Đảng Dân chủ ‘ngồi trên đống lửa’ vì ám ảnh thất bại năm 2016
Dù Biden dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò, nhiều đảng viên Dân chủ vẫn lo lắng không nguôi, với nỗi ám ảnh về thất bại của Hillary Clinton.
Không khí lo lắng từ phía Dân chủ dường như phần lớn bắt nguồn từ mong muốn xóa bỏ sự tự mãn của những cử tri đang nghĩ rằng Joe Biden đã nắm chắc chiến thắng. Đối với các đảng viên Dân chủ từng chứng kiến Tổng thống Donald Trump đánh bại bà Clinton hồi năm 2016, ngay cả dấu hiệu tích cực nhỏ nhất cũng gây “tác dụng ngược” với họ.
Khi những kết quả khảo sát gần đây cho thấy Biden ngày càng nới rộng khoảng cách trước Trump, các đảng viên Dân chủ ngay lập tức phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Nhiều người kêu gọi “Hãy phớt lờ chúng đi!” hoặc “Đừng tự mãn!”.
Đám đông ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden reo hò khi ông tới thành phố Greensburg, bang Pennsylvania, hôm 30/9. Ảnh: Reuters.
Neera Tanden, chủ tịch Trung tâm Tiến bộ Mỹ, một nhóm nghiên cứu ủng hộ cánh tả và hỗ trợ lâu năm cho cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, ví viễn cảnh Tổng thống Trump tái đắc cử với “một thảm họa chấn động”. Nỗi thất vọng hồi năm 2016 khiến bà “tan nát cõi lòng, trở nên mê tín và lo lắng” đến mức “khó chợp mắt mỗi đêm”, ngay cả khi những con số đang nghiêng về phía Biden.
“Nếu tôi nói với bạn rằng chỉ có 25% khả năng nhà của bạn bị đánh bom vào ngày mai, bạn sẽ không cảm thấy yên tâm chút nào. Tôi nghĩ điều đó tương tự tình hình hiện nay”, Tanden so sánh.
Hôm 9/10, khi được hỏi rằng “vết thương” 4 năm trước còn tồn tại hay không, Guy Cecil, chủ tịch nhóm vận động Priorities USA từng ủng hộ Clinton, và giờ là Biden, nói đùa rằng ông “không biết gì về năm 2016 đang được đề cập”. Theo Cecil, sự lo lắng trong đảng Dân chủ, cùng việc gần như phủ nhận tín hiệu tích cực trước mắt, có thể trở thành công cụ mạnh mẽ trong những tuần cuối cùng trước ngày bầu cử.
“Chúng tôi đang tận dụng tốt nỗi lo sợ đó”, Cecil cho hay, chỉ ra rằng công tác tổ chức và quyên góp phía Dân chủ ngày càng gia tăng. “Tôi đúng là người lạc quan, nhưng vẫn có những lo ngại nghiêm túc. Chúng tôi phải tiếp tục để chạy qua vạch đích”.
Video đang HOT
Quan điểm của Cecil ít nhất chính xác khi nhìn vào số tiền quyên góp. Các đảng viên Dân chủ có tên trong danh sách tổng tuyển cử năm nay đều đang thu về lượng lớn tiền mặt. Biden dự kiến công bố tháng thứ hai liên tiếp huy động được hơn 360 triệu USD trong 4 tuần, con số đáng kinh ngạc giúp chiến dịch vốn từng gặp khó khăn tài chính của ông vượt lợi thế gây quỹ áp đảo ban đầu của Trump.
Nguồn tiền cũng được dồn cho cuộc đua vào quốc hội và không chỉ dừng ở những bang chiến trường truyền thống. Tại Iowa, một bang nông thôn thiên về bảo thủ, ứng viên thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Theresa Greenfield thu về tới 28,7 triệu USD trong quý III. Al Gross, ứng viên thượng nghị sĩ Dân chủ bang Alaska, cũng kêu gọi được 9,1 triệu USD vào cùng kỳ, con số không tưởng ở bang mà hầu hết phe Dân chủ không nhắm tới vào đầu năm nay.
