Đăng ký lại xe máy: Lệ phí 50.000 đồng
“Trong trường hợp người mua xe cuối cùng đánh mất nốt giấy tờ mua bán xe hợp lệ thì người bán xe gần nhất phải làm giấy tờ trình báo đến cơ quan chức năng… Người mua xe cuối cùng phải cam đoan tính hợp lệ của xe, đảm bảo trước pháp luật xe đó không phải xe trộm cắp, đục số khung số máy thì vẫn được sang tên đổi chủ”.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi về thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện theo Nghị định 71.
- Hiện nay, người dân đang rất quan tâm về thủ tục sang tên chuyển chủ, vậy ông có thể nói rõ thủ tục được tiến hành như thế nào?
Thông tư 36/2010 Bộ Công an có quy định về trách nhiệm của chủ xe: Sau khi điều chỉnh thay đổi địa chỉ; đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe; bán cho, tặng xe (tổ chức cá nhân cho tặng); điều chuyển xe phải gửi ngay giấy báo theo mẫu (ban hành theo thông tư) đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi qua đường bưu điện, đến trực tiếp.
Trường hợp sang tên ô tô, xe máy khác huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đến cơ quan đăng ký xe nơi chủ xe cư trú hoặc có trụ sở để làm thủ tục sang tên.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ (mua bán, cho, tặng, thừa kế) xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, thay đổi đăng ký xe. Nghiêm cấm mọi hành vi giả mạo hồ sơ, đục số máy số khung đăng ký xe.
Đại tá Đào Vịnh Thắng
- Người đăng ký sang tên đổi chủ phải nộp lệ phí như thế nào, thưa ông?
Lệ phí đối với việc sang tên chuyển chủ đối với ô tô, xe máy cũng đã được quy định rất cụ thể.
Trong đó, lệ phí trước bạ sang tên đổi chủ của ô tô là 12%, tính theo giá trị còn lại của xe. Đối với xe máy là 1%, tính theo giá trị còn lại của xe.
Sau khi xong thuế trước bạ rồi quay về đăng ký tại phòng CSGT thì lệ phí đối với người sang tên đổi biển từ 4 số lên 5 số là 150.000 đồng đối với ô tô, 50.000 đồng đối với xe máy.
Làm thủ tục xong 3 ngày thì phương tiện sẽ được cấp biển mới.
- Người dân hiện cũng rất lo ngại về những rắc rối hay khó khăn khi sang tên đổi chủ?
Khi chủ phương tiện đến cơ quan CSGT để làm thủ tục sang tên đổi chủ thì bao giờ cũng phải có thủ tục mua bán, giấy tờ chứng từ kèm theo.
Có trường hợp khi và quệt tai nạn rồi bỏ chạy hay các vụ án liên quan đến hình sự, nếu chiếc xe gây tai nạn hoặc gây án chưa sang tên chính chủ thì sẽ gây khó khăn cho lực lượng CSGT trên đường.
Nhiều vụ việc khi tai nạn xảy ra, người gây tai nạn bỏ chạy, thông qua biển số xe CSGT có thể xác minh nóng ngay để biết chủ xe là ai. Nhưng thực tế chủ xe đã bán xe qua nhiều lần, sang nhiều chủ khiến công tác kiểm tra xử lý của lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn.
Video đang HOT
- Trong trường hợp người điều khiển xe không phải chủ sở hữu xe gây tai nạn giao thông trên đường, vậy chủ xe có phải chịu trách nhiệm không?
Nếu không sang tên đổi chủ, người đi xe trên đường (không chính chủ) vi phạm luật lệ giao thông, lực lượng tuần tra kiểm soát chỉ xử lý lỗi vi phạm giao thông trên đường.
Trong trường hợp vi phạm đó vượt quá thẩm quyền của chiến sỹ CSGT thì người điều khiển phương tiện sẽ được yêu cầu đưa về các Đội CSGT gần nhất để có bộ phận xác minh nóng ngay chủ xe vi phạm là ai.
