Đang “quay cuồng” chống Covid-19, các bệnh viện châu Âu lại đối mặt mối nguy cận kề
9 bệnh viện hàng đầu châu Âu thông báo rằng, họ sắp hết các loại thuốc thiết yếu nhất để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, đặc biệt là các bệnh nhân có biểu hiện nặng và đang được chăm sóc đặc biệt.
Tình trạng thiếu thuốc điều trị xảy ra trong bối cảnh các bệnh viện tại châu Âu đều rơi vào quá tải do số bệnh nhân nhập viện gia tăng mỗi ngày.
Liên minh Bệnh viện Đại học châu Âu (EUHA) cho biết, nếu không có sự can thiệp kịp thời, các bệnh viện tại châu Âu sẽ hết thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần nữa.
EUHA kêu gọi các quốc gia châu Âu nhanh chóng chung tay hợp tác để đảm bảo nguồn cung thuốc ổn định cho các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 toàn châu lục.
Nếu không có sự vào cuộc sớm, y bác sĩ tại các bệnh viện không thể tiếp tục duy trì hoạt động của những Đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) đang điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nặng vì hết thuốc.
Các bác sĩ đang động viên lẫn nhau trong dịch Covid-19 (ảnh: AP)
EUHA đã gửi thông báo của mình đến chính phủ của các quốc gia toàn châu Âu với nội dung rằng, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, trên cả nhu cầu bổ sung vật tư y tế và máy thở của các bệnh viện là thuốc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus.
Các loại thuốc điều trị Covid-19 sẽ hết trong vòng 2 ngày tới ở những bệnh viện có nhiều bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt và ở những nơi khác là trong vòng 2 tuần.
Tuần trước, cơ quan dược phẩm quốc gia Italia đã cảnh báo rằng sự tăng vọt của bệnh nhân tại các cơ sở điều trị đang làm cạn kiệt nguồn cung về thuốc. Để phân phối hợp lý hơn, cơ quan này đã lập một trang web để nhận thông báo về bất cứ bệnh viện nào đang gặp khó khăn về thuốc điều trị cho người nhiễm Covid-19.
Sự thiếu hụt nghiêm trọng các loại thuốc điều trị đã buộc một số bệnh viện tại châu Âu phải tự mua các loại thuốc khác để bù vào hoặc giảm liều lượng thuốc cho bệnh nhân.
“Rất đáng lo ngại khi các y bác sĩ vừa phải làm việc quá sức vừa phải cố gắng phân chia số thuốc điều trị ít ỏi còn lại. Họ chưa có kinh nghiệm để sử dụng các loại thuốc mới và liều lượng khác so với những gì từng được đào tạo trước đó”, EUHA quan ngại.
Nhân viên y tế tại Mỹ nghỉ ngơi sau khi đi phun thuốc khử trùng (ảnh: NY Times)
EUHA cho biết, một số quốc gia đang giải quyết sự thiếu hụt thuốc điều trị Covid-19 bằng cách từ chối xuất khẩu thuốc cho những nước khác. Điều này sẽ ngăn nguồn cung thuốc đến với những bệnh viện đang cần nhất. EUHA khuyến cáo, việc hợp tác của các quốc gia châu Âu trong đại dịch này sẽ mang tính quyết định sống còn.
Video đang HOT
Tuần trước, WHO đã kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới cùng chung tay chống dịch Covid-19 bằng cách đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng vật tư y tế toàn cầu, từ nhập nguyên liệu thô đến sản xuất, phân phối và giao hàng.
“Thế giới chưa sẵn sàng cho một đại dịch. Chúng ta không có nguồn dự trữ”, ông Mike Ryan – Giám đốc điều hành WHO, phát biểu.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Vì sao hệ thống bệnh viện bậc nhất thế giới của châu Âu "thất thủ" trước Covid-19?
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều bệnh viện rơi vào quá tải và hàng chục nghìn người tử vong vì Covid-19 tại châu Âu, một nghịch lý đáng ngạc nhiên được phơi bày: Hệ thống y tế được đánh giá là tốt nhất thế giới dường như đang "bất lực" trước dịch bệnh.
Các chuyên gia cho rằng, hệ thống bệnh viện ở châu Âu thiếu kinh nghiệm nhưng đã quá tự tin trước dịch bệnh. Đây là một phần nguyên nhân khiến dịch Covid-19 trở thành thảm họa tại châu Âu.
"Nếu bạn bị ung thư, chắc hẳn bạn sẽ muốn được điều trị tại một bệnh viện ở châu Âu. Tuy nhiên, khoảng 100 năm trở lại đây, châu Âu chưa từng trải qua một đại dịch nào, vì vậy, họ không biết phải xử lý tình trạng này ra sao", ông Brice de le Vingne, người đứng đầu các hoạt động chống Covid-19 thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới Bỉ, cho biết.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ trích một số nước châu Âu làm lỡ mất cơ hội ngăn dịch bệnh bùng phát. WHO cho rằng, các nước đáng lẽ phải phản ứng mạnh mẽ hơn từ 2 tháng trước, bao gồm việc mở rộng xét nghiệm và kiểm soát nguồn lây lan chặt chẽ hơn.
Hầu hết các bệnh viện tại những nước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 đều đã quá tải (ảnh: AP)
Ông De le Vingne và các chuyên gia khác cho rằng, cách tiếp cận ứng phó với dịch bệnh của châu Âu ban đầu quá lỏng lẻo. Các nước châu Âu đã không coi trọng những biện pháp cơ bản nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như truy vết người tiếp xúc bệnh nhân hay xác định nguồn lây lan.
