Đang đi tiệc, cụ bà xuất hiện triệu chứng đột quỵ
Cụ bà T.T.Đ (66 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) trong lúc đang đi tiệc thì xuất hiện triệu chứng đột quỵ như cảm giác tê bì, yếu nửa người bên trái.
Khi trở về nhà, diễn tiến triệu chứng đột quỵ càng lúc càng nặng nên bà được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á – Vĩnh Long.
Tại khoa Cấp cứu, sau khi thăm khám và kiểm tra, xác định đây là trường hợp đột quỵ, quy trình cấp cứu đột quỵ lập tức được kích hoạt. Đội ngũ ê kíp bác sĩ tiến hành hội chẩn, ghi nhận trên kết quả cận lâm sàng tắc nhánh xuyên động mạch não giữa phải, xơ vữa và hẹp động mạch cảnh 2 bên tương đối lớn.
Ngày 15.5, bác sĩ chuyên khoa 1 Lữ Hữu Tuấn – Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á – Vĩnh Long, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não cấp bán cầu phải giờ thứ 4 (còn trong thời gian vàng), chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA). Bệnh nhân được thực hiện tiêm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch để kịp thời cứu chữa, giúp cải thiện chức năng lâm sàng và giảm nhẹ các di chứng tàn tật về sau.
Kết quả bệnh nhân hồi phục, tiếp xúc tốt sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết.
Bệnh nhân được thăm khám, kiểm tra sau can thiệp. Ảnh N.A
Sau vài ngày điều trị, chăm sóc tích cực theo phác đồ đột quỵ, chức năng vận động, nhận thức… của bệnh nhân được cải thiện gần như hoàn toàn, sức cơ người trái 5/5 và tiếp tục được theo dõi, kết hợp tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân được xuất viện và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ tái phát.
Video đang HOT
Bác sĩ Tuấn cho biết, bệnh lý xơ vữa động mạch là yếu tố nguy cơ tạo điều kiện cho các huyết khối lấp dần và gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ. Động mạch cảnh trong là một trong những mạch máu lớn cung cấp tuần hoàn cho sự nuôi dưỡng não và cũng là một trong những mạch máu dễ hình thành xơ vữa và lấp mạch gây tắc nghẽn, chặn dòng chảy của máu giàu oxy đến tế bào não.
Vì vậy, để phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch người dân cần rèn luyện lối sống tích cực như bỏ hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp, ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Cấp cứu đột quỵ - Mỗi giây đều quý!
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh, vì vậy người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức tại các cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ để hạn chế tối đa những tổn thương về não.
Gần đây, người bệnh T.V.H (70 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) tái khám bệnh mạn tính định kỳ nhưng đột nhiên không nói được, rồi liệt tay và chân trái.
Ngay lập tức quy trình báo động đỏ cấp cứu đột quỵ được khởi động, ông H. nhanh chóng được cấp cứu, chụp CT não sau đó điều trị thuốc tan cục máu đông và dùng dụng cụ lấy huyết khối thông lại mạch máu tắc. May mắn phát hiện ngay tại Bệnh viện và can thiệp kịp thời chỉ trong 20 phút, người bệnh sau đó hồi phục rất nhanh.
Sau 12 giờ, người bệnh hầu như không còn triệu chứng, trở lại bình thường. Kết quả chụp MRI sau đó cho thấy người bệnh không còn tổn thương nào trên não.
Sau đó, người bệnh tiếp tục được theo dõi tại Đơn vị Đột quỵ để phục hồi chức năng và truy tìm nguyên nhân gốc rễ để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
Cấp cứu đột quỵ - Mỗi giây đều quý
TS-BS Nguyễn Bá Thắng
Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, BV ĐHYD TP.HCM, đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai. Nếu không được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng", hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong khoảng 10 - 20%. Chưa nói đến những người sống sót nhưng phải chịu cảnh tàn phế chiếm tỉ lệ gần 30%, và chỉ có khoảng 30% có thể trở về cuộc sống bình thường.
Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (quy tắc FAST) sau đây:
F - Face (liệt mặt): Người bệnh có thể bị liệt một bên mặt với biểu hiện méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh há miệng hoặc cười.
A - Arm (liệt cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động một tay hoặc tay chân một bên cơ thể. Cách nhận biết nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên sẽ thấy một bên không giơ hoặc không giữ lại được.
S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.
T - Time (thời gian): tranh thủ tối đa thời gian gọi xe cứu thương ngay đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, có thể ghi nhớ các dấu hiệu và cách xử trí bằng câu: "Méo cười, ngọng nói, xuội tay - Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ". Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh, vì vậy người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não.
Những điều nên và không nên khi cấp cứu đột quỵ
TS-BS Nguyễn Bá Thắng cho biết, hiện nay vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như: cạo gió, trích máu, cúng bái; uống thuốc truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại... Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, cần hiểu đúng cách cấp cứu đột quỵ, giúp giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế cho người bệnh.
Để được chăm sóc, điều trị chuyên sâu, phòng ngừa biến chứng, nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng, người bị đột quỵ nên được cấp cứu ngay tại các cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ. Đơn vị đột quỵ là nơi chuyên điều trị đột quỵ với các nhân sự được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả.
Nhằm hưởng ứng Ngày Đột quỵ thế giới 29.10, đồng thời nâng cao kiến thức của cộng đồng trong việc cấp cứu đột quỵ đúng cách và hiệu quả, Trung tâm truyền thông BV ĐHYD TP.HCM phối hợp cùng chương trình Angels của Công ty Boehringer Ingelheim Vietnam thực hiện chương trình tư vấn với chủ đề "Đột quỵ: Chạy đua từng phút từng giây - L àm đúng để giảm tàn phế cho những người thân yêu của mình" , theo dõi tại: https://bit.ly/dotquy-chayduatungphuttunggiay.
Với sự tư vấn của TS-BS Nguyễn Bá Thắng, chương trình cung cấp thông tin về nguyên nhân gây ra đột quỵ, tại sao phải chạy đua cấp cứu đột quỵ và những điều nên, không nên khi cấp cứu đột quỵ.
Top 7 sai lầm ăn kiêng mùa hè có thể gây đột quỵ Những sai lầm này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong trên toàn thế giới và chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh này....