Dân mạng ‘bão like’ 2 thanh niên giúp bà cụ đạp xe trước cơn bão Yagi
Thấy người phụ nữ chở ve chai vất vả dựng lại xe đạp, xung quanh là các thùng giấy, đồ đạc ngổn ngang…
trước cơn bão Yagi, 2 thanh niên không quen biết đã bất ngờ chạy lại giúp đỡ bà. Hình ảnh đẹp này nhận được hơn 25 nghìn lượt thích trên mạng xã hội.
Mới đây, trên mạng xã hội chuyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh 2 thanh niên tại Hà Nội đã hỗ trợ người phụ nữ chở ve chai trước cơn bão Yagi vào chiều 6.9. Người đăng tải còn ghi kèm dòng chữ: “Trong cơn bão, ta lại thấy sự ấm áp nơi lòng người”, làm ai xem cũng thấy xúc động.
Trao đổi với người viết, Nguyễn Anh Trí (27 tuổi) xác nhận mình là người đăng tải đoạn clip này và cũng là một trong số 2 thanh niên tốt bụng nói trên. Đoạn clip được quay ở khu chung cư GP Invest Building ở ngõ 170 Đê La Thành, P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội.
Trí là người thuê ở đối diện tòa nhà đó. Vào buổi chiều, trời nổi cơn giông, cửa phòng Trí run bần bật. Trí ngó ra ngoài xem thì thấy cô thu gom ve chai đang loay hoay vì xe tuột xích, trên xe chất nhiều hàng. Trí thấy không ổn nên xỏ giày ra hỗ trợ.
Người phụ nữ làm nghề ve chai vất vả giữ xe đạp, nhặt đồ trước cơn bão Yagi
Hai người loay hoay một hồi thì vẫn vất vả vì trời nổi gió quá lớn trước cơn bão Yagi. May mắn sao có một thanh niên mặc áo đen chạy lại, giúp đỡ. Nhờ sự giúp đỡ của hai anh, đồ trên xe đã cột được ngay ngắn. Thấy cảnh tượng quá đẹp, Nguyễn Anh Đức (23 tuổi), em trai của Trí, rút điện thoại ra quay.
Đức tâm sự: “Khoảnh khắc đó ấm lòng nên mình muốn quay để lan tỏa sự tích cực. Sau đó, mình khoe video cho anh trai và nói anh đăng lên mạng. Mình hy vọng video này sẽ là nguồn cảm hứng để mọi người sẵn sàng mở lòng giúp đỡ khi thấy có người gặp khó khăn, đặc biệt là trong cơn bão”.
Thấy thế, thanh niên bất chấp gió lớn lao ra ngoài đường giúp đỡ người phụ nữ làm ai nấy đều ấm lòng
Còn Trí cho biết vào khoảnh khắc đó, anh không nghĩ gì nhiều ngoài việc làm sao để cố định xe, giúp cô cột chặt đồ và nhanh chóng rời khỏi.
“Đoạn đường đó gió mạnh nên mọi người cần rời đi càng sớm càng tốt. Sau khi giúp xong, mình cũng không nhớ cô có cảm ơn hay không vì gió thổi ù ù bên tai. Nhưng vào thời điểm ấy, điều đó cũng không thực sự quan trọng. Việc cột chặt đồ để cô có thể di chuyển an toàn quan trọng hơn nhiều”, Trí nói.
Ngày thường, Trí thường hay gom bìa, chai lọ, thùng carton cho các cô ve chai trong khu vực mình sống. Lúc đầu, vài cô còn bối rối hỏi: “Con lấy bao nhiêu tiền?”, nhưng Trí vội xua tay đi. Trí cho rằng các cô ấy lúc nào trông cũng rất thương.
Nguyễn Anh Trí (người đàn ông mặc áo xanh trong đoạn clip) thường hay để ý tầm 15 – 16 giờ chiều, các cô làm nghề ve chai tại khu anh sống thường chất đồ lên xe ra về. Đó là lý do vì sao trời nổi giông nhưng người phụ nữ phía trên vẫn chưa về được nhà.
“Riêng mình, thấy việc giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn là một nghĩa cử đẹp, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng của cơn bão lớn. Những người lao động với gánh nặng mưu sinh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Qua sự việc này, mình muốn lan tỏa thông điệp về tình đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau vượt qua giông bão”, Trí nói.
