Đàn thỏ đông ấn tượng trong “Us” không chỉ diễn “vai quần chúng” mà còn chứa đầy thông điệp ẩn ý!
Biết được ý nghĩa của những ngôi sao nhí bất đắc dĩ này của Us, hẳn bạn sẽ phải nhìn loài thỏ với cặp mắt khác xưa!
Kể từ khi chính thức ra rạp ngày 22/03, các chi tiết ẩn và thông điệp bí mật được cài cắm khắp dự án điện ảnh Us (tạm dịch: Chúng Ta) liên tục là đề tài được bàn tán sôi nổi giữa cộng đồng mê phim. Một trong số đó là ý nghĩa tầng tầng lớp lớp của lũ thỏ đông đúc xuất hiện xuyên suốt tác phẩm.
Trước đó vào tháng 12/2018, chia sẻ với tờ Entertainment Weekly, đạo diễn Jordan Peele nói rằng anh có một nỗi sợ không nhỏ đối với loài thỏ, vì anh không thể ngừng liên tưởng đôi tai của loài vật này với hình dáng của một cây kéo. “Tôi cho rằng loài thỏ và những cây kéo rất giống nhau. Cả hai đều là những nỗi sợ khủng khiếp nhất với tôi, đều là những thứ bình thường, ít khi đi kèm với ý nghĩa nào, nhưng nếu quan sát sẽ thấy rất đáng sợ”, Jordan nói. Anh cũng chia sẻ với trang Rotten Tomatoes rằng nếu ta quan sát những chú thỏ đáng yêu thích ăn cà rốt đủ lâu, ta rồi sẽ nhận ra rằng chúng có khá nhiều điểm tương đồng với… những kẻ tâm thần. Với tư duy như vậy, đối với Us, hình ảnh của đám thỏ ngây ngô còn chứa đựng thật nhiều ẩn ý.
Trailer của “Us”
(Từ đây bài viết có những chi tiết hé lộ nội dung phim, độc giả nên cân nhắc trước khi xem)
Tại sao lại là thỏ?
Thỏ đại diện cho nhân bản vô tính. Đối với những người nhân bản trong Us, bầy thỏ chỉ là thức ăn, nhưng đối với khán giả thì hai hình ảnh này lại có liên kết khá chặt chẽ. Đầu phim, chúng ta được thấy bầy thú cưng của chị Hằng đang bị nhốt trong chuồng, nhưng sau đó chúng được thả tự do khi những bản sao không còn phải ẩn náu trong cơ sở dưới lòng đất nữa. Có khả năng bầy thỏ đã được thả tự do cùng thời gian đoàn người đỏ tràn lên mặt đất. Tình trạng của đàn thỏ rất giống với những người nhân bản: bị xem là vật thí nghiệm, là những nạn nhân của tham vọng loài người. Việc lũ thỏ chiếm lấy cơ sở hạ tầng dưới lòng đất cũng giống như cuộc nổi loạn của những bản sao trên mặt đất.
Bầy thỏ từ bị giam hãm đã được xổng chuồng.
Rõ ràng nhất ở đây, hình ảnh loài thỏ được dùng để ám chỉ quá trình nhân bản vô tính từng được loài người nghiên cứu. Có thể đây là một gợi ý rằng những người Tethered đã được tạo ra bằng phương pháp khoa học này. Ngoài ra, cũng phải nhớ thỏ là động vật có vú hằng nhiệt đầu tiên được nhân bản vô tính thành công vào những năm 60 của thế kỉ XIX bởi một nhóm các nhà khoa học người Pháp. Đối với sự thành công trong nhân bản ếch trước đó, những con thỏ vô tính là bằng chứng gần với việc nhân bản thành công con người nhất, xuất hiện sớm nhất.
Nhân bản vô tính thỏ thành công từng là tiền đề cơ sở để tiến đến nhân bản con người.
Nhân bản vô tính thành công ở thỏ là một bước tiến rất xa đến với việc nhân bản con người. Tuy phương pháp khoa học này bị cấm trên toàn thế giới vì lí do đạo đức, nhưng nhiều người vẫn tin rằng các thí nghiệm nhân bản vô tính con người vẫn được âm thầm thực hiện ở đâu đó trong các phòng thí nghiệm ngầm mà ở đây chính là dưới lòng đất khu vui chơi mà cô bé Adelaide lúc nhỏ đã tìm thấy. Tới đây, sự liên kết giữa những chú thú cưng của chị Hằng với những người Tethered có vẻ đã khá rõ.
