Đăng ký lên tới vài nghìn tỷ, các doanh nghiệp thực sự đã chi bao nhiêu tiền mua cổ phiếu quỹ?
Chỉ mấy tháng vừa qua, các doanh nghiệp đã dùng kênh cổ phiếu quỹ để đổ lượng lớn tiền mặt vào thị trường chứng khoán.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, đến nhiều vấn đề trong cuộc sống và cả thị trường chứng khoán. Rất nhiều mã chứng khoán đã giảm sâu từ những ngày đầu năm.
Để ổn định thị trường, các doanh nghiệp đã quăng ra nhiều chiếc phao cứu sinh – đó là việc các lãnh đạo, người thân cùng chi lượng lớn tiền mặt mua cổ phiếu, đó là việc các doanh nghiệp chi trả cổ tức dù tình hình vẫn đang rất khó khăn, và cả việc các doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu quỹ để bình ổn giá, gia tăng giá trị cho cổ đông.
Các chỉ số VN-Index và HNX-Index trong 6 tháng gần đây.
Các doanh nghiệp chọn kênh “cổ phiếu quỹ” để rót tiền vào thị trường
Việc các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ không còn lạ. Phần lớn các doanh nghiệp dùng “chiêu” này khi giá cổ phiếu xuống thấp. Đây là động thái trấn an nhà đầu tư, bình ổn giá và gia tăng giá trị cổ phiếu. Đây cũng là cách các doanh nghiệp tránh tình trạng bị thâu tóm khi thị giá xuống quá thấp. Một số trường hợp đặc biệt, các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ để đến thời điểm thích hợp sẽ chia thưởng cho cổ đông, lãnh đạo công ty…
Một điểm đặc biệt của việc mua cổ phiếu quỹ, là từ khi công bố thông tin, hoàn thiện hồ sơ thủ tục đến khi chính thức mua là một khoảng thời gian dài. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa giai đoạn ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, trước đó lãnh đạo UBCKNN đã công bố sẽ rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ để các doanh nghiệp nhanh chóng được mua cổ phiếu quỹ như đăng ký.
Theo “hứa hẹn” đã có xấp xỉ 30 doanh nghiệp công bố thông tin sẽ thực hiện mua cổ phiếu quỹ trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay với tổng số tiền ước tính đổ vào thị trường hơn 6.500 tỷ đồng. Đây cũng chính là một trong những động lực kích cầu thị trường thời gian vừa qua, khiến giá cổ phiếu ổn định, tăng trở lại, chỉ số VnIndex cũng ngược dòng quay lại, đạt trên 859 điểm vào hôm qua 26/5/2020.
Lịch sử cho thấy, việc các doanh nghiệp công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ, cho đến kết quả mua là quãng thời gian dài, và lượng cổ phiếu được mua có khi không được như mong đợi. Tuy vậy, giai đoạn vừa qua, thống kê cho thấy, đã nhiều doanh nghiệp thực hiện việc mua cổ phiếu quỹ và đã báo cáo kết quả sau thời gian công bố.
Loạt doanh nghiệp mua đủ lượng cổ phiếu quỹ đăng ký
Video đang HOT
TPBank (TPB) hoàn tất mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký trước đó, với giá thấp nhất 21.300 đồng/cổ phiếu và cao nhất 22.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng ngân hàng này đã chi khoảng 220 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ đợt vừa qua.
CII chi hơn 175 tỷ đồng mua đủ 9 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký. Vicostone (VCS) cũng đã chi hơn 293 tỷ đồng để mua 4,8 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Hay như Thiên Long Group (TLG) chi hơn 46 tỷ đồng mua đủ 1,5 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký.