Trí cho rằng rất khó để người lao động có thể hoàn toàn dừng công việc mưu sinh. Tuy nhiên, mọi người nên theo dõi kỹ dự báo thời tiết trước khi ra đường trong thời tiết mưa bão. Nếu gặp ai đó đang gặp khó khăn, chúng ta có thể giúp đỡ bằng cách hành động thiết thực, giúp họ tìm được nơi trú ẩn an toàn.
Trong khi đó, Phạm Thành Long (25 tuổi), người đàn ông mặc áo đen trong đoạn clip cho biết anh không ngờ hành động nhỏ của mình lại được rất nhiều người quan tâm. Long khẳng định không quen anh Trí từ trước.
“Lúc đó, mình đang ngồi làm việc trên văn phòng thì đúng lúc nổi cơn giông to. Mình và mọi người ra ngoài cửa sổ xem thì thấy cô bị đổ xe và đang vất vả chất hàng lên xe. Thấy gió to quá, một mình cô có vẻ không chất nổi nên mình chạy xuống giúp đỡ. Lúc đó cũng có một bạn nam (anh Trí) đang giúp. Hai đứa phụ cô chất hàng lên xe, cũng có hỏi han cô thì biết được nhà cô ở ngay gần đó. Giúp xong, cô còn cảm ơn. Đây là một hành động nhỏ mà mình nghĩ ai nhìn thấy cảnh đấy cũng sẽ dang tay giúp đỡ thôi”, Long nhớ lại.
Anh Phạm Thành Long (người đàn ông mặc áo đen trong đoạn clip) bất chấp nguy hiểm, giúp đỡ người phụ nữ
Long hy vọng trong cơn bão Yagi, thời tiết chuyển biến phức tạp, mọi người đều bình an. Mọi người nên nghe theo sự hướng dẫn của các cơ quan bộ ban ngành để hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. “Cùng nhau cố gắng, chúng ta sẽ vượt qua cơn bão này”, Long nói.
Đoàn ô tô đi chậm chắn gió bão giúp người đi xe máy qua cầu Nhật Tân
Trên mạng xã hội, cư dân mạng bấm like cuồng nhiệt đoạn clip tình người trong cơn bão nói trên. Mọi người cho rằng hai anh đang giúp cô bán ve chai giữ toàn bộ tài sản của cô ấy, cái cây ngả nghiêng mà các chàng vẫn xông pha… Đáp lại các bình luận, Trí (chủ nhân đoạn clip) chỉ nhắn nhẹ nhàng: “Đúng vậy, với cô, đó là cả một ngày làm việc khó khăn”, “Giúp đỡ người khác cũng là giúp chính mình”.
Xem kén tằm vàng, xuồng trái cây tò he tại 'Những ngày Hà Nội tại TP.HCM'
"Chụp hình mình với thúng kén tằm này đi", Kim Ngân (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) hào hứng nhờ bạn chụp ảnh với khu vực trưng bày dệt lụa, khung cửi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sáng 24-8.
Bạn trẻ thưởng lãm các gian hàng truyền thống tại "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM" sáng 24-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Hàng ngàn bạn trẻ và người dân nhiều độ tuổi đã đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm tại chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM". Chương trình diễn ra từ ngàyb>23 đến 25-8, giúp người dân thành phố hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Thăng Long xưa, Hà Nội nay.
Tái hiện Ô Quan Chưởng, phố Hàng Quạt, Hàng Khoai... trong Những ngày Hà Nội tại TP.HCM
Bạn trẻ đặc biệt thích thú với các gian hàng mô phỏng không gian phố phường Hà Nội, với lối vào tái hiện Ô Quan Chưởng, hai bên là các phố Hàng Quạt, Hàng Khoai, Hàng Chiếu... Dọc hai bên là các gian hàng phảng phất nét cổ kính xứ kinh kỳ.
Ở trước mỗi gian hàng, người tham quan có thể quét mã QR để đọc thông tin về làng nghề, cũng như thông tin về nghệ nhân đại diện.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận biểu diễn kéo sợi ở khu vực gian hàng làng Phùng Xá - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều bạn trẻ ghé vào các gian hàng của các làng nghề dệt truyền thống Phùng Xá, thêu Thường Tín, mây tre đan Phú Vinh, làng gốm sứ Bát Tràng, nón làng Chuông, các gian tò he, mỹ nghệ...
