Dân “truy” trách nhiệm dự án trường đại học trăm tỷ “đắp chiếu”
Dự án trường đại học Hoa Lư (Ninh Bình) xây dựng chậm, kéo dài, để hoang hóa gây lãng phí tài sản nhà nước khiến nhiều người dân địa phương bức xúc và đề nghị làm rõ trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị có liên quan.
Dân “truy” trách nhiệm, lãnh đạo tỉnh “phớt lờ”
Liên quan đến dự án trường đại học Hoa Lư (Ninh Bình) được triển khai xây dựng từ năm 2011 (tại xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình), sau nhiều năm đến nay vẫn chưa hoàn thành, “đắp chiếu” vì đói vốn ( báo Dân trí đã phản ánh trong bài viết: Trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm vì… thiếu vốn), tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV, nhiều ý kiến của các đại biểu đã đề cập đến vấn đề này, yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình làm rõ.
Các đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình đặt câu hỏi: Việc triển khai xây dựng trường đại học Hoa Lư chậm, kéo dài, để hoang hóa gây lãng phí tài sản của nhà nước, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị có liên quan? Có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án và cho biết dự kiến thời gian thực hiện cụ thể?
Dự án trường đại học Hoa Lư xây dựng nhiều năm nay chưa xong, hiện đang “đắp chiếu” vì… thiếu vốn.
Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã trả lời ý kiến các đại biểu về những vấn đề nêu trên. Ông Thìn cho biết, dự án đầu tư xây dựng trường ĐH Hoa Lư được UBND tỉnh Ninh Bình giao cho Trường ĐH Hoa Lư làm chủ đầu tư và được phê duyệt năm 2011 với 3 dự án thành phần, tổng mức đầu tư là 1.352 tỷ đồng; thời gian khởi công – hoàn thành từ năm 2011 đến năm 2016.
Tuy nhiên, ngày 7/4/2014, tại Quyết định 229/QĐ-UBND, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt lại dự án với tổng mức đầu tư là 421 tỷ đồng.
“Đến nay dự án đã thi công với khối lượng đạt khoảng trên 200 tỷ đồng, số vốn đã bố trí là hơn 226 tỷ đồng (chiếm 54% tổng mức đầu tư). Các hạng mục được đầu tư xây dựng gồm: Nhà hiệu bộ, nhà thư viện, giảng đường A-B, xưởng thực hành, nhà y tế; hạ tầng kỹ thuật: san lấp mặt bằng, đường nội bộ, bãi đỗ xe, cổng tường rào”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thông tin.
Về việc xây dựng chậm, kéo dài, để hoang hóa gây lãng phí, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho hay: Do khó khăn về nguồn vốn nên dự án chưa thể tiếp tục được triển khai. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của đại biểu và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan, nghiên cứu, thực hiện rà soát lại các hạng mục đầu tư, thực hiện giãn hoãn, cắt giảm các hạng mục chưa thực sự cần thiết; Lựa chọn các hạng mục quan trọng, thiết yếu để tiếp tục tập trung đầu tư dứt điểm.
Về nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí để thanh toán bợ xây dựng cơ bản cho dự án; ngân sách địa phương sẽ huy động các nguồn lực, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn thiện các hạng mục công trình, đưa các hạng mục công trình trên vào bàn giao, sử dụng, qua đó phát huy được hiệu quả đầu tư.
Video đang HOT
Tòa nhà 10 tầng của dự án xây dựng xong phần thô rồi bỏ mặc nắng mưa hủy hoại
Về ý kiến Đại biểu HĐND “truy” trách nhiệm các sở ngành, đơn vị có nhiệm liên quan, vị đại diện UBND tỉnh Ninh Bình khi trả lời đã không đề cập đến trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan đến dự án trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm này.
