Dàn sao Việt kiều mang về tấm huy chương lịch sử của bóng rổ
Trong hai năm, bóng rổ Việt Nam lột xác ngoạn ngục để chinh phục tấm HCĐ lịch sử khi lực lượng dự SEA Games 30 có Quý Kiệt, Vĩnh Luân và những cầu thủ Việt kiều xuất sắc khác.
Tại SEA Games 29, tuyển bóng rổ Việt Nam không thể vào bán kết nội dung 5×5, khi chỉ xếp thứ 3 ở vòng bảng. Năm đó, đội tuyển bổ sung 3 nhân tố Việt kiều là Đinh Thanh Tâm, Nguyễn Phúc Tâm (Horace Nguyễn) và Nguyễn Tuấn Tú (Stefan Nguyễn). Hai năm sau, một loạt nhân tố Việt kiều lên tuyển, đặc biệt là sự xuất hiện của Đặng Quý Kiệt (Chris Dierker) gúp bóng rổ Việt Nam trở thành tập thể đủ khả năng tranh chấp huy chương.
Thầy trò HLV Kevin Yurkus đánh bại Indonesia, giành HCĐ lịch sử ở nội dung 5×5. Trước đó, 4 tuyển thủ Quý Kiệt, Dương Vĩnh Luân (Justin Young), Thanh Tâm và Trần Đăng Khoa cũng đánh bại Thái Lan giành HCĐ nội dung 3×3. Sau hơn 3 năm đi lên chuyên nghiệp, bóng rổ Việt Nam đang vươn lên. Việc trọng dụng dàn cầu thủ Việt kiều là cách “đi tắt, đón đầu”, giúp đội tuyển thành công sớm hơn kỳ vọng.
Dàn Việt kiều gồm những ai?
Tại SEA Games 30, HLV Yurkus mang tới Philippines 5 cầu thủ nội gồm Dư Minh An, Võ Kim Bản, Hoàng Thế Hiển, Lê Hiếu Thành và Nguyễn Huỳnh Phú Vinh. Phần còn lại gồm Quý Kiệt, Vĩnh Luân, Đăng Khoa, Thanh Tâm, Tuấn Tú, Phúc Tâm và Đinh Thanh Sang, họ là những ngôi sao Việt kiều sáng giá nhất tại Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam (VBA).
Bóng rổ Việt Nam giành huy chương lịch sử ở SEA Games 30. Ảnh: Thuận Thắng.
Quý Kiệt từng chinh chiến tại VBA 2018 cho Danang Dragons, là đồng đội của Phúc Tâm. Vĩnh Luân thuộc biên chế CLB Thanglong Warriors. Đăng Khoa thi đấu tại VBA 2019 cho nhà vô địch Saigon Heat. Anh em Thanh Tâm, Thanh Sang khoác áo Cantho Catfish. Tuấn Tú là một phần của Hanoi Buffaloes. VBA vẫn còn một loạt gương mặt Việt kiều sáng giá khác như Vincent Nguyễn, Richard Nguyễn, Henry Nguyễn, họ không dự SEA Games 30 vì nhiều lý do khác nhau.
Tất cả cầu thủ Việt kiều dự SEA Games 30 đều có dòng máu Việt Nam trong người, họ trưởng thành tại Mỹ, nơi có điều kiện thuận lợi nhất để tiếp xúc môn bóng rổ. Quý Kiệt có mẹ là người Việt Nam. Cả bố và mẹ của anh em Thanh Tâm, Thanh Sang là người Việt sang Mỹ định cư. Phúc Tâm có đại gia đình đang sinh sống tại Đà Nẵng, họ đến sân Quân Khu 5 đều đặn mỗi trận để cổ vũ Danang Dragons.
Trong 7 cầu thủ Việt kiều dự SEA Games 30, Tuấn Tú, ngôi sao mang 2 dòng máu Việt Nam – Thụy Điển ghi tên sớm nhất ở bản đồ bóng rổ Việt Nam, khi trở về khoác áo Saigon Heat dự Giải Bóng rổ Nhà nghề Đông Nam Á từ 2015. Tuấn Tú, Vĩnh Luân, Đăng Khoa, Thanh Tâm, Thanh Sang và Phúc Tâm gắn bó cùng VBA từ mùa giải đầu tiên. Quý Kiệt dự VBA 2018, nhưng vắng mặt tại mùa giải 2019.
