Dân Mỹ chờ đợi gì từ tranh luận giữa bà Clinton và ông Trump?
Giờ đây, mọi sự quan tâm đều đang hướng về 2 ứng cử viên Hillary Cliton, Donald Trump cùng chủ xị Lester Holt trước cuộc tranh luận đầu tiên.
Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, giờ đây, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang nóng lên hơn lúc nào hết với cuộc tranh luận- “so găng” đầu tiên giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Hillary Clinton (trái). (ảnh: CNN).
Tối 26/9 (tức sáng 27/9 theo giờ Việt Nam) tại trường Đại học Hofstra ở thành phố New York, cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton và tỷ phú Trump sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Cuộc tranh luận được dự báo sẽ thu hút con số kỷ lục khoảng 100 triệu người theo dõi trực tiếp qua các kênh truyền hình.
Cho dù đây chỉ là cuộc tranh luận mở màn, và vẫn còn 2 cuộc tranh luận tiếp theo giữa 2 ứng cử viên vào ngày 9/10 và 19/10 nhưng các chuyên gia dự đoán đây sẽ là cuộc tranh luận “cực kỳ quan trọng”, thậm chí có tính chất “định hình cho cuộc chạy đua” vào Nhà Trắng trong thời gian tới.
Vậy người dân Mỹ trông chờ điều gì ở cuộc tranh luận đầu tiên này?
Ông Trump sẽ giữ phong cách “bạo miệng”?
Ông Donald Trump từ trước vẫn nổi tiếng và được giới truyền thông khai thác triệt để các phát ngôn “gây sốc” của mình. Thế nhưng, trong cuộc “so găng” trực tiếp đầu tiên với ứng cử viên Hillary Clinton, có thể ông Trump sẽ thay đổi phong cách.
Ông Donald Trump. (ảnh: AFP).
Người dân Mỹ có lẽ sẽ mong chờ nhà lãnh đạo tương lai của họ là một người nghiêm túc hơn, có khả năng thực hiện được những lời đã hứa, chứ không phải là một chính trị gia thích phát ngôn “gây sốc” để thu hút sự chú ý của dư luận.
Phát ngôn viên của bà Clinton – đối thủ của ông Trump, Jennifer Palmieri nói với báo giới vào tuần trước rằng: “Chúng tôi đang chuẩn bị tinh thần cho một hình ảnh khác của ông Trump. Ông ấy có thể quyết liệt hoặc là cũng có thể sẽ án binh bất động, và sẽ rất khó để đưa ra kết luận cuối cùng”.
Với chiêu bài “phát ngôn gây sốc”, ông Trump đã khiến cho dư luận nhiều phen “ngỡ ngàng” trước những gì mà ông tuyên bố, từ việc ông cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama không được sinh ra ở Mỹ cho đến việc ông ca ngợi Tổng thống Nga Putin là nhà lãnh đạo tài năng, thậm chí còn giỏi giang hơn cả Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Những điều mà ông Trump nói không phải không có ý nghĩa. Các chuyên gia bình luận, trong khi bà Clinton chiếm ưu thế với kinh nghiệm đầy mình, thì ông Trump gây chú ý với những ý tưởng mới mang tính đột phá.
Video đang HOT
Các chuyên gia cho rằng, nếu bà Clinton được đánh giá cao trong các chính sách về đối ngoại, nhập cư và an sinh xã hội thì ông Trump cũng có thế mạnh riêng đối với các vấn đề kinh tế và chống khủng bố.
Thế nhưng, “phát ngôn gây sốc” cũng sẽ như một con dao 2 lưỡi, một mặt giúp ông Trump thu hút dư luận, mặt khác cũng khiến ông bị chỉ trích dữ dội.
Vậy nên, để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới, ông Trump cần tập trung hơn vào những vấn đề thực sự nghiêm túc. Ông có thể sẽ khiến cho người dân Mỹ ngỡ ngàng thêm một lần nữa, vì sự lột xác của mình, trở thành một quý ông “chỉn chu” và “cẩn trọng”, để gây dựng niềm tin trong lòng công chúng về một vị lãnh đạo không chỉ “bạo miệng” mà hành động cũng “quyết liệt” và thực tế không kém.
