Dân vẫn chưa yên tâm
Tuần qua, hai cuộc chất vấn trước UBTVQH của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và qua đó đã đánh động dư luận về nhiều vấn đề “ nóng” trong cuộc sống.
Đối với Chánh án TANDTC việc xử lý “nhẹ tay” với tội phạm tham nhũng, cả về số lượng vụ án được đưa ra xét xử, cả về hình phạt – chủ yếu là án treo đã gây bức xúc. Đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo chương trình và chất lượng giáo dục thấp đã tạo ra một nút thắt về chất lượng lao động cản trở sự phát triển. Tuy nhiên, những trả lời của cả Chánh án Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã không làm yên lòng cả các đại biểu Quốc hội và người dân cả nước theo dõi buổi chất vấn.
Xét xử theo luật, mà luật lại chậm hơn tham nhũng?
Trả lời về số lượng các vụ tham nhũng phát hiện ra nhiều nhưng ít vụ được đưa ra xét xử, Chánh án Trương Hòa Bình đã khẳng định trách nhiệm này không thuộc TANDTC. Tòa án không tự mình truy tố được và chỉ có thể xét xử các vụ án khi Viện Kiểm sát nhân dân truy tố và có cáo trạng. Tất cả các vụ đã truy tố và có cáo trạng tòa án các cấp đều đã đưa ra xét xử. Rõ ràng đã có những vướng mắc khi nhiều vụ tham nhũng đã được xử lý kỷ luật và không được xử lý trước pháp luật. Có thể tội phạm tham nhũng đã quá tinh vi và vì vậy các chứng cứ không đủ để đưa ra truy tố và xét xử?
Đảng và Nhà nước đã khẳng định cương quyết chống tham những. Vậy cái gì cản trở đưa ra tòa các vụ tham nhũng. Có thể nói, có rất nhiều lý do. Từ cơ chế quản lý cán bộ, xử lý cán bộ ở cấp nào các cơ quan pháp luật phải có ý kiến của cơ quan quản lý cán bộ cấp đó đến sự can thiệp quá nhiều của các cán bộ lãnh đạo địa phương cũng như các cơ quan liên quan. Còn có nỗi sợ mơ hồ về sự mất uy tín của cơ quan, của phong trào nói chung khi xử lý pháp luật một cán bộ, đặc biệt khi cán bộ đó vốn có trọng trách tại địa phương hoặc cơ quan.
Video đang HOT
Nhưng không chỉ các vụ không truy tố, các vụ truy tố, xét xử, các bị cáo tham nhũng cũng bị xử lý rất nhẹ. Có đại biểu Quốc hội đã chỉ ra có địa phương, các vụ án tham nhũng khi đem ra xét xử có đến 45% các bị cáo được hưởng án treo. Trả lời vấn đề này, Chánh án TANDTC cho rằng có sự thật đó. Và TAND các cấp cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhiều lần kháng nghị, hủy án, xem xét tư cách thẩm phán trong các vụ xét xử này. Chánh án cũng thừa nhận việc cán bộ ngành tòa án nhận tiền hối lộ, chạy án là có thật và hàng năm ngành tòa án đều có báo cáo số trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Chánh án TANDTC cũng khẳng định, đa số các vụ án tham nhũng đã được xét xử nghiêm minh. Các tội phạm đã bị nghiêm trị trước pháp luật. Giải thích về số lượng án treo nhiều, án nhẹ nhiều, Chánh án TANDTC cho rằng có hai điểm cần lưu ý. Một là tòa án chỉ xử các tội được truy tố trong cáo trạng với các tình tiết trong cáo trạng cùng các khung hình phạt đã được quy định trong các bộ luật. Cáo trạng chứa đựng những kết luận đã được khẳng định trong quá trình điều tra. Tòa án không thể truy tố các tội không có trong cáo trạng, không thể không căn cứ vào những chứng cứ trong cáo trạng và hồ sơ vụ án cũng không thể vụ nào cũng xử vượt khung.
Chánh án cho biết thêm hiện ngành đang xây dựng một nghị quyết mới để quy định chặt chẽ những điều kiện cho hưởng án treo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật đối với nhóm tội tham nhũng nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng chưa biết khi nào có nghị quyết và đến bao giờ các quy định này mới được thực hiện.