Zora cũng là kết quả của nhân bản vô tính?
Một trong những chi tiết thú vị dành riêng cho người hâm mộ Việt Nam: Cô bé Zora Wilson (Shahadi Wright Joseph) mặc một chiếc áo màu xanh lá có in chữ “Thỏ”. Nên nhớ rằng với những bộ phim sử dụng ít trang phục như dòng phim kinh dị, từng chi tiết trên người nhân vật đều bộc tả dụng ý của đội ngũ sản xuất, tất nhiên chiếc áo này của Zora cũng không ngoại lệ. Điều đó lại càng chứng minh tầm quan trọng của dàn quần chúng thỏ bông trong một bộ phim kinh dị như Us, khi mà mỗi khán giả đều có thể cảm nhận được dụng ý tác phẩm theo cách của riêng mình.
Đây có lẽ là một giả thuyết khá điên rồ, nhưng xin hãy kiên nhẫn đọc tiếp. Những lý thuyết về loài thỏ nói trên khi đem kết hợp với ý tưởng về song trùng của loài thỏ kể trên, có thể được xem là một gợi ý về việc Zora chính là phiên bản thu nhỏ của mẹ mình, Red (không phải Adalaide vì thực ra Red đã chiếm chỗ của cô trong xã hội loài người). Giả thuyết này ám chỉ Zora sẽ là thế hệ tiếp theo của Red (Lupita Nyong’o), hoặc có thể nói là Zora là thế hệ người nhân bản thứ hai. Đạo diễn Peele từng chia sẻ rằng loài thỏ là động vật của sự song song, mâu thuẫn, vừa đáng yêu vừa đáng sợ với bộ óc của một kẻ tâm thần. Đây cũng là một miêu tả khá giống với Adelaide, người đã cướp thân phận của bản gốc.
Zora dường như không thể hiện một dấu hiệu tâm thần nào, nhưng bản thân cô bé cũng sống khá hướng nội. Có thể là do cô đang trong giai đoạn tuổi dậy thì nhưng khó có thể bỏ qua chi tiết rằng việc cô bé mặc áo ghi chữ “Thỏ” bằng tiếng Việt đang ám chỉ rằng bản thân cô cũng là một con “thỏ”. Giống dòng thời trang áo thun Statement từng rất thời thượng vậy, chúng ta khoác lên mình những chiếc áo in những tuyên ngôn của chúng ta về cuộc sống. Ở trường hợp này, Zora cũng đang tuyên bố ngầm rằng bản thân cô cũng là một trong những chú thỏ thoát ra ở dưới hầm. Cô bé và mẹ có nhiều điểm trùng hợp với nhau một cách bất thường, ví như cả hai người đều giết một cặp chị em sinh đôi nhà Tyler, theo cùng một cách hoặc việc cả hai mẹ con đều có khả năng vùng dậy, chống trả mãnh liệt khi dồn vào thế bí. Những minh chứng này thể hiện rằng Zora chắc chắn kế thừa các thế mạnh về di truyền từ mẹ. Vậy nên trong cả gia đình, cô là người gần với nguồn gốc vô tính nhất.
Nếu giả thiết này là đúng, thì việc cả hai mẹ con nhà này cùng nhau “lật mặt”, làm nội gián cho nhóm người nhân bản hoàn toàn có thể xảy ra nếu đạo diễn Jordan Peele quyết định làm phần hai.
Số lượng, màu lông lũ thỏ trong Us kể chuyện về nước Mỹ
Dàn mẫu đông đảo gây ấn tượng ngay từ trailer của Us.
Hình ảnh của những chiếc lồng thỏ được xếp chồng lên nhau tạo thành một bức tường khiến cho nhiều mọt phim phải chú ý. Trong số đó, chỉ có 3 con thỏ có sắc lông màu, còn lại đều là thỏ trắng, tất nhiên ai cũng hiểu rằng tỉ lệ này đang đại diện cho điều gì. Us không chỉ là “chúng ta” chung chung mà còn là nước Mỹ nhiều màu da được phản ánh bằng tỉ lệ màu lông các chú thỏ.
Jordan Peele đã gửi gắm tài tình các thông điệp xã hội vào Us, không chỉ ở màu sắc của bộ lông, mà còn cách sắp xếp những chuồng thỏ tựa như bức tường với những viên gạch là những người dân đôn hậu, nương tựa lẫn nhau đấy, nhưng cùng lúc đang tự cô lập chính mình và các cá thể “thỏ trắng” đang vô hình cô lập các cá thể thỏ nâu, cũng như nói đến bức tường chống di dân vô nghĩa ngăn cách Mỹ và Mexico của tổng thống Donald Trump.
