Đàn ông thích nuôi chó, phụ nữ thích nuôi mèo
Ở Tây đàn ông cô đơn thường thích nuôi chó. Nuôi con chó để khi đi làm về có kẻ hủ hỉ tâm sự cho dù không phải lúc nào cũng tránh được chuyện ngôn ngữ bất đồng. Nuôi con chó để khi rỗi hơi có thể dắt chó đi dạo, nhìn thiên hạ tay trong tay thì mình cũng dây trong tay, bớt phần tủi thân. Nuôi con chó để được thấy mình là chủ của một sinh vật nào đó.
Dường như trong số những con vật nuôi trong nhà, đàn ông có vẻ thích chó hơn cả.
Thực ra những động vật được coi là “pet” – thú cưng theo truyền thống thì chỉ có chó, mèo, chim, cá. Sau này ở Tây thì thỉnh thoảng có người lại dở chứng thích nuôi lợn, nuôi trăn, nuôi cá sấu. Gần đây ở ta thì lại nổi lên phong trào nuôi chuột. Cơ mà những thú nuôi kiểu đấy không phải là trường hợp đặc biệt dành cho những người có sở thích không bình thường thì cũng nhanh chóng bị nhà nước cấm. Như mấy con chuột Hamster đấy. Cuối cùng thì vẫn chỉ có chó, mèo, chim, cá.
Nuôi chim thì phải có *****g, nuôi cá lại cần chậu. Chẳng những thế lại còn cần sự kiên nhẫn. Chẳng những thế lại còn cần tính “thiền”. Những thứ ấy bản chất đàn ông đàn bà ai cũng có, nhưng có là một chuyện, làm cho nó sinh sôi nảy nở được hay không lại là chuyện khác. Nhất là vào cái thời buổi bệnh…vô sinh đã lên đến mức báo động. Vậy chỉ còn chó, chỉ còn mèo. Cơ bản là dễ nuôi. Cơ bản là sờ mó đá đít bẹo tai được. Chó vứt cho khúc xương là xong, mèo cho cái đầu cá xem chừng đã phủ phê lắm. Mèo không chăn êm đệm ấm thì ngủ xó bếp vẫn tốt, chó chẳng có ổ hay chuồng thì ra đầu hè hay chui… gầm chạn vẫn đánh giấc pho pho.
Đấy là nói chuyện xưa, chứ giờ nuôi chó nuôi mèo cũng lắm nhiêu khê, nhưng thực ra cái sự nhiêu khê đấy là do người ta tự rước vào thân, cứ muốn mèo Xiêm với chó Tây thì cũng phải cố uốn mình theo kiểu Xiêm với kiểu Tây để nuôi nó. Còn chọn chó vàng với mèo mướp xem, khổ thân, cái giống Việt thấp cổ bé họng, có đòi hỏi gì nhiều nhặn đâu.
Lan man nói chuyện chó mèo chim chuột thế cũng để nói cái sự thân thuộc của mấy con động vật 4 chân ấy với đàn ông, đàn bà và các loại đàn dân tộc lẫn đàn Tây đàn Tàu khác. Mèo là một loài động vật thông thường thì ù lì khinh người đến chán, lúc thì lại nhanh như sóc đến lúc người ta xoay sở kịp. Chó thì khác, chó lúc nào cũng lập trình rõ ràng, vui thì sủa quẫy đuôi tít mù, buồn thì nằm vêu mõm, cần nhanh thì nhanh, bảo chậm cũng sẵn sàng chậm.
Có lẽ vì thế nên dường như đàn ông thích chó hơn mèo, âu ở đời người ta thường thích gì có vẻ giông giống mình.
Cũng lắm cái để kể ra nếu thực hiện phép so sánh để tìm cái sự giống nhau giữa chó mèo với đàn ông đàn bà.
Người ta thường dùng chó trong các cuộc săn mồi. Săn từ chồn hươu đến thỏ nhím. Chó đi săn đánh hơi, chạy cật lực, rồi dùng răng để tóm cổ các con mồi, tha về cho chủ, rồi ngoe nguẩy đuôi, sủa nhắng lên, mắt long lanh chờ một lời khen, may thì đến lúc xáo *****ng được chủ vứt cho miếng thịt khúc xương để tẩm bổ.