Còn nhiều doanh nghiệp chỉ mua được phần nhỏ so với lượng cổ phiếu quỹ đăng ký
Trong khi đó PAN Group (PAN) chỉ mua được hơn 7 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 21 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ mua thành công hơn 1/3 lượng mong muốn với tổng số tiền chi ra hơn 165 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc mua cổ phiếu quỹ của PAN Group đã giúp giá cổ phiếu công ty tăng mạnh dù kết quả kinh doanh quý 1 giảm sút. PAN đã từ vùng đáy của nhiều năm ở mức 17.100 đồng/cổ phiếu – tương ứng mức giảm khoảng 24% so với thời điểm đầu năm – lên 24.300 đồng/cổ phiếu, thậm chí còn tăng hơn 8% so với thời điểm đầu năm 2020. Trong khi đó quý 1/2020 PAN Group ghi nhận doanh thu giảm 18,8% xuống còn 1.292 tỷ đồng và LNST giảm 61% xuống còn hơn 14 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu PAN trong 6 tháng gần đây.
DIC Corp (DIG) chi 90 tỷ đồng mua được hơn 8 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 15 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó, đạt tỷ lệ hơn một nửa. Sợi Thế Kỷ (STK) mua được hơn 2,54 triệu cổ phiếu trong tổng số 5 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký mua. PVI thì đã chi 232 tỷ đồng mua gần 7,6 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số hơn 11,55 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó.
Thậm chí Đạt Phương (DPG) chỉ mua được 1,5 triệu cổ phiếu trong tổng số 15 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký mua trước đó. Và giá cổ phiếu DPG cũng chưa được cải thiện rõ rệt, vẫn còn giảm hơn 387% kể từ đầu năm 2020, hiện giao dịch quanh mức 24.300 đồng/cổ phiếu dù kết quả kinh doanh quý 1 của công ty rất thuận lợi với doanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ đạt 474 tỷ đồng và lợi nhuận gấp đôi lên 44 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu DPG trong 6 tháng gần đây.
Nhà Khang Điền (KDH) chi gần 420 tỷ đồng mua gần 20 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 27 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó. Hay Tập đoàn Thiên Quang (ITQ) mua được hơn 1,7 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 2,3 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký mua. Phú Tài (PTB) cũng đạt tỷ lệ mua được 83% trong tổng số 1,5 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký mua.
Diễn biến giá cổ phiếu KDH trong 6 tháng gần đây.
Số doanh nghiệp đã báo cáo kết quả mua cổ phiếu quỹ còn có Xếp dỡ Hải An (HAH), Hodeco (HDC), GTNfoods (GTN) nhưng số lượng mua được đều thấp hơn rất nhiều so với lượng cổ phiếu đăng ký.
Gần hai nghìn tỷ đồng vừa đổ vào thị trường qua kênh cổ phiếu quỹ
Theo thống kê, đã có khoảng 1.900 tỷ đồng tiền mặt đã đổ vào thị trường qua kênh cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian vừa qua. Và trong mấy ngày tới sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả mua cổ phiếu quỹ đã đăng ký trong giai đoạn cuối tháng 4 đến hết tháng 5.
Ước tính trong tháng 4, tháng 5 vừa qua thị trường chứng khoán đã “nhận” nhiều nghìn tỷ đồng từ kênh cổ phiếu quỹ.
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp “hứa hẹn” việc mua cổ phiếu quỹ
Trong danh sách các doanh nghiệp công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ đợt vừa qua vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố kết quả, thậm chí có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành thủ tục hồ sơ, chưa đăng ký mua chính thức.
Trong số các doanh nghiệp đã đăng ký mua có rất nhiều cái tên đáng chú ý như Gelex (GEX) đăng ký mua 29 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 23/4 đến 22/5/2020. Vinamilk (VNM) đăng ký mua 17,5 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 21/5 đến 20/6/2020.
Bên cạnh đó còn các doanh nghiệp khác như Thép Nam Kim (NKG) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 2/6 đến 30/6/2020.
Những doanh nghiệp đã công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ nhưng chưa đăng ký
Vẫn còn đó loạt doanh nghiệp dự kiến sẽ thông qua kênh cổ phiếu quỹ đổ tiền vào thị trường chứng khoán như Gemadept (GMD) đã thông qua phương án mua 25 triệu cổ phiếu quỹ, như Dabaco thông qua phương án mua 5 triệu cổ phiếu quỹ.
