Dân trọ lo… dịch
Dịch bệnh COVID-19 đang nóng lên từng ngày khiến ai cũng cẩn thận hơn và tìm cách phòng tránh. Một số người về quê ‘lánh nạn’ một thời gian, nhưng không ít người vẫn bám trụ khu trọ vì nhiều lý do.
Hải Yến cùng đồng nghiệp vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn ở cơ quan – Ảnh: NVCC
Và ai cũng có nỗi niềm của những đứa con phải xa nhà mùa dịch bệnh…
“Thôi thì dịch bệnh không la cà quán xá nữa, ở nhà tự nấu ăn. Sống lành mạnh, tiết kiệm tiền để dành mua khẩu trang, nước rửa tay và phòng thân nếu dịch còn kéo dài.VÕ HOÀNG TÂM
Sợ dịch, nhớ nhà nhưng không thể về
Là sinh viên năm cuối, Nguyễn Ngọc Trang (23 tuổi, trọ ở Q.7, TP.HCM) tranh thủ thời gian nghỉ học vì dịch xin làm part-time (bán thời gian) cho một công ty bảo hiểm để tích lũy kinh nghiệm và kiếm tiền đóng học phí.
Lên Sài Gòn từ mùng 8 tháng giêng, cô gái quê An Giang mỗi ngày tất bật ở văn phòng 6 tiếng rồi trở về phòng trọ. Buổi chiều, cô bận học online.
Trang kể tưởng mình đã quen với cuộc sống xa nhà, không người thân bên cạnh bao nhiêu năm, nhưng khi dịch bệnh bùng lên và ngày càng lan rộng, cô vừa lo vừa chạnh lòng. Trang nhớ nhà, muốn về quê lắm nhưng đặc thù công việc buộc cô phải đến công ty, không thể đem về quê làm.
Cô tâm sự: “Cha mẹ gọi hỏi thăm suốt, kêu tôi về quê vì ở thành phố đông người, sợ bị nhiễm lúc nào không hay. Lần nào mẹ gọi cũng căn dặn đủ thứ, ở quê mỗi lần bệnh là có gia đình kề cận. Giờ ở xa nên phải tự tìm cách phòng tránh, sợ bệnh nhưng vẫn phải đi làm.
Tôi ở một mình, những ngày này cứ đi làm rồi về phòng trọ thật sự rất tủi thân. Mọi khi tôi hay cà phê với bạn, nhưng hiện không dám đi đâu hết”.
Trong căn phòng rộng 20m2, Trang chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết để phòng bệnh như khẩu trang, nước rửa tay khô, thuốc xịt mũi, họng và cả đồ ăn dự trữ. Từ hôm nghe tin Hà Nội có ca nhiễm thứ 17 và con số ấy vẫn chưa dừng lại, Trang cũng như bao người khác tranh thủ đi mua ít thực phẩm để dành những ngày sắp tới.
“Bình thường tôi ít nấu nướng, hay ăn bên ngoài vì đi làm cả ngày rất mệt. Còn giờ ở nhà nhiều nên phải mua cả đống đồ ăn về để dành ăn từ từ, chủ yếu là mì gói và đồ ăn nhẹ. Không ra ngoài thường nên cuối tuần tôi học nấu vài món mình thích, xem như tự thưởng cho bản thân đã kiềm chế được cơn thèm đi chơi” – Trang cười.
Trang nói nhiều người ở khu trọ của cô giờ ai cũng đeo khẩu trang, kể cả đứng trong nhà nói chuyện với người ở phòng kế bên: “Bình thường mọi người hay qua phòng nhau chơi hoặc cho đồ ăn, giờ hay đóng cửa cả ngày, chỉ trao đổi qua điện thoại”.
Mùa dịch bệnh đến mang theo 1.001 câu chuyện dở khóc dở cười. Ngọc Trang kể chỗ cô làm việc tháng trước có nhân viên mới chuyển đến.
