Dân quân biển tinh nhuệ của Trung Quốc
Trung Quốc đang sử dụng dân quân biển như một đơn vị tinh nhuệ phục vụ mưu đồ kiểm soát Biển Đông.
Đội tàu cá Đam Châu trong chiến dịch hoạt động phi pháp ở Trường Sa năm 2013 – Ảnh: China.org.cn
Tháng 10.2015, khi tuần tra áp sát đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, khu trục hạm Mỹ Lassen bị nhiều tàu Trung Quốc bao quanh khiêu khích. Theo báo Defense News, trong lúc các tàu chiến lớn đứng gườm từ xa thì nhiều tàu nhỏ manh động hơn, chạy ngang mặt hoặc lởn vởn quanh chiến hạm Mỹ. Nhiều nguồn tin tiết lộ số tàu nhỏ này đều là tàu cá hoặc tàu thương mại và điều khiển chúng là những thành viên của cái gọi là lực lượng dân quân biển.
Defense News dẫn lời chuyên gia về hàng hải Trung Quốc Andrew Erickson tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ cho biết lực lượng này liên quan trực tiếp đến hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và dính líu vô số hành động hung bạo ở Biển Đông, trong đó có vụ đâm chìm một tàu cá Việt Nam trong giai đoạn Trung Quốc cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam năm 2014.
Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng không chính quy, được tuyển chọn từ ngư dân địa phương vừa làm việc kiếm sống vừa được đào tạo để chờ thực hiện nhiệm vụ do chính quyền giao. Một số đơn vị tuyển mộ cả cựu binh hải quân, theo tờ China Daily.
Trong bài phân tích trên website của Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC, Mỹ), Giáo sư Erickson cùng đồng nghiệp Conor Kennedy khẳng định lực lượng này rất tinh nhuệ, có khả năng được triển khai cho các hoạt động tinh vi liên quan đến theo dõi, quấy rối tàu nước ngoài. Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, thậm chí khoe rằng dân quân biển “bình thường là ngư dân nhưng khi tổ quốc cần thì trở thành binh sĩ chiến đấu”.
Từ đó, hai chuyên gia Erickson và Kennedy cảnh báo dân quân biển câu kết chặt chẽ với hải quân và hải cảnh hoạt động tại những khu vực tranh chấp và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc. Đặc biệt ở Biển Đông, Bắc Kinh có thể xua lực lượng này ra gây rối, tấn công tàu nước khác để củng cố tham vọng trên biển mà không cần phải sử dụng hải quân, tránh được nguy cơ làm bùng nổ xung đột và không bị mang tiếng là sử dụng chính sách ngoại giao chiến hạm.
Tàu cá của Trung Quốc neo đậu ở bãi Ba Kè, khu vực thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cuối tháng 1.2016 Mai Thanh Hải
Hoành hành Hoàng Sa, Trường Sa
Theo các chuyên gia Mỹ, đội dân quân biển lâu đời và hung hãn nhất của Trung Quốc hiện nay đóng tại Đam Châu, phía tây đảo Hải Nam. Hai ông Erickson và Kennedy khẳng định lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch xâm lược chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa năm 1974. Theo đó, hai tàu cá đã được điều tới theo dõi đội tàu của hải quân VNCH cũng như giải cứu và sửa chữa một tàu quét thủy lôi Trung Quốc bị hư hại. Sau khi tàu VNCH chạy khỏi nhóm Lưỡi Liềm, hai tàu cá tiếp tục chở 500 lính Trung Quốc tới những khu vực khác của Hoàng Sa.
Gần 4 thập niên sau, dân quân biển Đam Châu vẫn đang phình to về số lượng, trang thiết bị… để bảo vệ cái gọi là quyền lợi biển của Trung Quốc cũng như sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng vũ trang khác trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự. Erickson và Kennedy chỉ ra rằng hồi năm 2013, đội tàu cá Đam Châu đã có chuyến hoạt động phi pháp với “sứ mệnh bảo vệ quyền lợi” ở quần đảo Trường Sa.
Video đang HOT
Tiếp theo là lực lượng dân quân biển làng Đàm Môn đóng tại đông nam Hải Nam, được thành lập vào năm 1985 và lâu nay chuyên chuyển hàng tiếp tế, vật liệu xây dựng đến các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như liên quan trực tiếp đến căng thẳng hồi tháng 4.2012 với Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough. Lực lượng này hưởng lợi lớn từ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4.2013. Khi đó, Đàm Môn được công nhận là “làng gương mẫu” và được chính quyền đổ một số tiền đầu tư lớn.