Khi giải quyết, nếu chủ phương tiện không đúng tên đúng chủ phương tiện thì CSGT phải yêu cầu chủ đứng tên sở hữu phương tiện đến để giải quyết cùng với người vi phạm.
Chủ xe phải chứng minh được xe đó là xe cho mượn chứ không phải là không sang tên đổi chủ.
Nếu chủ phương tiện nói tôi đã bán rồi thì đương nhiên người vi phạm luật lệ giao thông đó phải bị xử lý vi phạm về lỗi không sang tên đổi chủ.
Rất khó để xác định xe chưa sang tên chuyển chủ phương tiện nếu người mua xe không khai báo
- Có những trường hợp xe được mua bán qua 3-4 người và giờ không biết người chủ đầu là ai. Với trường hợp này, liệu có thể làm thủ tục sang tên đổi chủ được hay không?
Trường hợp bán xe qua 3 đến 4 người mà không xác định được chủ đầu, chỉ cần người cuối cùng có giấy bán hợp lệ thì người đó vẫn có thể đến để đăng ký được.
Điều 20, khoản 3 của thông tư 36 Bộ CA quy định, xe mua bán cho tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán xe cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên di chuyển.
Tuy nhiên phải có đầy đủ giấy tờ mua bán, cho tặng và hợp lệ theo quy định.
- Nhưng thực tế có rất nhiều người mua xe không biết chủ đầu và không có đủ giấy tờ để sang tên đổi chủ vì không có giấy mua bán xe hợp lệ?
Người cuối cùng phải có giấy bán của người bán xe cho mình và xác minh không phải xe trộm cắp, không phải xe thế chấp tại cơ quan công an thì đương nhiên vẫn sẽ được sang tên chuyển chủ.
Trong trường hợp người mua cuối cùng đánh mất nốt giấy tờ mua bán xe hợp lệ thì đương nhiên phải làm giấy tờ trình báo đến cơ quan chức năng để báo cáo cấp trên (Cục CSGT, GĐ Công an Thành phố) bổ sung vào theo Thông tư điều chỉnh đăng ký phương tiện sang tên chuyển chủ.
Người mua xe cuối cùng phải cam đoan tính hợp lệ của xe, đảm bảo trước pháp luật xe đó không phải xe trộm cắp, xe đục số khung số máy.
Trong trường hợp do cháy nổ, người đăng ký xe chết hoặc mất tích thì phải chứng minh có giấy chứng tử hoặc toà án tuyên bố mất tích.
Nếu có nhu cầu sang tên cho người khác (không có tranh chấp) thì sẽ được giải quyết sang tên chuyển chủ sở hữu.
- Xin cám ơn ông!
Trong năm 2012 Phòng CSGT TP Hà Nội đã làm thủ tục sang tên chuyển chủ, di chuyển 10.385 trường hợp phương tiện ô tô, trong đó sang tên riêng trong Thủ đô Hà Nội là 6.255 trường hợp.
Sang tên chuyển chủ di chuyển đi tỉnh ngoài 4.130 trường hợp.
Thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ đối với những trường hợp không sang tên chuyển chủ, cơ quan chức năng đã xử phạt 650 trường hợp ô tô sang tên chậm, không sang tên chuyển chủ theo quy định với mức tiền là 975 triệu đồng.
Đã có 1.948 xe máy sang tên chuyển chủ, trong đó sang tên trong Thủ đô Hà Nội là 582 trường hợp, sang tên chuyển chủ di chuyển ra ngoại tỉnh 1.596 trường hợp.
Theo 24h
Không có chuyện phạt xe không chính chủ
Đại diện phòng CSGT Hà Nội khẳng định không có chuyện xử phạt xe không chính chủ. Đây là cách "hiểu sai thuật ngữ".
