Đàn tế hơn 600 tuổi ở Thành nhà Hồ
Đàn tế Nam Giao được xây dựng năm 1402 dưới triều vua Hồ Hán Thương, là đàn tế còn nguyên vẹn nhất Việt Nam hiện nay.
Đàn tế Nam Giao nhà Hồ là di tích thuộc Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Sử cũ chép, năm Canh thìn 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ và lập kinh đô mới Tây Đô, còn gọi Tây Giai để phân biệt với Đông Đô ( Thăng Long, Hà Nội). Năm 1402, vua Hồ Hán Thương, con trai thứ được Hồ Quý Ly truyền ngôi, đã lệnh cho xây dựng đàn tế Nam Giao.
Toàn cảnh đàn tế Nam Giao nhà Hồ hơn 620 năm tuổi. Ảnh: Lê Hoàng
Đàn tế nằm ở xã Cao Mật xưa, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía đông nam, cách TP Thanh Hóa khoảng 45 km về phía tây bắc theo quốc lộ 45. Hàng năm, nhà Hồ lễ tế trời đất, cầu cho quốc thái dân an hoặc những dịp đại xá thiên hạ tại đàn Nam Giao. Chữ “Giao” có nghĩa là lễ tế trời ở phía nam kinh thành, nghi lễ này thường gọi là lễ tế Nam Giao, nơi thực hiện gọi là đàn Nam Giao.
Lễ tế Nam Giao được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ, khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị thiên hạ và chỉ nhà vua mới có quyền thực hiện. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhâm Ngọ 1402, tháng 8, Hán Thương sai đắp đàn Nam Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao, đại xá thiên hạ. Ngày hôm tế, Hán Thương ngồi trên kiệu Vân Long từ cửa nam đi ra”.
Do tác động của thời gian, khí hậu và bom đạn chiến tranh, đàn Nam Giao dần trở thành phế tích, nhiều phần bị chôn vùi trong lòng đất. Hơn 15 năm qua, đàn đã qua bốn lần khai quật với tổng diện tích 18.000 m2. Hiện phần lớn kiến trúc chính với quy mô và cấu trúc của đàn tế đã được nhận diện.
Đàn Nam Giao rộng hơn 2 ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), tiền án là cánh đồng Nam Giao, gồm nhiều cấp nền bao, thu hẹp dần từ thấp đến cao. Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường thần đạo (hay linh đạo) được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn, xếp ngay ngắn. Con đường này xưa kia là lối đi dẫn nhà vua cùng quần thần tiến về nơi linh thiêng nhất đàn tế để hành lễ.
Trung tâm đàn tế là viên đàn – nơi xưa kia nhà vua hành lễ. Ảnh: Lê Hoàng
Ở vị trí cao nhất, chính giữa đàn tế là khối đá lớn hình tròn (viên đàn), đường kính 4,75 m, bao quanh bằng những bức tường đá hình vuông, theo quan niệm trời tròn, đất vuông. Tại đây còn lưu giữ nhiều dấu tích kiến trúc của các cấp nền bao như nền thượng, nền trung, nền hạ.
Ngay cạnh con đường thần đạo là cung vua, nằm bên trái, hiện chưa khai quật hết. Tương truyền, trước lễ tế, nhà vua phải qua cung trước 7-10 ngày để trai giới (nghỉ ngơi, ăn chay, đánh cờ và tĩnh dưỡng). Nghĩa là chỉ khi đã chay tịnh, tẩy trần, nhà vua mới cầu được thiên thời, địa lợi, nhân hòa, quốc thái, dân an; còn ngược lại năm đó đất nước sẽ hạn hán, mất mùa.
Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng tìm ra một công trình đặc biệt khác là giếng vua, còn gọi Ngự dục, Ngự duyên. Giếng còn khá nguyên vẹn, gồm 9 thành bậc, sâu 5,6 m và cũng có kết cấu ngoài vuông, giữa tròn. Giếng được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng. Ở độ sâu khoảng 10 m so với nền đàn trung tâm, các nhà khảo cổ đã tìm ra mạch nước của giếng cổ. Giếng vua nhằm phục vụ cho việc tế gia và trai giới trước khi hành lễ.
Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn tế Nam Giao là đá xanh, tương tự đá xây thành nhà Hồ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hiện vật thuộc nhiều loại hình và chất liệu khác, nổi bật là nhóm vật liệu bằng đất nung như gạch chữ nhật, ngói lá đề khắc hình rồng…
Giếng vua trong khuôn viên Đàn tế Nam Giao. Ảnh: Lê Hoàng
Trong đợt khai quật tháng 4/2012, các nhà khảo cổ đã phát hiện ngôi mộ táng khổng lồ, bên trong có bộ xương còn tương đối nguyên vẹn. Bộ xương ở tư thế nằm ngửa, được đặt trong bia mộ quây bằng đá. Ngôi mộ đá nằm dưới lòng bức tường bao vòng ngoài của đàn tế Nam Giao, sát chân núi Đốn Sơn.
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ nhận định đây là bộ xương trâu. Nhưng vì sao lại mai táng trâu ở vị trí trang trọng là đàn tế, nơi được coi là chốn linh thiêng, thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, nhận định đối với người phương Đông, quan niệm “tam sinh” (ba vật dùng trong lễ tế thần gồm trâu, dê, ngựa) đã trở thành luật bất thành văn và ăn sâu trong lòng người Việt. Rất có thể trước khi khởi dựng đàn tế, Hồ Quý Ly đã cho cúng trâu để tế thần linh.
Mặt khác, xứ Thanh thuộc hạ lưu sông Mã, là vùng canh tác lúa nước màu mỡ phì nhiêu hàng nghìn năm nay nên con trâu luôn được đánh giá cao. Vua Hồ cho cúng tế thần linh bằng trâu với mong muốn dân được no đủ, mùa vụ bội thu. Hiện ngôi mộ đá táng trâu đã được dựng lại nằm nguyên vị trí cũ nhằm đảm bảo thống nhất toàn vẹn của di tích đàn tế.
Đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ. Video: Lê Hoàng.
Theo ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, khu di tích đàn Nam Giao được phát hiện, đưa vào thống kê từ những năm 80 của thế kỷ 20. Năm 1990, cụm di tích lịch sử văn hóa gồm đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng (Tường Vân Tự), chùa Giò (Nhân Lộ) và đàn tế Nam Giao được công nhận là di tích cấp tỉnh. Tháng 10/2007, đàn Nam Giao được công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia.
“Dù đã tồn tại hơn 600 năm, đàn tế Nam giao thành nhà Hồ là đàn tế còn lại nguyên vẹn và quý giá nhất Việt Nam”, ông Linh nói và cho hay cùng với các di tích khác, đàn Nam Giao đã hợp thành một quần thể kiến trúc đặc trưng của triều Hồ. Di tích đã góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế xã hội của triều Hồ. Đàn tế giúp tăng thêm giá trị đặc sắc và đưa tổng thể di tích Thành nhà Hồ trở thành di sản thế giới.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Mèo đến nhà thì khó chó đến nhà thì sang: Hiểu làm sao cho đúng?
Góc nhìn của dân gian, khoa học và Phật giáo về quan niệm: Mèo đến nhà thì khó chó đến nhà thì sang, có nhiều điểm khác nhau và rất đáng để tìm hiểu.
Một câu nói quen thuộc trong dân gian: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang" được tạm hiểu là nếu có một chú mèo đến nhà nghĩa là gia đình đó sắp tới làm ăn khó khăn, có trở ngại; ngược lại, nếu một chú chó vô tình lạc vào nhà thì có thể sắp tới gia đình đó gặp nhiều may mắn, cuộc sống thuận lợi.
1. Theo quan niệm dân gian
Quan niệm dân gian vẫn chỉ là sự đúc kết, trải nghiệm của ông bà, tổ tiên, dòng tộc để lại, được truyền qua các thế hệ, và một hiện tượng lặp đi lặp lại quá nhiều nên họ chiêm nghiệm ra mà không có cơ sở khoa học, việc mèo vào nhà thì khó chó vào nhà thì sang cũng là một quan niệm được người xưa đúc kết lại.
Mèo đến nhà thì khó
Mèo dù là vật nuôi trong nhà nhưng chúng thực sự không gần gũi, không tình cảm, nếu gia đình cho chúng ăn ngon, yêu chiều nó thì nó ở lại. Thế nhưng nếu không đủ ăn thì nó sẵn sàng bỏ chủ đi bất cứ lúc nào, nhất là khi chúng đã trưởng thành. Chính việc bỏ đi đột ngột, bất cứ lúc nào của mèo, thể hiện sự mất mát nên người ta quan niệm mèo đến là mang đến xui xẻo, điềm xấu xa.