Tất cả trở về Việt Nam vì khao khát lớn nhất được trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp. Chia sẻ cùng phóng viên Zing.vn một năm trước, Quý Kiệt bày tỏ: “Ở Mỹ, không dễ để theo đuổi sự nghiệp bóng rổ đỉnh cao. Tôi nhận thấy mình có thể phát triển nhiều hơn khi về Việt Nam”. Phúc Tâm đã thổ lộ: “Tôi cảm ơn VBA và quê hương Việt Nam vì giúp mình hoàn thành giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”.
“Những tiếng hô Let’s Go Dragons! Let’s Go, khiến tôi sung sướng. Tôi càng tự hào khi trở thành một phần cho sự phát triển của bóng rổ Việt Nam nói chung và đội Danang Dragons nói riêng. Tôi cảm ơn Việt Nam”, Phúc Tâm nói.
Họ tạo nên sự khác biệt
Ở5 trận đấu nội dung 5×5 tại SEA Games 30, HLV Yurkus bố trí đội hình đánh chính gồm 5 cái tên Minh An, Đăng Khoa, Thanh Tâm, Vĩnh Luân và Quý Kiệt. Minh An là cầu thủ nội được ra sân nhiều nhất, tiếp theo là Phú Vinh, Hiếu Thành, trong khi Kim Bản và Thế Hiển không có nhiều cơ hội thể hiện. Trách nhiệm ghi điểm đặt nặng lên đôi tay của các ngôi sao Việt kiều, đặc biệt là cá nhân Quý Kiệt.
Video đang HOT
Quý Kiệt cùng các đồng đội hạ Indonesia giành HCĐ. Ảnh: Thuận Thắng.
Quý Kiệt cao 2,01 m, chơi ở vị trí trung phong. Anh là niềm hy vọng số một của tuyển Việt Nam ở các pha xâm nhập ghi 2 điểm, đồng thời truy cản “big man” của đối phương. Hai năm trước, trung phong số 1 của tuyển Việt Nam chỉ cao 1,95 m. Đây là “tử huyệt” khi Việt Nam không thể phòng ngự nhân tố cao to từ đối thủ và bất lợi ở từng pha rebounds (bắt bóng bật bảng).
Trong trận thua Philippines, Quý Kiệt là cầu thủ ghi nhiều điểm nhất trên sân (28 điểm). HLV Tim Cone của Philippines đã ca ngợi: “Việt Nam có cầu thủ đáng gờm là Quý Kiệt, không dễ để đương đầu với sức mạnh và sự linh hoạt từ cậu ấy”. Quý Kiệt tiếp tục là ngôi sao trước Thái Lan khi đóng góp 31 điểm. Đến trận tranh HCĐ, Quý Kiệt tiếp tục là người hùng, với điểm nhấn cú ném 3 quan trọng ở hiệp cuối.
Bên cạnh Quý Kiệt, Vĩnh Luân là nhân tố chủ chốt cho thành công của đội tuyển. Vĩnh Luân cao 1,93 m, thi đấu ở vị trí tiền phong chính. Nhiệm vụ của anh là tấn công bảng rổ, hỗ trợ Quý Kiệt phòng ngự hàng trong. Thanh Tâm gây thất vọng ở trận thua Philippines, song trở lại ngoạn mục trước Thái Lan và Indonesia. Riêng ở trận Thái Lan, Thanh Tâm thực hiện 5 cú ném 3 điểm chuẩn xác ngay ở hiệp một.
Đăng Khoa cũng trải qua kỳ SEA Games 30 thành công. Anh ghi 21 điểm vào bảng rổ của Indonesia, góp công lớn cho chiếc HCĐ lịch sử. Tuấn Tú và Sang Đinh đều chơi tròn vai. Cầu thủ nội không có nhiều đóng góp, nhưng thi đấu cạnh dàn sao Việt kiều là cơ hội quý giá để Phú Vinh, Kim Bản tích lũy kỹ năng lẫn kinh nghiệm.
Dàn cầu thủ Việt kiều đang ở giai đoạn chín nhất sự nghiệp. Tâm Đinh (29 tuổi), Vĩnh Luân (26 tuổi), Tuấn Tú (27 tuổi), Sang Đinh (25 tuổi) và Quý Kiệt (25 tuổi). CĐV chờ đợi sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa của tuyển bóng rổ nam Việt Nam ở SEA Games 31.
Theo Zing
Hai HCV bóng đá SEA Games là kỳ tích của thể thao Việt Nam
Kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 kết thúc với thắng lợi toàn diện của Đoàn thể thao Việt Nam.
Có thể nói, trong lịch sử của thể thao Việt nam tham gia SEA Games chưa có lần nào thắng lợi toàn diện như lần này.
