Dân Trung Quốc chuyển sang ăn ‘thịt giả’ trước cơn khát thịt lợn
Nhu cầu ăn chay của người Trung Quốc đang tăng lên trong bối cảnh đất nước tỷ dân vẫn chưa tìm được giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng thịt lợn.
Người Trung Quốc thích thịt lợn và quốc gia này cũng là một trong những nước tiêu thụ thịt lợn cao nhất thế giới. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thực phẩm này ở Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu hụt trầm trọng và tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự.
Thịt lợn khan hiếm khiến người dân bắt đầu tìm kiếm các loại thực phẩm mới thay thế. “Thịt giả” từ đó lên ngôi, kéo theo ngành công nghiệp thịt có nguồn gốc từ thực vật “ăn nên làm ra” trong thời điểm này.
Nông dân Trung Quốc làm đậu phụ theo cách truyền thống tại nhà. (Ảnh: Getty)
“Thịt giả” thực chất là các món chay được làm từ đậu phụ, lúa mì nên nó còn giúp cải thiện sức khỏe, ô nhiễm môi trường cũng như giải quyết vấn đề đạo đức khi giết mổ động vật.
“Xu hướng bán chay, giảm lượng thịt do lý do sức khỏe hoặc môi trường có thể mở đường cho thịt giả”, chuyên gia phân tích Simon Powell nhận định.
Ở Planet Green, một nhà hàng chay ở Thâm Quyến, chiếc bánh mì kẹp “thịt giả” dù có giá tới 88 NDT (gần 285.000 đồng), mức giá khá cao so với giá tiền của một chiếc bánh mì thịt thông thường, từ 10-50 NDT, nhưng rất được ưa chuộng. Planet Green cho biết họ đã bán được hơn 10.000 bánh mì kẹp thịt giả kể từ khi chúng được thêm vào thực đơn trong 9.
“Tôi rất ngạc nhiên bởi nó ngon như vậy. Tôi cứ nghĩ nó là thịt thật”, một thực khách của cửa hàng cho biết.
Chuỗi cửa hàng ăn chay Green Common ở Hong Kong cũng đang thêm thịt chay vào thực đơn của mình. Một trong những món được ưa chuộng nhất là mì Hakata với phần thịt được làm từ đậu nành, đậu Hà Lan, nấm gạo có mùi vị giống hệt thịt thật.
Vào thời điểm trung thu, công ty khởi nghiệp Zhenrou có trụ sở tại Bắc Kinh tung ra thị trường loại bánh trung thu với phần nhân là thịt có nguồn gốc từ thực vật và rất được đón nhận.
Thịt chay thường có giá cao hơn khoảng 50% so với thịt thông thường. Nhưng các công ty đang tìm cách để thu hẹp khoảng cách này.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các chuyên gia cho cần có một thời gian để ăn chay thực sự trở thành một xu hướng của Trung Quốc bởi thịt lợn vẫn là thực phẩm được ưa chuộng hàng đầu ở đất nước tỷ dân.
Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ tạm thời gạt nó ra khỏi bữa cơm của người Trung Quốc. Nhưng khi cơn khát thịt đi qua, cuộc khủng hoảng lắng lại, mọi chuyện sẽ trở lại như ban đầu.
(Nguồn: NAR, CNBC)
SONG HY
Theo VTC
Lễ quốc khánh bị giá thịt và thương chiến bủa vây của ông Tập Cận Bình
Trước kỷ niệm 70 năm quốc khánh, tâm trạng của người dân Trung Quốc không mấy vui vẻ vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt nhiều thách thức lớn.
Chủ cửa hàng ở Thâm Quyến. Người bán thịt lợn ở Nam Ninh. Công nhân nhà máy ở Đông Quản. Trên khắp vành đai công nghiệp phía nam Trung Quốc, tầng lớp lao động đang chịu áp lực - và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng vậy.
Cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, các cuộc biểu tình ở Hong Kong, giá lương thực tăng vọt và tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong nhiều thập kỷ nằm trong nhiều vấn đề mà nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt khi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm cầm quyền của đảng Cộng sản.
Cờ Trung Quốc được treo trên đại lộ ở Nam Ninh, Quảng Tây trước lễ kỷ niệm quốc khánh. Ảnh: Bloomberg.
Nhìn bề ngoài, mọi thứ có vẻ ổn: đường phố đã được dọn dẹp và an ninh tăng cường trước ngày lễ 1/10. Ngày hôm đó, ông Tập sẽ chủ trì cuộc diễu binh và có bài phát biểu ca ngợi sức mạnh của Trung Quốc.
Nhưng tâm trạng của người dân có vẻ ảm đạm hơn, đặc biệt là ở vùng phía nam Trung Quốc trải dài từ biên giới Việt Nam đến Châu thổ Châu Giang. Khu vực này bao gồm trung tâm sản xuất của Đông Quản, nơi đang chịu ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ.
Đó là Thâm Quyến - quê hương của Huawei Technologies Co. và ngay bên kia ranh giới từ các cuộc biểu tình ở Hong Kong - và cả Nam Ninh, nơi dịch bệnh trên lợn hoành hành gây thiệt hại cho những người chăn nuôi.
Khó khăn và bất mãn tăng cao
"Ông Tập đang phải đối mặt với vô số vấn đề khó khăn trong nước và quốc tế. Bất kỳ một trong những vấn đề này có thể trở thành cuộc khủng hoảng toàn diện và do đó, trong khi ông ấy duy trì quyền lực chặt chẽ, ông ấy không thể ăn mừng quá rầm rộ khi theo dõi cuộc diễu hành lớn", Dennis Wilder, cựu giám đốc cấp cao về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia, người đang làm việc tại Đại học Georgetown, cho biết.
So với năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay đang ở vị thế mạnh hơn nhiều, điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt những thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền. Ảnh: AFP/Getty.
Tuy nhiên, người dân tại các thành phố miền Nam Trung Quốc đang lo ngại rất nhiều về chi phí sinh hoạt. Nhiều người nói về khó khăn tăng lên hàng ngày. Hiện tại, bất mãn lớn nhất của họ là giá thịt lợn tăng.
Tại chợ Weizilu ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, các biện pháp kiểm soát được đưa ra để chống lại sự tăng giá đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp thua lỗ khó duy trì hoạt động. Đây là một trong 10 nơi việc phân phối khẩn cấp được áp dụng vào đầu tháng 9, với giới hạn về số lượng bán ra và giá cả vẫn được duy trì.
"Những người bán hàng không thích chính sách này, nhưng nó rất tốt cho những người bình thường", một người bán hàng họ Huang cho biết. Cô ước tính mất 200 nhân dân tệ (28 USD) cho mỗi con lợn. Cô cho biết các nhà cung cấp đã được thông báo rằng các khoản trợ cấp đang đến nhưng vẫn chưa thấy đâu.
Sự bùng phát dịch tả lợn gây tổn hại nặng nề cho người tiêu dùng, đẩy giá thịt lợn - mặt hàng chủ lực trên bàn ăn Trung Quốc - tăng gần 50% trong tháng 8. Cú sốc này làm cho các thực phẩm khác trở nên đắt đỏ hơn và có thể sẽ kéo dài trong năm tới.
Ngay cả việc nhập khẩu tất cả thịt lợn được giao dịch trên toàn thế giới cũng không đủ bù đắp cho thiếu hụt 10 triệu tấn của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa cho biết hồi đầu tháng này.
Khách hàng đi qua các quầy bán thịt lợn tại một khu chợ ở Nam Ninh. Ảnh: Bloomberg.
"Nếu giá thịt lợn tiếp tục tăng quá nhanh, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân thành thị và nông thôn, đặc biệt là người thu nhập thấp và ảnh hưởng đến bầu không khí vui vẻ khi kỷ niệm 70 năm thành lập nước Trung Hoa mới", ông Hồ nói.