Những doanh nghiệp đã công bố phương án mua cổ phiếu quỹ còn có Nam Long (NLG) lên phương án mua 10 triệu cổ phiếu quỹ hay Dabaco (DBC), Cảng Đoạn Xá (DXP), Xây dựng Bưu điện (PTC), Fideco (FDC)… cũng đang xây dựng phương án mua cổ phiếu quỹ.
Những ngày sắp tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả thực hiện mua cổ phiếu quỹ trong thời gian vừa qua, có thêm nhiều doanh nghiệp chính thức đăng ký mua cổ phiếu quỹ…. Đây đều là những động thái rất tích cực để kích cầu thị trường, làm tăng giá cổ phiếu trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang bị tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19.
Hứa hẹn sẽ có thêm nhiều nghìn tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” đổ vào, thị trường chứng khoán hứa hẹn sẽ khởi sắc sau những ngày chìm trong sắc đỏ do tâm lý ảnh hưởng từ dịch bệnh. Phiên giao dịch hôm qua /5/2020 chỉ số VnIndex đã tăng 6,3 điểm, đóng cửa ở mức 859,04 điểm.
Thép Nam Kim đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ
Trước đó hàng loạt doanh nghiệp đã công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ với tổng số tiền ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.
CTCP Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) công bố thông tin về việc mua cổ phiếu quỹ. Theo đó, Thép Nam Kim đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và hoặc thỏa thuận từ 2/6 đến 30/6/2020.
Giá mua vào theo quy định, nguồn vốn mua vào lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019 và thặng dư vốn cổ phần trên BCTC riêng lẻ năm 2019 đã kiểm toán.
Kết quả kinh doanh, năm 2019 Thép Nam Kim đạt 12.176 tỷ đồng giảm 17,8% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn hơn 47 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019 Thép Nam Kim còn 356 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn 38 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, 35 tỷ đồng trong các quỹ khác thuộc chủ sở hữu và 766 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Thép Nam Kim đang ở giai đoạn bước ngoặt mới với việc xây dựng sự hợp tác với SMC - một đối tác trong ngành. Việc SMC liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu, và "người" của SMC về làm CEO của Thép Nam Kim cùng với việc cá nhân lãnh đạo này đang gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Thép Nam Kim càng cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 đơn vị này.
Trên thị trường, cổ phiếu NKG đã có lúc tăng mạnh lên xấp xỉ mệnh giá, đạt 9.900 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2020. Tuy nhiên sau đó, ảnh hưởng chung từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tới thị trường chứng khoán, cổ phiếu NKG đã giảm mạnh, có lúc xuống đến dưới 4.500 đồng/cổ phiếu trước khi phục hồi lại. Sau thông tin mua cổ phiếu quỹ hồi cuối tháng 4/2020, cổ phiếu NKG đã trở lại và hiện giao dịch quanh mức 7.140 đồng/cổ phiếu đồng/cổ phiếu - cao hơn cả mức giá mở cửa ngày đầu năm 2020.
Diễn biến giá cổ phiếu NKG trong 6 tháng gần đây.
Nhắc đến cổ phiếu quỹ, trước ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt mã chứng khoán trên thị trường giảm mạnh mấy tháng đầu năm. Các doanh nghiệp đã cố gắng dùng nhiều phương thức để bình ổn giá, và một trong những phương pháp đó là mua cổ phiếu quỹ.
Có trên 30 doanh nghiệp công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ với tổng số tiền dự kiến đổ vào thị trường xấp xỉ 7.000 tỷ đồng. Trong số đó, không ít doanh nghiệp đã hoàn thành quá trình mua cổ phiếu quỹ. Ước tính tổng số tiền các doanh nghiệp thông qua kênh cổ phiếu quỹ đổ trở lại thị trường lên đến xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
Thép Nam Kim (NKG) thông qua phương án mua 10 triệu cổ phiếu quỹ Cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim vừa tăng trần trước thông tin công ty dự kiến mua cổ phiếu quỹ. CTCP Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) vừa thông qua phương án mua 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Nguồn vốn mua vào lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm...