nơi tôi ở, có ba mẹ tôi đã nằm xuống vì Covid-19…”
Mới đây, mạng xã hội lan tỏa hình ảnh một con hẻm ở Sài Gòn cùng tắt đèn, chuẩn bị nến và hoa xếp hàng dài để tưởng niệm hàng xóm và những người đã mất trong đại dịch Covid-19 khiến không ít người xúc động.
Hơn 17.000 người ở Sài Gòn nói riêng và hơn 23.000 người của cả nước đã mãi mãi ra đi. Một con số thống kê đầy đau lòng mà dịch Covid-19 đã gây ra cho toàn thể đồng bào. Trước những cái chết “cô đơn” khi không có người thân bên cạnh, tối 19/11, hưởng ứng lời kêu gọi cùng tắt đèn, thắp nến để tưởng niệm những người đã mất vì dịch bệnh, nhiều khu phố, con hẻm tại thành phố đã cùng nhau dành những phút mặc niệm để cầu nguyện cho những người ra đi.
Hình ảnh hẻm 307 đường Bàu Cát, người dân cùng nhau tắt đèn, thắp nến tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19 tối 19/11 khiến nhiều người xúc động
Trong số đó, hình ảnh một con hẻm dài khoảng 300m tại Sài Gòn tắt đèn, đặt những chiếc ghế nhựa ở giữa lối đi, bên trên có nến thắp sáng và hoa, người dân đứng 2 bên đường cùng chắp tay cầu nguyện kèm theo dòng trạng thái: “Nơi tôi ở, tưởng niệm đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19, trong đó có ba mẹ tôi…” khiến cộng đồng mạng “rưng rưng” nước mắt.
Chút ấm áp cho người đã ra đi
Ông Văn Bá Quốc (53 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố 19, khu phố 6, phường 12, quận Tân Bình bất ngờ khi những hình ảnh tại con hẻm được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ.
Tổ trưởng tổ 19, khu phố 6, phường 12, quận Tân Bình xúc động khi nhắc đến buổi tưởng niệm những người đã nằm xuống vì đại dịch
Hớp ngụm trà, chú Quốc trầm ngâm nói: “Chú thấy vui lắm vì sự đoàn kết của tổ mình đã làm được một điều nho nhỏ dành cho những người đã ra đi, mong cho họ được về nơi chín suối an lành. Trong lúc họ mất, có ai tới thắp nhang được đâu, vì vậy họ ra đi cũng cô đơn lắm. Nhân dịp thành phố phát động tối 19/11 tắt đèn, thế là cả tổ bàn nhau, cùng đồng lòng thực hiện. 20h30 tất cả đều cầu nguyện cho những người đã mất”.
Theo chú Quốc, tổ 19 có tất cả 52 hộ gia đình, trong đợt dịch vừa qua, 5 hộ gia đình nhiễm bệnh thì đã có 4 người mãi mãi ra đi. Để chuẩn bị cho buổi lễ tưởng niệm được đồng nhất, các chị em trong tổ đã mua nến, hoa và mượn ghế của một quán ăn gần đó. Dù chỉ có nến và hoa nhưng ai nấy đều dành hết sự trân trọng, gửi gắm những an lành, cúi đầu tưởng nhớ người đã ra đi.
Trong tổ 19 có 4 người đã ra đi, trong đó một gia đình có đến 2 người mất
“Việc tắt đèn như vậy rất thiêng liêng, ấm cúng để tưởng nhớ người đã mất. Đợt dịch vừa rồi thì nhà nào cũng F0, cách ly với nhau nên cũng không có đến chia sẻ sự mất mát cho những gia đình đó được, hôm đó được xem là một dịp để mọi người nghĩ đến nhau, an ủi phần nào những mất mát mà người dân trong tổ cũng như tất cả những gia đình có người đã nằm xuống vì Covid-19″, chú Quốc xúc động nói.
Ông bà ra đi đột ngột quá…!
Cách nhà chú Quốc vài chục mét, cô Trần Thị Lệ Thủy (49 tuổi) vẫn chưa thể nào quên sự ra đi đột ngột của ba mẹ mình. Mặc dù luôn cẩn trọng, tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch Covid-19 nhưng cả nhà không may mắc Covid-19, đau xót hơn, 2 người lớn tuổi nhất nhà đã không qua khỏi.
Cô Thủy xúc động khi nhắc đến sự ra đi đột ngột của ba mẹ
Đứng nép một góc trước bàn thờ của ba mẹ, cô Thủy rưng rưng nước mắt: “Lúc đó cứ thấy bà ngã lên ngã xuống hoài nên đưa bà đi bệnh viện, bà chữa âm tính xong về nhà 5 ngày sau thì mất. Còn ông thì đi sau bà 2 tuần. Sốc dữ lắm, cô không ngờ ông bà lại ra đi đột ngột như vậy”.