Trường đại học trăm tỷ vẫn… bỏ hoang
Trước đó, như báo Dân trí đã phản ánh, dự án trường đại học Hoa Lư (Ninh Bình) được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay đang bỏ hoang giữa cánh đồng. Các hạng mục bên trong dự án được xây dựng dở dang rồi bỏ mặc nắng mua hủy hoại.
Theo đó, “công trình trọng điểm” của tỉnh Ninh Bình này giờ biến thành nơi chăn thả trâu bò, để mặc cỏ dại mọc um tùm khắp nơi. Nhiều người dân xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình không khỏi xót xa cho công trình tiền tỷ bị bỏ mặc phơi mưa phơi nắng này.
Nhiều người dân còn bức xúc, hàng chục ha đất “bờ xôi ruộng mật” của họ đang sản xuất tốt đã bị thu hồi để phục vụ dự án nhưng đến nay “không đâu vào đâu”, dân thì mất đất sản xuất, còn tiền của nhà nước đổ và xây dựng dự án thì bỏ hoang, gây lãng phí, nợ công tăng cao.
Cổng trường được xây dựng nhưng chưa có cánh cửa nên người dân tự do đưa trâu bò vào chăn thả, biến nơi đây thành bãi đất hoang, nơi chăn thả gia súc.
Ghi nhận của PV Dân trí, toàn bộ dự án trường ĐH Hoa Lư nằm trên diện tích đất rộng hiện nay vẫn đang bỏ hoang, mới chỉ xây dựng xong phần thô của tòa nhà cao 10 tầng. Bên cạnh đó, các hạng mục nhà chức năng, giảng đường chỉ mới chỉ đổ nền móng và dựng nhiều cột bê tông cốt thép.
Các phòng học vẫn chưa được xây dựng, một hệ thống tường rào bao quanh dự án được xây dựng từ nhiều năm, nhưng nhiều đoạn vẫn chưa được rào chắn. Trường có hai cổng vào, tuy nhiên cũng chỉ mới được xây dựng sơ sài rồi để đó, chưa có cửa… Ngoài những hạng mục xây dựng xong nửa chừng rồi để mặc nắng mưa hủy hoại, xung quanh khuôn viên của trường cỏ dại mọc um tùm, nhiều đống đất đá, vật liệu nằm ngổn ngang khắp nơi khiến nơi đây như một bãi hoang.
“Khi có dự án, thu hồi đất sản xuất, giá đền bù rẻ nhưng chúng tôi cũng vui mừng vì tương lai khi trường đại học đưa vào sử dụng nơi đây sẽ phát triển thành trung tâm giáo dục của tỉnh. Chờ mãi chẳng thấy trường xây xong, giờ thì bỏ hoang. Tiếc số tiền xây trường, tiếc cả đất nông nghiệp bỏ hoang nữa chú à’, một người dân nói.
Trái ngược với dự án trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu”, ngôi trường ĐH Hoa Lư hiện nay vẫn đang còn đáp ứng đủ nhu cầu học tập của sinh viên trong và ngoài tỉnh. Thậm chí, những năm gần đây số lượng sinh viên tuyển sinh mới của trường bị còn sụt giảm dẫn đến nhiều phòng học, phòng chức năng… của ngôi trường này chưa sử dụng hết công năng.
Chưa biết đến bao giờ, dự án trường ĐH Hoa Lư mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Để tìm hiểu rõ thực trạng vấn đề trên, trước đó PV Dân trí đã đến gặp ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Lư, vị hiệu trưởng cho biết, dự án do trường làm chủ đầu tư nhưng nguồn vốn do UBND tỉnh cấp, vì thế phải có ý kiến của văn phòng UBND tỉnh ông mới dám trả lời những vấn đề có liên quan về dự án này.
Trao đổi qua điện thoại, ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình cho phóng viên biết, lãnh đạo tỉnh từ chối trả lời về dự án và mong muốn phóng viên không phản ánh về vấn đề trên.
Thái Bá
Theo Dantri
Vì sao Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông "đội" vốn, "lụt" tiến độ?
