Dân Pháp thích ‘uống rượu phạt’ tiêm chủng
Khi đưa “rượu mời” bằng việc khuyến khích tự nguyện tiêm vaccine Covid-19 không hiệu quả, Tổng thống Pháp đành buộc người dân “uống rượu phạt”.
Đêm 12/7, Tổng thống Emmanuel Macron xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, thông báo hai biện pháp mang tính bắt buộc trong chương trình tiêm chủng. Theo đó, mọi nhân viên y tế đều phải tiêm vaccine Covid-19, đồng thời bất cứ ai vào nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, bệnh viện hay đi các chuyến tàu đường dài ở Pháp từ tháng 8 đều phải xuất trình chứng nhận y tế, cho thấy tình trạng tiêm vaccine Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm của họ.
Macron tái khẳng định tiêm chủng vaccine Covid-19 không bắt buộc, nhưng những người không tiêm sẽ phải chịu một số biện pháp hạn chế và những gì diễn ra cho thấy dân Pháp thích “uống rượu phạt hơn là rượu mời”, theo bình luận viên John Lichfield của Local . Chỉ vài tiếng sau thông báo của ông, hơn một triệu người Pháp đăng ký tiêm mũi thứ nhất.
Dù Pháp chưa bắt buộc tiêm chủng Covid-19 toàn dân, với chính sách mới do chính phủ của Macron đưa ra, những ai từ chối vaccine khó có thể quay về với “cuộc sống bình thường” sau ngày 1/8 như phần còn lại của đất nước.
Khi không có chứng nhận tiêm chủng, người Pháp sẽ không thể ra ngoài đi ăn, đi xem phim, thậm chí không thể đến bệnh viện thăm người thân, đi du lịch hay di chuyển bằng phương tiện công cộng như xe lửa và xe buýt.
Lời nhắn nhủ của Macron và chính phủ Pháp rất rõ: Nếu muốn tận hưởng những thú vui thường nhật, bạn phải tiêm chủng, xét nghiệm Covid-19 liên tục hoặc chứng minh từng nhiễm và đã khỏi bệnh.
Bác sĩ tại Bệnh viện Croix Rousse, Lyon, Pháp được tiêm vaccine Covid-19 vào ngày 6/1. Ảnh: AFP.
Video đang HOT
Trong trường hợp quyết không tiêm vaccine mà chỉ chọn biện pháp xét nghiệm thường xuyên để có giấy chứng nhận âm tính, người không tiêm chủng sẽ phải “trả giá” theo đúng nghĩa đen.
Bắt đầu từ tháng 10, xét nghiệm Covid-19 sẽ không được hệ thống y tế quốc gia tiếp tục đài thọ. Với một người Pháp không tiêm vaccine và muốn tận hưởng “cuộc sống bình thường”, cứ vài ngày họ sẽ phải tốn khoảng 35 USD chi phí làm xét nghiệm để đi lại và giao tiếp xã hội.
Trước đây, chiến dịch tiêm chủng toàn quốc của Pháp chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện, khuyến khích người dân tiêm vaccine. Tuy nhiên, Tổng thống Macron buộc phải chuyển sang biện pháp mạnh tay hơn vì mối đe dọa từ biến chủng Delta và tốc độ tiêm chủng giảm mạnh trong vài tháng qua.
Pháp đang đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ tư vì biến chủng mới. Số ca nhiễm mới ở nước này đã lên tới khoảng 4.000 ca/ngày, tăng gần 64% so với tuần trước. Nếu mô hình lây lan tại Anh tái diễn ở Pháp, đến cuối tháng 8, họ có khả năng ghi nhận 20-30.000 ca mỗi ngày, sức ép lên hệ thống y tế sẽ tăng mạnh và ẩn chứa nhiều rủi ro.
Trung tâm tiêm chủng do quân đội tổ chức tại Brest, phía tây nước Pháp, vào ngày 11/5. Ảnh: AFP .