Video đang HOT
“Ngày đầu đi làm nên anh ấy tỏ ra thân thiện, muốn chào hỏi mọi người nên kéo khẩu trang xuống và đòi bắt tay. Nhưng khi anh ấy đưa tay ra thì một chị lấy nước rửa tay khô xịt vào tay mình, nhắc anh kéo khẩu trang lên rồi mới chịu bắt tay làm cả văn phòng ai cũng cười” – cô nhớ lại.
Xuân Hạ giờ chăm nấu ăn ở nhà và giữ gìn sức khỏe – Ảnh: DIỆU QUÍ
Mọi thứ bị đảo lộn
Sinh sống và làm việc ở thành phố có ca nhiễm dịch, Lương Thị Hải Yến (trọ ở quận Tây Hồ, Hà Nội) khá hoang mang khi gần đây cả đoạn phố Trúc Bạch cách chỗ cô khoảng 5km bị cách ly vì có người nhiễm COVID-19.
“Tôi nhớ nhà, định về quê nhưng nghĩ nếu mình về thì nhỡ bị gì lại lây cho gia đình, nên thôi cứ ở lại tiếp tục công việc và tự theo dõi sức khỏe dù thương bố mẹ rất lo cho tôi” – Hải Yến trải lòng.
Từ ngày khởi dịch, cuộc sống của Yến đã thay đổi ít nhiều. Các chương trình, kế hoạch làm việc của cô phải thay đổi liên tục, việc đi lại thang máy ở công ty cũng bị hạn chế.
“Tôi ít ra ngoài hơn, các kế hoạch đi du lịch đã mua vé cũng phải hoãn lại. Đám cưới bạn bè cũng phải từ chối đi dự, chỉ gửi phong bì”.
Chia sẻ cách phòng tránh khi sống giữa vùng dịch, Yến nói khẩu trang và nước rửa tay khô đã trở thành vật bất ly thân của mình. Cô hạn chế tụ tập bạn bè hoặc nơi đông người, bỏ luôn các hội cà phê, chỉ đi làm rồi về nhà. Không tích trữ nhiều nhu yếu phẩm, Yến cho biết chỉ mua đủ dùng.
“Tôi thấy mọi người chen chúc mua hàng hóa về tích trữ vì lo xa. Nhưng theo tôi, mọi người chỉ nên mua vừa đủ, nếu đổ xô đi mua chốn đông người thì nguy cơ nhiễm bệnh cực kỳ cao. Tốt nhất nên bình tâm lại thì mọi thứ sẽ ổn thôi.
Lúc đầu tôi cũng bất an lắm, nhưng nghĩ lại ngồi lo cũng chẳng được gì, chi bằng cứ ăn uống lành mạnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc” – Yến tâm sự.
Thời gian rảnh, ngoài việc tập gym tăng cường sức khỏe, cô nàng quê Nghệ An tranh thủ lên mạng học thêm vài thứ bổ ích như kỹ năng sống, học nấu ăn, trang trí nhà cửa.
Yến tâm sự: “Giờ tôi chỉ mong dịch bệnh mau thuyên giảm và sớm bị khống chế để cuộc sống mọi người quay lại bình thường”.
Ngọc Trang lau sát khuẩn cửa sổ phòng trọ – Ảnh: DIỆU QUÍ
Sống lành mạnh hơn
Nhận mình là người lạc quan nhưng Võ Hoàng Tâm (trọ tại quận Tân Phú, TP.HCM) những ngày này vẫn không tránh khỏi cảm giác lo âu. Tâm kể từ lúc virus corona bùng phát ở Việt Nam, anh vẫn chưa về quê lần nào dù nhà chỉ cách Sài Gòn 250km.
“Tôi lựa chọn ở lại Sài Gòn phần vì chưa thu xếp được công việc, với lại tôi cũng muốn đảm bảo sức khỏe cho người thân vì mình sống trong vùng từng có dịch và đi làm gần sân bay nên cũng lo” – Tâm chia sẻ.
Từng công tác tại một trung tâm Anh ngữ, Tâm nói dịch bệnh đã khiến anh mất việc vì không có học sinh, chỉ tiêu và doanh số bị sụt giảm trầm trọng. “Làm mảng giáo dục mà không người học thì cạp đất ăn, thế nên tôi chuyển sang việc khác” – Tâm bộc bạch.
