Đàn ông lắm tiền mà nông cạn thì cũng vứt!
8 tuổi, tôi phải tự nấu ăn cho gia đình và đã có thể tự làm gà, vịt, đồ xôi, làm bánh, tự giặt quần áo, tự sống trong một căn nhà riêng. Tôi không được bước chân ra khỏi nhà từ 6 giờ tối trở đi, không được mặc áo mà phanh ngực, đi dép phải nhấc cao chân…
Ảnh minh họa
Chào anh Tuấn Dũng, tác giả bài viết “Tiêu chuẩn kén vợ của một gã trai đạt “chuẩn xịn”.
Thú thực với anh, ngay từ đầu tôi bị cuốn hút bởi tiêu đề bài viết của anh. Bởi tôi là phụ nữ. Mà đã là phụ nữ, có ai lại không muốn tìm hiểu đàn ông họ muốn gì? Họ yêu thích những mẫu phụ nữ như thế nào? Họ quan niệm về cái đẹp ra sao? Tiêu chuẩn của họ về một nửa hoàn hảo như thế nào?…
Hơn nữa anh còn là một gã trai “đạt chuẩn xịn” cơ mà. Tôi phải xem những người như anh muốn tìm một “đối tác” như thế nào chứ?
Tôi chẳng ngại khi phải thừa nhận đọc những dòng đầu tiên của bài viết, tôi đã cười và khá thích thú với giọng văn sắc sảo và chắc như đinh đóng cột của anh. Tôi cảm thấy anh là một người đàn ông bản lĩnh, mạnh mẽ và tự tin. Tôi thích vì tôi nghĩ đàn ông là phải thế!
(Ảnh minh họa – Nguồn: inmagine)
Nhưng sự thích thú của tôi với anh chẳng kéo dài được thêm quá 3 câu văn. Tôi nhận ra anh ngạo mạn, tự mãn, thiếu chín chắn, nhạt nhẽo và tưng tửng vô cùng.
Tôi xin nói luôn với anh rằng, ai lấy phải anh chẳng biết sẽ sướng ở điểm nào chứ tôi và rất nhiều người khác thì đã nhìn thấy người đàn bà “bất hạnh” đó sẽ phải vất vả khổ sở từ phòng bếp, phòng khách cho tới cả phòng ngủ. Người đàn bà ấy đến cái việc ăn – ngủ – nghỉ tại nhà mình mà còn chẳng thể thoải mái thì sống sao nổi khi mà nhu cầu thiết yếu để duy trì cuộc sống của một con người cũng chỉ được duy trì với một trạng thái trầy trật?
Hay anh lại muốn vợ mình “lạ” bằng cách “đẹp che, xấu khoe” theo kiểu ở nhà thì nền nếp vì có mặt chồng, có gia đình nhà chồng. Nhưng ra ngoài thì “ai biết đấy là đâu” nên lại “tạp nham”, xuề xòa, thả phanh để bù lại những giây phút căng thẳng trong “hỏa lò”?
Video đang HOT
Tôi xin nói qua về bản thân. Tôi năm nay 22 tuổi, là sinh viên năm cuối đại học Luật Hà Nội. Tôi là dân tỉnh lẻ, gái dân tộc.
Vì sống ở miền núi nên dù là thế hệ 9x nhưng tôi cũng thấm cái cảnh “gia đình phong kiến”. Hơn nữa gia đình bên mẹ tôi lại là gốc Hoa. Ngày còn ở nhà, tôi được mẹ, bà ngoại và bà cụ (năm nay đã 98 tuổi) dạy về nữ công gia chánh, dạy nhân cách, đạo đức, tác phong…
8 tuổi, tôi phải tự nấu ăn cho gia đình và đã có thể tự làm gà, vịt, đồ xôi, làm bánh mỗi khi nhà có việc, tự giặt quần áo, tự sống trong một căn nhà riêng. Tôi không được bước chân ra khỏi nhà từ 6 giờ tối trở đi, kể cả là chạy mấy bước chân đi mua đồ cá nhân, không được mặc áo mà phanh ngực, kể cả áo khoác cũng phải cài khuy, đi dép phải nhấc cao chân, không được để phát ra tiếng động…
Với những gì mà tôi được giáo dục, tôi cảm ơn mẹ, bà và cụ tôi bởi nó là hành trang hữu ích cho tôi ra đời gặp và đối phó với những người đàn ông như anh. Và tất nhiên chỉ dừng ở sự đối phó mà thôi, chứ chẳng phải là để “ướm vừa” với anh hay một chàng trai hoặc một gia đình có suy nghĩ tương tự như anh.
