Dân mừng vì người nhậu ‘hết đường quậy’
Sống chung với mùi nước tiểu, bãi nôn của dân nhậu trước cửa, nửa tháng nay cuộc sống của gia đình bà Bắc (Tạ Hiện, Hà Nội) được giải thoát.
“Nghị định 100 là ân nhân cứu vớt cuộc sống bị đày đọa của gia đình tôi”, bà Bắc, một cán bộ công an về hưu nhà ở phố bia Tạ Hiện ( Hoàn Kiếm, Hà Nội), nói. Bị bao vây bởi các quán nhậu nên tuần nào nhà bà cũng vài lần chịu cảnh xú uế người say rượu nhả ra trước cửa nhà. “Không thể nói lý với người say, tôi chỉ còn cách đành âm thầm dọn”, bà Bắc nói.
Chưa hết, mùi đồ ăn, tiếng ồn, tiếng chửi tục, xe máy, bàn ghế lấn chiếm lối đi… ở phố bia nổi tiếng nhất Hà thành cũng khiến nhiều nhà dân như bà ngộp thở. “Mỗi lần ở đầu phố có loa, đài quảng cáo bia, rượu là tôi phải đưa mẹ chồng 90 tuổi đến nhà bạn ở phố Minh Khai sơ tán. Cửa kính các phòng cũng rạn nứt vì tiếng ồn quá lớn”, bà Bắc bức xúc.
Hai tuần nay, phố Tạ Hiện đã giảm nhiệt đáng kể, lối đi của nhà bà cũng không bị xe máy, bàn ghế chiếm dụng như trước, nhưng bà Bắc vẫn mong “có luật dẹp được mấy quán nhậu vỉa hè nữa thì tốt”.
Cách đó hơn 100 mét, là căn hộ vát nằm lọt thỏm trên phố Mã Mây của gia đình anh Nguyễn Lân, 46 tuổi. “Nhà góc khuất nên khách uống bia hay chui vào đi tiểu tiện. Có đêm họ say, lao cái rầm vào cửa nhà mình”, anh Lân nói.
Từ 1/1 đến nay, cuộc sống về đêm của gia đình Lân êm đềm hẳn. “Sáng ra mở cửa, không khí vào nhà cũng trong lành hơn. Nếu cứ duy trì được thế này thì tốt quá”, anh nói.
Các quán nhậu bày sẵn bàn ghế, lấn chiếm vỉa hè đón khách tại phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong chiều tối ngày 13/1. Ảnh: Phạm Nga.
Không biết nghị định 100 là gì, nhưng giấc ngủ của cháu nội 22 tháng tuổi sâu hơn là điều bà Bình, 60 tuổi, ở làng Cốm Vòng, Cầu Giấy cảm thấy rất rõ. “Mọi hôm, tôi vừa bê bát cơm lên thì nghe tiếng ‘dô, dô’ ở dưới, thằng cu lại tỉnh. Cứ phải ôm cháu trên tay cho nó đỡ giật mình”, người phụ nữ quê Thanh Hóa kể.
Bà Bình ra thủ đô trông cháu từ hơn một năm nay. Phía dưới căn chung cư dành cho người thu nhập thấp bà ở là quán thịt trâu. Buổi trưa, dân nhậu ra vào như đi hội. Buổi tối là tiếng karaoke “hát cho nhau nghe” dội vào căn hộ hơn 50 m2 khiến mọi người trong nhà cảm thấy tức ngực dù đã đóng kín các cửa.
Sự kiên quyết của các lực lượng thực thi pháp luật khiến tiếng “dô, dô” thưa hẳn và âm lượng không lớn như trước. Chương trình karaoke của quán nhậu cũng không dai dẳng, say sưa đến gần nửa đêm. “Cũng may là mấy hôm nay tĩnh hơn, nếu không đầu tôi cũng bạc trắng hết rồi. Cố hết năm nay, thằng cu lớn, bố mẹ nó cho đi trẻ là tôi về quê”, bà nói và nhìn sang đứa cháu nội đang ngủ say.
Một đêm cách đây hơn tháng, chị Hoàng Hiền, 30 tuổi, giáo viên tiểu học ở Hoàng Mai, Hà Nội được bố đẻ báo tin: “Chồng mày say, đang nằm ngoài đê đấy”. Dù rất bực nhưng Hiền vẫn phải gọi thêm cậu em trai đi cùng đón chồng. Hai người phải rất vất vả mới dìu được anh chồng về và trắng đêm thu dọn “chiến trường” nôn ói.
Đây không phải lần đầu tiên chị Hiền phải đi tìm chồng kiểu vậy. Mỗi tháng, khoảng vài lần anh say khướt, phải nhờ bạn đèo về, hoặc tự đi rồi nằm vật đâu đó. Có người gọi vào máy báo tin, chị Hiền lại tất tả đi tìm.
