Dân Việt mua ôtô giá rẻ: Cứ mơ đi?
Thuế nhập khẩu ô tô về Việt Nam rồi sẽ giảm còn 0%, nhưng có đủ lý do để người dân đừng mơ được mua xe giá rẻ. Thuế, phí sẽ đè nặng lên xe, rồi tình trạng độc quyền phân phối được quyền tự quyết giá bán, còn công nghiệp ô tô èo uột lấy đâu ra xe giá mềm.
Đánh đủ các loại thuế, phí
Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cho biết, giá xe có rẻ hơn hay không còn phụ thuộc vào chính sách của các bộ ngành, căn cứ theo luật, luật pháp sẽ được xây dựng, ông không đủ thẩm quyền để nói về vấn đề này.
Trước đó, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhận định, dù có nhiều thay đổi về thuế nhập khẩu, nhưng ngân sách không lo giảm thu. Một trong những lý do được vị này đưa ra là khả năng thay đổi giá tính thuế ô tô, để bù đắp phần giảm thuế suất theo lộ trình. Ngoài thuế nhập khẩu, hiện giá xe còn phụ thuộc vào 3 loại thuế, phí khác, bao gồm: tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT) và trước bạ, vốn không chịu chi phối bởi các hiệp định thương mại tự do hay cam kết WTO.
Các công cụ như thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ,… sẽ được sử dụng triệt để khi thuế nhập khẩu ô tô vào Việt Nam tới đây giảm còn 0%
“Chỉ cần vì mục tiêu nào đó, như hạn chế phương tiện, tránh tắc đường, lo ngại nhập siêu,… cơ quan quản lý có thể điều chỉnh một, hoặc cả ba công cụ này. Như vậy, thuế nhập khẩu giảm cũng như không”, vị này bình luận.
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở.
Bộ Công Thương cho biết, với 8 thỏa thuận thương mại tự do và 7 thỏa thuận nữa mà Việt Nam sắp ký kết, nguồn thu ngân sách sẽ bị giảm mạnh khi tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến 90-100%. Chưa kể, thuế xuất khẩu cũng phải xóa bỏ. Trong khi đó, tỷ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu so với tổng thu ngân sách còn khá lớn. Dự kiến, năm 2015, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm mạnh nhưng vẫn chiếm 9,2% trong tổng thu ngân sách. Đến năm 2018, thuế hầu hết các mặt hàng nhập khẩu về mức 0%, tổng thu ngân sách còn giảm nhiều.
Video đang HOT
Đương nhiên, khi nguồn thu này giảm buộc các cơ quan quản lý phải đến việc tăng những loại thuế, phí không bị ràng buộc bởi các cam kết, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ để bù đắp. Điều này sẽ làm cho giá ô tô không thể giảm thấp.
Đến 2018, hàng loạt DN ô tô trong nước sẽ dẹp sản xuất để chuyển sang nhập khẩu xe về phân phối, do xe lắp ráp không cạnh tranh được với xe nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu ô tô tăng lên cũng đồng nghĩa với nhập siêu tăng, sẽ khiến Nhà nước tìm cách hạn chế xe nhập. Nhu cầu tăng cao, ô tô lại bị hạn chế, tình trạng khan hiếm sẽ xảy ra đương nhiên giá xe cũng bị đẩy lên cao. Hy vọng được sử dụng xe nhập khẩu nguyên chiếc, chất lượng tốt, giá rẻ vẫn chỉ là mơ ước.
CN ô tô èo uột và độc quyền phân phối
Ngoài ra còn nhiều lý do khác khiến giá xe nhập không thể giảm. Từ 2011, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 20, với quy định thương nhân nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền chính hãng. Điều này khiến một loạt DN thương mại không còn khả năng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về bán và tạo ra sự độc quyền phân phối cho một số nhà phân phối chính hãng. Và đương nhiên, giá cả sẽ do các nhà phân phối này quyết định.