Thắng lợi toàn diện, tức là các môn thể thao tham gia đều giành được kết quả tốt, số lượng huy chương lớn, vượt qua chỉ tiêu về vị trí và vượt cả Thái Lan, với số lượng huy chương vượt trội. Điều ấn tượng là Đoàn thể thao Việt Nam thắng lợi ở các môn Olympic và giành HCV 2 môn bóng đá, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử tham dự SEA Games của thể thao Việt Nam.
SEA Games 22 tại Việt Nam, tôi trực tiếp lãnh đạo đoàn nhưng chúng ta vẫn có những tiếc nuối. Đó là đội tuyển bóng đá nam chưa thể giành HCV. Sau đó, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có chia sẻ với tôi rằng: "Đoàn thể thao Việt Nam về nhất là tốt rồi nhưng tôi rất cần một chiếc HCV bóng đá".
Lời nói của ông diễn tả niềm mong mỏi của rất đông các cổ động viên Việt Nam rằng bóng đá luôn chiếm một vị trí quan trọng. Đứng trên khán đài sân Mỹ Đình, tôi nhìn thấy dòng người buồn bã ra về. Kỳ SEA Games này ta thắng toàn diện và đã tạo nên một niềm tin mới, một bước tiến mới để tạo đà cho SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam.
U22 Việt Nam giành HCV SEA Games sau 60 năm chờ đợi. Ảnh: Hoàng Hà.
Sự thắng lợi của các môn thể thao Olympic
Mục tiêu của thể thao Việt Nam là muốn phát triển và nâng cao thành tích ở các môn Olympic. Từ SEA Games 2015 ở Singapore, các môn thể thao Olympic đã phát triển tốt và giờ vẫn đang phát huy. Tuy cách sắp xếp chương trình của BTC, số lượng huy chương trên bảng tổng sắp có xê dịch nhưng số lượng huy chương các môn Olympic vẫn mang đến những kết quả khả quan.
Điền kinh là môn thể thao từ thời cổ đại của Olympic. Kỳ đại hội này, điền kinh vẫn dẫn đầu Đông Nam Á với 16 HCV. Vật là môn thể thao Olympic cổ đại và xuất hiện lần đầu trong chương trình thi đấu hiện đại ở Olympic 1896. Đây là môn thế mạnh và chúng ta luôn chiếm ưu thế. Kỳ đại hội này, ta giành 12/14 tấm HCV. Môn vật là môn truyền thống của chương trình Olympic nhưng không thường xuyên được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games.
Bóng đá cũng là môn thể thao Olympics xuất hiện ở thời hiện đại. Hai huy chương vàng, đồng nghĩa với thắng lợi của môn bóng đá tại SEA Games 30. Nói cách khác, chúng ta giành chiến thắng trong một môn Olympic.
Chúng ta nhiều lúc mải nhìn vào bóng đá mà quên mất các môn thể thao khác. Thể dục dụng cụ, bơi, cử tạ, đua thuyền đều là những môn thể thao Olympic. Những đội tuyển tham gia SEA Games 30 đã đóng góp số lượng huy chương xứng đáng cho đoàn thể thao Việt Nam.
Nhiều môn bóng khác cũng nằm trong chương trình như bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn... Những thành công được tính bằng huy chương, với các VĐV ưu tú. Bóng bàn duy trì thành tích HCV đôi nam. Bóng rổ thành công với tấm HCĐ lịch sử. Bóng chuyền cũng có những tiến bộ ở đội tuyển nữ. Những thành công đó giúp chúng ta có niềm tin hơn vào con đường đầu tư mạnh mẽ trong tương lai.
Sự trở lại của các môn võ cũng là điểm nhấn. Các môn võ thuật luôn mang đến số lượng huy chương lớn, từ 1/3 đến một nửa số huy chương ở thời kỳ chúng ta hội nhập. Từ 2010, các môn này có giảm sút. Sự trở lại của các môn như vật, karatedo, teakwondo ở đại hội lần này mang đến niềm tin cho Đoàn thể thao Việt Nam.
Một yếu tố đem đến thành tích là các môn thể thao này phải nằm trong chương trình thi đấu, với số lượng nội dung nhiều hay ít. Tài năng của VĐV là yếu tố thứ nhất, nhưng nội dung chương trình sẽ quyết định số lượng huy chương mang lại. Các môn võ thuật đã trở lại và đóng góp xứng đáng số lượng huy chương vào thành tích chung.
Thành công của bóng rổ ghi dấu ấn của việc xã hội hóa thể thao. Ảnh: Thuận Thắng.