Khi nghị định 100 ra đời, anh chồng chủ động tuyên bố bỏ thói quen say sưa ở ngoài vì lý do khi say sẽ bị taxi hoặc xe ôm “chặt chém”, đồng thời “là công chức mà bị phạt vì rượu bia thì mất mặt”. Gần nửa tháng này, chồng chị không có hơi men. Tình cảm gia đình ấm hẳn lên. “Phạt thế vẫn còn ít, phải tăng nữa thì các gia đình mới yên ổn được”, chị Hiền nói.
Video đang HOT
Tài xế Nguyễn Đình Sơn (45 tuổi, phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị tạm giữ ôtô và xử phạt 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng do vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Đắc Thành.
Ở TP HCM, ông Nguyễn Văn Thanh, hẻm 514, đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp đã hình thành thói quen rủ bạn bè trong hẻm ra ngồi đàm đạo – điều hơn chục ngày trước hiếm xảy ra.
Trước đây, cứ vài ngày, một nhà hàng xóm lại rủ bạn bè đến nhậu nhẹt và hát karaoke ầm ĩ. Chiếc loa kéo luôn vặn hết công suất, “tra tấn” hàng xóm từ chiều tới nửa đêm. “Khi đã say, những bài hát của họ trở nên kinh khủng hơn”, ông Thanh rùng mình nhớ lại.
Theo nhiều người dân ở khu vực đường Hoàng Diệu 2, con đường tập trung nhiều quán ăn, quán nhậu của quận Thủ Đức, những quán đắt khách, thường thứ 7, chủ nhật phải đặt thêm bàn ghế ngồi lấn hết vỉa hè. Lượng xe máy vào quán quá tải nên ùn lại một góc đường.
Từ đầu năm, lượng khách nhậu giảm hơn 60%. Ông Trần Văn Châm nhà trong hẻm 127, đường Hoàng Diệu 2, cảm thấy thoải mái mỗi lần ra vào hẻm, bởi không còn tình trạng kẹt xe như trước nữa.
“Nghị định hay như thế sao không ban hành sớm hơn?”, ông Châm nói.
Theo Phạm Nga – Trang Diệp (VNE)
Hà Nội trong vòng vây chất thải làng nghề
Cư dân làng nghề quanh thủ đô đều tự tin "khói bụi xưởng nhà tôi không bay được vào tận nội thành", nhưng cơ quan chức năng ở Hà Nội không công nhận như thế.
"Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận" được khẳng định nằm trong số 12 nguyên nhân gây tình trạng ô nhiễm không khí đến mức nguy hại kéo dài ở thủ đô.
Hồ Hoàn Kiếm, 20 km về hướng đông bắc.
Hơn chục năm nay, ông Mẫn Văn Tán giữ thói quen đóng kín cửa nhà, che rủ tấm bạt xanh lớn trước cửa. Có người vào, ông mới hé một bên cửa, rồi lại vội vàng đóng chặt. Ông kéo một nửa tấm bạt nylon phủ tràng kỷ ra ngồi tiếp khách, rồi quờ quạng trong tấm nylon phủ mặt bàn để tìm bộ ấm pha trà dưới gầm. Cách bảo quản tương tự được ông làm với giường chiếu, áo quần đến bàn ghế, tủ thờ, TV... Muốn sinh tồn cùng khói bụi ở Văn Môn, các hộ trong làng phải "quen mới sống được".
Xã Mẫn Xá, Yên Phong, Bắc Ninh có năm ngôi làng, hai trong số đó là làng nghề liên quan đến phế liệu. Ngày 3/1, "vựa đầu đạn" Quan Độ phát nổ giữa đêm, chôn vùi 5 căn nhà, 2 người chết. Cách đó chưa đầy một km, làng Văn Môn hôm nay ngày đêm bao phủ bởi màu đen khói bụi từ 400 ống khói xưởng tái chế kim loại thủ công.
Làng tái chế kim loại Văn Môn, Bắc Ninh chìm trong khí thải của hơn 400 ống khói. Ảnh: Du An.
Ông Tán vào nghề năm 1968, cả làng mới có 6 xưởng. Họ gom mua xác máy bay, vỏ bom đạn đúc lại thành xoong, nồi. Đến nay, hơn 400 hộ mở xưởng, chuyển hẳn sang đúc kim loại dạng thỏi từ phế liệu. Lợi nhuận cao, nguyên liệu rẻ và kỹ thuật đơn giản, không ai muốn chuyển nghề.
Năm 2011, kết quả khảo sát của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy, hàm lượng khí SO2, NO2 và bụi lơ lửng tại làng đều vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN) khoảng 4- 5 lần.
