Đằng sau “bóng ma” doanh nghiệp FDI bỏ trốn
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến hết tháng 5/2013, cả nước có 518 doanh nghiệp (DN) FDI vắng chủ với tổng vốn đăng ký hơn 900 triệu USD. Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tồn tại nhiều bất cập như vốn ảo lớn, dự án tiến độ rùa bò, DN bỏ trốn. Cách nào giải quyết thực trạng này?
Bài 1: Ông chủ ra đi, nợ ở lại
Ông chủ DN FDI bất ngờ bỏ trốn khiến người lao động bơ vơ, để lại khoản nợ khổng lồ cho cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội… Sở KH&ĐT các tỉnh liên tục gửi “trát” tìm nhà đầu tư nước ngoài để làm thủ tục thu hồi giấy phép. Điển hình như tỉnh Đồng Nai đang làm thủ tục thu hồi 26 dự án, năm 2015 đã thu hồi giấy phép 37 dự án.
Bỗng dưng mất tích
Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về DN FDI bỏ trốn, bỏ lại số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), đại diện Bảo hiểm xã hội huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) hướng dẫn tới tìm hiểu Cty TNHH Sina Imtech đăng ký hoạt động tại xã Ngọc Lâm (Mỹ Hào, Hưng Yên).
Công ty có gần 300 lao động, thuê mặt bằng, nhà xưởng tại Công ty Hưng Thành (Ngọc Lâm, Mỹ Hào, Hưng Yên). Vào tháng 12/2013, khi công nhân đến làm việc, kho xưởng khóa kín cửa. Người lao động tìm mọi cách liên lạc với ban giám đốc nhưng không được. Lúc này cả cơ quan chức năng và người lao động “té ngửa” vì chủ DN đã bỏ trốn.
“Cty Sina Imtech chủ yếu sản xuất thiết bị điện tử như pin, sạc điện thoại. Giám đốc bỏ trốn, ngân hàng thì siết nợ máy móc. Khi tham gia niêm phong, tôi thấy toàn máy cũ, lạc hậu. Cty Hưng Thành đòi mặt bằng, nên số máy đó ngân hàng phải chuyển đi thanh lý. Công nhân bị nợ lương cũng đành chịu”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng Công an xã Ngọc Lâm kể lại.
Công nhân ghi thông tin sổ BHXH trước cổng Cty TNHH Gmie (Bắc Ninh). Ảnh: T.T.
Video đang HOT
Ngoài người lao động, Cty Hưng Thành cũng mất số tiền thuê mặt bằng gần 2 năm chưa thanh toán của Sina Imtech. “Số tiền thuê mặt bằng chúng tôi bị quỵt khá lớn nhưng cũng không biết kêu ai vì có kêu cũng không xử lý được. Khi họ bỏ trốn, hoá ra giám đốc cũng là đi thuê. Kêu nhiều lại mất uy tín của công ty mình”, đại diện Cty Hưng Thành nói.
Theo thống kê của BHXH Mỹ Hào, đến nay Sina Imtech nợ hơn 620 triệu đồng. Sau khi công ty đóng cửa, công nhân nhiều lần tìm đến xin giải quyết nhận lại sổ bảo hiểm để nộp vào công ty mới nhưng không thể giải quyết.
“Đúng quy định, khi công ty quyết toán hết số nợ BHXH, chúng tôi mới chốt sổ và trao trả cho người lao động. Đến nay, giám đốc công ty bỏ trốn, sổ bảo hiểm cũng thất lạc, không biết ai đang cầm. Không có sổ, và còn nợ tiền nên chúng tôi không thể chốt sổ cho người lao động”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc BHXH huyện Mỹ Hào, cho biết.
Ráo riết tìm nhà đầu tư bỏ trốn
Trên đây chỉ là một số trong nhiều vụ việc DN FDI dừng hoạt động, bỏ trốn khiến người lao động bơ vơ. Như Cty TNHH Gmie (Bắc Ninh) ngừng hoạt động vào tháng 6/2015 khiến gần 440 công nhân bị đẩy ra đường. Cty TNHH Tsoca ViNa (khu công nghiệp Biên Hoà 2); Cty TNHH Kỹ nghệ J&V (khu công nghiệp dệt may Nhơn Trạch)… nợ bảo hiểm 500-600 triệu đồng.
“Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý đầu tư, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, UBND các tỉnh chắc chắn hạn chế và chấm dứt tình trạng DN bỏ trốn. Từ đó không còn cảnh người lao động bơ vơ, cơ quan chức năng mỏi mắt tìm nhà đầu tư”. Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài
“Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến hết tháng 5/2013, cả nước có 518 DN FDI vắng chủ, với tổng vốn đăng ký hơn 900 triệu USD. Con số DN FDI bỏ trốn ở các địa phương qua các năm đều có nhưng từ 2013 đến nay chưa có tổng hợp chung gửi về Bộ KH&ĐT. Hai năm gần đây, các sở KH&ĐT liên tục thu hồi giấy phép đầu tư của dự án bỏ trốn, cho thấy sự quyết liệt, giải quyết xoá bỏ dự án không hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết.
Theo quy định, sau 90 ngày kể từ khi đăng tải thông tin, nhà đầu tư không liên lạc, sở KH&ĐT các tỉnh sẽ làm thủ tục chấm dứt dự án theo quy định. Để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, các sở KH&ĐT khá mạnh tay chấm dứt dự án FDI ngưng hoạt động hoặc giải ngân chậm, không hiệu quả.
Tại Đồng Nai, đến 8/2016 còn 26 dự án FDI ngưng hoạt động với tổng số vốn 133 triệu USD. Trong đó chỉ có 2 dự án chưa giải ngân vốn, còn lại 24 dự án đã giải ngân một phần vốn đăng ký. Trước đó, vào cuối năm 2015, tỉnh này cũng thu hồi hơn 37 dự án FDI. Trong đó có 22 dự án vắng chủ, phần lớn các dự án đã ngưng hoạt động trên 5 năm.
Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai cho biết, hiện có 2 nơi quản lý DN FDI là Ban quản lý các khu công nghiệp và Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai. Một số DN do điều kiện kinh doanh thua lỗ, gặp khó khăn về vốn, điều kiện bất lợi nên đành chấm dứt hoạt động. Với DN bỏ trốn, sở liên lạc với lãnh sự quán, đề nghị họ can thiệp tìm nhà đầu tư. Nếu không tìm được sẽ xử lý theo đúng luật của Việt Nam.
“Với các dự án FDI không triển khai hoặc triển khai chậm, sở kiên quyết xử lý theo Luật Đầu tư, nhường cơ hội cho nhà đầu tư khác. Hạn chế thấp nhất số nhà đầu tư chiếm chỗ”, ông Dũng cho biết.
“Trát” tìm người liên tiếp được sở KH&ĐT các tỉnh phát đi. Mới nhất, Sở KH&ĐT Hưng Yên thông báo tìm nhà đầu tư Dos-Tex Việt Nam (Tây Ban Nha) làm thủ tục chấm dứt dự án (Cty này được cấp chứng nhận đầu tư năm 2009, tháng 11/2011, ngừng hoạt động và không còn khả năng trả nợ). 5 năm qua, chủ đầu tư cũng “biến mất”. Hay Sở KH&ĐT Hải Phòng vừa công bố tìm chủ đầu tư của hàng loạt dự án FDI như Cty TNHH Vinabel (Bỉ); Nhà máy Fiber Goods (Hàn Quốc)…
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Cuộc đua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
Việc Việt Nam là thành viên của AEC đã tạo đà cho một cuộc đua mới trong hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị trong các thương vụ Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) với quy mô tỷ USD, việc đàm phán thành công TPP và hình thành Khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) của Việt Nam đã tạo ra một không gian kinh tế mở. Một cuộc đua mới thực sự đã bắt đầu của M&A tại Việt Nam.
Cộng động kinh tế ASEAN tạo cơ hội cho cuộc đua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Xác lập mốc kỷ lục mới
Theo Nhóm nghiên cứu MAF (bao gồm những chuyên gia nghiên cứu độc lập đến từ IMAA, Diễn đàn M&A Việt Nam, VNU và một số tổ chức tư vấn M&A tại Việt Nam), số lượng các giao dịch và giá trị thương vụ M&A được ghi nhận trên toàn thế giới đạt mức kỷ lục trong năm 2015. Khối lượng các thương vụ M&A trên toàn thế giới đã tăng 4%, từ con số 31.963 trong năm 2014 tăng lên 33.365 thương vụ vào năm 2015.