Nhìn chung, trong quan điểm dân gian, con người không có thiện cảm lắm với mèo nên nếu có một chú mèo hoang đến nhà là điều tối kỵ, chủ nhà sẽ cố gắng xua đuổi chúng đi.
Người Trung Quốc cũng có câu "Chó đến thì tiền tài, mèo đến thì tang ma" cũng hàm nghĩa là mèo mang đến tin buồn cho gia chủ. Thế nhưng thực hư thế nào, chuyện giải thích cho rành rẽ không hề đơn giản vì thế chúng ta cũng đừng vì thấy mèo vào nhà mà quá hoang mang.
Vì sao chó đến nhà thì sang?
Ngược lại với mèo, chó dù là vật hoang dã được con người mang về thuần phục nhưng chúng rất nhanh chóng thích nghi, chẳng bao giờ đột ngột bỏ đi như mèo.
Từ bao lâu nay, chú chó càng ngày càng trở thành vật nuôi gần gũi, trung thành, sống rất tình cảm, quấn quýt bên con người. Dù chủ của nó giàu có hay nghèo khó nó vẫn ở bên giữ của và bảo vệ chủ. Có không ít chú chó cứu người, thậm chí khi chủ qua đời, chó còn nhịn đói canh mộ rất cảm động. Trong kinh Phật nói đến chó như là một loài rất khôn ngoan, biết dẫn đường cho chúng Tăng đi khất thực, dẫn đường cho chúng Tăng đi về Tịnh xá...
Xuất phát từ đặc tính của nó nên người ta thường làm cả tượng con chó đá ở cổng nhà, cổng chùa để trông nhà, trông chùa,... cảnh báo kẻ gian, ngăn trừ tà ma. Chó vì thế mà cũng được xem là biểu hiện của thần giữ của nên nhìn thấy chó là người ta nghĩ tới hình ảnh giàu sang.
Nhìn chung, chó được mọi người rất quý, thậm chí nhiều gia đình rất tin tưởng và còn nuôi chó để trông trẻ. Cho nên, từ đó chúng ta có thiện cảm với con chó bởi có niềm tin rằng nó đem lại điều may, điều lành.
Câu chuyện dân gian về "chó đến nhà thì sang"
Dân gian vẫn quan niệm: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang", điều này xuất phát từ câu chuyện được truyền miệng thời Lý Công Uẩn - tức vua Lý Thái Tổ. Tương truyền, năm Lý Công Uẩn ra đời (năm Giáp Tuất 974) ở quê ông có chú chó con màu trắng đốm lông vàng hình chữ "Vương" trên lưng vừa sinh ra ngụ ý: "Năm Tuất sinh người làm vua".
Đến năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, bỗng có chú chó cái bụng mang dạ chửa băng từ núi Ba Tiêu lên đỉnh Nùng (vườn Bách Thảo) rồi hạ sinh chú chó con. Mãi đến năm Nhâm Tuất, cả chó mẹ lẫn con đều hóa đá. Về sau, cũng tại đây được lập nên "Chính điện đài" và xây ngôi miếu cạnh bên để thờ "Cẩu Nhi".
Ý nghĩa câu nói: "Chó vào nhà thì sang" được người xưa đúc kết từ quá trình nuôi dưỡng cùng nhiều huyền thoại về sự gắn bó giữa người và chó mà trong đó điển hình nhất là tích "Cẩu Nhi" minh chứng cho sự hưng thịnh của một triều đại thời Lý.
2. Theo góc nhìn khoa học
Con người, con vật hay cây cối, hoa cỏ đều có trường sinh học. Cụ thể đối với loài chó mèo, những chỗ nào có trường sinh học lành thì chó hay tìm đến, tức là nằm ở chỗ đó nó thấy dễ chịu. Mèo hay trú ngụ ở những chỗ trường sinh học không tốt đối với con người nhưng đối với mèo là tốt nên nó đến. Một số nhà khoa học nghiên cứu thấy vậy. Vì thế, mèo đến nhà, người ta nghĩ là xúi quẩy, khó khăn, không tốt.
Người Trung Quốc cũng có câu tương tự "Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu" (Miêu lai cùng, cẩu lai phú). Họ quan niệm mèo vô chủ (lưu lãng miêu) tự nhiên đến nhà là điềm gia chủ sắp đến vận bần cùng. Ngược lại, chó vô chủ (lưu lãng cẩu) tự dưng đến nhà là điềm gia chủ sẽ được giàu có.