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bị "lụt" tiến độ vận hành và vừa phải vay thêm vốn của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án bị chậm vì Việt Nam đang tiến hành thẩm định giá gói thầu thiết bị, dự án bị "đội" vốn là do trượt giá.
Tại cuộc họp báo quý III/2016 diễn ra chiều 29/9, trả lời PV Dân trí về các vấn đề của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, Dự án Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC.
Với hình thức đầu tư này, Trung Quốc và Việt Nam có những điểm khác nhau. Cụ thể, theo quy định của Trung Quốc thì Việt Nam là nước hưởng ưu đãi và có trách nhiệm kiểm tra công nghệ của dự án, tuy nhiên theo quy định của Việt Nam thì Việt Nam kiểm soát cả về vấn đề thiết kế, dự toán trước khi Trung Quốc triển khai thực hiện. Vì có những khác biệt nên các vấn đề phải thực hiện theo Hiệp định vay vốn.
Theo Thứ trưởng Trường, do có biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá nên năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc thống nhất bổ sung thêm 250,62 triệu USD.
"Số vốn 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đã được thống nhất xong từ cách đây 3 năm, mới đây nhân chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc làm việc nên hai bên thực hiện ký kết để lấy vốn cho dự án, chứ không phải là vốn tăng thêm và vay mới" - Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành xây lắp vào cuối năm 2016, đến cuối năm 2017 mới có thể đưa vào khai thác thương mại (ảnh: Hà Trang)
Đối với tiến độ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trước đó Bộ GTVT khẳng định hoàn thành dự án và đưa vào vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2016, nhưng mới đây Bộ GTVT lại cho biết phải "giãn" sang năm 2017 và nếu "thuận buồn xuôi gió" thì mới hoàn thành được.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng tiến độ dự án hoàn toàn dựa trên công nghệ và phương thức thi công của Trung Quốc, Bộ GTVT giao cho Ban Quản lý Dự án Đường sắt (đơn vị có nhiều kinh nghiệm) làm đại diện chủ đầu tư. Từ năm 2013 đến nay dự án có nhiều tiến triển tốt về tiến độ.
"Trong quá trình làm việc với Trung Quốc vẫn quyết tâm hoàn thành phần xây lắp vào cuối năm 2016, tiến độ này có thể đáp ứng được" - Thứ trưởng Trường cho hay.
Lí do phải "giãn" tiến độ sang năm 2017 theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT là vì đang trong quá trình thẩm định gói thầu về thiết bị cho dự án, gồm: Thiết bị đoàn tàu, đường ray, nhà điều hành, nhà xưởng...
"Gói thầu thiết bị chúng tôi đang đàm phán khoảng 200 triệu USD nhằm đảm bảo có được công nghệ mới nhất cho Dự án, đáp ứng được tự động hóa và giá thành. Bộ GTVT đã mời đơn vị của Bộ Tài chính tham gia thẩm định giá. Chậm là do Việt Nam đang tiến hành thẩm định, phía Trung Quốc cũng mong muốn Việt Nam sớm hoàn thành công tác thẩm định để họ thực hiện ký kết" - Thứ trưởng Trường khẳng định.
Theo dự kiến, đến cuối năm 2016 dự án sẽ hoàn thành xây lắp, hết quý 1/2017 mới có thể thực hiện xong các thiết bị, hạ tầng và sau đó sẽ vận hành thử trong 3 tháng và đến cuối tháng 9/2017 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới có thể khai thác thương mại.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, hiện nay sự hợp tác của Trung Quốc là rất tích cực, đây là dự án đầu tiên hoạt động tại Thủ đô, mang tính biểu tượng nên sẽ cố gắng hoàn thành và đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Ninh Bình xin Thủ tướng "cứu" nhà máy 12.000 tỷ đồng đang "sống dở chết dở" Nguồn tin của Dân trí cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp gỡ khó khăn cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tiếp lỗ và hiện đang trong tình trạng "sống dở chết dở". Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than...