Theo chuyên san The National Interest, dân số Đàm Môn chưa tới 30.000, nhưng có đến 8.500 ngư dân và 300 tàu cá hoạt động ở Trường Sa. Tính đến tháng 3.2015, làng này được cấp 17 tàu cá vỏ thép 500 tấn với thiết bị điều hướng và liên lạc công nghệ cao. Chúng có tầm hoạt động tối thiểu 2.000 hải lý, đủ nhu yếu phẩm để có thể hoạt động trên biển trong nhiều tháng và hỗ trợ lực lượng hải cảnh.
Chính quyền Hải Nam còn trợ giá nhiên liệu và thường xuyên tổ chức huấn luyện khả năng chiến đấu, bao gồm cả bắn đạn thật, cho “ngư dân chấp pháp”, biến dân quân biển thành lực lượng bán quân sự trá hình.
Ráo riết mở rộng
Ngoài Đam Châu và Đàm Môn còn có 2 lực lượng sinh sau đẻ muộn nhưng cũng luôn có mặt trong những hành động gây rối ở Biển Đông, theo Erickson và Kennedy. Đó là nhóm Tam Á, thành lập vào năm 2001 và nhóm “thành phố Tam Sa” ra đời 2 năm sau đó. “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên hồi tháng 7.2012 để tự cho mình quyền quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai chuyên gia Mỹ cho rằng với vị trí đóng quân của mình, lực lượng Tam Á chủ yếu được Trung Quốc huy động trong các chiến dịch tiền tiêu như quấy nhiễu tàu hải quân Mỹ hoặc các đồng minh thực hiện quyền tự do lưu thông ở Biển Đông, còn dân quân “thành phố Tam Sa” sẽ tham gia các vụ liên quan đến Hoàng Sa.
Một bộ phận tàu cá Trung Quốc đang được biến thành dân quân biển Ảnh minh họa: AFP
Không chỉ tăng về số lượng, Trung Quốc còn mở rộng quy mô và gia tăng tập trận cho dân quân biển. Theo tờ China Daily, vào thập niên 1970, lực lượng này khá yếu kém so với dân quân trên bộ nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi “nhờ nỗ lực của quốc gia tăng cường các khả năng biển và bảo vệ những lợi ích trên biển”.
Tờ này dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% hồi năm ngoái. Từ đó, dân quân biển Bắc Hải ngày càng có vai trò lớn hơn trong những cuộc tập trận của hải quân, từ chỉ tham gia 1 lần năm 2013 lên 7 lần trong năm 2015.
Ngoài ra, chính quyền tự xưng của “thành phố Tam Sa” cũng đang tăng cường huấn luyện và giao thêm nhiệm vụ cho dân quân biển. Theo China Daily, trong 3 năm qua, ngư dân “thành phố Tam Sa” đã hỗ trợ hơn 30 chiến dịch “chấp pháp” ở khu vực.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Đề phòng Trung Quốc, các nước Đông Nam Á sắm chiến đấu cơ mới
Giữa lúc Trung Quốc tăng cường bành trướng trên Biển Đông, các nước Đông Nam Á nỗ lực thay thế những phi đội chiến đấu cơ già nua, mở đường cho các hãng sản xuất máy bay với những thương vụ hàng tỉ USD, theo Reuters.
Chiến đấu cơ Typhoon trong một triển lãm hàng không năm 2012 - Ảnh: Reuters
Theo Reuters ngày 22.4, các nguồn tin từ chính phủ các quốc gia Đông Nam Á và hãng sản xuất máy bay tiết lộ với hãng tin này rằng những tháng sắp tới sẽ chứng kiến một số hợp đồng sắm máy bay quân sự trị giá hàng tỉ USD.
Các loại máy bay chiến đấu đang được nhắm tới có Typhoon (của liên doanh Eurofighter GmbH bao gồm bốn nước Đức, Tây Ban Nha, Anh, Ý), Su-30 (Nga), Rafale (Pháp)...
Một hội thảo bên lề triển lãm vũ khí tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) trong tuần này đã tạo cơ hội gặp gỡ cho khách hàng là đại diện chính phủ các nước và người bán là những hãng sản xuất vũ khí từ Mỹ, Nga, Pháp, Anh. Hội thảo này được tổ chức bốn năm một lần và những người tham dự trông rất bận rộn, theo ghi nhận của Reuters.