Một người phụ nữ thông minh và có giáo dục, chắc chắn sẽ không chọn anh làm chồng. Bởi người phụ nữ thông minh, họ sẽ biết cách để có được những thứ họ muốn bằng chính khả năng của họ chứ không phải “moi” từ người đàn ông của mình rồi “chuyển quyền sở hữu” sang thành của mình. Còn anh, anh thiếu bản lĩnh và thiếu tự tin đến nỗi sợ người đàn bà của mình vượt mặt nên chỉ có thể chấp nhận những người đàn bà “trong bếp”.
Người đàn bà khôn khéo và hiểu biết không bao giờ để người đàn ông của mình bị mất mặt trước ai đó. Họ cũng sẽ chỉ sánh bước cùng người đàn ông không bao giờ để họ bị mất mặt trước mọi người. Còn anh, tôi thiết nghĩ chưa chắc anh đã làm được điều đó, bởi quá thiếu chiều sâu.
Từ xưa tới nay, tôi mới chỉ nghe người ta nói rằng đàn bà đành hanh, chứ chưa thấy ai nói đàn ông đành hanh bao giờ. Hay bởi tầm hiểu biết của tôi còn quá đỗi nông cạn? Nhưng tôi thấy rõ ràng rành anh đành hanh ra mặt.
Anh viết những câu chữ mà đọc xong người ta nhìn thấy rõ cái thái độ khinh khỉnh, mỉa mai, châm biếm của anh với người con gái có bài viết trước. Đàn ông thì không ăn thua với đàn bà. Còn nếu đã đôi co, chấp nhặt với đàn bà từng câu, từng chữ thì xem ra người ấy chỉ mang nổi chữ “đàn” mà không kham nổi chữ “ông” anh ơi.
Cuối bài viết của anh có câu nói về việc con người ta sống trên đời phải biết mình biết ta. Nhưng xem ra anh là người mới chỉ nghe đến nó mà chẳng rút ra được bài học nào từ câu nói đó cả.
Đàn ông làm kinh doanh và thành đạt không ai khinh suất như anh. Trên thương trường, con người ta luôn phải ý thức được rằng, cuộc đời giống như bàn tay, nay úp mai lật là chuyện bình thường. Thế nên có thể hôm nay anh giàu nhưng ai có thể đảm bảo rằng ngày mai anh không trắng tay?
Tôi và rất nhiều người đọc bài viết của anh đều không biết anh là ai, gia đình anh giàu có đến mức độ nào và anh thì giỏi giang tới đâu, hay tất cả chỉ dừng lại ở những câu chữ mà anh đã viết?
Nếu đúng là anh và gia đình anh “hoàn hảo” như trong lời kể của anh thật thì anh có quyền được đòi hỏi một cô vợ như trong “tưởng tượng” của anh. Nhưng xin lỗi, anh giàu thế chứ giàu nữa cũng không có quyền xúc phạm người nghèo.
Người nghèo cũng có dăm ba bảy loại người nghèo. Có những người họ nghèo nhưng họ không hèn, song lại có những kẻ rất giàu nhưng lại vô cùng mạt hạng.
Anh nói anh nhất quyết không lấy vợ có xuất thân bần cùng nhưng thưa anh người con gái có xuất thân bần cùng chưa chắc đã gật đầu đồng ý làm vợ anh. Vì họ cũng có lòng tự trọng – cái mà người giàu chưa chắc đã bằng người nghèo!
Mấy hôm gần đây, báo chí nói rất nhiều về đám cưới của một diễn viên nổi tiếng. Họ cũng nói về mẹ chồng cô ấy, qua đó tôi biết được rằng bà là người đã từng sống trong một gia đình vô cùng khó khăn. Nhưng bây giờ bà là một doanh nhân thành đạt, sở hữu và quản lý chuỗi công ty có doanh thu lên tới 500 triệu USD.