Nhận thức được giá tăng phi mã có thể gây ra sự bất bình trong xã hội, các quan chức Trung Quốc đã tìm mọi cách để tăng nguồn cung: từ việc giải phóng dự trữ thịt lợn trong kỳ nghỉ lễ quốc gia sắp tới đến nhập khẩu "tinh trùng lợn giống" từ Bắc Âu để thúc đẩy chăn nuôi.
Nhiều quan chức cấp cao đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng thịt lợn tại quê nhà, thừa nhận rằng sự bao che của chính quyền địa phương làm mọi thứ tồi tệ hơn và đảm bảo với người dân rằng giá cả sẽ được kiểm soát.
Những đám mây phủ bóng 70 năm quốc khánh
Căng thẳng khiến các công dân Trung Quốc không muốn vào Hong Kong qua Thâm Quyến. Các đặc vụ đang rà soát chặt chẽ hơn du khách và lục soát các thiết bị cá nhân.
Các công dân như Li Zi, người điều hành một quầy hàng nhỏ bán phụ kiện điện thoại di động gần trạm kiểm soát hải quan, phản đối các cuộc biểu tình dù biết nhiều người ở Hong Kong ủng hộ.
Poster của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc gần biên giới La Hồ giữa Thâm Quyến và Hong Kong. Ảnh: Bloomberg.
"Không có ai ở đây cả, việc kinh doanh thực sự tồi tệ. Không những buôn bán khó khăn mà nó còn làm cho lễ kỷ niệm 70 quốc khánh của Trung Quốc có vẻ tệ", Li, 34 tuổi, người chuyển đến thành phố giáp ranh với Hong Kong 10 năm trước từ một thành phố nhỏ ở Quảng Đông, nói với Bloomberg.
Một đám mây khác phủ bóng lễ kỷ niệm là cuộc chiến thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, với áp lực gia tăng từ cả hai phía để đạt được thỏa thuận khi căng thẳng gây thiệt hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các cuộc đàm phán đã được nối lại khi cả hai bên tìm kiếm một thỏa thuận có thể giảm bớt "nỗi đau" kinh tế ngay lập tức, ngay cả khi nó không giải quyết được mọi vấn đề.
Hiệp định thương mại vẫn còn xa với, mâu thuẫn với Mỹ sẽ vẫn còn đó ngay cả khi thỏa thuận được ký kết.
Trong khi Bắc Kinh có một số quyền kiểm soát đối với giá thịt lợn, một số yếu tố nằm ngoài tầm tay của họ, chẳng hạn sự sụt giảm số lượng lợn nái.
Trong bài phát biểu ngày 3/9, ông Tập khái quát các thách thức là những vấn đề dài hạn cần giải pháp lâu dài và các đảng viên tập hợp lại để "nuôi dưỡng và duy trì tinh thần chiến đấu mạnh mẽ".
"Ông Tập đang đối mặt với thời gian thử thách nhất kể từ khi tiếp quản đảng", Trey McArver, đồng sáng lập hãng nghiên cứu Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.
"Ông ấy rất rõ ràng với mọi người rằng mọi thứ rất khó khăn nhưng ông ấy cũng kêu gọi sự đoàn kết và lòng trung thành của đảng đối với lãnh đạo", ông nói.
Theo Zing.vn/Bloomberg
Ở Trung Quốc, người giàu là người có thịt lợn để ăn Thịt lợn treo cổ giờ là mốt khoe giàu sang mới nhất tại Trung Quốc trong bổi cảnh khủng hoảng thịt lợn đang ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc hiện nay. Cư dân mạng Trung Quốc những ngày qua truyền tay nhau hình ảnh người đàn ông đeo miếng thịt lợn lớn trước ngực tại Lập Tử Lục, chợ bán thịt lợn...