Dân thủ đô thấp thỏm trong những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng
Thực trạng bế tắc, chậm trễ việc cải tạo chung cư cũ, nhà xuống cấp khiến nhiều hộ dân Thủ đô thấp thỏm sống trong những ngôi nhà xuống cấp
Dù đã rất nhiều lần Thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm thực hiện việc cải tạo chung cư cũ, nhà xuống cấp trên địa bàn, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa được bao nhiêu.
Thực trạng bế tắc, chậm trễ của Hà Nội trong triển khai chủ trương quan trọng này đồng nghĩa với việc nhiều hộ dân Thủ đô vẫn thấp thỏm sống trong những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng.
Bất an, là tâm trạng chung của các hộ dân đang sống trong những ngôi nhà, khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội. Trong đó có thể kể đến khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa; Tòa nhà G6A Thành Công (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình); Nhà A7 khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai…
Dù được liệt vào danh sách “nhà nguy hiểm cấp độ D”, tức là có thể sập bất cứ lúc nào, nhưng 7 năm qua, 4 hộ dân, với gần 20 nhân khẩu tại Khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa vẫn bám trụ sinh sống.
Ông Trương Ngọc Hùng, người dân khu tập thể cho biết: “Chúng tôi ở lại đây thì rất lo lắng, nhưng các gia đình phải tự bảo vệ, chứ không ai bảo vệ cả. Chúng tôi làm cổng để khóa lại. Đề nghị chính quyền xem xét giúp đỡ để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”.
Video đang HOT
Cầu thang nhà A7, tập thể Tân Mai được gia cố bằng khung sắt.
Tương tự tại nhà A7, khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai, nhiều năm nay 52 hộ dân vẫn phải sống trong tòa nhà 5 tầng chống kèo, gác cột. Năm 2010, sau gần 30 năm sử dụng, tòa nhà có hiện tượng sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, nhất là tại khu vực cầu thang, ngành chức năng Hà Nội đã phải gia cố khung sắt từ tầng 1 đến tầng 5 để chống đổ sập cầu thang.
Theo ông Nguyễn Quang Gắng, trú tại phòng 203, nhà A7, người dân sống trong tòa nhà rất lo lắng cho sự an toàn của mình, bởi việc tu sửa chỉ là giải pháp tình thế, chắp vá nhất thời. Hiện các điểm nứt, sụt lún, độ nghiêng của tòa nhà đang ngày càng rộng hơn; chiếu nghỉ khu vực cầu thang nhiều điểm không còn khớp nối với tường chịu lực và giàn giáo, trần áp mái đã có hiện tượng rơi rụng, thấm nước…
Khu vực xuống cấp nghiêm trọng nhất tại nhà A7 tập thể Tân Mai.
Ông Nguyễn Quang Gắng nói: “Chính có hệ thống giàn giáo bằng sắt chống đỡ nên khu vực cầu thang tòa nhà chưa bị sập. Tuy nhiên, nguy cơ sập rất cao vì nhà này đang lún và nghiêng rất lớn. Hiện nay nhà đang đổ về phía sau, nghiêng về phía đông. Nghiêng mức độ mà bây giờ để một quả bóng hay hòn bi thì nó cứ lăn đằng trước đằng sau mà không cần tác động gì. Hệ thống cửa chính bây giờ mở có những gia đình gặp khó khăn vì kết cấu bị xô lệch”.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết, qua kiểm tra và thẩm định của Sở Xây dựng Hà Nội nhà A7, khu tập thể Tân Mai xếp ở mức nguy hiểm cấp độ C (chưa đến mức độ phải di dời), thế nhưng đó cũng chỉ là thông tin bên lề, bởi đến nay phường Tân Mai vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào về kết luận thẩm định của Sở Xây dựng Hà Nội.
Các vết nứt ngày một rộng hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, việc hàng chục hộ dân với nhiều nhân khẩu đang sống trong nhà A7 xuống cấp nhiều năm nay đang là nỗi lo của chính quyền phường, nhất là vào mùa mưa bão.
