Dân xây miếu thờ ở Văn Miếu: Thắp hương đã 10 năm
Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám khẳng định việc người dân thờ cúng ở gò Kim Châu chỉ là tự phát và mang tính tâm linh là chủ yếu.
Thờ cúng diễn ra từ lâu
Tình trạng người dân địa phương xâm lấn di tích, lén lút xây miếu thờ tại gò Kim Châu trong hồ Văn, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám thời gian qua khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Chiều 23/9, theo ghi nhận của phóng viên Đất Việt, cổng vào khu miếu thờ đã bị khóa chặt. Bên ngoài có dán thông báo tạm đóng cửa khu vực hồ Văn từ ngày 14/9. Ngoài ra một chiếc thuyền sắt cũng đã được kéo lên bờ để người dân không tự ý sử dụng di chuyển ra gò Kim Châu.
Trao đổi với Đất Việt, bà T.N, một người dân sống gần khu vực hồ Văn cho biết, việc người dân thắp hương tại khu vực gò Kim Châu đã diễn ra được hơn 10 năm. Nhiều người dân địa phương ngày rằm, mùng một cũng hay ra khu vực đó để thắp hương, mong muốn điều bình an.
Cổng vào hồ Văn đã bị đóng chặt từ ngày 14/9. Ảnh: Hoàng Nam
“Khu vực này trước kia rất hoang vu. Nhưng từ khi cải tạo lại hồ, phát hiện được tấm bia cổ nên người dân tin đó là tâm linh nên xin Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám thắp hương. Mới cả trước kia khu vực này cũng hay xảy ra chết đuối. Năm nào cũng có vài ba người. Sau khi người dân cúng thì mọi thứ bình an, không xảy ra sự cố gì nữa. Có một bà cụ hàng ngày quét dọn tại gò Kim Châu. Hàng ngày cũng có nhiều người dân qua lại thắp hương. Để ra được miếu thắp hương thì người dân phải sử dụng một chiếc thuyền sắt, dùng dây di chuyển”, bà N. nói.
Theo bà N., người dân chỉ thắp hương đơn thuần chứ không có hiện tượng cúng bài triền miên, thuê thầy này thầy kia về làm lễ cả.
“Tất cả chỉ xuất phát từ cái tâm của người dân thôi. Mọi người thấy may mắn, bình an nên tin. Rác khu vực đó cũng thường xuyện được dọn dẹp sạch sẽ, không có tình trạng ô nhiễm hay bẩn gì cả”, bà N. nói.
Thông báo chi tiết của Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoàng Nam
Trong khi đó, ông T.K (57 tuổi) cho biết sự việc bắt đầu trở nên căng thẳng sau khi bà cụ thường ngày nhang khói cho người chết tại hồ Văn qua đời.
Video đang HOT
“Do khu nhà bát giác có một vài thanh ngang bị rơi xuống, hư hỏng nên con cái, người thân của bà cụ đã mang vật liệu vào để sửa lại, xây cao thêm tầm khoảng 50 phân so với ban đầu. Ban quản lý Văn Miếu không đồng ý và khi phát hiện đã tạm dừng ngay rồi đóng cổng, niêm phong lại”, ông K. cho hay.
Chỉ là tự phát
Chiều 23/9, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Quốc Thành – Phó giám đốc Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đã xác nhận thông tin trên.
Theo ông Thành, ngày 13/9 một số người dân lén lút chở vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu, hồ Văn để xây dựng không phép điện thờ. Sau khi phát hiện, trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đã quyết đinh đình chỉ đồng thời họp liên ngành với UBND quận Đống Đa, phường Quốc Tử Giám, phòng văn hóa, thanh tra, xây dựng quận, an ninh quận và người dân để tìm cách xử lý, giải quyết vấn đề.
Ông Thành cho biết, ngày trước gò Kim Châu chỉ là cái đảo, có nhà bát giác. Năm 2002, khi nạo vét hồ thì vớt được 2 tấm bia có niên đại. Người dân sống xung quanh thấy thế nên xin thắp hương.