Tâm cho biết anh có thói quen la cà quán xá sau giờ làm, nhưng hơn 2 tháng nay vừa tan sở liền về thẳng phòng trọ. Anh và người bạn cùng phòng thường xuyên sát khuẩn tay chân cho đến vật dụng gia đình. Tâm phòng dịch theo tất cả khuyến cáo của Bộ Y tế.
“Mỗi ngày đọc tin tức thấy số người nhiễm tăng, tôi tự trấn an mình phải lạc quan để có năng lượng làm việc”, chàng trai 22 tuổi nói.
Anh tâm sự từ khi có nhiều thời gian ở nhà, anh bắt đầu tập thói quen đọc sách, điều mà trước đó ít khi đụng đến. Sẵn dịp này, Tâm cùng bạn mình hay nấu những món tốt cho sức khỏe để tăng đề kháng phòng bệnh.
Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên phải xếp hàng gần 1 tiếng chỉ để mua khẩu trang, Tâm nói không ngờ có ngày phải làm việc đó.
“Lần đầu phải xếp hàng ngoài nắng gần cả tiếng chỉ để mua khẩu trang, mua được rồi mừng hớn hở như mới vừa thắng một vụ rất hời, còn chụp hình đăng Facebook để khoe nữa. Sống ở ngoài đời sợ virus corona thì mình lên mạng sống ảo vậy” – Tâm hài hước cho biết.
Có thời gian chăm sóc bản thân
Những ngày dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Võ Thị Xuân Hạ (SV ngành báo chí – truyền thông ĐH KHXH&NV) ngoài công việc quay phim buộc phải ra ngoài, thời gian còn lại cô nàng chọn ở nhà tránh dịch. Xuân Hạ cho biết cô đã hoàn thành chương trình đào tạo ở trường.
“Ngày thường đi học và làm suốt, giờ ở nhà thường nên tôi có thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn. Tôi nấu ăn, làm nước ép uống giải nhiệt ngày nắng, trồng thêm cây cảnh để nhìn cho vui mắt” – Hạ chia sẻ.
DIỆU QUÍ (tuoitre.vn)
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo biện pháp chống Covid-19 trong cộng đồng
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa khuyến cáo về các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất trong cộng đồng.
Ảnh minh họa: Internet
Theo WHO, dựa trên các bằng chứng có sẵn, bệnh Covid-19 lây lan từ người mắc sang người lành thông qua tiếp xúc gần và các giọt nhỏ chứ không phải lây truyền qua đường không khí. Những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất là những người tiếp xúc gần với người bệnh COVID-19 hoặc người trực tiếp chăm sóc người bệnh Covid-19.
Các biện pháp phòng hộ cá nhân thích hợp PPE (Personal Protective Equipment bao gồm: găng tay y tế, khẩu trang y tế, mặt nạ chuyên dụng, kính bảo hộ, áo choàng, tạp dề...) dùng cho nhân viên y tế là không thể thiếu khi tham gia chống dịch Covid-19 - WHO nhấn mạnh.
WHO khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất trong cộng đồng bao gồm:
- Thực hiện vệ sinh tay thường xuyên bằng cách sát trùng bằng cồn nếu không thấy tay bẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước nếu thấy tay bẩn;
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng;
- Thực hành vệ sinh hô hấp đúng cách bằng cách lấy khuỷu tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi hoặc sử dụng khăn giấy và bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác kín;
- Đeo khẩu trang y tế nếu có triệu chứng hô hấp và thực hiện vệ sinh tay ngay sau tháo bỏ khẩu trang;
- Duy trì khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 1 m với những người có triệu chứng hô hấp.
Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới - Bộ Y tế
HÒA THUẬN (TỔNG HỢP)
Theo Tiền phong
Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 458/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona 2019 (Covid-19) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh minh họa Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về chiến lược, nguyên tắc và biện pháp kiểm soát lây nhiễm Covid -...