Đàn voi hàng năm viếng nhà ân nhân
Từ năm 2012, khi Lawrence Anthony qua đời, mỗi năm một lần, đàn voi lại băng rừng 12 tiếng, quanh quẩn bên ngôi nhà của ông như bày tỏ sự thương nhớ.
Ảnh: CBC.
Câu chuyện lạ này diễn ra tại khu bảo tồn động vật hoang dã Thula Thula, ở trung tâm Zululand, tỉnh Kwa-Zulu Natal. Đây là khu bảo tồn rộng 4.500 ha của Lawrence Anthony, người đã dành tất cả tài sản và cuộc đời để đấu tranh, bảo vệ cho sự tự do của động vật.
Ngày 2/3/2012, Lawrence qua đời giữa đêm vì đau tim, trong một chuyến công tác đến thành phố Johannesburg, hưởng thọ 61 tuổi. Đau buồn, vợ ông, bà Francoise Malby Anthony nhốt mình cả ngày trong căn phòng. Sáng hôm sau, bà sửng sốt khi kiểm lâm viên báo tin về một đàn voi 21 con đang hướng về phía ngôi nhà gỗ mà Lawrence từng ở. Chúng đứng thẳng, đẩy những con non về phía trước, phát ra những tiếng kêu như cách từng nói chuyện với ông và quanh quẩn ở đó trong suốt hai ngày. Kể từ đó, vào đúng ngày giỗ ông hàng năm, người ta thường thấy chúng xuất hiện gần ngôi nhà gỗ.
Ảnh: Thula Thula.
Không ai có thể lý giải được vì sao đàn voi biết ân nhân cứu mạng mình đã qua đời và ghi nhớ được ngày ông mất. Dường như giữa Lawrence và chúng có sự liên kết đặc biệt nào đó. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, loài voi có tồn tại nghi thức tiếc thương, đau buồn về cái chết của đồng loại, trong cả môi trường tự nhiên hay giam cầm.
Câu chuyện của nhà bảo tồn và đàn voi nhanh chóng xuất hiện trên báo chí, truyền hình và được dựng thành phim ngắn. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, bà Francoise cho biết, bà và con trai đã chuyển đến ngôi nhà gỗ, để thay ông tiếp quản khu bảo tồn trong vòng một năm rưỡi, khi ông thường đi xa. Từ thời điểm đó, họ không thấy đàn voi xuất hiện quanh khu vực, chúng sống rất xa và có lẽ đã đi liên tục 12 tiếng để tới đây.
Ảnh: Thula Thula.
Lawrence Anthony, sinh ra và lớn lên tại thành phố Johannesburg, Nam Phi. Từ nhỏ, ông đã có tình cảm đặc biệt với các loài động vật và những chuyến phiêu lưu. Sau những thành công nhất định trong lĩnh vực bất động sản và bảo hiểm, ông quyết định trở thành một nhà bảo tồn, tham gia hàng loạt cuộc giải cứu động vật từ sở thú, nạn săn bắn.
Năm 1998, ông cùng vợ dành hết tài sản, mua một khu đất rộng lớn và chính thức thành lập khu bảo tồn Thula Thula. Ông cũng thuyết phục các bộ lạc sống quanh đó tham gia bảo vệ, phát triển động vật. Khu vực là nơi sinh sống của tê giác, hà mã, báo, hươu cao cổ, các loài chim…
Ảnh: Thula Thula.
Khoảng một năm sau đó, ông nhận được cuộc điện thoại từ tổ chức bảo vệ động vật. Đầu dây bên kia thông báo có 7 con voi sắp bị giết vì tính cách hung bạo, phá rừng gần Vườn quốc gia Kruger và gây nguy hiểm cho con người. Dù không biết nhiều về voi, ông đã lập tức đồng ý mang chúng về Thula Thula.
Nhiều người cho rằng 2 vợ chồng Lawrence đã quá mạo hiểm để giữ chúng nhưng ông hiểu, sự kích động, sợ hãi của chúng xuất phát từ cuộc tấn công của những kẻ săn trộm.
Vào giữa đêm, khi cơn mưa xối xả trút xuống, những con voi được vận chuyển đến trên những chiếc xe tải. Chúng đã mất đi con đầu đàn, chỉ còn lại 2 con cái, 2 thiếu niên và 3 con dưới mười tuổi. Tuy nhiên, chúng rất gần gũi và là một gia đình.
Ảnh: Thula Thula.
Khi đó, những con voi luôn tìm cách chạy khỏi khu bảo tồn, hướng đầu về phía nơi ở cũ. Chúng đã tìm cách đẩy cây cao 9 m vào hàng rào điện để phá hoại và trốn thoát.
Lawrence vô cùng lo lắng vì phía bên ngoài khu bảo tồn là những kẻ sẵn sàng giết hại chúng. Sau 10 ngày, khi đàn voi được tìm thấy, ông quyết định sẽ dùng bản năng đặc biệt của mình để có được sự tin tưởng ở đàn voi.
Ảnh: Tom Clynes.
Cả ngày lẫn đêm, ông ở bên cạnh chúng, qua lớp hàng rào, cho ăn, trò chuyện và hát cho chúng nghe. Ông đặc biệt chú ý tới Nana, con voi cái đầu đàn, quyết định tính thành bại trong việc kết thân của ông với đàn.
Bằng tất cả sự kiên nhẫn và cử chỉ yêu thương, ông đã nhận được tín hiệu đáng mừng từ Nana. Một ngày khi Lawrence đến thăm đàn, con voi đã với chiếc vòi qua hàng rào, như muốn ông chạm vào nó. Ngay ngày hôm sau, ông quyết định sẽ thả đàn tự do trong khu bảo tồn và cầu nguyện sẽ không bị chúng giẫm đến chết.