Có một chi tiết đáng lưu ý trước cuộc “so găng” đầu tiên là Giáo sư Allan Lichtman, một giáo sư lịch sử hàng đầu tại Đại học Mỹ, đã đặt niềm tin rằng ông Donald Trump sẽ chiến thắng.
Giáo sư Allan Lichtman nói với tờ Washington Post rằng, ông dựa vào nguyên lý “13 chiếc chìa khóa”, vốn được ông gọi là “hệ thống dự đoán dựa trên lịch sử” để suy luận rằng ông Donald Trump sẽ thắng trong cuộc tranh cử năm nay. Điều đặc biệt là ông Allan chưa từng dự đoán sai từ năm 1984 cho đến nay, tức là ông đã dự đoán chính xác kết quả 8 kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ.
Bà Clinton – “Hãy là chính mình”
NBC News cho biết, để chuẩn bị cho cuộc đối đầu tối 26/9 (tức sáng 27/9 theo giờ Việt Nam), bà Clinton đã luyện tập tranh luận hàng giờ liền với trợ lý ruột Philippe Reines trong vai Trump.
Trong khi đó, đại diện cho đội ngũ tranh cử của ông Trump cho biết, họ cũng đã chuẩn bị kĩ càng cho lần tranh luận này, nhưng không có sự luyện tập trước giống như bà Clinton.
Bà Hillary Clinton. (ảnh: AFP).
Kinh nghiệm dày dạn, chuẩn bị cẩn thận cũng chưa chắc có thể mang lại cho bà Clinton chiến thắng, các chuyên gia cho biết.
Vào tuần trước, trả lời đài ABC, Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama đã cho biết, lời khuyên của ông dành cho bà Clinton trước cuộc tranh luận vào tối 26/9 rằng: “Hãy là chính mình và nói rõ điều gì là động lực của bà”.
“Tôi cho rằng lý do mà chúng ta chưa từng có một nữ Tổng thống trước đây là bởi vì phụ nữ vấp phải nhiều rào cản (khi ra tranh cử Tổng thống). Có sự hồ nghi và mỉa mai đối với bà Clinton nhưng những điều này không đúng với con người bà ấy mà tôi biết”, ông Obama nhấn mạnh.
Từ khi bắt đầu cuộc vận động tranh cử cho đến nay, bà Clinton đã phải hứng chịu không ít những lời chỉ trích và lời đồn thổi, những người phản đối bà đã gọi bà là “kẻ nói dối”.
Ông Donald Trump – ứng cử viên chính thức đảng Cộng hòa – từng bóng gió đến số tiền 42 triệu USD trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Ông Trump cho rằng, khoản tiền khổng lồ này là do bà có được từ việc hứa hẹn với các nhóm lợi ích tại Phố Wall.
Ông Trump cũng công kích cả quỹ từ thiện của gia đình đối thủ. Ông Trump nói, chính bà Clinton đã lợi dụng những ưu thế khi còn đang đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng Mỹ để gây quỹ cho Quỹ Clinton.
Ông Trump từng gọi bà Hillary Clinton là người tham nhũng nhất từng tranh cử Tổng thống và là “kẻ nói dối đẳng cấp thế giới”.
Ngay cả việc bà Clinton cố tình giấu đi bệnh tật trong chiến dịch tranh cử vừa qua cũng đã trở thành đề tài bàn tán trong một thời gian dài.
Bởi thế, chiến thuật đơn giản mà hiệu quả nhất đối với bà Clinton lúc này là “hãy là chính mình” như những gì ông Obama đã dặn dò.
Chỉ có là chính mình, bà Clinton mới có thể chứng tỏ cho người dân Mỹ thấy bà có khả năng thực sự đến đâu trong việc đưa ra các cam kết và thực hiện được những cam kết của mình.
Hơn thế nữa, bà Clinton vốn vẫn bị giới truyền thông cho rằng những chính sách của bà là “cây gậy nối dài” những gì ông Obama đang tiến hành dang dở. Bởi thế, có lẽ bà Clinton cần có bản sắc rõ ràng hơn, một nét cá tính của riêng bà, chứ không phải là một “chiếc bóng” của người khác.
Người dân Mỹ không chỉ trông chờ một nhà lãnh đạo tài năng, có trách nhiệm, mà họ còn mong muốn nhà lãnh đạo có thể mang lại những đột phá mới sau nhiều năm liền đất nước này chìm trong khủng hoảng kinh tế và đối mặt với những bất ổn về khủng bố.