Mèo thì chả ai dùng để đi săn những con thú to, mèo chỉ dùng để bắt mỗi chuột. Mèo kiên nhẫn ngồi im lặng hàng giờ để rình mỗi con chuột bé tẹo, chờ cho đối thủ chuột tưởng là sóng đã yên biển lặng bèn rón rén bò ra thì mèo chuyển phắt từ trạng thái nửa tỉnh nửa mơ sang trạng thái tỉnh như sáo, phi thân một cái và em chuột khờ khạo đã nằm gọn trong vòng tay của mèo. Mèo thả ra cho chuột chạy, nhưng có mà chạy đằng giời, vờn đấy. Vờn đến lúc chán thì xơi luôn cả xương lẫn thịt. Xong mèo nguẩy đuôi chui về xó bếp nằm lim dim.
Ngẫm ra thì cái kiểu săn mồi của chó ít nhiều cũng giống đàn ông. Đàn bà lại săn kiểu giống mèo.
***
Đàn ông thích chó. Điều này không phải là chân lý, nhưng cũng tiệm cận với chân lý. Nói đến chó lắm ông có thể kể ra vanh vách từng giống như giống chó Bắc cực chuyên dùng để kéo xe, chó Berger dùng để dò tìm tội phạm, chó Bernard gì đó ở Thụy Sỹ chuyên cứu nạn, hay thậm chí chó Nhật để làm… cảnh.
Video đang HOT
Còn nhớ một dạo tự dưng thiên hạ phát rồ lên vì nuôi chó. Nhà nhà khoái chó, người người thích chó, người ta đo độ giàu sang của nhau bằng…chó. Ví dụ nhà này có 1 con berger, tức giàu một chó, thì ít giàu hơn nhà kia có 2 berger, giàu hai chó. Vì giàu mới cần nhiều chó để giữ của. Và vì cái giống berger muốn khôn thì phải được xơi thịt bò tươi, như người ta muốn thông minh thì từ tấm bé phải được uống sữa có DHA vậy.
Đàn ông thích chó. Có lẽ bởi con chó nó quấn quít, nó trung thành. Đấy có lẽ là những phẩm chất mà đàn ông thích.
Có câu chuyện về một nhà văn nổi tiếng nọ và một tay trọc phú, tay kia bảo nhà văn sáng tác vì tiền, còn hắn ta làm việc vì danh dự, nhà văn điềm nhiên thừa nhận và bảo cả hai chúng ta đều làm việc vì những thứ chúng ta còn thiếu. Không biết điều này có đúng khi đàn ông thường khoái chó và phụ nữ lại mê mèo không.
Nhưng quả thực lòng trung thành của chó đã được nhiều phim ảnh báo chí lẫn miệng lưỡi dân gian kể lại. Còn về cái sự quấn quít thì khỏi phải nói, ai nuôi chó cũng phải thừa nhận, chủ còn chưa đến đầu ngõ chó đã hít lấy hít để rồi sủa một tràng ầm ĩ chào mừng, cái đuôi ngoáy tít, cái đít vểnh cả lên. Chủ vào đến nhà thì chó nhảy chồm lên chào mừng, thậm chí chủ nào quý chó còn hân hạnh được chó liếm mặt. Quấn quít là đấy, chứ đâu.
Ở Tây đàn ông cô đơn thường thích nuôi chó. Nuôi con chó để khi đi làm về có kẻ hủ hỉ tâm sự cho dù không phải lúc nào cũng tránh được chuyện ngôn ngữ bất đồng. Nuôi con chó để khi rỗi hơi có thể dắt chó đi dạo, nhìn thiên hạ tay trong tay thì mình cũng dây trong tay, bớt phần tủi thân. Nuôi con chó để được thấy mình là chủ của một sinh vật nào đó. Nuôi con chó để thi thoảng có cảm giác được chăm sóc ai đó, có ai đó trông đợi mình ở nhà, cần đến mình, phụ thuộc vào mình. Nuôi con chó để giảm bớt cô đơn khi “tám” không phải là đặc tính chung, thể thao thể dục cũng chả phủ hết được quỹ thời gian trống vắng, mà shopping lại chẳng phải là sở thích.
Thì đấy cũng chỉ là những lý do. Có khi đàn ông nuôi chó chỉ vì thích nuôi chó. Ai biết được.