Bà là một người đẹp, giỏi giang, thông minh, khôn khéo và chuẩn mực. Nhưng bà cũng là người đã từ bỏ sự nổi tiếng và những thứ phù phiếm khác để lùi về hậu phương chăm lo cho gia đình. Ai bảo đàn bà kiếm tiền giỏi thì sẽ không chăm lo được cho chồng cho con, không hy sinh được cho gia đình?
Tôi thấy bà là người có những tư chất gần giống với người phụ nữ chuẩn mực của anh đấy. Tôi và cả xã hội này nể phục, kính trọng bà ấy. Tiếc thay, nếu một cô gái nào đó có tư chất như bà ấy thì người ta cũng sẽ chẳng bước chung với anh trên một con đường. Bởi anh không có được phong thái như chồng bà ấy – sự phúc hậu, lòng vị tha, điềm đạm và đĩnh đạc.
Tôi viết bài gửi anh không phải vì dị ứng với những thứ anh kể về bản thân hay gia đình anh. Tôi không hề quan tâm tới những thứ đó. Tôi viết chỉ vì tôi thấy thái độ được thể hiện trong bài viết của anh với đại bộ phận phụ nữ chúng tôi đang bị anh hạ thấp, khinh rẻ và sai lầm.
Đọc bài viết của anh, thấy anh đánh giá và chấm điểm bạn gái, tôi chỉ hy vọng anh sẽ gặp được một người “xứng đáng” với anh và đến với anh chỉ vì con người chứ không phải vì cái mác giàu có, tầng lớp trung lưu hay thượng lưu của anh.
Anh cũng đừng vì những thứ “bong bóng” đó mà tự huyễn hoặc bản thân mình, như thế buồn cười lắm. Vừa không giống đàn ông lại vừa nông cạn. Chúc anh sẽ tìm gặp được một người phụ nữ như ý.
Theo VNE
Xuân này con không về
Có không ít chuyện buồn khi đồng lương eo hẹp chi phối quá lớn đến chuyện sum họp ngày tết.
Tết năm nay được nghỉ khá dài ngày, nhiều nhà vui mừng vì được đoàn tụ gia đình ở quê, được du lịch đó đây. Nhưng, có những cảnh nhà dư thời gian mà lại thiếu tiền, hoặc quê chồng tận Hà Đông còn quê vợ giữa khúc ruột Huế thương, phải về nơi nào để đôi bên toại nguyện?
Chịu khổ vẫn không mua được vé
"Năm ngoái, trầy trật mãi chúng tôi mới tìm được hai chiếc vé ghế xếp để về quê chồng tận Hà Đông. Đồ đạc, người ngợm xếp nhau ngồi dưới sàn, ra đến Huế tôi mới có được ghế để ngồi. Chuyến về quê đó ám ảnh tôi cả năm nên lần này tôi quyết đón mua vé thật sớm" - đang xếp hàng tại quầy vé xe khách Hà Nội, chị Minh Lan chia sẻ. Nhưng mới đầu tháng 12, hãng xe chị mua chưa bán vé tết, mất nửa tiếng xếp hàng chỉ để nghe câu từ chối, chị Minh bực bội bỏ về.
Xe đò vẫn là ưu tiên số một cho những gia đình có thu nhập bình dân. Mặc dù giờ đây thay vì chen chúc xếp hàng, khách có thể đặt vé xe qua điện thoại, rồi hẹn ngày giờ lấy vé, nhưng nỗi lo thiếu vé, không có vé về vẫn không giảm chút nào. Chị Thanh Hiếu 38 tuổi, chia sẻ: "Mấy tuần gần đây, tuần nào tôi cũng ghé hỏi mua vé tết về Quảng Ngãi, nhưng các quầy đều dán thông báo "Chưa bán vé tết". Đợi đến khi họ mở bán thì chắc không tới lượt mình. Tôi mừng như bắt được vàng khi một quầy nói có bán vé Quảng Ngãi nhưng phải trả gấp ba vì đây là tuyến ra... Hà Nội".
Chi phí ngất ngưởng, lương thưởng bèo bọt
Chuyện tàu xe chỉ là yếu tố nhỏ làm cho những chuyến về quê ngày một xa (Ảnh minh họa)
Chuyện tàu xe chỉ là yếu tố nhỏ làm cho những chuyến về quê ngày một xa. Lương thưởng cuối năm bèo bọt, kinh tế eo hẹp là nỗi lo chính cho cả nhà, đặc biệt với những cặp vợ chồng là trụ cột của cả dòng họ. Sau nhiều đêm trăn trở, chị Như Ý, nhân viên ngân hàng, nhà ở Thủ Đức vẫn không tính được bài toán thu chi cho chuyến về quê chồng cuối năm nay. "Nhà tôi ở Bến Tre, còn nhà chồng tận Nghệ An. Năm ngoái cả hai về quê vợ nên năm nay phải là quê chồng. Chồng tôi là con một nhưng thuộc trưởng chi, trưởng tộc. Vì lần đầu tiên về ra mắt dâu họ nên tôi phải chuẩn bị quà cho từng gia đình. Mỗi gói quà ít nhất cũng 200.000 đồng, chưa kể phong bao lì xì cho chục đứa nhỏ. Rồi tiền tàu xe đi lại, hai cái vé máy bay khứ hồi ít nhất cũng tốn chục triệu đồng. Mới nghe năm nay ngân hàng làm ăn thua lỗ, lại sắp sáp nhập với ngân hàng khác nên đến giờ vẫn chưa biết lương thưởng cuối năm thế nào. Nếu không có thưởng thì không biết lấy đâu tiền về quê. Tôi bàn với chồng thôi để sang năm ăn tết lớn, nhưng chưa hết câu thì đã bị trách: "Em tiếng làm dâu mà chưa về nhà chồng thử một ngày!"
Cũng không ít chuyện buồn khi đồng lương eo hẹp chi phối quá lớn đến chuyện sum họp ngày tết. Anh Hoàng Long (quận 3) thổ lộ: "Đã năm cái tết vợ chồng tôi không được gần nhau. Lúc vợ tôi về Cà Mau (quê vợ) để tôi lại Sài Gòn, lúc tôi chắt chiu mua vé bay về Bắc thăm mẹ già để vợ ở lại với con nhỏ. Coi như thoả thuận đó giúp ông bà hai bên vui lòng, nhưng tết nhất mà chồng một nơi, vợ một ngả ai chẳng buồn".
"Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm"
Với những trường hợp khá giả như Kim Chi - hàng xóm nhà bên cạnh, thì không có khái niệm tết phải về thăm quê: "Cả năm vùi mặt ở văn phòng, cuối năm phải là dịp để hưởng thụ, thư giãn chứ? Về quê thì lúc nào cũng nấu nướng, cúng kiếng, dọn dẹp, xong là hết tết. Nếu lấy tiếng thăm bố mẹ mà về tết thì thời gian nghỉ phép trong năm thăm ông bà cũng được vậy". Nhưng theo ý anh Thành - chồng của Chi, "Tết là phải về nhà, thăm ông bà, dòng họ, chuyện chơi bời để ra tết hãy tính".
Bà cụ ở căn hộ nhà đối diện, tết rồi mỗi mình bà ra vào khoá cửa. Hỏi con cháu đâu cả rồi, bà bỏm bẻm nhai trầu, cố gắng nói thật vui vẻ: "Cả năm chúng nó vất vả, cuối năm mình ở nhà giữ cửa cho chúng thoải mái dắt con cháu đi chơi. Mình già rồi, đi xa đâu được. Ở nhà thắp hương, trò chuyện với ông bà cũng ấm lòng rồi". Nếu con cháu bà cụ nghe được điều này, hẳn họ sẽ chạnh lòng suy nghĩ lại.
Theo VNE
Cô gái 13 tuổi sinh con của "yêu râu xanh" Cô gái bị người đàn ông 61 tuổi cưỡng hiếp vừa sinh ba đứa trẻ tại thủ đô Dominica. Cô gái 13 tuổi vừa trải qua một ca đẻ sinh ba tại thủ đô Santo Domingo, Cộng hòa Dominica. Được biết, cha của ca sinh ba này là một người đàn ông 61 tuổi. Sau khi thực hiện hành vi cưỡng bức trẻ...