Theo cô Thủy, bình thường ông bà rất khỏe mạnh, tuy ông có bệnh lý nền về đường hô hấp nhưng rất minh mẫn. Ngày ông vào viện, ông còn xin con cháu cho về nhà thở oxy để xem đá bóng, nhưng rồi bệnh tình lại diễn tiến xấu, ông mất ở bệnh viện mà không có ai bên cạnh, chẳng nói được lời từ biệt nào với con cháu…
Hơn 1 năm trước, ông bà được Hội người cao tuổi của phường tổ chức lễ cưới vàng…, thế mà dịch bệnh đã cùng lúc khiến ông bà phải ra đi
“Bà mất thì mấy chị em trong nhà tổ chức được tang lễ cho bà, nhưng đến lượt ông chỉ nhận được hũ cốt mang về. Hôm tưởng niệm, cô đau lòng lắm vì trong đó có ba mẹ mình đã ra đi.
Cô chỉ biết chắp tay cầu nguyện, mong ông bà được siêu sanh về nơi cực lạc. Xóm làng mọi người ai cũng cầu nguyện để ông bà và những người đã mất để an ủi phần nào, làm cho ông bà ấm cúng hơn ở bên kia thế giới. Giờ cô chỉ hi vọng tất cả mọi người bình an chứ nhiễm vô bệnh này khổ lắm, đau lòng lắm vì chỉ có một mình ở bên, có gì ăn đó chứ không có ai bên cạnh, cô đơn lạnh lẽo”, cô Thủy rớt nước mắt.
Bà mất được 2 tuần thì đến lượt ông ra đi, nỗi đau nối tiếp nhau khiến gia đình cô Thủy chết lặng
Bài thơ ông làm tặng bà, mỗi khi đọc lại, cô Thủy không cầm được nước mắt
Cùng nỗi đau mất đi người thân trong cơn đại dịch Covid-19, chị Dương Thị Hải chết lặng khi người anh ruột của mình đã mãi mãi ra đi trong sự cô quạnh.
3 tiếng, chỉ sau 3 tiếng vào bệnh viện, người anh ruột của chị Hải đã không qua khỏi.
“Ảnh bị bệnh tâm thần nhưng biết hết, đến khi đưa vào bệnh viện được 3 tiếng thì ảnh mất. Phải chi ở nhà có người đứng ra chăm sóc cho ảnh, đằng này ai cũng bị nhiễm, ông thì lớn tuổi nên đi bệnh viện trước, một mình ảnh không chăm sóc, lo cho mình được…
Dịch bệnh thì đâu có ai qua lại được đâu, ảnh đi bệnh viện rồi chỉ còn hủ tro cốt để mang về thôi”, chị Hải xúc động.
Chị Hải kể về sự ra đi đột ngột của người anh trai
Trước việc tổ dân phố thắp nến tưởng niệm những người đã mất, chị Hải cho biết phần nào đó gia đình cảm thấy được an ủi. Trải qua nỗi đau mất đi người thân, chị Hải hi vọng rằng mọi người sẽ cố gắng ý thức hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, đừng để bất kỳ ai lại phải ra đi vì đại dịch, đặc biệt là những người lớn tuổi, có bệnh nền.
Người cha già nhìn lên bàn thờ của đứa con trai, đau xót… dù nhiễm Covid-19 nhưng được đưa đến BV kịp thời nên cha của chị Hải may mắn giữ được mạng sống, hồi phục để quay trở về nhà
“Cầu mong đại dịch sớm đi qua để bà con làm ăn, trở lại bình thường mới, không còn những người mất mát như vậy nữa. Mọi người cùng nhau cố gắng, ai cũng có công ăn việc làm để đất nước dần dần phục hồi trở lại”, chị Hải tâm sự.
Buổi lễ tưởng niệm tối 19/11 được diễn ra trong không khí trang nghiêm, ai nấy đều cầu nguyện cho những người đã mất được thanh thản nơi suối vàng. Dịch Covid-19 đã để lại quá nhiều đau thương, mong một ngày sớm nhất, Việt Nam sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, không còn bất cứ đau thương, mất mát nào xảy ra nữa, tất cả mọi người, mọi gia đình đều được bình an!
Clip: Câu chuyện đằng sau đoạn video hẻm 307 Bàu Cát chuẩn bị lễ tưởng niệm các nạn nhân mất vì Covid-19
Trên chuyến tàu đặc biệt chạy 'một mạch' từ TP.HCM về Hà Tĩnh
Tối 24-7, chuyến tàu mang số hiệu SE14 đã xuất phát tại ga Sài Gòn mang theo hàng trăm hành khách đặc biệt.
Họ là những người dân Hà Tĩnh đang mắc kẹt lại TP.HCM do dịch bệnh, nay được hỗ trợ về quê, nhiều người không giấu được sự vui mừng.