Như vậy mặc dù Đảng và Chính phủ với những chủ trương chính sách của mình thể hiện thái độ cương quyết chống tham nhũng. Tuy nhiên đã có một sự bất cập chưa phối hợp được với các biện pháp phòng chống tham nhũng chính là sự thiếu thống nhất thái độ cương quyết trừng trị tội phạm tham nhũng của các cơ quan tư pháp, hành pháp. Sự thiếu thống nhất đó thể hiện ở quan niệm kỷ luật cũng là xử lý pháp luật, thiếu quyết tâm đi đến cùng, xử lý đến cùng các vụ tham nhũng. Rõ ràng các biện pháp pháp luật là một trong những công cụ của Nhà nước để chống tham nhũng, song nếu biện pháp pháp luật lại “nhẹ tay” như hiện nay thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ mất đi một động lực quan trọng.
Bao giờ nhân dân yên lòng với giáo dục?
Đó là câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Trong trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trình bày rất nhiều kế hoạch dài hơi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng lao động để phục vụ sự phát triển đất nước. Tuy nhiên khi buộc phải trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, thì ông không thể trả lời về một thời gian cụ thể. Ông chỉ có thể khẳng định được sẽ đem hết trí lực và cả nhiệt huyết để thực hiện nhưng không thể có một cam kết nào về thời hạn cũng như kết quả của những kế hoạch này. Qua các kế hoạch Bộ trưởng trình bày chúng ta có thể thông cảm với ông. Năm 2015 chúng ta mới triển khai cải cách giáo dục phổ thông. Theo các căn cứ khoa học 12 năm sau chúng ta mới hoàn thiện hệ thống và sau vài năm nữa chúng ta mới có sản phẩm giáo dục, nghĩa là con người được giáo dục theo hệ thống mới. Chưa kể không biết cuộc cải cách này có hiệu quả không và còn có cuộc cải cách mới nào khác không. Con em chúng ta đã được đem ra thí nghiệm cho nhiều cuộc cải cách rồi.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết những bất cập yếu kém trong quản lý nhà nước về giáo dục thời gian qua chính là nguyên nhân của tình trạng cả xã hội chưa bằng lòng với chất lượng giáo dục. Nhận thức được điều này, từ năm 2008, Bộ đã triển khai việc đổi mới quản lý giáo dục. Việc đổi mới vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa xứng tầm với chỉ đạo. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp đổi mới giáo dục. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược mới về phát triển giáo dục đào tạo đổi mới nhận thức chuyển từ mô hình đào tạo dựa vào quy mô, số lượng sang mô hình đào tạo nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục. Song tất cả vẫn đang ở thì tương lai, đang nghiên cứu.
Tuy nhiên như việc Bộ GD-ĐT phải gửi thư xin lỗi ông Trần Đăng Tuấn vì chậm trễ trong việc ban hành chính sách đối với các em nhỏ và giáo viên vùng cao đủ thấy khó khăn không chỉ ở quyết tâm nghiên cứu đề ra các kế hoạch mà ở thái độ quyết liệt vì các em, vì chất lượng giáo dục, vì chất lượng người Việt tương lai.
Theo ANTD
Trả lời chất vấn về "bệnh thành tích" trong giáo dục
Hôm nay, 22-3, tại phiên họp thứ 16 của UBTVQH, sẽ diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
ảnh minh họa
Dự kiến, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình sẽ tập trung trả lời về Giải pháp khắc phục hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ở Tòa án các địa phương làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử...
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trả lời về Chương trình hành động cụ thể để khắc phục tình trạng "dạy thêm, học thêm" và "bệnh thành tích" trong ngành giáo dục; giải pháp khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc trái chuyên ngành được đào tạo; chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu của đơn vị tuyển dụng... Nhiều thành viên Chính phủ khác cũng sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Theo ANTD
Chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình và Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 16 dự kiến diễn ra từ ngày 18 tới 22-3. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình sẽ trực tiếp trả lời...