Rất nhiều lý do để xe nhập khẩu vào Việt Nam không thể có giá rẻ (ảnh minh họa)
Chẳng hạn, đầu năm 2015, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô có dung tích xi-lanh trên 2.500 cc giảm từ 68% xuống còn 64%; nhóm xe bốn bánh chủ động (xe 2 cầu) có thuế suất giảm từ 59% xuống 55%. Cùng với đó, tỷ giá đồng Euro so với VND giảm mạnh. Tính ra, nhiều mẫu xe nhập từ châu Âu có thể giảm giá cả trăm triệu đồng, nhưng có rất ít nhà phân phối tại Việt Nam giảm giá xe. Thậm chí, nhiều mẫu xe Đức còn trở nên khan hiếm khó hiểu.
Sở dĩ các nhà phân phối chính hãng làm được như vậy là nhờ họ được độc quyền phân phối xe. Khách hàng muốn mua xe, không mua của họ thì chẳng mua được của ai khác.
Tương tự như vậy là các mẫu xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Năm 2014, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm từ 60% xuống còn 50%, nhưng hàng loạt các mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan về hầu như không giảm giá. Thậm chí, với xe pick-up, thuế suất thuế nhập khẩu chỉ còn 5%, thuế tiêu thụ đặc biệt 15%, lệ phí trước bạ 2%, nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng. Một chiếc pick-up cabin kép trang bị các tính năng hiện đại, giá từ 700-900 triệu đồng, cao hơn nhiều so với giá bán tại Thái Lan.
Một DN kinh doanh ô tô cho biết, sở dĩ giá xe pick-up leo cao như vậy là vì nếu giảm giá mạnh, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe pick-up hết, thì các xe khác không thể bán được. Đương nhiên, các DN làm được như vậy là nhờ có Thông tư 20 hỗ trợ, cho họ quyền được độc quyền phân phối.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết, người dân Việt Nam chỉ thực sự được hưởng xe giá rẻ khi ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển mạnh, đáp ứng hầu hết nhu cầu, giống như Thái Lan và Indonesia hiện nay. Còn chỉ dựa vào nhập khẩu thì điều đó không thể. Tuy nhiên, công nghiệp ô tô Việt Nam chắc không còn cơ hội phát triển, vì vậy cũng đừng hy vọng sẽ đến ngày được sở hữu ô tô giá rẻ.
Theo Trần Thủy
Vef
Chính sách thuế đang "bóp" mong muốn nội địa hóa ô tô
Các địa phương muốn thu được thuế nhiều và nhanh, nên đầu tư cho lắp ráp, nhập xe nguyên chiếc được khuyến khích hơn so với đầu tư cho sản xuất.
Đầu tư cho nội địa hóa đạt mức 50% thì phải sau 5 năm mới bắt đầu nộp thuế giá trị gia tăng và cũng cần ít nhất 5 năm nữa thì việc xây dựng thương hiệu, tiếp thị sản phẩm mới đạt tới điểm hòa vốn và từ năm thứ 12 trở đi tiền nộp thuế mới tăng lên. Đó là thực tế được ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Xuân Kiên nhận xét trong một tâm thư gửi các lãnh đạo cấp cao.
Theo cách tính của ông Huyên, để có sản lượng 100.000 xe/năm với ô tô du lịch từ 5-8 chỗ ngồi, lắp động cơ dưới 1.800 cc và mức nội địa hóa là 50%, cần đầu tư khoảng 350 triệu USD (tương đương 7.385 tỷ đồng). Mức đầu tư này là để xây dựng các nhà máy và đầu tư thiết bị liên quan, như nhà máy đúc luyện kim để luyện đúc khuôn (300 tỷ đồng), nhà máy gia công khuôn được trang bị trung tâm gia công, máy phay công nghệ cao dùng các phần mềm hiện đại (1.000 tỷ đồng), nhà máy dập gồm 3 dây chuyền dập tự động có trợ giúp bằng robot và 50 máy dập có lực từ 100 - 2.000 tấn (1.200 tỷ đồng)... Ngoài vốn cho tài sản cố định này, còn cần khoảng 2.000 tỷ đồng vốn lưu động.