Hình ảnh kỷ niệm của đạo diễn Jordan Peele cùng nhóm diễn viên quần chúng.
Ở Us, chúng ta dễ bắt gặp thỏ chen chúc nhau tại các cảnh bên trong đường hầm. Lúc này, thỏ tiếp tục giữ vai trò là những người di dân yếu thế, không sức phản kháng, có thể sẽ ngã xuống bất cứ lúc nào và thậm chí bị ăn ngấu nghiến nếu như những con người ngoài kia ra tay tàn độc. Loài thỏ còn được biết đến với việc sinh sản nhanh, nếu như điều kiện sống không được đảm bảo và thỏ bị thả tựa như những loài thú hoang dã, chúng sẽ càng sinh sôi nhiều hơn, số lượng đông hơn và càng không thể kiểm soát nổi.
Có một minh chứng khá mạnh, tuy chưa chính thức về mối liên kết giữa sự sinh sản, công năng của loài thỏ với hành vi của người Mỹ rằng tại một hòn đảo được chiếm ngự bởi một quần thể thỏ khổng lồ ngoài khơi lãnh hải Nhật bản trong chiến tranh thế giới thứ II, được biết với cái tên Okunoshima (nhưng vì ở đây có nhiều thỏ quá người ta đặt thêm cho hòn đảo cái tên là Usagi Jima, nghĩa là Đảo Thỏ). Chủng loài này được sử dụng làm vật thử nghiệm các nghiên cứu bí mật về vũ khí hóa học trong suốt cuộc chiến tranh địa cầu.
Giống thỏ ban đầu được mang đến đây bởi người Mỹ, trong khoảng thời gian quân Nhật chiếm đóng giữa những năm 40 thế kỉ XX, rồi cũng chính người Mỹ tiêu hủy những vật thử không còn giá trị này. Số thỏ đang chiếm đóng hòn đảo tính đến thời điểm này đã phát triển từ một cụm nhỏ cá thể thoát nạn do được phóng sinh bởi các trường mẫu giáo hồi những năm 70.
Được tự do sinh sản mà không bị loài săn mồi nào cản trở, bầy thỏ năm nào giờ đây là bá chủ của hòn đảo Okunashima. Sự việc loài thỏ từ những vật thí nghiệm trở thành giống loài chúa đảo, khá quen thuộc phải không?
Us hiện đang công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 22/3/2019.
Theo trí thức trẻ
Tiết lộ 3 cảnh bị cắt của "Us": Cảnh cuối cùng thay đổi hẳn ý nghĩa đoạn kết!
Dù đã bị dán nhãn cấm trẻ em dưới 18 tuổi, "Us" công chiếu tại Việt Nam vẫn bị cắt một số cảnh, trong đó có liên hệ mật thiết tới cái kết phim.
Nhiều bộ phim kinh dị hay hành động về Việt Nam luôn bị cắt những cảnh đổ máu để tránh gây phản cảm trong mắt khán giả. Us ( Chúng Ta) cũng không ngoại lệ khi đã bị lược bỏ một số đoạn quá bạo lực. Tiếc thay, một chi tiết quan trọng liên quan đến twist (nút thắt) cuối phim cũng nằm trong số đó.
1. Cảnh gia đình Tyler bị lấy mạng
Trong suốt 30 phút đầu phim, người xem đã nghĩ rằng gia đình Wilson là những người duy nhất có "bản sao". Sau khi mất mạng Abraham và trốn thoát khỏi tay Red, Gabe (Winston Duke) đưa vợ con sang lánh nạn ở nhà người bạn thân Josh Tyler (Tim Heidecker). Đây là gia đình có 4 thành viên gồm Josh, vợ Kitty (Elisabeth Moss) và cặp song sinh Becca và Lindsey (Cali và Noelle Sheldon), đã đi nghỉ dưỡng tại bãi biển Santa Cruz cùng nhà Wilson trước đó.
Cảnh gia đình Tyler bị đâm mất khá nhiều máu.
Nhưng trước khi Gabe có thể đến nơi, họ đã bị những "bản sao"hại một cách tàn bạo bằng kéo. Cảnh phim chiếu ở Việt Nam đã bị lược bớt một vài đoạn đổ máu nhưng không thay đổi ý nghĩa khi khán giả vẫn biết rằng Tethered (Người bị xích) có mặt ở khắp mọi nơi.