Dấu ấn của việc xã hội hóa thể thao
Thành công của bóng rổ cũng chứng minh tính đúng đắn của việc thực hiện xã hội hóa thể thao. Nó không đóng góp một cách mờ nhạt mà ghi dấu những ấn tượng tốt.
Việc xã hội hoá thể thao đã được triển khai từ lâu, nhưng tiến triển còn chậm, nhất là những môn thể thao thành tích cao. Với Đoàn thể thao Việt Nam, thành tích đến dù chậm nhưng không nằm ngoài quy luật. HCV, HCB của môn quần vợt đã chứng minh cho điều đó. Lý Hoàng Nam hay những vận động viên Việt kiều thi đấu cho Đoàn thể thao Việt Nam đều dựa trên nguồn vốn xã hội hoá.
Những môn xã hội hóa nằm trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam đều mang đến những thành tích tốt. Thể thao Việt Nam cần huy động các nguồn lực này để mang đến nguồn sức mạnh tổng hợp và xu hướng tích cực. Qua kỳ Sea Games này, ta thấy sự đóng góp của các liên đoàn thể thao cho sự phát triển của các vận động viên. Những đơn vị, những cá nhân có đóng góp cho thể thao cần được tuyên dương. Chủ chương xã hội hóa của chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển của thể thao.
Đoàn thể thao Việt Nam có kỳ SEA Games 30 thành công ngoài mong đợi. Ảnh: Thuận Thắng.
Các vấn đề của thể thao Việt Nam
Chương trình thi đấu ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của các đoàn, Chương trình thi đấu, nội dung thi đấu, các bộ huy chương được trao tác động đến tất cả các đoàn không riêng gì Việt Nam. Chúng ta đang nhìn thấy những bất cập từ vấn đề này.
Myanmar là nước chủ nhà SEA Games 2011, thu về 70 HCV, thì ở kỳ SEA Games này số lượng còn 4 huy chương. Singapore ở SEA Games 2015 là chủ nhà thì đứng vị trí thứ 6. Indonesia hay các nước khác cũng vậy. Việt Nam khi tổ chức SEA Games 31 sẽ góp phần tổ chức lại chương trình thi đấu để đảm bảo sự công bằng, giương cao ngọn cờ fair play của thể thao, nhất là thể thao khu vực.
Việc xác định đối thủ, từ đó đưa ra dự đoán về thành tích, dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể tránh sai số. Nguyên phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, một người làm thể thao kỳ cựu, cũng không thể nào tưởng tượng nổi môn Kurash lại lấy được 7 HCV hay môn Annis có 4 HCV.
Có nhiều môn thể thao đóng góp vào bảng thành tích, nhưng chúng ta chỉ có thể dự đoán đúng với những môn thể thao truyền thống, được đầu tư và được thi đấu thường xuyên. Việc xác định chỉ tiêu, phải dựa vào trình độ của ta, trình độ của đối thủ, điều kiện thi đấu và các yếu tố khác để xác định chính xác. Chỉ tiêu tối thiểu thì có thể đúng, nhưng tối đa thường rất khó xác định, đòi hỏi phải được thi đấu thường xuyên, được cọ xát.
Thể thao luôn tồn tại những bất ngờ. Điều này còn phụ thuộc vào đối thủ, và điều kiện thi đấu. Bóng rổ chúng ta không hình dung họ có huy chương nhưng lại mang về 2 tấm HCĐ. Yếu tố trọng tài cũng nên được đề cập. Cặp đấu của Trương Đình Hoàng là một ví dụ.
Điều kiện thi đấu ổn định, sự trải nghiệm của VĐV là quan trọng. Số lần tham dự, trải nghiệm càng nhiều lần chúng ta mới có thể xác định được đối thủ và tỷ lệ thành công của thể thao Việt Nam.
Bảng tổng sắp SEA Games 30. Đồ họa: Minh Phúc.
Theo Zing
Fan nữ có tâm nhất quả đất của đội tuyển bóng rổ Việt Nam: Bay một mình hơn nghìn cây số chỉ để khuyên cầu thủ... cắt tóc cạo râu Xuất hiện tại nhà thi đấu Mall of Asia Arena sáng ngày 4/12, những tiếng cổ vũ "Việt Nam cố lên! Việt Nam cố lên" tới từ một cô nàng nhỏ bé đã khiến cho thầy trò HLV Kevin Yurkus hoàn toàn bất ngờ. Tuy nhiên ngoài việc cổ vũ đội tuyển ra, lý do khác của cô nàng còn khiến không ít...