Dân nghèo, cán bộ cần biết xấu hổ!
“Để dân mình đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi. Trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay”. Đó là tuyên bố của ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, Quảng Ngãi.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đọc lời “cam kết” này, vừa cảm phục vừa thấy xót xa.
Cảm phục vì tuy mới chỉ là lời nói nhưng nó đã thể hiện trách nhiệm và lòng tự trọng của một vị lãnh đạo cao nhất ở một địa phương.
Câu nói “Để dân mình đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi”, theo ngôn ngữ dân gian hiện nay là “chuẩn không cần chỉnh”.
Làm cán bộ mà để dân đói phải biết xấu hổ. Làm thủ trưởng mà để quân nghèo phải biết xấu hổ. Làm chủ tịch xã mà để dân đói phải biết xấu hổ. Làm bí thư huyện mà để dân đói phải biết xấu hổ…
Và không chỉ là xấu hổ, đó còn là lỗi nên ông Nho cam kết “Trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay”.
Video đang HOT
Có thể có ai đó nghi ngờ về tính hiện thực của câu nói này nhưng riêng mình thì mình tin. Tin ở cái chất thẳng thắn, bộc trực của người miền Trung, đã nói là làm, nói từ chức là từ chức, “lời nói đọi máu”. Cảm phục vì tinh thần trách nhiệm, dám “đặt cược” cái ghế của mình vào “một người dân không có gạo”…
Nhưng sau niềm tin và cảm phục là một nỗi xót xa.
Xót xa bởi lời “cam kết” của ông Chủ tịch Ba Tơ chỉ là tiếng nói đơn lẻ. Có bao nhiêu vị có chức vụ ở đất nước này dám “từ chức” khi để xảy ra đói nghèo? Xót xa bởi “từ chức” xưa nay vốn là xa xỉ ở Việt Nam ta.
Xót xa còn bởi nội hàm của lời cam kết không để một người dân nào không có gạo chỉ gói gọn trong 03 ngày tết.
Người xưa có câu “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”. Ngày giỗ cha có thể phải nhịn đói để đãi khách nhưng giàu nghèo gì thì 3 ngày tết cũng phải được ăn no.
Chao ôi! Cái câu thành ngữ từng ám ảnh đất nước này từ ngàn năm trước chẳng lẽ giờ đây vẫn còn như một bóng mờ chưa tan hẳn!?
Cái giấc mơ ngàn đời trong cổ tích củ khoai to bằng cột nhà, quả bí ngô to bằng cái thúng còn ám ảnh dân tộc đến bao giờ?
Đến bao giờ mỗi dịp tết đến, xuân về với mọi căn nhà để không còn phải nghe những lời “cam kết” xót xa này?
Cần lắm những lời cam kết để dân đói nghèo thấy xấu hổ và xin từ chức!
Theo Dân trí
"Chỉ một người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay"
"Để dân mình đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi. Trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay" - ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ (Quảng Ngãi), cam đoan.
Trong ngày 14/11 vừa qua, khu vực miền núi Ba Tơ có mưa lớn nhất lịch sử, lượng mưa đo được khoảng 900mm, gây lũ quét nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà. Lũ đi qua, huyện miền núi Ba Tơ (địa phương thuộc diện 30a) bị thiệt hại trầm trọng với hơn 520ha đất ruộng và hoa màu bị sa bồi, trong đó 243ha đồng ruộng khó khắc phục. Tổng thiệt hại của huyện Ba Tơ khoảng 220 tỷ đồng.
Người H're cặm cụi đào lớp đất sa bồi dày gần cả mét phủ trên đồng ruộng
Thời điểm này, về vùng rốn lũ ở xã Ba Vì, hàng trăm héc-ta đồng ruộng vẫn đang bao phủ bởi một lớp đất đá dày hơn 0,5m. Với cách khôi phục thủ công, chắc chắn đến Tết nguyên đán 2014, người dân H're cũng chưa thể gieo sạ lúa.
Nhìn cảnh tan hoang như vùng đầm lầy, ông Nguyễn Nhất Duy - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì - lắc đầu nói: "Nếu không có phương tiện cơ giới hỗ trợ, có lẽ người dân vùng cao này đành bỏ cấy cày thôi. Họ dùng cuốc xẻng thì không biết đến khi nào mới xong, trong khi còn 2 tháng nữa là đến Tết rồi. Sau lũ có 1 hộ đã bỏ ra 20 triệu đồng thuê xe cơ giới cào lớp đất đá lấp đồng ruộng. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện đâu".
Đá lấp kín ruộng đồng, người dân lo không có gạo ăn
Toàn xã Ba Vì có gần 1.200 hộ (gần 4.800 khẩu) là dân tộc H're, trong đó có 391 hộ nghèo. Lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 443 hộ dân về hoa màu. Nhắc đến chuyện đón Tết, hàng trăm hộ dân ở Ba Vì chỉ cầu mong có gạo ăn là tốt rồi.
Phóng viên đưa câu chuyện ở xã Ba Vì tâm sự với lãnh đạo huyện Ba Tơ, ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ - chia sẻ: "Lũ đã cuốn đi hết tất cả, chờ đến khi người dân tự sản xuất có lương thực phải mất thời gian dài, đó là chưa kể đến chuyện đồng ruộng chưa thể khắc phục. Mặc dù có nhiều khó khăn trước mắt, huyện nỗ lực hết sức không để bất kỳ người dân nào thiếu gạo ăn và thiếu nước uống".
Tiếp lời vị Chủ tịch, ông Phạm Viết Nho - Bí thư Huyện ủy - bày tỏ: "Nếu để dân mình bị đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi với dân. Với tư cách và danh dự của ông Bí thư của huyện Ba Tơ, trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay". Lời hứa này được ông Nho nhắc lại nhiều lần và mong báo chí nêu thẳng thắn để người dân giám sát.
Ngoài kế hoạch chăm lo đời sống cho người dân, huyện Ba Tơ đang đề xuất tỉnh hỗ trợ lực lượng thanh niên, kinh phí thuê phương tiện cơ giới và lúa giống giúp dân khắc phục đồng ruộng bị sa bồi, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân yên tâm đón Tết cổ truyền.
Hồng Long
Theo Dantri
"Đặt tên quận là Bắc và Nam Từ Liêm để tri ân cha, ông" Bí thư Huyện ủy Từ Liêm Lê Văn Thư cho rằng, tên Từ Liêm đã xuất hiện ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước. Do vậy, để tri ân các thế hệ cha, ông và những lớp người đi trước và cũng là để cái tên "Từ Liêm" không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ con,...