Chiếc thuyền trong khuôn viên hồ Văn đã được đưa lên bờ. Ảnh: Hoàng Nam
“Người dân xin với Trung Tâm được thắp hương tại đó, khi nào đơn vị cần dùng vào việc bảo tồn, sửa sang thì sẽ dừng lại. Ban đầu ở đó chỉ có bát hương thôi nhưng về sau người dân cứ dựng dần lên có hương, có tượng. Hơn nữa khu vực hồ năm nào cũng có người chết nên người dân xin được thắp hương. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở bà con việc này nhưng đây là khu vực vừa công viên, vừa di tích nên cũng khó khăn, phức tạp hơn.
Vừa rồi người ta cơi nới, nâng cao lên rồi hạ tượng xuống để xây kệ lại thì cơ quan phát hiện đã đình chỉ lại để xin ý kiến”, ông Thành khẳng định.
Vị phó giám đốc cho biết việc xây dựng này đã vi phạm Điều 32, 33 của Luật Di sản Văn hóa, đặc biệt với di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám thì lại càng nghiêm trọng hơn.
“Chúng tôi đang quản lý di tích lịch sử quốc gia. Dựng lên đã khó rồi mà bỏ đi cũng không phải dễ. Nói thật cái gì cũng có linh hồn, huống chi người dân vào đây nhang khói đã lâu. Chúng tôi có thể hoàn toàn làm theo luật nhưng như thế không có tình. Giờ phải làm sao để vừa được lòng dân vừa đảm bảo nguyên gốc di tích, không bị xậm phạm. Dân ủng hộ thì sau này việc bảo tồn, giữ gìn di tích cũng sẽ thuận lợi hơn”, ông Thành nói.
Chờ ý kiến cấp trên
Về phương hướng xử lý, ông Thành khẳng định Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên đồng thời sẽ tiếp hành họp các sở ban ngành. Trực tiếp là UBND quận Đống Đa, công an quận Đống Đa, công an phường Quốc Tử Giám, UBND phường Quốc Tử Giám. Trong trường hợp cần thiết mời cả Sở Văn hóa – Thể thao, Cục di sản, hội phật giáo Hà Nội cũng như các nhà khoa học để cùng đánh giá.
“Nếu các cấp đồng ý cho chỉnh trang lại thì sẽ lên phương án cụ thể, chi tiết. Còn nếu để lại như cũ thì cũng cần có kế hoạch tu bổ gò cho sạch sẽ, giữ nguyên trạng. Dựa trên cơ sở đó cũng phải mời thầy, mời thợ để người dân an tâm hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao Hà Nội cho biết, ngày 15/9 sở đã gửi công văn báo cáo UBND thành phố Hà Nội về thực trạng xây dựng tại hồ Văn, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Ngay sau đó, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt dẹp tình trạng xâm lấn di tích, lén lút xây miếu thờ tại gò Kim Châu trong hồ Văn, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám.
“Hành động của người dân đã vi phạm nghiêm trọng luật di sản. Nếu bình thường chúng tôi sẽ có phương án giải quyết ngay nhưng người dân ở khu vực đó cũng có nhiều thành phần, khá phức tạp nên phải báo cáo thành phố để có chỉ đạo rộng hơn”, ông Động khẳng định.
Theo Đất Việt
Vị trạng nguyên đầu tiên được dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu
Nguyễn Trực - trạng nguyên đầu tiên được khắc tên trên bia tiến sĩ - có học vấn uyên thâm, kiến thức sâu rộng, giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng luôn tuân theo đạo lý "tôi hiền".
Theo Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh, sau khi đánh được quân Minh, lập nhà Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ lưu tâm chấn chỉnh việc học. Ông mở khoa Minh kinh, bắt các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống thi kinh sử và vũ kinh, đồng thời khuyến khích những người sống ẩn dật trong chiến tranh ứng thí để chọn nhân tài.
Tuy nhiên, đây chỉ là phương sách lâm thời sau cuộc loạn. Đến đời Lê Thánh Tông, triều đình mới noi theo chế độ nhà Trần mà chỉnh đốn việc học, mở rộng nhà Thái Học ở phía sau Văn Miếu. Vua định lại phép thi hương, hội, đình và đặt lệ 3 năm mở một khoa thi.
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ trong Văn Miếu, khắc tên những người đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442.
Nguyễn Trực là trạng nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê, đồng thời là người đầu tiên có tên trên văn bia.
Văn bia khắc tên Nguyễn Trực - trạng nguyên đầu tiên của triều Hậu Lê, trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Wikipedia.
