Dân mạng chia phe “hồng hoàng hay cao cát”, kiểm lâm sẽ làm “ra ngô ra khoai”
Lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh khẳng định cơ quan này sẽ tới tận nơi xác minh và làm “ra ngôi ra khoai” vụ việc.
Liên quan tới vụ ông B.N.Tuấn ở huyện Củ Chi, TP.HCM đăng tải lên Facebook hình ảnh cầm trên tay hai con chim đã vặt lông, dân mạng đang chia phe tranh cãi gay gắt liệu đó là chim hồng hoàng hay cao cát. Theo đó, dù là hồng hoàng hay cao cát thì dân mạng cũng đều lên án hành động của ông Tuấn, song nếu đúng là hồng hoàng thì dân mạng yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý thật thích đáng người có hành động như vậy.
Việc mua bán chim hồng hoàng trái pháp luật dù chỉ 01 con cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cụ thể, trong khi hồng hoàng (hay còn gọi là phượng hoàng đất) nằm trong phụ lục I – Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); thì cao cát nằm trong phụ lục II của Công ước CITES. Việc mua bán chim hồng hoàng trái pháp luật dù chỉ 01 con cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi với chim cao cát thì quy định ít khắt khe hơn. Cả hai đều thuộc họ hồng hoàng.
Mặc dù lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh và Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước đều nhận định con chim trong ảnh là cao cát, nhưng dân mạng và nhiều chuyên gia khác lại khẳng định đó là chim hồng hoàng có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện, cuộc tranh cãi của dân mạng vẫn đang chia làm hai phe và diễn ra rất gay gắt.
Chẳng hạn, tài khoản Facebook Hồ Hữu Hoành dẫn thông tin từ báo chí và viết lời bình: “Con trong ảnh là cao cát, cũng thuộc họ hồng hoàng. Cũng may cho anh trai kia, nếu đúng hồng hoàng thì đã mệt rồi. Mà chim đẹp vậy lại không nuôi, toàn thưởng thức bằng mồm…”
Trong khi đó, Facebooker Thanh Mai phản bác: “Con này là cao cát mà anh. Hồng hoàng nó nặng và to gấp 6 lần con này, mỏ vàng và cứng; chứ con này mỏ trắng và xốp, không phải hồng hoàng như trong sách đỏ. Rừng Đông Nam Bộ có rất nhiều loài này, bay cả đàn. Nhưng nói chung không cổ vũ săn bắn như vậy”.
Tuy nhiên, không đồng ý với Thanh Mai, tài khoản Hồ Hữu Hoành vẫn bảo vệ quan điểm con chim trong vụ việc là hồng hoàng. “Cao cát thường rất xấu, mỏ không ngăn làm 2 và giá trên thị trường vài triệu đồng. Còn con chim mà anh Tuấn đăng đúng là mỏ sừng 2 ngăn quý hơn nhiều”, tài khoản Hồ Hữu Hoành bình luận kèm bức ảnh một con chim cao cát để cho thấy khác biệt so với con chim trong vụ việc.
Một Facebooker khác có tài khoản Phan Thức tiếp tục vào cuộc tranh luận: “Hình ảnh đăng là cao cát đang tập bay, khoảng vài tháng tuổi thôi. Con trên tay Tuấn Kiệt (tài khoản Facebook của anh B.N.Tuấn) là cao cát đã trưởng thành, mỏ có vạch đen, chứ hồng hoàng không có”.
Video đang HOT
Những cuộc tranh cãi chưa có hồi kết vẫn đang diễn ra thông qua các bức ảnh
Về những tranh cãi chưa có hồi kết này, trao đổi với PV tối 28/11, ông Mang Văn Thới – Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, các cán bộ của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh sẽ trực tiếp đến nơi mà ông Tuấn nói để kiểm tra thực tế.
“Chúng tôi đã có địa chỉ, số nhà cụ thể. Dự kiến chiều mai (ngày 29/11 – PV), đoàn công tác sẽ tới kiểm tra xem còn gì sót lại mà có thể xác định chính xác con chim trong vụ việc là cao cát hay hồng hoàng”, ông Thới nói và cho biết, trước mắt đã xác định đó không phải là một tụ điểm mua bán chim mà chỉ là người dân săn bắt được rồi mua đi – bán lại.
Theo ông Thới, qua trao đổi với ông Tuấn, người này nói vị trí đó là trên đoạn đường qua xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Trên đường đi đám cưới về, thấy người ta bán chim lạ với giá 120 ngàn/con nên ông Tuấn lại xem thử và mượn cầm chụp hình.
Được biết, việc xác minh vụ việc này sẽ do Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh thực hiện mà không có sự hỗ trợ của Công an huyện Củ Chi (nơi người đăng ảnh sinh sống). Tuy nhiên, lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh khẳng định sẽ xác minh và làm “ra ngôi ra khoai” vụ việc.
Song theo nhận định của ông Thới qua những bức ảnh trên mạng internet, con chim này rất khó có khả năng là hồng hoàng. Hồng hoàng to, đứng cao trên 1m, trong khi con chim trong ảnh chỉ đứng cao khoảng 45cm. Ngoài ra, hồng hoàng có thể nặng tới 4kg, trong khi cao cát chỉ tối đa là 1,5kg (theo ông Tuấn, con chim ông cầm chụp ảnh chỉ nặng khoảng 0,5kg).
Đặc điểm đáng chú ý tiếp theo là mỏ hồng hoàng màu vàng, trong khi con chim trong vụ việc có mỏ nhạt hơn. Bên cạnh đó, hồng hoàng có bụng màu đen, phân biệt rõ với bụng trắng của loài cao cát bụng trắng thường thấy.