Ảnh: Christopher Laurenz.
Tuy nhiên, những con voi đã trở nên gần gũi với ông, đặc biệt là Nana. Khi ông lái chiếc xe của mình đến gần nơi chúng sống, con voi cái sẽ nhanh chóng phát hiện và tiến đến, bày tỏ sự vui mừng bằng cách vung những cành cây lên cao. Sau đó, Lawrence đã cho ra đời cuốn sách bán chạy nhất trong sự nghiệp của ông The Elephant Whisperer (Chú voi thì thầm). Cuốn sách của ông kể về hai cuộc giải cứu đàn voi châu Phi. Nhiều tình tiết hài hước gợi lại những ngày ông và đàn voi trở nên quá thân thiết, chúng thậm chí nghĩ rằng ngôi nhà gỗ cũng là nơi ở của chúng và cố gắng chiếm phòng khách.
13 năm sau, số lượng voi trong đàn đã mở rộng lên tới 21 con. Lawrence đã thực sự thành công trong việc tạo dựng mối quan hệ gần gũi với chúng. Đàn voi coi ông như một thành viên. Ngày ông mất, Nana đã dẫn đàn tới ngôi nhà gỗ từ rất sớm, với những vệt ướt từ giữa mắt và tai. Đây là những biểu hiện của một con voi khi bị căng thẳng. Bà Francoise cho biết, khi đó bà thực sự bị xúc động và không thể tin vào những gì mình đang nhìn thấy.
Ảnh: Thula Thula.
Lawrence cũng được biết đến với vai trò nhà sáng lập Tổ chức Trái đất. Đây là tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn động vật quốc tế. Trong quá trình làm việc, ông đã ghi lại tên tuổi với lần giải cứu động vật ở sở thú Baghdada, hay lần đàm phán với phiến quân Nam Sudan, để nâng cao nhận thức về bảo vệ tê giác trắng phương bắc. Khi qua đời, ông đang thực hiện quảng bá cuốn sách The Last Rhinos (Những con tê giác cuối cùng), như một chiến dịch bảo vệ loài vật này khỏi tuyệt chủng.
Trăn hoàng gia xổng chuồng, cả vùng được phen khiếp đảm
Sau khi có thông tin một con trăn hoàng gia đã gia xổng chuồng, nhiều người dân trong vùng bị một phen sống trong hoảng sợ.
Trăn hoàng gia xổng chuồng, cả vùng được phen khiếp đảm
Một con trăn hoàng gia dài khoảng 1 m đã xổng chuồng, trốn thoát ở thành phố Rennes nước Pháp khiến người dân địa phương bị một phen khiếp sợ.
Đó là con trăn được đặt tên Isis, xổng khỏi căn hộ người chủ của mình tại Rue de Pré Perché thuộc trung tâm thành phố hôm 23/6. Trước khi "bỏ trốn", Isis được nuôi như thú cưng, sống cùng chủ tại căn hộ thuộc tầng trệt của khu chung cư. Ngay sau khi thông tin được báo cáo, ban quản lý tòa nhà đã cảnh báo người dân "không nên để trẻ nhỏ ở một mình".
Một con trăn trốn thoát khiến cả vùng lo lắng
"Chắc là tôi đã quên chốt cửa chuồng. Chúng tôi kiếm nó khắp nơi trong căn hộ nhưng không thấy", chủ sở hữu cho biết. Cũng theo người này, họ có giấy tờ sở hữu con trăn hợp pháp cách đây 6 tháng và nhấn mạnh Isis không gây nguy hiểm.
Bất luận thế nào, thông tin về một con trăn xổng chuồng đều khiến nhiều người sợ hãi. Người dân sống quanh chung cư lo lắng có thể con vật đã lẩn vào nơi nhiều cây cối.
"Có thể nó không tấn công chúng tôi, nhưng vẫn rất đáng sợ. Ở đây có trẻ nhỏ và các bà mẹ nữa. Chuyện này không nhỏ đâu", một cư dân sống ở tòa nhà nơi Isis từng sinh sống, bày tỏ.
Trăn hoàng gia vốn được nhiều người nuôi làm thú cưng trong nhà
"Tôi chẳng dám tới những nơi nhiều cây cối như đằng kia. Nó đáng sợ lắm", một thanh niên cho biết.
Trăn hoàng gia hay trăn bóng là một loài trăn vốn sống ở châu Phi. Đây là loài nhỏ nhất trong số các loại trăn châu Phi. Chúng trở thành một loại vật nuôi, thú cảnh tương đối phổ biến do tính tình khá dễ chịu. Loài trăn này có thể đạt chiều dài tối đa khoảng 182 cm.
Sở dĩ gọi là "trăn bóng" bởi loài trăn này có thói quen cuộn tròn thành hình quả bóng khi bị đe dọa hay căng thẳng. Còn tên gọi "trăn hoàng gia" bắt nguồn từ thông tin cho rằng Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra VII thường mang theo loài trăn này trên cổ tay mình.
Học trò 'đạo nhạc' khi làm văn về mẹ Khi tả về mẹ, cậu học trò đã mượn lời bài hát 'Hơn cả yêu' để bày tỏ cảm xúc của mình. Chia sẻ nhận được hàng chục nghìn lượt thích. Đọc ba câu đầu có thể thấy học sinh trả lời vài chữ là hết ý thì đọc đến câu 4 bỗng hay đến lạ kỳ. Đặc biệt, bài văn viết về...