Mọi con mắt đổ dồn về Lester Holt
Không một ai phải chịu áp lực vào đêm 26/9 hơn bà Clinton và ông Trump, ngoại trừ Lester Holt – người điều phối cuộc tranh luận đầu tiên này.
Nhà báo 57 tuổi này là một người dẫn chương trình kỳ cựu của đài NBC trong chương trình “Tin tức hàng đêm”.
Nhà báo Lester Holt, người điều phối cuộc tranh luận đầu tiên. (ảnh: Getty).
Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ kéo dài 90 phút, với quyền lựa chọn chủ đề của nhà báo Holt. Ông đã chọn ra 3 chủ đề chính cho phiên tranh luận tối 26/9 bao gồm: “Việc điều hành nước Mỹ”, “An ninh của nước Mỹ” và “Làm sao đạt phồn vinh”.
“Cuộc so găng” đêm 26/9 cũng là mốc đánh dấu lần đầu tiên Holt được “cầm chịch” trong một phiên tranh luận của bầu cử Tổng thống Mỹ – một nhiệm vụ vừa thú vị vừa áp lực khi Holt sẽ dẫn dắt trước hàng chục triệu con mắt theo dõi của cử tri Mỹ.
Buổi tranh luận dự kiến sẽ rất nảy lửa. Điều thú vị là trong phiên tranh luận ngày 26/9, cả Ủy ban tranh luận lẫn 2 ứng cử viên của 2 chính đảng là bà Hillary Clinton (đại diện cho đảng Dân chủ) lẫn ông Donald Trump (đại diện cho đảng Cộng hòa) đều không được phép biết trước nhà báo Holt sẽ đặt câu hỏi gì ngoài những chủ đề đã được báo trước.
Người dân Mỹ, tất nhiên, sẽ trông chờ ở nhà báo kỳ cựu Lester Holt khả năng đưa ra được những câu hỏi sắc bén dành cho cả 2 ứng cử viên.
Nhà báo Holt sẽ phải thể hiện rằng mình không chỉ là người đại diện cho tiếng nói của nhân dân Mỹ gửi đến 2 ứng cử viên, mà còn sẽ là một “chủ xị” công tâm nhất có thể.
Theo VOV
Phó Tổng thống Biden do dự việc tranh cử tổng thống năm 2016
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông không chắc sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 dù gia đình rất muốn ông tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.
Phó Tổng thống Joe Biden chưa chắc sẽ tham gia tranh cử tổng thống năm 2016 - Ảnh: Reuters
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4.9 cho biết ông đang cố gắng xem xét bản thân và gia đình có đủ năng lực và tình cảm để đeo đuổi cuộc tranh cử tổng thống Mỹ hay không. Phó tổng thống Mỹ nói rằng ngoài vấn đề tài chính, còn nhiều yếu tố khác khiến ông chưa thể quyết định việc trở thành ứng viên.
"Tôi không thể nhìn thẳng vào mắt anh và nói rằng tôi có thể làm điều đó", Phó Tổng thống Biden nói trong buổi tiếp xúc với công chúng đầu tiên của ông về kế hoạch tranh cử, theo Reuters.
Ông Biden, 72 tuổi, đã trải qua thời kỳ đau buồn sau cái chết của người con trai hồi cuối tháng 5.2015 vì bệnh ung thư. Người con trai từng khuyên ông tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới.
Ông Biden cho biết đã tham vấn các chuyên gia và cả đảng Dân chủ nhiều tuần nay để quyết định xem ông có nên đối mặt với bà Hillary Cliton, ứng cử viên đảng Dân chủ đang được đánh giá cao, để trở thành người đại diện cho đảng này tham gia tranh cử.
AP cho rằng trong khi bà Hillary được ủng hộ thì ít người nghĩ rằng ông Biden nên tham gia. Tuy nhiên, khi cựu Ngoại trưởng Mỹ đang đối mặt với những chỉ trích về việc sử dụng email cá nhân xử lý công việc khi còn là ngoại trưởng thì Phó tổng thống Biden nên tham gia để có thể trở thành người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama.
Đảng Dân chủ đề nghị ông Biden đưa ra quyết định của mình vào cuối tháng 9.2015 để chuẩn bị cho cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử được tổ chức vào tháng 10.2015.
Minh Quang
Theo Thanhnien