Tại Việt Nam, hoạt động M&A năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Đặc biệt, chỉ tính riêng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo một năm sôi động cho các giao dịch M&A tại Việt Nam. Với đà tăng tốc của M&A, nhiều chuyên gia dự báo trong năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam có thể đạt mốc 6 tỷ USD đồng thời xác lập một mốc mới.
Đạt được những con số ấn tượng trên, ngoài ảnh hưởng của xu hướng M&A thế giới và khu vực, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực mà nổi bật là Thái Lan, Singapore và Nhật Bản. Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản và việc kỳ vọng Việt Nam gia nhập TPP và thành viên của AEC cũng là một yếu tố quan trọng. Đặc biệt, cuối năm 2015 và đầu 2016 là khởi đầu của một nhiệm kỳ mới cùng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ về quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải cách một số luật lệ liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, môi trường vĩ mô ổn định đã tố thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A.
Hình thành 6 xu hướng
Từ những bứt phá trong M&A, MAF nhận định thị trường M&A đã xuất hiện 6 xu hướng chính. Cụ thể, ở lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng xuất hiện những thương vụ tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân như thương vụ Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,140 tỷ USD; Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark tuy không được tiết lộ giá trị nhưng theo giới chuyên môn, đây cũng là một thương vụ có giá trị lớn. Bên cạnh đó, thương vụ tỷ đô khác đó là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery... Các khối ngoại chiếm ưu thế trên thị trường với các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore và Nhật Bản, trong đó đáng chú ý là xu hướng các tập đoàn quốc tế mua lại các khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư.
Với xu hướng này, các quỹ đầu tư và các tổ chức trung gian đang đóng vai trò là xúc tác cho các thương vụ. Điển hình như thương vụ mua lại của Domesco năm 2014 và mới đây, công bố thương vụ Công ty Taisho của Nhật Bản mua lại các khoản đầu tư để chiếm 24% cổ phần của Dược Hậu Giang. Các công ty mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao có thể là những đối tượng cho các thương vụ M&A lớn trong tương lai như Dược Hậu Giang, Vinamilk, Traphaco...
Đặc biệt, xu hướng khởi nghiệp được xác định là tiềm năng cho các thương vụ M&A. Bởi lẽ, chưa năm nào hai từ "Khởi nghiệp" và "Start-Up" được nhắc đến nhiều như năm 2015 và nửa đầu năm 2016 tại Việt Nam. Thống kê của Topica Founder Institute cho thấy, số lượng các doanh nghiệp Start-up được đầu tư cũng tăng 2,4 lần, từ 28 doanh nghiệp năm 2014 lên đến 67 doanh nghiệp năm 2015. Bên cạnh đó, các thương vụ liên quan đến tài chính ngân hàng, cổ phần hóa, bất động sản đang là xu hướng hứa hẹn những thương vụ M&A lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh những xu hướng mới, việc Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP và là thành viên của AEC đã tạo ra một không gian kinh tế mở, tạo đà cho một cuộc đua mới thực sự đã bắt đầu của hoạt động M&A. Theo đó, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng bao gồm hạ tầng cảng biển và hàng không, vật liệu có thể sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Những thương vụ lớn sẽ tiếp tục lộ diện dần trong những năm tới, không chỉ ở bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng mà mở rộng ra viễn thông, cơ sở hạ tầng - năng lượng và công nghiệp - vật liệu. Thị trường có thể trông đợi các thương vụ phát hành riêng lẻ để chọn đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, những thương vụ chuyển nhượng liên quan đến các dự án đầu tư nước ngoài có thể sẽ đóng góp nhiều hơn vào bức tranh M&A tại Việt Nam./.
Bùi Cư
Theo_VOV
Siết chặt tiêu chí liên quan môi trường Có lẽ chưa bao giờ vấn đề môi trường, nhất là hậu quả do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi - gây ra, lại được đề cập và phân tích nhiều như hiện tại. Thực tế cho thấy, đã đến lúc siết chặt các tiêu chí, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong...