Dân Thủ đô tự trồng rau sạch kiểu “cao nguyên đá”
Người dân gắng sức leo dốc trơn trượt, tận dụng từng hốc bê tông nhỏ bằng bàn tay để vun đất trồng rau sạch.
Nhiều năm nay, bờ kè bê tông ven hồ Tai Trâu (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) đã biến thành cánh đồng rau xanh mướt. Người dân đổ đất vào từng hốc bê tông nhỏ bằng bàn tay để trồng đủ loại rau sạch.
Chiều chiều, những người “nông dân phố” lại rủ nhau ra “thửa ruộng” đặc biệt này để bắt sâu, nhặt cỏ, tưới nước. Rau nhà nào chưa kịp lớn thì đi xin nhà hàng xóm, vài người đi ngang qua hồ còn dừng lại hỏi mua rau.
Ông Nguyễn Đình Lương là một trong những người đầu tiên trồng rau ở bờ kè ven hồ. Lứa rau cải của nhà ông sắp đến kỳ thu hoạch phủ xanh mướt bờ kè bê tông.
Khoảng bờ kè trồng rau xanh tốt nhất khu vực là của gia đình ông Nguyễn Đình Lương (52 tuổi). Thận trọng nhích từng bước để xuống luống rau sát mép nước nhặt cỏ, ông Lương nói: “Bờ kè dốc, sơ sảy một chút là tắm nước hồ ngay. Ngày mưa muốn có rau ăn thì phải hái theo kiểu kéo co, một người níu tay, một người hái. Trồng khó khăn đôi chút nhưng bù lại nhà tôi được ăn rau sạch quanh năm. Mua rau ngoài chợ tôi sợ thuốc trừ sâu, hóa chất lắm”.
Ông Lương cho hay, hồ Tai Trâu được kè bê tông từ khoảng 4 năm nay. Tiếc các hốc đất để cỏ dại mọc um tùm, hai vợ chồng ông cặm cụi nhổ cỏ, đổ thêm đất để trồng đủ loại rau như cải, rau đay, bí ngô và cả đỗ đen. Hàng xóm xung quanh thấy vậy cũng làm theo, chẳng bao lâu sau, bờ kè bê tông thô ráp đã được phủ kín màu xanh của các loại rau.
Ông Lương cho biết: “Đội vệ sinh môi trường của phường mỗi lần ra quân lại chặt hết rau quanh hồ vì họ bảo gây mất mĩ quan đô thị. Chúng tôi biết đây không phải là chỗ được phép trồng rau nhưng rau xanh tốt vẫn đẹp hơn để cỏ dại mọc. Họ phá, chúng tôi lại trồng lứa mới”.
Tươi cười thu hoạch chuẩn bị cho bữa cơm chiều, bà Nguyễn Kim Tuyến (43 tuổi) chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ trồng mấy hốc lấy rau cho đứa cháu ngoại tập ăn dặm, đến nay đã được hơn trăm hốc, đủ rau cho cả nhà ăn thoải mái. Hốc bê tông rất nhỏ nên cứ hết lứa tôi lại lấy đất trộn phân hữu cơ để trồng tiếp. Chúng tôi hay đùa nhau trồng rau kiểu này chẳng khác nào đồng bào Mông trồng ngô, lúa trên cao nguyên đá Đồng Văn”.
Một số hình ảnh về cánh đồng rau dựng đứng ven hồ Tai Trâu (Hà Nội):
Hồ Tai Trâu được cải tạo, kè bê tông cách đây khoảng 4 năm, giữ chức năng làm hồ điều hòa nước trong khu vực vào mùa mưa.
Bờ kè được dựng bằng những tấm bê tông có 4 hốc, mỗi hốc chỉ rộng bằng bàn tay
Video đang HOT
Khi cây rau còn nhỏ, người dân tận dụng nước hồ để tưới
Rau sau khi gieo trồng, chỉ khoảng 2-3 tháng sẽ lên xanh tốt, cho thu hoạch
Đặt thêm những bậc thềm để tránh trượt ngã khi nhặt cỏ, hái rau
Những hốc bê tông bé bằng bàn tay được người dân đổ thêm đất, phân hữu cơ và trồng đủ loại rau.
Đỗ đen xanh tốt đang cho quả
Đế xuống được những khoảng “vườn treo” này, người dân phải trèo qua lan can và bước xuống thận trọng
Bà Đỗ Thị Hảo, 80 tuổi vịn tay vào lan can để đi xuống nhặt cỏ cho rau
Bờ kè rất dốc, nên chỉ sơ sảy một chút là có thể bị trượt ngã
Ông Trần Quốc Huấn tranh thủ bắt sâu và tỉa lá úa cho rau. Ông Huấn cho hay, ông trồng rau ở đây không hề dùng bất cứ loại thuốc trừ sâu nào, phân hóa học cũng sử dụng rất hạn chế.
Khi rau lớn, người dân ven hồ đều lấy nước máy từ nhà để tưới rau.