Trong khi Covid-19 đang bùng phát, Trung Quốc đã sử dụng một đội ngũ khoảng 9.000 nhân viên y tế truy tìm những người đã tiếp xúc với bệnh nhân ở Vũ Hán mỗi ngày.
Tuy nhiên ở Italia, trong một số trường hợp, giới chức y tế đã để mặc cho bệnh nhân tự thông báo việc bị nhiễm Covid-19 với người họ có thể đã tiếp xúc và chỉ dùng điện thoại để theo dõi người bệnh.
Ở Tây Ban Nha và Anh, giới chức y tế từ chối bình luận họ có bao nhiêu nhân viên y tế phụ trách việc truy vết tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm virus.
Một bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải điều trị bằng máy thở (ảnh: AP)
"Tại Anh, chúng tôi rất giỏi trong việc theo dõi liên lạc, nhưng vấn đề là chúng tôi đã không làm điều đó một cách đúng mức", tiến sĩ Bharat Pankhania, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Exeter (Anh), cho biết.
Khi số ca nhiễm virus bắt đầu gia tăng ở Anh hồi đầu tháng 3, ông Pankhania và các chuyên gia đã đề nghị chính phủ biến các trung tâm điện thoại chăm sóc khách hàng thành trung tâm liên lạc với bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, điều này không được chấp nhận. Ông Pankhania gọi đó là "cơ hội đã bị bỏ phí".
Ông Pankhania cho rằng, mặc dù Anh có nhiều chuyên gia trong điều trị các bệnh nhân nặng về hô hấp, như viêm phổi nặng, tuy nhiên, các bệnh viện ở đây lại có quá ít giường bệnh trong khi các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh.
"Chúng tôi đã phải hoạt động hết công suất. Hơn nữa, dịch bệnh xuất hiện đúng vào thời điểm chúng tôi không có bất kỳ sự chuẩn bị nào", ông Pankhania cho biết và nói thêm rằng, tình trạng cắt giảm giường bệnh đã diễn ra nhiều năm qua ở Anh.
Ở những quốc gia châu Âu khác, dịch Covid-19 cũng làm lộ ra thực tế rằng, hệ thống y tế và giới chức y tế tại đây có rất ít kinh nghiệm trong việc đối phó với một đại dịch.
"Các bác sĩ tại châu Âu rất đau khổ và có lẽ họ chưa từng phải trải qua việc đưa ra quyết định rằng bệnh nhân nào có thể được nhập viện hoặc không. Họ thiếu kinh nghiệm còn dịch bệnh thì quá áp đảo", ông Robert Dingwall, chuyên gia nghiên cứu hệ thống y tế đến từ Đại học Nottingham Trent (Anh), cho biết.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng xung quanh một khu phố tại Italia (ảnh: AP)
Thông thường, các quốc gia châu Âu là những nhà viện trợ khi dịch bệnh bùng phát ở những nước kém phát triển hơn. Nhưng giờ đây, Italia, Pháp và Tây Ban Nha đều đang phải nhận viện trợ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế.
Tiến sĩ Chiara Lepora, người đứng đầu nhóm Bác sĩ không biên giới tại tâm dịch Covid-19 ở Lombardy, Italia, cho rằng, dịch bệnh này đã cho thấy một số vấn đề nghiêm trọng ở các quốc gia phát triển.
"Các bệnh viện tại châu Âu không thể chủ động chiến đấu với dịch bệnh bùng phát mà chỉ có thể giải quyết được hậu quả của dịch bệnh. Hệ thống y tế của châu Âu được xây dựng với nguyên tắc trung tâm là chăm sóc cho từng bệnh nhân, tuy nhiên, trước một đại dịch, sức khỏe của toàn bộ cộng đồng nên được đặt lên hàng đầu", bà Lepora nhận định.
Mô hình chăm sóc cộng đồng thường được thấy ở các quốc gia châu Phi hoặc một số nước châu Á, nơi bệnh viện chỉ dành cho những người có triệu chứng nặng. Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được cách ly hoặc điều trị tại các cơ sở tuyến dưới hoặc các bệnh viện dã chiến.
Cảnh sát tại Tây Ban Nha sử dụng máy bay không người lái để theo dõi những người vi phạm lệnh hạn chế tiếp xúc (ảnh: AP)
Tại châu Âu, mạng lưới bác sĩ gia đình rất phát triển, nhưng không đủ để điều trị cho quá nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong khi đó, vấn đề này có thể được giải quyết dễ dàng hơn với sự tham gia của đội ngũ bác sĩ quân y - những người có thể ít được đào tạo chuyên sâu nhưng lại hiệu quả hơn trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Một số chuyên gia cho rằng, các bệnh viện tại châu Âu đã tính toán sai lầm về khả năng đối phó với Covid-19.
"Đây là một dịch bệnh mới và tốc độ lây lan của nó ít người có thể ngờ tới. Các bệnh viện ở châu Âu đang bị quá tải giống như tình trạng ở Tây Phi trong giai đoạn bùng phát dịch Ebola. Tình trạng xảy ra ở các nước giàu có với nguồn lực y tế dồi dào như vậy rất đáng quan ngại", bác sĩ Stacey Mearns thuộc Ủy ban Cứu trợ Quốc tế cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
'Đã 100 năm châu Âu không gặp đại dịch nào, nên họ không biết làm gì' Châu Âu tự hào có hệ thống y tế tốt nhất thế giới, nhưng nó không được thiết kế để đáp ứng những cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu như đại dịch Covid-19. Các bệnh viện ở châu Âu đang trở nên quá tải với hàng chục nghìn bệnh nhân nhiễm Covid-19 và cuộc khủng hoảng đã phơi bày một nghịch lý...