Những ngày qua, thông tin xử phạt xe không chính chủ đang khiến nhiều người bất an. Trong đó, nhiều sinh viên, học sinh lo lắng rằng, khi mượn xe của người thân, gia đình, nếu bị CSGT kiểm tra, sẽ phiền toái, mất thời gian. Một số người nói rằng không dám đi xe ra đường vì sợ không chứng minh được xe do mình mượn, sẽ bị phạt.
Sáng nay, 12/11, trả lời chúng tôi, Trung tá Lương Đình Hợi (Đại diện phòng Khám nghiệm và Tuyên truyền - Phòng CSGT TP. Hà Nội) cho biết, không có chuyện đi xe không chính chủ bị phạt. Đưa thuật ngữ như vậy là không chính xác. Trong quy định pháp luật, chỉ xử phạt với những trường hợp đi xe qua mua, bán, cho, tặng nhưng không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
"Học sinh, sinh viên hay người đi xe mượn yên tâm, sẽ không gặp phiền phức nào hết!" - Trung tá Hợi nhấn mạnh.
Đã lái xe ra đường là phải mang theo giấy đăng ký xe. Người đi xe không chính chủ hiện nay rất đông, ai cũng nói rằng xe mình mượn. Làm sao để xác định được ai đi xe "mua bán, cho tặng"?
Điều đó thông qua biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an để kiểm tra, đánh giá. Bằng cách rà soát lại những người mua bán phương tiện. Người mượn xe phải có trách nhiệm chứng minh không phải là xe mua bán, cho tặng. Ví dụ chứng minh xe mượn của bố, mẹ, anh chị, bạn bè...
Nhưng nếu ai cũng phải kiểm tra, xác minh liệu có làm mất thời gian, gây rắc rối?
Trên thực tế, những người đi xe của gia đình như bố mẹ, anh, chị em..., thường thì địa chỉ ghi trong giấy phép lái xe, CMND và đăng ký xe sẽ trùng nhau. Khi CSGT kiểm tra, sự trùng khớp đó là một cách để chứng minh.
Thời gian tới, học sinh, sinh viên xa nhà mang xe đi nên làm giấy ủy quyền sử dụng - Trung tá Lương Đình Hợi nói
Nếu xe mượn mà địa chỉ không trùng khớp. Vì mỗi người trong gia đình ở một nơi, hoặc bạn bè mượn của nhau, và nhiều trường hợp mượn khác...?
Trường hợp trên giấy tờ không thể hiện sự trùng khớp địa chỉ hộ khẩu, theo tôi, thời gian tới, người cho mượn xe có thể viết giấy ủy quyền sử dụng (cho mượn). Tất nhiên giấy này phải được công chứng, hoặc xác nhận chính quyền địa phương nơi cư trú. Ví dụ như trường hợp mình đi công tác lâu ngày, cho bạn mượn xe.
Nếu xe đăng ký trên địa bàn Hà Nội, tất cả dữ liệu đã được chúng tôi quản lý hết. Chúng tôi có thể dùng nghiệp vụ để rà soát, xác định xe do mua bán hay mượn của người nhà. Còn đối với xe tỉnh ngoài, có thể còn khó khăn.
Cho nên học sinh, sinh viên học tại Hà Nội, mang xe của gia đình lên Thủ đô sử dụng lâu dài, nên làm giấy ủy quyền sử dụng. Như vậy sẽ đỡ mất thời gian của chính người sử dụng xe để chứng minh và thuận tiện cho lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát.
Nếu mượn xe trong thời gian ngắn (trong ngày, thi thoảng) thì sao? Ví dụ hôm nay xe tôi hỏng, mượn tạm xe bạn đi làm?
Theo tôi, ngoài xe và giấy đăng ký xe, có thể mượn thêm các loại giấy tờ khác của chủ xe như CMND, GPLX, bảo hiểm. Đây là những thứ có thể chứng minh rằng xe do mình đi mượn, và không cơ quan chức năng nào làm khó mình được.