Bà Nguyễn Kim Tuyến tươi cười bưng rổ rau sạch do tự tay mình trồng ở ven hồ.
Trang tin tức trong ngày cập nhật tin nóng thời sự, xã hội. Điểm báo phụ nữ nhanh nhất.
Theo_Eva
Về Hà Nam du lịch săn rau sạch
Không chỉ giúp gần 20 hộ dân có rau sạch phục vụ gia đình và thị trường Hà Nội, tăng thu nhập cá nhân, mà mô hình rau hữu cơ Trác Văn (Hà Nam) còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Bắt đầu từ một vùng thuần nông, quanh năm quanh quẩn 1,2 vụ màu, người dân Trác Văn biết đến dự án trồng rau hữu cơ khi khu vực này xây dựng nông thôn mới. 19 người dân gồm 1 nam, 18 nữ tham gia chương trình cùng nhau góp vốn chia thành 2 nhóm. Nhóm Hồng Thủy gồm 10 người, nhóm Thanh Thủy 9 người. Từ tháng 5/2013, vứt bỏ hết những kinh nghiệm lỗi thời, lạc hậu, 19 người được tập huấn cách trồng rau, dự hội thảo giới thiệu sản phẩm, các mô hình rau sạch đã thành công.
Thời điểm tháng 9, tháng 10, nhóm rau hữu cơ Trác Văn chỉ có khoảng 20 loại rau, nhưng đến nay, đã có trên 30 loại rau được bán trên thị trường. Tất cả đều được bán theo cân, khoảng 15.000 đồng/kg. Với giá này, những người trồng rau sạch cho biết đã chênh với rau bán tự do trên thị trường tầm 5.000-7.000 đồng/kg.
Nhóm rau hữu cơ Trác Văn (Hà Nam)
Mặc dù trồng rau trong điều kiện thời tiết không ủng hộ, những nỗ lực của nông dân liên nhóm Trác Văn đã dần được khẳng định. Đã có 2 nhóm sản xuất hữu cơ thuộc mô hình này đã được cấp chứng nhận PGS. Riêng những sản phẩm trong thời gian gian chuyển đổi đang còn tồn lại trên đồng ruộng sẽ tiếp tục thu hoạch nhưng không được ghi nhãn là hữu cơ.
Hiện nay, một số công ty đã được cấp chứng nhận PGS như VinaGap - chuỗi cửa hàng Bác Tôm, công ty Tâm Đạt đang tiếp cận với mô hình rau hữu cơ Trác Văn để ký hợp đồng khai thác sản phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Trung bình mỗi tháng, rau hữu cơ Trác Văn xuất bán 2,4 đến 2,5 tấn rau. Hiện, diện tích trồng rau của nhóm là 1 hecta.
Với mức giá trị khoảng 10.000 đồng/giờ làm việc, chị em phụ nữ nơi đây đã tăng thu nhập đáng kể.
Giới thiệu rau sạch với khách tham quan
Không chỉ trồng rau sạch, ngày 14/12 tới, sẽ có chương trình tổ chức cho những người muốn tham quan mô hình rau sạch Trác Văn (Hà Nam). Tại đây, người tiêu dùng sẽ được giới thiệu mô hình tại nhà nông dân; tham quan và trải nghiệm tại vườn rau hữu cơ; nghỉ trưa tại nhà nông dân và thưởng thức các món ăn dân dã như rau hữu cơ, cá ao, gà thả vườn, cua đồng,... hoặc tham quan khu vườn ổi, trại bò sữa. Trẻ em được hướng dẫn làm một số đồ chơi từ lá cây hoặc trồng cây.
Tour thăm quan đồng ruộng được thực hiện bởi nhóm nông dân trồng rau hữu cơ Trác Văn, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) và công ty TNHH VINAGAP Việt Nam.
Xuất phát từ dự án trồng rau xóa đói giảm nghèo, những người nông dân ở các vùng rau phấn khởi khi có khách thành phố đến thăm. Chị Nguyễn Thị Thúy, nông dân xã Trác Văn, H.Duy Tiên (Hà Nam) chia sẻ: "Trước đây chúng tôi chỉ biết trồng rau, giờ những buổi tham quan trang trại vừa giúp nông dân tăng thêm thu nhập vừa tạo cơ hội cho chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để tạo lòng tin về sản phẩm rau hữu cơ".
Yên Ba
Theo_VietNamNet
Thoải mái rau sạch ăn nhờ vườn rau gần 2m2 trên... tầng 20 Bằng phương pháp trồng rau thủy canh với diện tích ban công chưa đầy 2m2, gia đình anh Nguyễn Hiểu Biết (Bán đảo Linh Đàm, Hà Nội) luôn có đủ rau sạch ăn hàng ngày. Là một kỹ sư nông nghiệp nên ngoài việc trồng rau sạch cung cấp cho gia đình thì trồng rau còn là niềm đam mê lớn của anh...