Một trong những khách hàng lớn ở khu vực Đông Nam Á là Malaysia. Chính quyền Malaysia đang nỗ lực thay thế các chiến đấu cơ MiG-29 thời thập niên 1990 do Nga sản xuất sau nhiều năm trì hoãn.
Các nguồn tin cho Reuters biết Kuala Lumpur có thể mua đến 18 chiến đấu cơ, với tổng trị giá hợp đồng trên 2,5 tỉ USD.
Các lựa chọn cho Malaysia bao gồm: máy bay JAS 39 Gripen (Thụy Điển), Typhoon (của liên doanh Eurofighter), Su-30 (Nga), Rafale (Pháp)...
Một chiến đấu cơ Su-35 của Không quân Nga. Loại tiêm kích hiện đại này đang chào hàng với Đông Nam Á AFP
"Chúng tôi kỳ vọng Malaysia là quốc gia thứ 9 trên thế giới sắm Typhoon", theo ông John Brosnan, giám đốc phụ trách khu vực châu Á của hãng BAE Systems (Anh). BAE Systems là một trong số bốn đối tác của Eurofighter GmbH.
Reuters dẫn lời các nguồn tin tiết lộ Việt Nam cũng đã thảo luận với hãng Saab (sản xuất JAS 39 Gripen) và Dassault (sản xuất Rafale) để mua 12 chiến đấu cơ mới.
Các nguồn tin khác của Reuters cho hay Việt Nam cũng đang đàm phán với Nga để mua một số chiến đấu cơ Su-35. Nhưng các quan chức của Rosoboronexport, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu vũ khí Nga, từ chối bình luận về thông tin này.
Các công ty quốc phòng Mỹ lẽ ra thu được nhiều hợp đồng nhờ vào xu hướng tăng cường sắm máy bay quân sự mới ở Đông Nam Á do nhờ chào bán nhiều ở khu vực này trong giai đoạn thập niên 1980 và 1990, nhưng nay phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ khác nhau tại thị trường này.
Thái Lan, đang sở hữu các chiến đấu cơ F-5 của hãng Northrop (Mỹ) và F-16 của Lockheed Martin (Mỹ), đã chuyển sang mua sắm JAS 39 Gripen của hãng Saab (Thụy Điển) và có thể sắm thêm nhiều vũ khí do Thụy Điển sản xuất.
"Chúng tôi muốn các chiến đấu cơ mới, chúng tôi có những kế hoạch dài hạn, nhưng chúng tôi không có nhiều kinh phí. Và hiện chưa có bất kỳ thỏa thuận mua bán nào", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantrawanit cho hay.
Một chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất AFP
Hãng Boeing (Mỹ) đang nỗ lực chào hàng chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet cho Malaysia. Malaysia đang sở hữu những phiên bản cũ của dòng Boeing F-18 Hornet, nhưng Kuala Lumpur dường như hướng sang các hãng châu Âu, các nguồn tin ngành công nghiệp quốc phòng tiết lộ.
Trong khi đó, Indonesia, mới trang bị các chiến đấu cơ F-16 (đã qua sử dụng) của Lockheed Martin, sắp đạt được thỏa thuận với Nga mua tiêm kích hiện đại Su-35 để thay thế cho phi đội Su-30.
Ở Đông Nam Á, Singapore là nước chỉ sử dụng chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất, theo Reuters.
Trung Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện trên bảy đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp trên bảy đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vào ngày 17.4, một máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc lần đầu tiên đáp xuống Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa. Washington lâu nay luôn cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, điều này khiến các quốc gia láng giềng Đông Nam Á quan ngại.
"Căng thẳng leo thang ở châu Á - Thái Bình Dương đã đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa quân sự tại nhiều quốc gia", ông Craig Caffrey, nhà phân tích của trang tin quốc phòng IHS Jane's (Anh) nhận định.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Cuộc đua tiêm kích kiểm soát bầu trời Đông Nam Á Lo ngại trước các động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều nước Đông Nam Á đang phải tìm cách hiện đại hóa lực lượng không quân. Chiến đấu cơ JAS 39 Gripen do hãng Saab của Thụy Điển sản xuất. Ảnh: Saab Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động mang tính phô diễn lực lượng...