Theo Danh nhân Hà Nội của giáo sư Vũ Khiêu, Nguyễn Trực (1417 - 1473), tự Công Đĩnh, hiệu Sư Liêu, là người làng Bối Khê, Thanh Oai, Hà Tây. Ông xuất thân trong gia đình khoa cử, ông nội là tiến sĩ Nguyễn Bính, cha là tiến sĩ Nguyễn Thì Trung.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trực đã nổi tiếng thông minh. 8 tuổi, ông bắt đầu đi học. 12 tuổi, tài văn thơ của ông khiến nhiều người nể phục.
Năm 1434, Nguyễn Trực tham gia kỳ thi Hương và đỗ đầu khi mới 17 tuổi.
Năm 1442, ông thi Đình, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Đệ nhất danh (Trạng nguyên). Ông được nhà vua ban sắc "Quốc Tử Giám thi thư" và ban thưởng Á Liệt Khanh, đứng đầu trong số 33 tiến sĩ cùng khóa. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, vua ban mũ áo Trạng nguyên cho người đỗ cao nhất. Vua Lê Thái Tông rất tán thưởng vị tiến sĩ trẻ tuổi.
Nhưng chẳng bao lâu sau, hay tin cha mất, tân trạng nguyện phải về quê chịu tang. Dưới thời vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Trực được trọng dụng. Vua ban chức Triều nghi đại phu Hàn lâm viện học sĩ Vu kỵ úy. Ít lâu sau, ông được tuyên triệu về triều, liên tục nắm giữ những chức vụ quan trọng.
Năm 1454, mẹ mất, Nguyễn Trực về quê chịu tang. Nghe danh tiếng ông, nhiều người đến bái sư. Sau này, nhiều học trò ông đỗ đạt, cống hiến cho đất nước.
Năm 1457, triều Minh cử sứ thần Hoàng Gián sang Đại Việt. Vua Lê Nhân Tông tuyên triệu Nguyễn Trực, lúc này đã mãn tang mẹ, về triều. Tài đối đáp của ông làm rạng danh nước nhà.
Theo Kho tàng các ông trạng Việt Nam: truyện và giai thoại của Vũ Ngọc Khánh, trong một lần đi sứ Trung Quốc, gặp đúng dịp thi Đình, muốn cho triều đình nhà Minh biết tài học của dân ta, Nguyễn Trực cùng phó sứ Trịnh Khiết Tường ứng thi. Tài văn chương của hai ông bộc lộ rõ. Nguyễn Trực một lần nữa đỗ Trạng nguyên trong khi Trịnh Khiết Tường đỗ Bảng nhãn.
Triều đình và dân chúng triều Minh thán phục tài năng của vị trạng nguyên người Đại Việt, tôn xưng ông là Lưỡng quốc trạng nguyên.
Trong cuốn Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực, Nguyễn Hữu Hoa ghi: "Trở về nước, cả hai ông đều được vua phong chức Thượng thư và ban thưởng tám chữ vàng: "Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã" (Công danh cả hai nước đều hoàn thành).
Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Trực không chỉ nổi tiếng với tài văn thơ, hiểu biết sâu rộng, mà còn là vị quan khiêm nhường, liêm khiết.
Sử sách ghi lại, trong khoa thi Đình năm 1442, với đề thi "Luận về phép trị nước của các vương triều", Nguyễn Trực khẳng định: "Vua sáng tôi hiền thì nước sẽ thịnh, vua không sáng tôi không hiền thì nước sẽ suy vong".
Những năm làm quan, cống hiến cho đất nước của Nguyễn Trực chứng minh rằng, ông không chỉ nắm rõ mà còn một mực tuân theo đạo lý "tôi hiền".
Ngày nay, vị Lưỡng quốc trạng nguyên lỗi lạc này được thờ tại Từ đường Trạng nguyên Nguyễn Trực - di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ở làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Theo Zing
Sức sống của trẻ em Việt Nam thời chiến Lớn lên cùng bom đạn chiến tranh, bài học đầu tiên của trẻ em Việt Nam thời chiến là đào hầm trú ẩn, giao thông hào, bện mũ rơm đi học, nuôi gà làm kế hoạch nhỏ, làm gậy Trường Sơn tặng đàn anh lên đường chiến đấu... Triển lãm ảnh Trẻ em thời chiến giới thiệu gần 100 bức ảnh ghi lại...