Đàn ông vẫn tự hào mình luôn là những kẻ thông minh sáng láng. Đàn ông Tây có câu gì đó đại loại “tóc dài trí ngắn với lại tóc ngắn trí dài” ám chỉ tác dụng của cái tông đơ, kéo, với lại dao cạo (chứ giả sử không có mấy thứ đấy, đàn ông đàn bà thời đồ đá tóc ai chả như nhau!). Giờ thì vẫn có đàn ông để tóc dài, đàn bà húi cua tóc ngắn nhưng dẫu sao thì nếu có một nghiên cứu thống kê về chiều dài trung bình của tóc thì đàn bà vẫn ngậm ngùi chịu đứng sau đàn ông về độ ngắn.
Đàn ông ta cũng chả chịu kém đàn ông Tây khi lên giọng “Đàn ông nông nổi giếng thơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Giếng thơi lẫn cơi đựng trầu giờ gần như đã tuyệt chủng, giới trẻ giờ có muốn cũng khó kiểm chứng được, chỉ biết các bà các mẹ ngày xưa lắm người vẫn phải ngồi than vãn: “tiếc hoài sợi dây”.
Cơ mà có nhẽ cũng phải công nhận đàn ông thông minh hơn thật, bởi nếu có ai đó làm cuộc tổng trưng cầu dân ý về cái sự thông minh của đàn bà với đàn ông thì cho dù Việt Nam tỷ lệ Nam/Nữ là 51/49 thì vẫn có khối người trong số 51 kia nhón tay làm phát bầu cho đàn ông.
***
Lại nói về chó. Chính ra chó cũng được xem là một trong những con vật thông minh nhất. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn thông minh được tính theo hệ quy chiếu lấy người làm gốc.
Thông minh, với chó, thế có nghĩa là nếu bị bắt đi thật xa vẫn biết đường tìm về với chủ. Bao nhiêu truyện, bao nhiêu phim đã ca ngợi phẩm chất này của chó. Thông minh, thế có nghĩa là có thể hiểu được mệnh lệnh của chủ, bảo ngồi thì ngồi, bảo đứng biết đứng, bảo chạy biết chạy, bảo sủa biết sủa.
Những tính này thì không lên truyện, không lên phim mấy, nhưng thử ai đó có một con chó thế mà xem, làng nước chả nức nở khen “con chó khôn/ thông minh quá nhỉ?”. Thông minh, lại có nghĩa là biết phân biệt xinh xấu, người ta bảo “chó cắn áo rách” chứ có ai nói “chó cắn áo gấm” đâu. Thông minh, đơn giản chỉ là thông minh, là hữu dụng. Thế nên cái giống Berger Đức thường thông minh hơn giống Vàng Mực Vện. Chó Phú Quốc lại khá khẩm hơn chó… Hà Tây, ví dụ thế. Không phải phân biệt vùng miền, nhưng quả thật là thế, báo chí tuyên truyền đầy.
Bất kỳ sự so sánh nào cũng khập khiễng, cái đó ai cũng thừa nhận. Thành ra sẽ không có sự so sánh nào, thật đấy. Chỉ dám kể lể hai điều chả liên quan gì đến nhau: Đàn ông vẫn tự cho mình là thông minh (hơn đàn bà), đó là điều thứ nhất; và điều thứ hai là chó được xem như một trong những con vật có chỉ số IQ cao nhất. Xin nhắc lại, hai điều này không liên quan gì đến nhau, cũng như đàn ông và chó. Đàn ông có thể thích chó, đàn ông có thể nuôi chó, nhưng đàn ông và chó không liên quan gì đến nhau, ít nhất là về mặt đàn ông, và cả về mặt chó. Không bao giờ. Dĩ nhiên.
Theo iBlog
Phát khóc khi chồng bỏ vợ vượt cạn để quay về... chăm chó
Hàng ngày anh vẫn chăm sóc con cún, cưng nựng nó, hầu hạ nó đi tiểu tiện, đại tiện. Dọn phân cho chó thì chẳng thấy kêu ca một lời, nhưng vợ bảo thay bỉm cho con thì làm như tận thế.
Chào mọi người!
Đọc những dòng này của em, có lẽ nhiều người cười và bảo em dở hơi cám hấp, ghen với ai không ghen lại đi ghen với con chó. Nhưng quả thật em tủi thân vô cùng.