Nằm cách xưởng nhôm của ông Tán 22 km, những ngày đầu tháng 12, chỉ số không khí (AQI) ở xã Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) luôn trong ngưỡng xấu, một số thời điểm ở ngưỡng nguy hại. UBND huyện Đông Anh cho rằng nguyên nhân khiến không khí ở địa bàn ô nhiễm do ảnh hưởng của việc đốt phế liệu, tái chế nhôm tại xã Văn Môn. Lãnh đạo huyện Đông Anh nói đã nhiều lần gửi kiến nghị xử lý tới huyện Yên Phong và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh có 62 làng nghề và 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 864,89 ha. Ngay từ 2008, tỉnh đã góp 3 cái tên vào danh mục các làng nghề "gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là môi trường không khí" trong Báo cáo môi trường quốc gia của bộ Tài nguyên Môi trường. Đó là làng tái chế nhôm Văn Môn; làng đúc đồng Đại Bái và làng đúc đồng Quảng Bố. Cả ba làng nghề nằm trong khu dân cư.
Mỗi xưởng tái chế nhôm ở Văn Môn tiêu thụ 4- 6 tạ than mỗi ngày. Ảnh: Du An.
Trưởng thôn Tán cho biết mỗi ngày xưởng ông đúc được già tấn nhôm, thải ra 10 bao xỉ tầm 3 tạ. Nhưng ông không biết có bao nhiêu khói bụi và những loại khí thải gì làng mình thải ra qua 400 cái ống khói cao khoảng 40 mét. Ông Tán tự tin, "nó không bay xa được đến tận Hà Nội đâu".
Bản thân Hà Nội cũng là vùng đất nhiều làng nghề. Theo Đề án bảo vệ môi trường làng nghề, tính đến cuối 2017, thành phố có tổng cộng 1.350 làng nghề, với khoảng 170 nghìn hộ sản xuất. Bốn trong tám loại hình sản xuất của các làng nghề Hà Nội nằm ở danh mục không được Bộ Tài nguyên Môi trường khuyến khích, do nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là: nhuộm, thuộc da, tái chế nhựa, tái chế kim loại và vật liệu xây dựng (vôi, gạch, ngói, đá xẻ).
Hồ Hoàn Kiếm, 20 km về hướng Nam.
Xã nông thôn mới Bình Minh, huyện Thanh Oai có gần 200 hộ theo nghề giết mổ gia súc gia cầm và thu mua xương động vật làm thức ăn chăn nuôi. Các cơ sở này nằm xen kẽ khu dân cư.
Để giải quyết các vấn đề môi trường, tháng 10/2012, Hà Nội duyệt dự án cơ sở giết mổ tập trung, quy mô 42 nghìn m2, trị giá 111 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2015. Cơ sở này chưa bao giờ đi vào hoạt động. Sau bốn năm bỏ hoang, nó trở thành bãi tập kết xương động vật.
Hàng chục tấn xương động vật bốc mùi trong bãi tập kết ở xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Tất Định
6h sáng mỗi ngày, ông Nguyễn Kim Mừng, 50 tuổi, xã Bình Minh rong xe máy vào nội thành gom xương trâu, bò, lợn của các quán ăn, nhà hàng. Từ Hà Đông, Cầu Giấy, đến các quận trung tâm Hà Nội, các nhà bếp đã quen với sự đúng giờ của ông Mừng suốt 12 năm nay, họ nhặt sẵn xương bỏ vào xô để ông chỉ việc mang đi. Ông bảo cái nghề "ruồi bâu" của mình đỡ cho Hà Nội được khối rác.
Những bao xương mang về, ông Mừng róc thịt, sụn bán cho trại nuôi cá. Phần xương sẽ có người thu mua làm thức ăn chăn nuôi. Xã Bình Minh có gần hai chục người buôn xương, mỗi người thu mua cả tấn mỗi ngày. Nửa tháng nay "Trung Quốc không sang mua", hàng chục tấn xương chất đống dưới mưa nắng bắt đầu mủn ra, nhung nhúc dòi bọ, bốc mùi tanh thối.
Ít nhất 16 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao bao quanh Hà Nội. Đồ hoạ: Tiến Thành.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến 2018, thành phố có 988 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 937 trong số này là nhỏ lẻ, thủ công. Các khí gây mùi hôi tanh từ làng nghề chế biến thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ phát sinh do quá trình phân huỷ chất hữu cơ trong nước thải và chế phẩm thừa, tạo nên các khí như SO2, NO2, H2S, NH3...