Một số độc giả đặt câu hỏi, nếu cho mượn cả chì lẫn chài như vậy có sợ người ta lừa bán mất xe?
Đã cho mượn thì phải có niềm tin. Không tin thì không cho mượn. Không ai dại gì cho một người không quen, không biết tung tích ở đâu để cho mượn cả. Mặt khác, theo pháp luật, người mượn không có quyền bán xe đó cho ai vì giấy tờ đó chỉ chứng minh xe do anh ta mượn chứ không phải xe đã là của anh ta.
Nếu thời điểm đó, chưa đủ điều kiện chứng minh xe mình mượn? Ví dụ: Sáng mượn xe, bạn chưa kịp đưa đủ giấy tờ cho mình ngoài giấy đăng ký xe thì làm thế nào?
Lúc đó CSGT có thể lập biên bản tạm giữ giấy đăng ký xe và cho đi, hẹn sau đó người điều khiển xe quay lại giải quyết. Sau khi mang đủ giấy tờ chứng minh điều đó, người làm nhiệm vụ sẽ ghi vào biên bản là đã xuất trình đầy đủ giấy tờ.
Thực tế hiện nay có những trường hợp bị lập biên bản tạm giữ giấy tờ, đã không quay lại giải quyết nữa. Có người còn cho rằng, họ có thể làm lại giấy tờ khác. Bởi chúng ta chưa có hệ thống rà soát việc này. Trong trường hợp nói trên cũng vậy. Ông nghĩ sao?
Quả thật là vẫn có một số người như vậy. Tất cả trường hợp bị giữ đó, lâu nay, chúng tôi đều gửi thông báo đến địa chỉ ghi trong giấy tờ, yêu cầu đến giải quyết. Nếu vẫn không đến, chúng tôi sẽ gửi thông báo cho cơ quan quản lý địa phương và đề nghị không cấp lại các giấy tờ trên cho người đó nữa.
Nếu giấy phép lái xe mô tô, một vài người có thể sang địa phương khác học và lấy giấy phép khác. Điều này vẫn còn khó quản lý. Nhưng riêng giấy đăng ký xe, nếu đã bị gửi thông báo thì không thể cấp lại được. Còn nếu cơ quan địa phương nào đã nhận được thông báo đề nghị mà vẫn cấp, để xảy ra vấn đề gì thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Hiện nay, liệu người dân đã kịp thực hiện đầy đủ những quy định, thủ tục để chứng minh xe của mình không phải là "mua bán, cho tặng" chưa sang tên?
Quy định xử phạt những người đi xe mua, bán, cho, tặng nhưng "không làm thủ tục sang tên đổi chủ" không chỉ từ khi có Nghị định 71 mà các văn bản pháp luật liên quan của Nhà nước đã quy định từ rất lâu rồi.
Điều này nhằm siết chặt quản lý, ví dụ để tránh đi xe gây tai nạn, hoặc vi phạm pháp luật khiến cơ quan chức năng không thể xác định được. Những năm qua, quy định xử phạt này ít được quan tâm và còn nhiều khó khăn.
Hiện nay do mới áp dụng chế tài xử phạt nặng, có thể gây ảnh hưởng đời sống kinh tế của người sử dụng phương tiện. Cho nên lực lượng làm nhiệm vụ chỉ mới nhắc nhở. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tăng mức phạt là cần thiết, sẽ tác động tới ý thức tuân thủ quy định pháp luật về việc mua bán phải sang tên.
Theo 24h
Không xử phạt xe mượn hợp pháp Sau một ngày thực hiện Nghị định 71 với lỗi phạt xe không sang tên đổi chủ, Đại tá Đào Vịnh Thắng - quyền Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Tuy nhiên, nếu vi phạm lần hai sẽ bị xử phạt theo đúng quy định. Sau ngày đầu ra quân xử phạt theo...