Em yêu chồng được một năm thì cưới. Lúc yêu, em cũng biết anh ấy cuồng chó, thích chó. Nhưng lúc đó thì em thấy anh ấy đáng yêu, con Bella của anh ấy cũng đáng yêu. Em nghĩ người biết yêu thương động vật là người có lòng nhân ái, cũng sẽ biết yêu thương, quan tâm đến vợ con. Em nào có ngờ sau này, anh ấy chỉ thương cún của anh ấy thôi, còn mẹ con em thì chẳng là gì trong mắt anh ấy cả.
Buổi sáng đầu tiên sau đêm tân hôn, trong tưởng tượng của em thì sẽ rất lãng mạn, tình cảm. Sáng ra em dậy sớm, nấu bữa sáng đầu tiên cho chồng. Tưởng sẽ nhận được lời cảm ơn cùng chiếc hôn tình cảm từ phía chồng. Nào ngờ, vừa rời giường là anh ấy phi thẳng ra chơi với chó. Anh ấy cứ thế đùa nghịch cùng nó, để mặc em ngồi với hai bát phở đang trương phềnh lên.
Sáng ra, chồng đã phi thẳng ra chơi với chó.
Trước khi đi làm, anh ấy chẳng bao giờ quên chào Bella của anh ấy, xoa đầu, vuốt ve nó, thủ thỉ: "Em ở nhà ngoan nhé, tối anh về". Trong khi vợ thì chẳng bao giờ ngó ngàng luôn, chẳng chào hỏi gì, cũng chẳng được một câu thông báo "Anh đi đây" mà cứ thế xông ra khỏi nhà.
Trên Facebook của anh ấy, ảnh avatar là hình chồng em hôn hít con Bella. Ảnh cover cũng là ảnh anh ấy ôm ấp con cún, lại còn có thêm dòng chữ đáng ghét: "Vợ có thể không có, nhưng chó nhất định phải có một con".
Anh ấy còn quá đáng tới mức gọi chó là em yêu, là vợ. Chồng em bảo: "Bella là vợ của anh trước cả em. Nó là vợ cả đấy, em chỉ là vợ hai". Em giận dỗi thì anh ấy cười hề hề: "Vợ cả thua vợ lẽ, em yên tâm em lúc nào cũng hơn Bella", hoặc không thì mắng em: "Điên sao đi ghen tỵ với một con chó".
Không ghen tỵ sao được khi mà anh ấy lúc nào cũng chỉ nhớ đến con cún. Chồng em chưa bao giờ tặng em món đồ trang sức nào, nhưng vòng cổ, dây da cho chó thì thay liên tục. Việc nhà toàn đùn đẩy cho vợ nhưng chăm chó thì vô cùng tỉ mẩn. Quần áo của nó, anh thay giặt liên tục, suốt ngày ôm lấy nó chải lông, cắt móng.
Có lần, em còn nghe lén được chồng nói chuyện với bạn: "Chó chẳng bao giờ cãi mình, còn vợ thì lúc nào cũng lèo nhèo lắm lời. Chó cả đời trung thành với mình, còn vợ thì chưa biết được. Có khi cắm sừng lên đầu mình lúc nào chẳng hay. Bởi vậy nên yêu chó hơn yêu vợ là đúng".
Đợt đó em tức tối đầy vơi, tính ly dị luôn cái loại chồng thần kinh này cho nhẹ nợ. Mọi người phải xúm vào can em mới ngậm bồ hòn làm ngọt.
Mẹ chồng bảo em: "Đừng chấp với thằng dở hơi làm gì!". Mẹ đẻ thì khuyên: "Thà nó yêu chó còn hơn yêu con nào ngoài đường, cặp bồ cặp bịch". Em cũng muốn nghĩ như thế cho nhẹ lòng, nhưng thực sự nhiều lúc ức chế không thể tả.
Tháng rồi em mới sinh em bé. Nhớ lại ngày lâm bồn mà nước mắt em chỉ chực trào ra. Hôm đó em đau bụng sinh, vào nhập viện. Lúc đó bà nội, bà ngoại chưa kịp vào, chỉ có hai vợ chồng loay hoay.
Đưa em vào viện xong, chồng em bỗng nhiên giật mình: "Chết cha, anh quên đổ thức ăn cho Bella rồi. Chắc em cũng chưa sinh ngay, anh tranh thủ chạy về nhà tí". Chưa kịp để em nói gì, chồng đã chạy vụt về. Chẳng hiểu cái "một tí" trong định nghĩa của anh ấy dài bao lâu. Chỉ biết hôm đó em đã phải một mình vượt cạn trong uất ức.
Sinh con xong, tròn một tuần em dỗi, không thèm nói chuyện cùng chồng. Chồng cũng chẳng thèm dỗ, mọi người hỏi thì hề hề bảo em bị mắc chứng dở hơi sau sinh.
Em vừa sinh xong, đau đớn cả về thể xác, cả về tinh thần. Em buồn chồng lắm nhưng toàn phải nghĩ tới con, tự nhủ cố gắng vui tươi vì con, tránh để trầm cảm sau sinh thì chỉ mình khổ, con khổ, chứ chồng thì vẫn hạnh phúc cùng con chó của lão ấy.
Ừ thì cứ coi như vợ chẳng là gì đi, nhưng đến con ruột của mình mà anh cũng coi không bằng con chó của anh ấy nữa thì em không chịu nổi.
Hàng ngày anh vẫn chăm sóc con cún, cưng nựng nó, hầu hạ nó đi tiểu tiện, đại tiện. Dọn phân cho chó thì chẳng thấy kêu ca một lời, nhưng vợ bảo thay bỉm cho con thì làm như tận thế. Nhìn cái dáng nhăn nhó, bịt mồm bịt mũi của chồng mà em chỉ muốn xông ra đập cho mấy phát.
Người ta cứ nói đàn ông yêu con, quý con, nhưng mà chồng em chỉ quý mỗi con chó của anh ấy thôi. Đi làm về vẫn vồ vập lấy con chó trước tiên rồi mới hỏi đến con mình. Em ghét lắm, toàn lấy cớ người toàn lông chó không cho đụng vào con. Thích chó thế thì đi mà sống một mình với nó, lấy vợ làm gì để làm khổ em?
Đến ngày sinh con mà anh vẫn chỉ biết chăm lo cho chó của anh.
Hôm nay chồng em đi công tác. Vừa rồi gọi điện về, câu đầu tiên là hỏi em: "Em cho Bella ăn chưa?". Em tức điên người, cụp máy luôn. Lão ấy gọi điện lại liên tục, em tắt luôn máy. Đấy, đi xa chẳng thấy hỏi vợ con thế nào, mở miệng ra là hỏi con chó.
Em ghét người ghét lây cả chó, không thèm ra ngoài cho nó ăn. Của nợ ấy đói, tru tréo sủa ầm ĩ làm em điếc hết cả tai. Điên thế không biết, chẳng lẽ lại tranh thủ lúc chồng không có nhà tống cổ nó đi cho bõ tức?
Em chẳng hy vọng thay đổi được lão chồng yêu chó đến hâm dở của em. Nói thật em cũng làm đủ mọi trò rồi, giận dỗi có, dọa dẫm có, nhắc nhở nhẹ nhàng có, nghiêm túc nói chuyện có. Nhưng anh toàn bỏ ngoài tai, thậm chí nói em ích kỷ, chuyện bé xé ra to, còn bảo suốt ngày suy diễn.
Em nói anh ấy chọn đi, một là mẹ con em, hai là con chó. Anh ấy trợn mắt mắng em "Đừng có điên nữa!" rồi lại ra ôm ấp, dính lấy con chó.
Mọi người xung quanh em có vẻ chán nghe em than thở rồi. Hình như ai cũng nghĩ chuyện này chỉ là chuyện nhỏ, chẳng đáng để em kêu ca hay sao ấy. Có chị nào có cùng cảnh ngộ với em thì tâm sự, chia sẻ cùng cho em bớt buồn. Em chán chồng, chán cái cuộc đời này quá!
Theo Afamily
Trào lưu nuôi ngao Tạng Trung Quốc hết thời Những con chó ngao Tây Tạng từng là vật trang sức không thể thiếu của giới nhà giàu Trung Quốc nay phải chịu cảnh nhồi nhét trong các trại nuôi nhốt tồi tàn hoặc bị bán vào các lò mổ với giá rẻ mạt. Giống chó ngao Tây Tạng một thời là biểu tượng của sự giàu sang, là "món đồ trang sức"...