Bên trong chuyến tàu đặc biệt chạy một mạch từ Sài Gòn về Hà Tĩnh - Ảnh: CHÂU TUẤN
20h45, loa phát thanh thông báo chuyến tàu bắt đầu khởi hành, đoàn tàu gióng lên một hồi còi rồi lăn bánh. Trước đó từ chiều, hàng trăm người dân Hà Tĩnh đang sống và làm việc tại TP.HCM đã đến ga tàu chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt này.
Với lỉnh kỉnh hành lý, đồ đạc và trong trang phục đặc biệt - đồ bảo hộ. Nhiều người dân bày tỏ không ngờ có một ngày họ lại có một chuyến đi đầy cảm xúc như thế này. Cả sân ga phủ bởi một màu xanh lam đồ bảo hộ, đây là trang phục người dân tự trang bị cho mình để đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online , chị Duyên cho biết chị mất việc đã ba tháng và cố bám trụ lại thành phố để tìm công việc mới, nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp nên vẫn ở nhà. Sau khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 16 thì chị và gia đình không thể về quê nữa do tàu xe đã ngừng chạy.
"Chuyến đi này gia đình tôi có 2 bé nhỏ và 3 người lớn. Tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ miễn phí chúng tôi hoàn toàn chi phí đi lại. Tôi rất mừng, tình hình dịch bệnh căng quá nên cũng lo sợ nhiều. Nay về quê thực hiện cách ly rồi về nhà sẽ an tâm hơn nhiều", chị Duyên nói.
Kéo vali đi vội để tìm toa tàu trên vé, anh Hữu cho biết anh làm lao động bên ngành xây dựng. Do TP.HCM dừng hết các hoạt động xây dựng nên anh thất nghiệp hơn tháng nay. Nay nghe tin UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ người dân nên đã đăng ký thông qua Hội đồng hương tại TP.HCM.
"Vui lắm, mình về quê vẫn an tâm hơn anh ạ. Ở đây không đi làm được, nhưng nhiều chi phí phát sinh không biết xoay xở sao. Về quê dù sao có họ hàng, xóm giềng giúp đỡ nhau vẫn đỡ hơn. Tình hình dịch bệnh vầy chưa biết khi nào ổn để làm việc lại", anh Hữu chia sẻ với phóng viên.
Theo Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa khoảng 3.000 công dân từ TP.HCM trở về địa phương, công ty đã lập các đoàn tàu chuyên biệt để đảm bảo an toàn phòng dịch và tạo thuận lợi cho địa phương.
Chuyến tàu đầu tiên giúp bà con Hà Tĩnh có nhu cầu trở về quê hương trước bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam đang trải qua diễn biến dịch bệnh phức tạp mang số hiệu SE14 sẽ xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 20h45 ngày 24-7. Đoàn tàu dự kiến đến ga Yên Trung lúc 5h ngày 26-7.
Đặc biệt, đoàn tàu SE14 không đón, trả khách tại các ga dọc đường và được nhân viên trên tàu phục vụ ăn uống tận nơi. Đối với hành khách đi tàu, cần khai báo y tế và phải có giấy xét nghiệm âm tính.
Hành khách sau khi về đến ga Yên Trung sẽ được tỉnh Hà Tĩnh đưa đi cách ly tập trung. Sau chuyến tàu đầu tiên này, công ty sẽ phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức thêm các chuyến tàu khác đưa các công dân còn lại của tỉnh có nhu cầu về địa phương.
Chị Duyên về quê sau nhiều tháng bám trụ lại TP.HCM tìm công việc - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sát khuẩn cho nhau khi đi tàu - Ảnh: CHÂU TUẤN
Một em bé trên chuyến tàu đặc biệt - Ảnh: CHÂU TUẤN
Em bé 6 tháng tuổi được trang bị khẩu trang và tấm che bắn giọt - Ảnh: CHÂU TUẤN
Một bé trai ngủ thiếp trước giờ tàu lăn bánh - Ảnh: CHÂU TUẤN
Một bác gái mong ngóng giờ tàu lăn bánh - Ảnh: LÊ PHAN
Chuyến tàu đầu tiên sẽ ưu tiên cho các gia đình có con nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người khuyết tật và người đang thất nghiệp - Ảnh: LÊ PHAN
Người dân trang bị bảo hộ cho mình để an toàn trong chuyến đi - Ảnh: LÊ PHAN
Làm thủ tục, kiểm tra giấy xét nghiệm tại cửa ra vào ga tàu - Ảnh: LÊ PHAN
Lỉnh kỉnh hành lý và đồ ăn vặt đi đường - Ảnh: LÊ PHAN
Thành viên Hội đồng hương Hà Tĩnh hướng dẫn người dân vào làm thủ tục - Ảnh: LÊ PHAN
Sinh viên Y dược học Cổ truyền vào TP HCM chống dịch 11 cán bộ, giảng viên và 228 sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam (Hà Nội) lên đường vào TP HCM trong ba đợt, từ 21 đến 23/7. Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Bí thư Đoàn trường, Trưởng khoa Nội Nhi, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, làm Trưởng đoàn công tác lần này. Thầy Tuấn cho biết, sáng nay 70...