“Nếu là hồng hoàng thì không ai làm thịt, bởi chỉ riêng mỏ của nó được người ta rao bán trên thị trường với giá trị ngang ngà voi rồi”, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh nói.
Theo Danviet
Vụ giám đốc bị "tố" ăn thịt chim quý hiếm: Chốt lại là chim gì?
Ông Tuấn cho rằng, nếu nói chim đó là chim quý mà được bày bán đầy đường chỉ với giá 120.000 đồng/con là quá vô lý.
Xung quanh những xôn xao vụ 1 doanh nhân bị nghi ngờ ăn thịt chim quý được cho là phượng hoàng đất và chụp hình đưa lên Facebook, trên báo Lao Động, ông Bạch Ngọc Tuấn ở huyện Củ Chi (TP.HCM) xác nhận mình là chủ tài khoản Facebook Tuan Kiet.
Được biết, ông Tuấn là giám đốc của một doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM.
Theo ông Tuấn, những bức ảnh ông đăng Facebook đúng là của ông, được chụp vào sáng 25.11 khi ông đi dự tiệc cưới một người thân ở Tây Ninh.
Trên đường đi dự tiệc, khi xe đến địa phận xã Suối Dây, huyện Tân Châu (Tây Ninh) thì ông Tuấn thấy người dân bán nhiều loài chim này nên đã cầm 2 con đã bị vặt lông để chụp hình đưa lên mạng, trên tinh thần là "vui và sống ảo" chứ không có ý gì.
Ông Tuấn cho biết, người bán chim báo giá 120.000 đồng/con, nhưng ông không mua.
"Theo người dân nói đây là loài chim Cao Cát, tôi cũng không rành là chim Cao Cát là thế nào và chim Phượng Hoàng như dư luận nói là thế nào. Sau khi tôi đưa hình ảnh này lên mạng xã hội, thì không hiểu sao lại lan truyền chóng mặt, nhiều người chỉ trích nặng nề đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình", ông Tuấn nói.
Hiện trên tài khoản Facebook Tuan Kiet của ông đã gỡ tất cả hình ảnh liên quan đến 2 con chim này. Đồng thời, ông Tuấn cho rằng, ông sẵn sàng làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để chứng minh mình không có ăn thịt chim quý như dư luận nghi ngờ.
Cũng liên quan đến việc này, theo thông tin trên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Suối Ngô (huyện Tân Châu), khẳng định trên địa bàn xã không có bất kỳ điểm mua bán động vật rừng nào. Tương tự, một lãnh đạo UBND xã Suối Dây cũng cho biết hiện không có điểm nào buôn bán chim rừng hay thịt động vật rừng trên địa bàn xã.
Ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh nói, nếu chỉ nhìn những hình ảnh của cá thể chim đăng tải trên mạng xã hội khó có thể khẳng định là hồng hoàng hay cao cát. Vì hai loài còn phân biệt qua độ lớn và màu sắc.
"Với loài chim hồng hoàng thì mọi hành vi săn bắt, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, giết mổ trái phép đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 244 bộ luật Hình sự năm 2015, với mức 5 - 10 năm tù và phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Còn cao cát, chỉ là loại chim thông thường không bị xử lý'", ông Thới nói.
Trong khi đó, anh Hưng, thành viên một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã cho biết, giống chim bị giết thịt là cao cát bụng trắng, thuộc họ hồng hoàng (bộ Sả).
"Cao cát bụng trắng hay còn gọi là cao cát phương đông là loài chim cùng họ hồng hoàng (hay còn gọi là Phượng hoàng đất - PV), nhưng nhỏ và xấu hơn hồng hoàng.
Loài chim này có bộ lông màu đen là chủ yếu, lông dưới bụng có màu trắng, đuôi, cánh có đốm trắng, trong khi đó Hồng hoàng có lông dưới bụng màu đen", anh Hưng cho biết.
Cũng theo anh Hưng, vì 2 con chim trong bức ảnh đã bị vặt lông nên không thể dựa vào màu sắc để phân biệt. Tuy nhiên, quan sát ở vùng má, bọng mắt và mỏ của chim có thể nhận ra điểm khác biệt.
Theo công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), cao cát nằm ở mục II, trong khi hồng hoàng quý hiếm hơn thì nằm ở mục I.
Cụ thể, những động vật ở mục I như hồng hoàng là nhóm loài bị đe doạ tuyệt chủng do săn bắt hoặc buôn bán.
Nằm ở mục II như cao cát là những loài mặc dù hiện chưa bị đe doạ nghiêm trọng nhưng vẫn có nguy cơ tuyệt chủng nếu việc buôn bán các mẫu vật của loài này không tuân theo những quy chế nghiêm ngặt, nhằm tránh việc sử dụng không phù hợp với sự tồn tại của chúng.
"Hiện vẫn chưa rõ 2 con cao cát mà người đàn ông chia sẻ trên facebook có nguồn gốc hoang dã hay được nuôi thương mại nên chưa thể kết luận được về hành vi này", anh Hưng cho biết thêm.
Theo Thùy Dung tổng hợp (Đất Việt)
Thực hư ảnh giám đốc giơ chim quý trụi lông mời nhậu gây bức xúc Hình ảnh phát tán 'chóng mặt' trên mạng xã hội cho thấy, người đàn ông cười đắc ý cầm 2 con chim quý hiếm đã vặt trụi lông, thui qua lửa để ăn nhậu. Theo người đăng tải hình ảnh, sự việc xảy ra tại vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Người được cho là có...