Tốn kém và rủi ro cao là những lý do khiến các doanh nghiệp ô tô không mặn mà đầu tư cho nội địa hóa tại Việt Nam
Ông Huyên cho biết, nếu đến năm thứ 10, công suất nhà máy phát huy được 80%, tức là 80.000 xe/năm thì doanh thu mới đạt 20.000 tỷ đồng (khoảng 250 triệu đồng/xe) và thuế phải nộp cỡ 7.000 tỷ đồng/năm. "Trong khi đó, chỉ cần lắp ráp và nhập xe nguyên chiếc như doanh nghiệp đang bán xe tốt nhất hiện nay là Toyota Việt Nam, với khoảng 23.000 xe trong năm 2013, thì số tiền thuế mà doanh nghiệp có thể nộp được đã hơn 10.000 tỷ đồng/năm", ông Huyên nói.
Với thực tế nộp thuế nhiều cho ngân sách này, doanh nghiệp được khen thưởng, tuyên dương và đặc biệt là chính sách thuế hiện nay cho phép các địa phương giữ lại 40% khoản thu từ thuế giá trị gia tăng, nên chuyện địa phương khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc hay lắp ráp giản đơn là điều không khó hiểu.
Tuy nhiên, song song với các lợi ích trước mắt này, thì câu chuyện sử dụng lao động, giảm nhập siêu, phát huy tài nguyên sẵn có, mà không xuất khẩu tài nguyên thô, hay giảm giá bán cho người tiêu dùng, cũng như tính bền vững, lâu dài của công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ lại không có nhiều và cũng được các doanh nhân tâm huyết với công nghiệp ô tô nói riêng và phát triển công nghiệp nói chung đặt ra.
Thực tế thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện hiện nay chỉ từ 0-5% cũng được ông Huyên cho là lợi thế cạnh tranh lớn, thuộc diện thấp nhất thế giới, khiến các doanh nghiệp ô tô nước ngoài xác định chỉ lắp ráp và nhập khẩu xe nguyên chiếc. Trong khi đầu tư để nội địa hóa tại Việt Nam thì mất 10 năm sau mới có kết quả, thậm chí rủi ro quá lớn.
Từ kinh nghiệm làm ô tô của mình, ông Huyên cho hay, nếu đầu tư các công nghệ cao để thiết kế, đúc, gia công khuôn, dập, hàn cắt, sơn, thử nghiệm thì đạt được mức 39% nội địa hóa. Nếu làm thêm hệ thống chassi phụ, bình xăng và một số chi tiết khác thì được hơn 40%. Các phụ tùng khác như lốp, vành, ghế ngồi, kính, ắc quy, đèn có giá trị khoảng 10-12% của một chiếc xe.
Tuy nhiên, thực tế thì các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không mặn mà với việc đầu tư khuôn mẫu, làm thân vỏ xe bởi tốn kém. Đào tạo kỹ sư đảm đương được thiết kế cũng mất cả chục năm. Vì vậy, trong lúc thị trường Việt Nam còn nhỏ, sản lượng còn thấp, các doanh nghiệp ô tô mang các thân vỏ xe từ nước ngoài vào Việt Nam để lắp ráp với thuế gần như bằng 0%.
Theo thống kế của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/5/2014, đã có 8.747 xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi được nhập khẩu vào Việt Nam trong tổng số gần 18.000 xe ô tô nguyên chiếc các loại được nhập khẩu. Số ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu này cũng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do được cho là thuế nhập khẩu ô tô du lịch nguyên chiếc từ khu vực ASEAN chỉ còn 50% so với mức hơn 70% của năm 2013.
Theo Thanh Hương (baodautu.vn)
Xe rẻ Renault Lodgy có thắng được Toyota Innova không? Renault Lodgy giá khoảng 288 triệu đồng là một đối thủ sừng sỏ mới của các xe rẻ thuộc Toyota, Maruti Suzuki và Honda ở Nam Á. Cách đây 5 năm tại thị trường Nam Á, thống soái ở phân khúc xe rẻ mới chỉ có Mahindra, Tata, Toyota. Sau đó xuất hiện thêm các thương hiệu xe như Maruti Suzuki với mẫu...