Anh có độ phủ vaccine cao hơn Pháp nhưng vẫn đang báo động với số ca cần giường hồi sức tích cực ngày một nhiều. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng ở Pháp đang tuột dốc không phanh sau những kỷ lục vào tháng 5. Từ 400.000 mũi tiêm/ngày, số người đi tiêm mũi vaccine đầu tiên ở Pháp mỗi ngày giảm còn khoảng 170.000.
Sau làn sóng đổ xô tiêm vaccine đầu tiên, tâm lý trì hoãn, e dè hay thậm chí là bài xích vaccine bắt đầu xuất hiện. Chỉ có nhóm người cao tuổi là được tiêm chủng gần như đầy đủ, với 80% người dân trên 80 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi và hơn 90% ở nhóm 75-79 tuổi.
Nhóm dân số đặc biệt gây lo ngại là người trẻ tuổi chưa tiêm chủng, vốn đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số ca lây nhiễm biến chủng mới. Mới chỉ có khoảng 25,4% người Pháp trong độ tuổi 25-29 hoàn thành hai lần tiêm. Số người tiêm ít nhất một mũi đạt 46,5% trong nhóm.
Chiến thuật “cho uống rượu phạt” của Macron đang nhắm đến 54,5% thanh niên 25-29 tuổi vẫn nói không với vaccine và đã đạt hiệu quả tức thì.Ngay trong đêm tuyên bố chính sách, người trẻ Pháp đổ xô đặt lịch tiêm chủng trên nền tảng Doctolib và nhiều trang mạng khác. Đến trưa 13/7, lượng đăng ký tiêm mũi vaccine đầu tiên đã vượt mốc 1,3 triệu.
Người biểu tình chống vaccine tại Paris, Pháp vào tháng 12/2020. Ảnh: AFP .
Tổng thống Pháp nhấn mạnh ông “tin tưởng” người dân sẽ hành động đúng đắn, dù chưa hoàn toàn bác bỏ khả năng bắt buộc tiêm chủng toàn dân. Biện pháp bắt buộc tiêm chủng mới được áp dụng đối với nhân viên y tế, người lao động trong ngành chăm sóc sức khỏe và những công việc rủi ro lây nhiễm nCoV cao.
Trong khi phần đông đội ngũ bác sĩ đã tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm chủng với y tá và những nhóm nhân viên y tế còn lại đang giảm mạnh. Ước tính 60% nhân viên các viện dưỡng lão đã tiêm mũi đầu tiên. Để khắc phục tình trạng này, kể từ ngày 15/9, mọi nhân viên y tế chưa tiêm chủng có khả năng bị đình chỉ công tác hoặc đuổi việc.
Nỗ lực quảng bá vaccine và vận động người dân tiêm chủng đã giảm nhiệt đáng kể vào tháng 6, bất chấp mối đe dọa từ biến chủng Delta nhen nhóm từ trước. Chính phủ Pháp dường như chấp nhận thực tế người đăng ký tiêm chủng trong giai đoạn từ cuối tháng 7 đến tháng 8 khó đạt số lượng lớn. Đông đảo dân chúng muốn dành thời gian cho kỳ nghỉ hè và những dịp lễ lớn.
Mục tiêu 40 triệu dân nhận ít nhất một liều vaccine đã phải dời từ ngày 15/7 sang cuối tháng 8. Chính những dấu hiệu suy giảm trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, kết hợp với thái độ bài xích hay lần lữa vaccine trong giới trẻ, là động lực buộc Tổng thống Macron phải mạnh tay hơn với những ai còn lơ là, theo bình luận viên Lichfield.
Tăng cường cách tiếp cận đối với hòa bình, an ninh ở Sahel qua lăng kính giới
10 nước thành viên HĐBA LHQ cùng một số tổ chức, cơ quan đã đồng tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria về chủ đề "Tăng cường cách tiếp cận đối với hòa bình, an ninh ở Sahel qua lăng kính giới".