3. Theo góc nhìn của Phật giáo
Theo quan điểm nhà Phật, chúng ta biết không phải do những con vật đem điều khó khăn hay cái sang giàu đến nhà mà điều đó phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Con chó hay con mèo đến không phải điều ngẫu nhiên, có thể nhân duyên là điềm báo. Vậy đó là nhân duyên gì?
Nếu gia đình sắp xảy ra điều gì đó không tốt hoặc ở nơi đất nhà mình có những từ trường không tốt xuất hiện, cảm lên khiến cho con mèo đến. Vì mèo linh cảm được những chỗ từ trường xấu nên nó đến. Chứ không phải do con mèo đem điều xấu đến, mà điều xấu ấy là từ chúng ta.
Chúng ta là chính báo, môi trường sống của chúng ta là y báo. Nếu chúng ta phúc báu tốt đẹp thì môi trường sống trở nên tốt đẹp, đất trở nên lành hơn. Nhưng khi chúng ta phúc cạn, họa sắp đến thì xảy ra những điềm xấu. Có thể xuất sinh những từ trường không tốt hoặc có những vong linh ác quỷ không tốt đến, đem theo từ trường xấu và con mèo cảm nhận được. Vậy suy ra muôn sự phải ở chính ta, không phải do con chó hay con mèo. Con chó, con mèo chỉ là vật cảm ứng mà thôi.
Ví như chúng ta là nam châm, đi đến đâu thì đinh, mạt sắt sẽ cảm ứng, hút vào. Nếu bản thân tốt đẹp thì sẽ cảm ứng những điều tốt đẹp. Ngược lại, bản thân sắp xảy ra điềm báo thì sẽ cảm ứng những điều không tốt.
Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng không phải do con vật này con vật kia mang điềm gở hay điềm lành đến mà là do chúng ta tạo nên.
4. Hóa giải mèo vào nhà bằng cách nào?
Có thể nói, sự xuất hiện của một con mèo lạ trong nhà là một điềm báo. Nếu vẫn cảm thấy lo lắng khi "mèo đến nhà thì khó", bạn nên làm gì khi mèo vào nhà?
Theo quan niệm dân gian, vì xem mèo là thứ xui xẻo nên tìm cách hóa giải bằng muối - thứ dùng để tẩy sạch sự ô uế, xua đuổi ma quỷ trong nhà. Khi thấy mèo lạ xuất hiện, đặc biệt là mèo đen, theo tử vi hãy nắm một nắm muối ném qua vai trái, bạn nên lưu ý không ném muối qua vai phải để tránh tăng thêm sự xui xẻo.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng ba trái chanh tươi, tách ra và nhét muối hột vào. Sau đó, bạn để chúng vào đĩa, đặt ở một góc nhà. Sau 1 tuần, bạn vứt chanh ở bãi đất trống xa nhà.
Những mẹo này có thể khiến cục diện xoay chuyển và phòng tránh những xui xẻo cho gia đình.
Tuy nhiên, theo góc nhìn Phật giáo, khi biết rằng mèo đang ngầm đưa ra một thông báo về một chuyện chẳng lành sắp tới vì nó cảm nhận được năng lượng của chúng ta. Thay vì tức giận, xua đuổi mèo đi thì hãy xem chúng là sứ giả báo tin cho mình, chăm sóc cho nó nếu có thể.
Sau đó, không nên ngồi im mà chờ đợi xem sự việc có diễn ra như việc con mèo vào nhà bạn hay không, thay vào đó, ngay lập tức ta phải tìm cách thay đổi năng lượng của bản thân. Ví dụ trường khí của mình quá yếu, thu hút năng lượng âm thì cố gắng cải thiện.
Cụ thể như việc ta chăm chỉ tập thể thao, làm nhiều việc tốt, giúp đỡ nhiều người, yêu thương mọi người xung quanh mình hơn nhằm gia tăng thêm phúc báu, hạn chế hoặc đẩy lùi những chuyện xui xẻo có thể xảy ra.
Lạ lẫm hình ảnh Ô Quan Chưởng 'cửa đóng then cài' ngày giãn cách xã hội Trong những ngày Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội, Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa, đóng cửa vào buổi tối. Những ngày này, nhiều người dân khu vực phố cổ Hà Nội ngỡ ngàng trước hình ảnh Ô Quan Chưởng đóng cửa vào mỗi buổi tối. Được biết, để đảm công tác...