Từ bãi tập kết xương của xã Bình Minh, xuôi thêm 15 km theo quốc lộ 21B, làng Xà Cầu (Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa) là vựa tái chế nhựa lớn nhất Hà Nội với 170 hộ làm nghề. Trên đường làng, từ sáng sớm đến tối mịt, hàng trăm chuyến xe kéo cao chất ngất những bao tải nén chặt đủ loại chai nhựa, xô chậu hỏng, vỏ đồ điện tử... Ước tính mỗi ngày hơn 200 tấn nhựa đổ về đây để phân loại.
Nhựa tốt được nghiền thành hạt nhỏ để tái chế. Nhựa đen, nhãn mác chai nhựa, xốp, đệm mút là phế phẩm, được người dân lọc vứt thành từng đống lớn ven kênh, bờ ruộng. Nhiều đêm, khói đen mù mịt suốt mấy tiếng đồng hồ, người làng phải gọi cứu hỏa đến dập. Cánh đồng làng loang nổ vệt tro đen và xác nhựa.
Là một trong những hộ đầu tiên làm nghề thu gom nhựa ở Xà Cầu từ cách đây 7 năm, mỗi ngày xưởng của anh Nguyễn Trí Dũng (36 tuổi) sơ chế hai tấn nhựa, thải ra hai tạ phế phẩm. Mỗi tháng anh phải chi 3 triệu đồng thuê xe tải chở rác lên bãi chôn lấp của thành phố.
"Tiền thuê xe 1.000 đồng mỗi kg rác, các hộ nhỏ lẻ không còn lãi nên họ đổ trộm. Dọc đường 21B ra đến Ba La, Hà Đông, chỗ nào có phế phẩm nhựa đổ thành đống là của dân làng này. Người ta đốt mình cũng chấp nhận phải ngửi vì cả làng đều làm nghề", anh nói.
Những người trong nghề như ông Tán, ông Mừng hay anh Dũng đều nhận thức được sinh kế của làng mình gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường, nhưng phủ nhận tầm ảnh hưởng của nó tới bầu không khí nội đô. Họ cần "bằng chứng". Còn những người Đông Anh sống cạnh Văn Môn cảm thấy sống cạnh làng nghề là một hiểm họa không cần quan trắc. Danh sách của Hà Nội đưa ra, với họ, đã là "bằng chứng".
Với 20 năm nghiên cứu môi trường làng nghề, Phó Chủ tịch Hội báo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam, Giáo sư Đặng Thị Kim Chi nhận định về hai luồng ý kiến trái ngược này: ô nhiễm không khí ở các làng nghề lân cận, có ảnh hưởng tới Hà Nội, nhưng ở mức độ không đáng kể, không thể xếp vào nhóm nguyên nhân chính.
Theo bà, Hà Nội cần nghiên cứu đánh giá và quy đổi tỷ lệ đóng góp của từng nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm, không nên đưa ra một danh sách "mang tính dự báo hơn là giải thích".
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2020, toàn bộ các khu, cụm công nghiệp hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu tương tự cho các cụm công nghiệp và các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng với khí thải, tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất tự đầu tư hệ thống thu gom, xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành.
Tháng 1 năm 2016, Sở Xây dựng Bắc Ninh duyệt quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, quy mô 26,5 ha dự kiến hoàn thành năm 2020. Ông Tán nói sẽ chuyển xưởng tái chế nhôm gia đình vào cụm công nghiệp khi nó hoàn thành. Nhưng đứng trước yêu cầu tự đầu tư hệ thống xử lý khí thải đạt chuẩn, ông Tán chưa nghĩ ra cách gì ngoài việc đắp cao thêm ống khói.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong thời gian vừa qua chủ yếu do bụi mịn PM 2.5 gây ra. PM2.5 là những hạt bụi kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người), hình thành từ các chất như carbon, nitơ và hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Nồng độ PM2.5 tăng lên, không khí sẽ mờ đi như sương mù.
Các chất khác gây ô nhiễm không khí còn có CO, CO2 (chất gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu, sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu và khí thải phương tiện giao thông), SOx (được tạo ra từ quá trình đốt hóa thạch, sản xuất công nghiệp), NOx (chất thải trong quá trình đốt nhiệt độ cao)... Các chất trên đều rất độc hại với sức khoẻ người, nguy cơ gây ra các bệnh về hô hấp, phổi, phế quản...
Tất Định - Thanh Lam
Theo vnexpress.net
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Giới trẻ đang bị lệch lạc thần tượng, "có cha mẹ nào ớn lạnh trước thần tượng của con?" Là một người cha, còn là một người quan tâm đến sự phát triển của lũ trẻ, tôi thực sự ớn lạnh. Tôi không sợ con tôi bị ảnh hưởng bởi những thần tượng đó mà tôi sợ sự lệch lạc trong chuẩn mực thần tượng của lũ trẻ. Khi Khá Bảnh ra toà và lĩnh mức án trên 10 năm tù, thứ...