“UBND phường chúng tôi, trong quá trình quản lý tại địa phương rất là lo lắng, đặc biệt khi nghe tin có những cơn bão lớn. Bởi khu vực A7 vẫn còn 52 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu. Trong mùa mưa bão chúng tôi thường xuyên xây dựng kế hoạch di chuyển tạm thời để đảm bảo an toàn cho người dân. Trong khi khu vực bản thang, xí nghiệp nhà Hai Bà Trưng đã gia cố bằng các khung sắt, tuy nhiên nhìn những vết nứt như vậy thì rất bất an”, ông Huy nói.
Trước nguy cơ nhà A7, khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai có thể đổ sập, cuối năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD6) làm chủ đầu tư, nghiên cứu và lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Tân Mai (gồm 7 khối nhà A1, A2, A3, A5, A6, A7, A8) thành 2 khu chung cư CT1 và CT2, với tổng diện tích trên 13.000 m2.
Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, chủ trương này vẫn nằm yên trên giấy, hi vọng của người dân về ngôi nhà mới an toàn vẫn chỉ là niềm hi vọng.
Sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết: “Chúng tôi kiến nghị Sở Xây dựng có những giải pháp cho người dân được tạm cư hoặc có phương án trước mắt giúp cho người dân tránh được rủi ro, nguy hiểm nếu có vấn đề gì xảy ra. Quận đã có nhiều văn bản gửi thành phố, sở xây dựng đề nghị quan tâm tháo gỡ khó khăn cho người dân khu tập thể cũ phường Tân Mai”.
Thực trạng tại khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng, nhà A7 Tân Mai, chỉ là 2 trong rất nhiều khu nhà xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội đang đe dọa tính mạng của người dân. Vụ sập nhà 107 phố Trần Hưng Đạo tháng 9/2015 làm 2 người chết là bài học đắt giá về sự “đủng đỉnh” của ngành chức năng Hà Nội trong việc chậm ứng phó với tình trạng nguy hiểm tại các khu nhà xuống cấp./.
Cải tạo chung cư cũ ở TPHCM: Thừa giải pháp trên giấy, thực tế vẫn tắc
Theo HUy Nam
Hà Nội: Phấn đấu cuối năm 2017 sẽ có 2.100 căn nhà tái định cư
Hiện nay, Thành phố đã thẩm định và đang bổ sung, hoàn thiện 6 đồ án quy hoạch, lập 20 đồ án quy hoạch phân khu, 4 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Bên cạnh đó thành phố cũng đang quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ (trong đó đã hoàn thành 10 khu), nghiên cứu một số quy hoạch đặc thù và triển khai chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật, Hà Nội đã hoàn chỉnh dự thảo Quy định về việc quản lý mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Thành phố cũng đã chỉ đạo lấy ý kiến đề xuất của các nhà đầu tư đang được giao lập quy hoạch các khu chung cư cũ về cơ chế cải tạo chung cư cũ để hoàn thiện, đồng thời đôn đốc 19 đơn vị chủ đầu tư được giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết cải tạo chung cư cũ.
Ngoài ra, Thành phố đã bố trí quỹ nhà tái định cư đối với các nhà nguy hiểm cấp D, ứng phó kịp thời trong mùa mưa bão, rà soát, cập nhật biến động tổng thể về quỹ nhà tái định cư, kiểm tra thực trạng các dự án nhà ở xã hội và rà soát, cập nhật chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Song song với đó, thành phố Hà Nội cũng tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện dự án tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất...; tiến hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020).
Thành phố cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đến nay, Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân gần 1,6 triệu thửa đạt 97%, cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu đạt 93,5%, Cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở hơn 151 nghìn căn đạt 85%, cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư được 12,3 nghìn căn hộ đạt 88%...)
Theo Trí thức trẻ
Doanh nghiệp BĐS tranh nhau tham gia cải tạo chung cư cũ Có 24 doanh nghiệp BĐS muốn tham gia công tác cải tạo chung cư cũ tại Tp.HCM, đặc biệt những tòa chung cư cũ khu vực trung tâm quận 1, quận 3. Chung cư cũ Thanh Đa (Quận Bình Thạnh) nhận được sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Thành Hoa Chung cư cũ Thanh Đa (Quận Bình Thạnh) nhận...