Dân phản đối việc khai thác đất trong khu bảo tồn thiên nhiên
Mặc dù chưa báo cáo cấp thẩm quyền nhưng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Lâm nghiệp Thanh Hóa đã tiến hành múc đất trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy. Sự việc được người dân phát hiện và phản đối.
Được biết, rừng sến Tam Quy thuộc địa phận hành chính các xã như: Hà Lĩnh, Hà Tân, Hà Đông, của huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy được đưa vào hệ thống rừng đặc dụng quốc gia từ năm 1986 với diện tích 360ha. Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy được phê duyệt năm 2001 trong tổng diện tích tự nhiên 518,5 ha. Khu bảo tồn này do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Lâm nghiệp Thanh Hóa (Trung tâm) quản lý.
Theo phản ánh của người dân thôn Tam Quy 2, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây có một số người và phương tiện vào khu vực rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy để khai thác đất mang ra ngoài. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã báo cáo cơ quan chức năng đồng thời ngăn cản việc múc đất tại khu vực này.
Qua tìm hiểu của phóng viên, có hai vị trí khai thác đất với diện tích khoảng hơn 200m2, thuộc địa bàn hành chính của thôn Tam Quy 2, xã Hà Tân. Một lượng lớn đất đã được dùng máy múc lên và vận chuyển ra khỏi hiện trường.
Một số cây lim xanh bị múc lên
Theo người dân, việc múc đất đã làm hư hại nhiều cây sến
Theo một người dân thôn Tam Quy 2, việc múc đất ở khu rừng đặc dụng diễn ra từ cuối tháng 10/2016, khi người dân phát hiện đã ra hiện trường phản đối và báo cho UBND xã. Tuy nhiên, người dân không nắm bắt được là ai lấy đất ở đây. Đồng thời, người dân cho rằng, việc khai thác đất đã khiến nhiều cây sến và lim xanh bị hư hại.
Ông Lê Văn Đốc – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, tôi đã ra kiểm tra. Trước hết về phía quản lý ngành, tôi hoan nghênh công dân Hà Trung, một bộ phận công dân của xã Hà Tân về trách nhiệm bảo vệ rừng”.
Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Lâm nghiệp Thanh Hóa chưa báo cáo cấp thẩm quyền việc lấy đất trong khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy
Cũng theo ông Đốc, Trung tâm có chức năng về nghiên cứu, hiện phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp chuyển giao khoa học về cây ba kích đen. “Họ cần lấy một ít đất làm nền để ươm thực nghiệm và đã chọn vị trí trong rừng sến nơi không có cây sến để lấy đất”, ông Đốc nói.
Video đang HOT
Theo khẳng định của ông Đốc, việc Trung tâm lấy đất chưa báo cáo Sở NN&PTNT: “Họ chưa có báo cáo, cái đó tôi cho về mặt quản lý nhà nước họ làm như thế là chưa đúng. Vị trí đấy nó nằm trong khu vực của rừng đặc dụng”.
Đã có hàng trăm m2 đất bị múc tung tóe
Khi được hỏi về việc một số cây sến bị hư hại trong quá trình lấy đất của Trung tâm, ông Đốc khẳng định không có.
Việc lấy đất sau đó đã phải dừng lại. Sau khi nắm bắt được thông tin, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm báo cáo lại sự việc nêu trên.
Một điểm trên lối vào khu vực múc đất được phát dọn cây cối hai bên
Ông Đốc cũng cho rằng việc làm của Trung tâm chưa chặt chẽ, phải báo cáo với cấp thẩm quyền cho phép. Đây là những vấn đề hết sức nhảy cảm, cho nên phải làm tốt công tác tuyên truyền cho dân hiểu…
“Tôi sẽ giao cho Chi cục lâm nghiệp đánh giá chính xác diện tích và so sánh tại vị trí đó với diện tích bên cạnh, xem xét mật độ của cây sến có hay không và có thì có bao nhiêu, có đúng với cái hiện trạng phản ảnh của người dân không. Nếu quả thật, vì anh lấy một ít đất như vậy nhưng để ảnh hưởng cây sến thì rõ ràng là anh đã vi phạm”, ông Đốc cho biết thêm.
Việc múc đất còn tác động vào một số cây sến xung quanh
Duy Tuyên – Xuân Du
Theo Dantri
Vụ "nhà quan" phá rừng Sơn Động: Hệ thống kiểm lâm "tê liệt" cục bộ!
Vụ việc gia đình lãnh đạo thị trấn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiên tại huyện Sơn Động (Bắc Giang) gióng hồi chuông báo động về thực trạng quản lý rừng không thể chấp nhận tại huyện miền núi với những khu bảo tồn thiên nhiên vô cùng quý giá. UBND huyện Sơn Động vừa chính thức có văn bản yêu cầu xử lý trách nhiệm với hệ thống kiểm lâm tại đây.
Sau hơn 10 kỳ báo điều tra của Dân trí làm sáng tỏ hành vi phá hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiên của gia đình chủ tịch thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động - Bắc Giang), từ chỗ kiểm lâm "ém nhẹm" định xử phạt hành chính, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động vừa ký kết luận sự việc, yêu cầu xử lý hình sự vụ việc và truy trách nhiệm hàng loạt cán bộ liên quan.
