Dân trồng đào “phát sốt” vì sợ thời tiết không thuận lợi
Những ngày này, nhiều người dân trồng đào ở làng đào Phú Thượng, Nhật Tân, Hà Nội đang đứng ngồi không yên vì lo thời tiết không được “thuận buồm xuôi gió” sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cây đào.
Bà Nguyễn Thị Phi, 55 tuổi – người dân trồng đào ở Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, so với các năm thì năm nay cây đào đang phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, từ giờ tới Tết còn hơn 3 tuần nữa mà thời tiết thay đổi liên tục vì vậy chưa dám chắc đào nở hoa trúng Tết.
Những ngày này nhiều nhà vườn đã đánh đào, sẵn sàng cho vụ đào Tết. Ảnh: M.N
“Nếu thời tiết thuận lợi, vừa ấm vừa rét đan xen hoặc nắng nhưng phải có rét thì đào mới trúng Tết. Nếu trời nắng thì cây đào đâm nụ rất nhanh, khó mà hãm được” – bà Phi nói.
Kinh nghiệm trồng đào cho thấy việc hãm đào còn khó hơn việc kích đào ra nụ. Người trồng đào có thể kích đào bằng nhiều cách, ví như đặt đào vào nhà kính cho ấm, bật điều hoà cho nóng, hoặc tưới nước, nhưng nếu trời nắng thì rất khó hãm đào.
Bà Phi cho biết, mấy ngày gần đây thời tiết đột nhiên nắng nóng khiến bà đứng ngồi không yên. Ảnh: M.N
Hiện tại một số lái buôn đã bắt đầu tìm đến các vườn để ngắm hoa, thăm cây, tuy nhiên phải tầm 5-7 ngày nữa thì họ mới xuống mua, trả giá đặt tiền để đánh dấu đào.
Không giống như một số vườn đào ở Phú Thượng, năm nay đào của bà con ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) lại nở khá sớm. Một số nhà vườn, cành đã nở bông.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Hùng – chủ vườn đào với gần 100 gốc ở đây cho hay: “Mấy ngày nay tôi như phát sốt vì thời tiết đang lạnh bỗng dưng nắng nóng. Mấy cây đào rừng của tôi đã đâm hoa. Mặc dù còn rất nhiều nụ nên cây có thể chơi qua Tết nhưng nếu giờ cây ra hoa nhiều thì lượng nụ sau đó sẽ ít đi, nhìn cây sẽ không tươi nữa”.
Những gốc đào rừng được lai ghép có giá gần chục triệu đồng. Ảnh: M.N
Hy vọng lớn nhất của ông Hùng lúc này là thời tiết nhanh chuyển mùa sang lạnh, nhiệt độ từ 18-20 độ là phù hợp nhất để cho đào sinh trưởng.
Nói về giá, ông Hùng cho biết, những cây đào tầm 7 năm tuổi, tán rộng tầm 80cm cao chừng 1,6m, nhiều dăm, nhiều lộc, nhiều nụ có giá từ 4 – 6 triệu đồng, tuỳ gốc cây, dáng cây. Nhiều cây đào cổ, gốc đào rừng còn có giá lên tới 40-50 triệu đồng.
“Nếu mua đứt gốc thì giá mua đắt hơn từ 500 nghìn đồng tới 1 triệu đồng, tuỳ cây. Thông thường khách không mua đứt mà chọn cách thuê bởi giá thành rẻ hơn lại không phải chăm bón cây sau Tết. Khách chỉ cần chọn cây đặt tiền nhà vườn sẽ thuê người chở tới tận nhà” – ông Hùng nói.
Cây đào này đang được chủ vườn chào giá 4,5 triệu đồng. Ảnh: MN
Hiện tại đã có 20 gốc đào của ông Hùng được thương lái vào đặt trước, ứng tiền và đánh dấu. Họ cho biết, nếu thời tiết thuận lợi cuối tuần sẽ vào chọn thêm.
Theo Danviet
Lao động thời vụ kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ đào, quất
Còn gần một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, các nhà vườn trồng đào, quất ở Tứ Liên và Nhật Tân (Hà Nội) đang tất bật vào vụ, phát sinh vô số việc làm cho những lao động thời vụ với mức thu nhập khá cao.
Các nhà vườn trồng đào, quất ở Nhật Tân và Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật vào vụ khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán. Nhu cầu công việc nhiều khiến hàng nghìn lao động thời vụ đổ về đây để làm thuê cho nhà vườn. Một chủ vườn quất ở Tứ Liên cho biết, gia đình anh phải thuê 3 nhân công làm việc cả ngày, chăm sóc từng cây quất. Ba ngày gần đây, gia đình bắt đầu phải thuê thêm 4 người nữa mới làm hết việc.
Một chủ vườn quất cho biết, người lao động làm việc lâu dài có thu nhập cũng đủ để nuôi gia đình. Còn những lao động thời vụ thì có thu nhâp cao hơn, khoảng 300 - 500 nghìn đồng một ngày. Có người làm nhiều việc, làm cho nhiều nhà vườn, mỗi ngày có thể kiếm được hàng triệu đồng.
Lao động thời vụ thường là người nhà hoặc đồng hương của những người làm cố định ở các nhà vườn. Khi vào chính vụ, chủ vườn thường nhờ người làm tìm giúp lao động thời vụ, vừa đảm bảo công việc, vừa tránh những điều không mong muốn như mất cắp hay làm hỏng cây.
Công việc chính trong những ngày cao điểm tại các nhà vườn là đánh chuyển đào, quất từ vườn lên bồn, di chuyển cây ra các địa điểm bày bán ven đường.
Tại một nhà vườn ở Nhật Tân, việc đánh chuyển đào đang diễn ra khá tất bật.
Chủ một vườn đào ở Nhật Tân cho biết, càng gần Tết, nhu cầu nhân công càng nhiều. "Sang tuần tôi sẽ thuê thêm 4 người làm thời vụ. Người làm cho gia đình thường là những người quen, cứ dịp Tết lại từ quê lên đây."
Ông Nguyễn Văn Huy (55 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam) đang cúi người cầm gậy tre để chuẩn bị đánh chuyển cây đào. Ông cho biết, lên Hà Nội được khoảng một tháng nay, làm thời vụ cho một vườn đào. "Ở quê cũng không có việc ra tiền nên tranh thủ lên đây "kiếm cái Tết"", ông Huy cho biết.
Công việc tuy vất vả nhưng được trả công cũng khá, ông Huy dự tính làm đến Tết là có một khoản tương đối mang về quê lo cho gia đình.
Khoảng mười ngày nữa, số lao động thời vụ ở Nhật Tân và Tứ Liên sẽ còn tăng lên nhiều. Không ít người hàng ngày làm nghề phụ hồ, xe ôm... nhưng cứ đến dịp này là về đây làm việc thời vụ. Những người thạo việc, chăm chỉ, làm chỉ khoảng 20 ngày là kiếm được hơn chục triệu đồng.
Trọng Trinh
Theo Dantri
Đất Tứ Liên tràn ngập nhà giàn trồng quất bon sai Quất đã chuyển màu vàng rực trên khắp cánh đồng Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội). Tuyến đường đê quai ven sông Hồng cũng bắt đầu nhộn nhịp cảnh mua bán. Quất Tứ Liên vẫn vậy, chỉ khác là có thêm rất nhiều nhà giàn khung sắt chuyên để chăm sóc những cây quất bon sai trồng trong bình gốm. Con đường đê...