Cựu thống đốc Virginia Terry McAuliffe cho biết ông “chưa bao giờ chứng kiến mức độ háo hức quyên góp” cho đảng Dân chủ như vậy, hiện tượng mà ông đánh giá là sự kết hợp giữa dự đoán về chiến thắng của Biden và nỗi lo sợ Trump vẫn có thể đảo ngược tình thế.
“Tôi rất vui khi thấy các đảng viên Dân chủ hành động như vậy, bởi năm 2016 đã khắc sâu vào tâm trí mọi người”, McAuliffe nhắc lại việc bà Clinton từng dẫn trước trong các cuộc thăm dò, nhưng vẫn thất bại. Theo ông, nếu kết quả khảo sát chính xác, “Hillary Clinton bây giờ đáng lẽ đang vận động tái tranh cử, còn Donald Trump đang làm chương trình truyền hình thực tế trên kênh về golf”. Nhưng viễn cảnh đó đã không xảy ra.
Tuy nhiên, phe Dân chủ gần như không cần nhắc nhở. Kevin Cate, chiến lược gia đảng Dân chủ ở bang Florida, cho biết anh “thậm chí không bấm vào xem” một kết quả khảo sát gần đây cho thấy Biden dẫn trước Trump tới 11 điểm phần trăm tại Florida, bang chiến trường mà các ứng viên thường bám đuổi nhau sít sao.
Trong khi đó, những người thực hiện khảo sát vẫn tin vào con số họ đưa ra, dù cả phe Dân chủ và Cộng hòa, vì những lý do khác nhau, đều nghi ngờ họ. Patrick Murray, giám đốc Viện Khảo sát thuộc Đại học Monmouth, nhận thức được rằng các kết quả thăm dò dẫn tới “một số kiểu phản ứng”, nhưng ông không để điều này ảnh hưởng tới quan điểm.
“Mối quan tâm của tôi là liệu mình có đang đưa chính xác về những gì đang diễn ra hay không. Rất nhiều điều còn mơ hồ và chúng tôi cần truyền đạt chúng, Tuy nhiên, con số vẫn chỉ là con số. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu lý do các cử tri có xu hướng như hiện nay, cũng như những vấn đề chủ chốt đang chi phối họ và mối lo ngại của họ”, Murray cho hay.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu trong sự kiện vận động tranh cử tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan, hôm 2/10. Ảnh: AFP.
Khi được hỏi về mối lo ngại của đảng Dân chủ, rằng những cử tri ủng hộ Biden có khả năng ở nhà vì quá tự tin, Murray nhận xét động lực của chiến dịch năm nay khác biệt nhiều so với 4 năm trước.
“Một phần lý do người dân không đi bầu cử hồi năm 2016 là họ thực sự không cảm thấy bất cứ ứng viên nào có khả năng thay đổi cuộc đời họ một cách sâu sắc, dù họ ghét ứng viên này hơn ứng viên kia. Tuy nhiên, tình huống lần này là một quyết định rõ ràng giữa Trump và không phải Trump. Đa số cử tri đều ủng hộ mạnh mẽ một bên nào đó”, Murray giải thích.
Theo bình luận viên Gregory Krieg và Dan Merica của CNN, phe Dân chủ còn ngày càng căng thẳng bởi Trump và một số nghị sĩ Cộng hòa đang nỗ lực kiểm soát quá trình bỏ phiếu, hoặc đặt ra nghi ngờ về kết quả bầu cử. Việc Trump từ chối nói rằng ông sẽ chấp nhận kết quả nếu thua cuộc được cho là khiến sự nhiệt tình của cử tri giảm bớt, giới chuyên gia nhận xét.
Do đó, các nhóm ủng hộ Biden đang tập trung cao độ vào việc vận động cử tri, đặc biệt là giới trẻ cấp tiến, đi bỏ phiếu và đảm báo lá phiếu của họ được tính. Nelini Stamp, giám đốc chiến lược và quan hệ của đảng Gia đình Lao động theo cánh tả, cho biết phe Dân chủ hiện nay không ngần ngại biến cơn thịnh nộ thành hành động.
“Chúng tôi muốn một chiến thắng vang dội. Mục tiêu này vô cùng quan trọng với tất cả chúng tôi. Mọi người không nên ngừng hành động. Có những tin tốt, nhưng tình hình có thể thay đổi. Dựa trên diễn biến hiện nay, đặc biệt là năm 2020, chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vì vậy, mọi người cần bỏ phiếu bằng mọi cách, nhiều nhất có thể”, Stamp cho hay.
Thái độ của đảng Dân chủ với các cuộc thăm dò hiện nay trái ngược so với vài tháng trước, khi kết quả khảo sát có sức ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng của cuộc bầu cử sơ bộ. Tim Hogan, trợ lý chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Minnesota Amy Klobuchar, giải thích rằng đối với phe Dân chủ, vòng sơ bộ là nơi để “chọn ra ứng viên tốt nhất từ một nhóm bạn bè”. “Tuy nhiên, dù kết quả thăm dò tốt đẹp thế nào, thực tế sau đó luôn gây lo lắng”, ông cho hay. Do đó, lợi thế ổn định của Biden trước Trump vẫn không thể an ủi các đảng viên Dân chủ.
“Lời kêu gọi bình tĩnh không bao giờ hiệu quả khi bạn đang bị lửa bao vây”, Hogan nói.
Biden phát biểu 'giống giọng điệu Trump '
Biên tập viên tờ Politico cho rằng ứng viên đảng Dân chủ Biden có vẻ "rất giống Trump" khi nói cách duy nhất ông thất cử là do "mánh khóe".
"Hãy nhớ bỏ phiếu, bởi con đường thua duy nhất của chúng ta trong cuộc bầu cử này là mánh khóe liên quan đến các địa điểm bỏ phiếu", ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nói với cử tri tại một điểm vận động tranh cử bang Pennsylvania hôm 10/10.
Blake Hounshell, biên tập viên phụ trách mảng chính trị và Washington của tờ Politico, cho rằng "Biden rất giống Trump ở phát biểu này".
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trả lời báo chí tại một sân bay ở bang Delaware hôm 10/10. Ảnh: AFP.
Trước khi rời Pennsylvania, Biden đính chính những bình luận này với các phóng viên. Ông cho biết nhận xét của mình "hơi xa rời bối cảnh" và ông "sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử kỳ này". "Những gì tôi đề cập là nỗ lực được thực hiện để cố gây ảnh hưởng và khiến mọi người không thể bỏ phiếu, mọi người không nên chú ý đến những bình luận đó", ứng viên đảng Dân chủ nói.
Biden đã nhiều lần nói rằng Tổng thống Donald Trump sẽ cố gắng "đánh cắp" chiến thắng nếu không tái đắc cử. Chiến dịch của Biden đã tuyển dụng hàng trăm luật sư và tình nguyện viên để giám sát Ngày bầu cử.
Trump hồi tháng 9 lặp lại nghi ngờ rằng bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận trên diện rộng. Ông cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu có cam kết "chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sau bầu cử".
Phát biểu của Trump bị cho là không cam kết nguyên tắc dân chủ cơ bản nhất ở Mỹ và vấp phải chỉ trích từ cả hai đảng. Chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố chính phủ Mỹ "hoàn toàn có khả năng tống những kẻ xâm phạm ra khỏi Nhà Trắng".
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell sau đó khẳng định người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11 sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Quá trình chuyển giao quyền lực sẽ được thực hiện một cách trật tự như những gì đã diễn ra 4 năm một lần kể từ năm 1792. Một số nghị sĩ Cộng hòa khác cũng cam kết chuyển đổi quyền lực một cách hòa bình.
Biden trong kỳ vọng của châu Âu Nếu đắc cử tổng thống, thách thức đầu tiên và cấp thiết về chính sách đối ngoại của Biden là lấy lại niềm tin của đồng minh ở châu Âu. Khi thế giới đang trong giai đoạn hỗn loạn nhất kể từ Thế chiến II, khả năng lãnh đạo ổn định của Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ và hiện là ứng...