2. Cảnh Zora lấy mạng cô em gái sinh đôi
Hình ảnh Zora lấy mạng người quá bạo lực.
Khi gia đình Wilson tới nhà Tyler, Adelaide (Lupita Nyong'o) đã bất ngờ bị các Tethered bắt vào trong. Cùng lúc đó, Tex - phiên bản xấu xa của Josh - truy đuổi Gabe. Tính mạng của Adelaide giờ đây nằm trong tay cô con gái Zora (Shahadi Wright Joseph) và cậu út Jason (Evan Alex).
Zora cầm theo một cây gậy đánh gôn và đụng độ với "bản sao" của cặp song sinh nhà Tyler. Trong bản gốc, cô bé không chỉ vụt gậy vào đầu mà còn dùng phần đầu nhọn để đâm kẻ thù. Cảnh phim này bị bản Việt cắt đi vì quá bạo lực.
3. Adelaide lấy mạng Red
Cảnh Adelaide là Red thực chất dài hơn trong phim vài phút.
Những bí ẩn của Us ngày càng được đẩy lên cao trào khi Adelaide truy đuổi theo Red xuống dưới đường hầm để cứu Jason. Sau một đoạn đối thoại dài dòng về mục đích của Tethered, Adelaide vung gậy tấn công Red nhưng đều bị hóa giải bằng bài múa mà cả 2 cùng biểu diễn lúc bé.
Cảnh phim kết thúc bằng việc Adelaide kết liễu được Red bằng một nhát đâm xuyên người và cứu Jason. Tuy nhiên, phiên bản gốc dài hơn thế nhiều. Ngay khi bị đâm, Red ngồi xuống vị trí đầu giường và cố tự trấn an bản thân bằng việc huýt sáo. Nhưng sau đó, Adelaide dùng xích của còng tay để bóp cổ "bản sao" đến chết.
Cô yên lặng một chút rồi bật cười, ban đầu thì nghe như khóc nhưng lâu dần lại chuyển sang mãn nguyện. Cuối cùng, Adelaide giật lấy chiếc vòng cổ của Red. Cảnh phim này đã giải thích vì sao Jason tỏ ra sợ hãi mẹ mình khi ngồi trong một chiếc tủ gần đó và chứng kiến tất cả mọi chuyện.
Cảnh phim giải thích được việc hoán đổi thân phận của 2 nhân vật.
Chúng cũng giải thích luôn việc cậu bé dần kéo chiếc mặt nạ xuống tỏ ý phòng thủ khi nhìn Adelaide ở cuối phim mà ai cũng đều thắc mắc. Ngoài ra, nhiều tình tiết trong đoạn phim trên cũng giải nghĩa nút thắt cuối cùng khi Adelaide thực chất chính là Red. Cô bé đã bắt cóc và hoán đổi vị trí với "bản gốc" của mình trong căn nhà gương năm xưa.
Chi tiết rõ nét nhất chính là việc Adelaide huýt sáo khi không tìm được đường ra. Thói quen tự trấn an này của cô bé một lần nữa xuất hiện khi bị đâm xuyên tim. Hành động Red (trong thân phận Adelaide) bóp cổ đối thủ đến chết như tái hiện lại hình ảnh thời bé khi cô bắt cóc "bản gốc".
Hình ảnh cậu út Jason nhận biết thân phận thật của mẹ mình cũng dễ hiểu hơn.
Giọng cười chua chát rồi chuyển sang mãn nguyện của nữ nhân vật như hàm ý rằng giá như Red năm ấy bóp cổ Adelaide đến chết thay vì giam dưới hầm thì mọi chuyện đã không xảy ra. Nhưng giờ đây, phiên bản kia cũng đã chết, Red có thể đường đường chính chính chôn vùi quá khứ và sống dưới thân phận Adelaide mà không phải lo sợ gì nữa.
Us hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo trí thức trẻ
Đọc xong 11 chi tiết này, bạn sẽ xem phim kinh dị đang hot "Us" theo một cách hoàn toàn khác! Sau "Get Out", "Us" lại tiếp tục định hình phong cách làm phim "thâm thúy" của Jordan Peele khi mọi chi tiết dù là nhỏ nhất vẫn có ý nghĩa nhất định. So với câu chuyện phân biệt chủng tộc trong Get Out (2017), ý nghĩ của Us ( Chúng Ta) sâu xa hơn hẳn khi nói lên được cả những nỗi sợ...