Quang cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 27/5/2021. Ảnh: Hữu Thanh/PV TTXVN tại New York, Hoa Kỳ
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 2/6, 10 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm Niger, Na Uy, Pháp, Tunisia, Ireland, Anh, Mỹ, Kenya, Saint Vincent & Grenadines, và Việt Nam cùng Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, Cơ quan về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ của LHQ (UN Women) và Cơ quan Chiến lược Tổng thể cho Sahel của LHQ (UNISS) đã đồng tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria về chủ đề "Tăng cường cách tiếp cận đối với hòa bình, an ninh ở Sahel qua lăng kính giới".
Đại diện của 39 nước thành viên LHQ, trong đó có đủ 15 nước thành viên HĐBA, đã tham dự và chứng kiến sự kiện một số nước công bố thành lập Nhóm bạn bè của phụ nữ ở Sahel.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina J.Mohammed cho biết khu vực Sahel đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là bất bình đằng giới, tỷ lệ tảo hôn cao, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, bạo lực cực đoan, biến đổi khí hậu và nghèo đói. Trong bối cảnh này, LHQ đã có nhiều hoạt động và nguồn lực hỗ trợ khu vực thông qua UNISS. LHQ cũng đang phối hợp với các tổ chức khu vực thúc đẩy triển khai các sáng kiến về bảo vệ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ. Bà nhấn mạnh phụ nữ cần giữ vị trí trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách, hoan nghênh việc thành lập Nhóm bạn bè của phụ nữ ở Sahel và mong muốn Nhóm sẽ có các đóng góp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực.
Các nước tham gia cuộc họp đã nhất trí cho rằng việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần xoá bỏ các rào cản đối với phụ nữ trong mọi lĩnh vực cũng như nghiêm túc thực hiện đầy đủ và toàn diện chương trình nghị sự Phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) ở cả cấp quốc gia và khu vực Sahel. Về phương hướng sắp tới, các nước cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung hỗ trợ tiếp cận giáo dục, nâng cao năng lực, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng và hỗ trợ phát triển cho phụ nữ trong các tất cả các giai đoạn của tiến trình ở Sahel vì hoà bình và phát triển bền vững ở khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đã ghi nhận những tiến bộ về sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong các tiến trình chính trị và hòa bình ở Sahel. Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của phụ nữ, Đại sứ nhấn mạnh cần xóa bỏ rào cản, thay đổi nhận thức mạnh mẽ, có các biện pháp táo bạo hơn và tăng cường trao quyền cho phụ nữ để bảo đảm phụ nữ được tham gia đầy đủ với tư cách là đối tác bình đẳng từ những giai đoạn sớm nhất của mỗi tiến trình hòa bình và chính trị.
Liên quan việc thành lập Nhóm những người bạn của Phụ nữ ở Sahel, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động để phát triển và đa dạng hóa các nguồn tài trợ nhằm bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho các sáng kiến bình đẳng giới cũng như các dự án quan trọng của Sahel. Để đo lường việc thực hiện và hiệu quả của phương pháp tiếp cận theo giới, Đại sứ cho rằng cần tăng cường sử dụng bộ chỉ số toàn cầu do HĐBA ban hành năm 2009 để theo dõi việc thực hiện chương trình nghị sự Phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS).
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng nhắc lại cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ vào các quá trình liên quan.
Họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của HĐBA LHQ nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước thành viên HĐBA cũng như các nước thành viên LHQ ngoài HĐBA và các tổ chức quốc tế.
Mỹ treo thưởng 7 triệu USD để bắt giữ thủ lĩnh của nhánh Al-Qaeda ở Bắc Phi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/6 thông báo treo thưởng 7 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp xác định nơi ẩn náu hoặc nhận dạng Abu Ubaydah Yusuf al-Anabi, thủ lĩnh của tổ chức Hồi giáo AQIM, chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở khu vực Bắc Phi. Chân dung thủ lĩnh của nhánh Al-Qaeda tại Bắc Phi...