Theo kết luận số 460/KL-UBND do Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Nguyễn Quang Ngạn ký, việc công dân tố cáo hộ gia đình ông Phạm Văn Thắng (Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn) tự ý phá 26.056m2 rừng tự nhiên tại khu vực Khe Lê, thôn Tân Thanh, xã Tuấn Mậu, thị trấn Thanh Sơn khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là đúng. Hành vi này vi phạm khoản 1, Điều 12 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: "Chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép".
UBND huyện Sơn Động yêu cầu xử lý trách nhiệm với hệ thống kiểm lâm khi để rừng bị tàn phá.
Bản kết luận cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với lãnh đạo và nhân viên Hạt Kiểm lâm Sơn Động vì đã để xảy ra việc phá rừng diễn ra trong một khoảng thời gian dài nhưng không phát hiện và ngăn chặn kịp thời là vi phạm Điều 81, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm lâm.
Không những vậy, việc phá rừng xảy ra từ tháng 3/2014 nhưng tới tháng 11/2015, ông Trần Ngọc Sơn - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tuấn Đạo mới làm báo cáo cho Hạt Kiểm lâm Sơn Động về việc gia đình ông Phạm Văn Thắng chỉ phát dọn có 3000m2 rừng là không có cơ sở.
Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang xem xét trách nhiệm và có biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động Nguyễn Văn Hiệu và cán bộ chuyên môn liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đối trong vụ việc phá rừng tự nhiên nghiêm trọng này.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, rừng tại Sơn Động bị tàn phá không chỉ bởi người dân mà bởi cả công ty lâm nghiệp. Cụ thể, năm 2014, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn ộng (Công ty Lâm nghiệp Sơn Động) lợi dụng việc được giao thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên để nhập nhèm phá, bán hơn 20ha rừng trên địa bàn xã Bồng Am - Sơn ộng (Bắc Giang). Thêm vụ việc gia đình lãnh đạo ngang nhiên phá rừng tự nhiên khiến dư luận "sốc" bởi cách bảo vệ rừng của chính quyền huyện Sơn Động.
Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động. (Ảnh: Anh Thế)
Tuy nhiên, điều bất thường ở chỗ hàng chục nghìn m2 rừng bị phá gia đình lãnh đạo địa phương phá tan hoang nhưng trong suốt hơn 1 năm lực lượng kiểm lâm tại đây dường như đã bị "bịt mắt" khi không thể phá hiện. Sự việc chỉ vỡ lở khi một người dân liên tục làm đơn tố cáo. Và sau khi nhận được đơn thư của người dân, Hạt kiểm lâm Sơn Động mới bắt buộc phải lập đoàn kiểm tra xác minh kết luật sư việc phá rừng của gia đình chủ tịch thị trấn là đúng.
Trước đó, trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Động cho rằng vụ việc này không thể xử lý hình sự do diện tích rừng bị phá dưới 30.000m2 nên Hạt kiểm lâm Sơn Động không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an mà chỉ có thể xử phạt hành chính lỗi vi phạm. "Thế nhưng khó là thời hiệu xử phạt hành chính chỉ trong 2 năm nên nếu xác định gia đình ông Thắng phá rừng trước đó hơn 2 năm cũng lại không thể xử phạt được".
Tuy nhiên, sau loạt bài điều tra của báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Hiệu cho biết cơ quan này đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc phá 26.000m2 rừng tự nhiên tại Sơn Động sang Công an huyện Sơn Động điều tra dấu hiệu tội phạm. Cơ quan này đã chính thức có Công văn số 18/HKL-TTPC gửi Công an huyện Sơn Động ngày 1/6/2016 với nội dung: Hạt kiểm lâm Sơn Động đã xác minh làm rõ đối tượng phá rừng là Phạm Văn Cương - cán bộ tư pháp thị trấn Thanh Sơn. Diện tích rừng bị phá là 26056m2 rừng tại lô a1 và lô e, khoảnh 3 xã Tuấn Mậu - Sơn Động (Bắc Giang). Hiện trạng rừng trước khi bị phá là rừng tự nhiên.
Trong nỗ lực cứu rừng của Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì điều mà công luận đặt ra câu hỏi cần phải được trả lời là những "ông vua con" phá rừng tại huyện Sơn Động sẽ được xử lý như thế nào?
Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, lãnh đạo huyện Sơn Động sẽ phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật khi để rừng bị phá. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Sơn Động)
Hệ thống chính quyền huyện Sơn Động, cụ thể là những cá nhân lãnh đạo nào sẽ bị xử lý bởi sự tắc trách, buông lỏng quản lý của mình.
Việc này đã được quy định rõ tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công việc và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện được phân cấp và xác định rất rõ: "Tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần); kịp thời báo cáo lên cấp trên đối với vụ việc khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.
Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật".
Được biết, ông Trần Công Thắng hiện đang giữ cương vị Bí thư huyện ủy Sơn Động, ông Nguyễn Quang Ngạn đang giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện Sơn Động.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Theo Dantri
Ao hồ chứa "nước thiêng" ở miền Tây đang kêu cứu...ông trời Nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sâu khiến cho nhiều ao, hồ quy mô lớn ở miền Tây đồng loạt thiếu hụt nước trầm trọng. Trưa nay (5.5), ông Nguyễn Hữu Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang (KIWACO) thông tin với phóng viên Dân Việt, hồ chứa nước lớn nhất của công ty có...