Tại gian hàng của làng nghề Phùng Xá, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (70 tuổi) ngồi kéo sợi, giải thích về nguồn gốc của lụa tơ sen đắt giá. "Thấy mọi người tìm hiểu, các bạn trẻ hỏi về nghề dệt, tôi rất vui khi nói về nghề truyền thống của gia đình, của làng mình", bà Thuận chia sẻ.
Nơi đây thu hút bởi những chiếc khăn thêu hoa sen, tháp rùa... tinh xảo, những thước vải tơ lụa, vải gấm yêu kiều. Chị Lê Ngọc Hân (24 tuổi, ngụ quận 3) đi cùng mẹ, vừa mua mấy mét vải gấm để về may áo dài.
Chị Hân cho biết gia đình rất thích áo dài, sẵn dịp có chương trình này nên mua may luôn, giá từ 500.000 đồng/mét.
Nhiều bạn trẻ thích thú sản phẩm làng nghề dệt lụa Phùng Xá - Ảnh: TỰ TRUNG
Còn ở gian hàng thêu Thường Tín, bạn trẻ chọn mua các sản phẩm thêu thủ công như gương soi, cài tóc, tranh... với giá khoảng 150.000 đồng/sản phẩm.
Gian hàng sản phẩm lược sừng, trang sức, đồ trang trí như tượng hạc nhỏ, cú mèo, tách trà... của làng nghề Thụy Ứng cũng phong phú. Những chiếc lược nhiều kích cỡ, giá từ 30.000 đồng, dụng cụ massage giá từ vài trăm ngàn đồng.
Xuồng tò he chở bông, trái cây Nam Bộ thân thương
Ở gian hàng tò he Việt, nghệ nhân Đặng Văn Hậu tận tình giải thích thắc mắc của khách tham quan về kiểu dáng các mâm ngũ quả, đèn lồng, tượng tí hon...
Anh Huy Đạt (bên trái) đưa các con tham quan gian hàng tò he - Ảnh: TỰ TRUNG
Đặc biệt, anh còn sáng tạo mô hình xuồng chở bông, trái cây, chợ nổi Nam Bộ công phu khiến nhiều khách ghé đến thích thú. Mâm ngũ quả có giá từ 50.000 đồng tùy kích cỡ.
Sản phẩm xuồng Nam Bộ chở hoa trái do nghệ nhân Đặng Văn Hậu thực hiện - Ảnh: YẾN TRINH
Phía gian hàng gốm sứ Bát Tràng, những bà mẹ trẻ dẫn theo con nhỏ để con trải nghiệm nặn gốm.
Đi khỏi không gian làng nghề, bạn trẻ có thể ghé vào khu ẩm thực với các món ăn, thức uống đa dạng, như chả cốm, bún đậu, bánh đúc, nước sấu, nước mơ... Nơi đây có khu để bàn ghế ăn uống nên khá thuận tiện.
Chương trình giới thiệu sản phẩm kết hợp quảng bá du lịch liên kết thủ đô Hà Nội - TP.HCM thu hút nhiều du khách - Ảnh: TỰ TRUNG
Trải nghiệm nặn gốm tại gian hàng gốm sứ Bát Tràng - Ảnh: TỰ TRUNG
Khu vực giới thiệu làng nghề dệt lụa Phùng Xá thu hút nhiều khách du lịch - Ảnh: TỰ TRUNG
Bạn trẻ chụp hình lưu niệm tại khu vực mô hình cầu Long Biên - Ảnh: TỰ TRUNG
"Những ngày Hà Nội tại TP.HCM" là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2024), nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa, di sản văn hóa tiêu biểu của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Phở "treo" giữa phố cổ Hà Nội - lan tỏa tinh thần "lá lành đùm lá rách" Nắng nóng oi bức khiến người ta mệt mỏi, nhưng không thể làm giảm được năng lượng tích cực mà chủ một hàng ăn tại phố Bảo Khánh (Hà Nội) tỏa ra. Những kẻ giả danh "người vô gia cư" đã mất dây thần kinh xấu hổHà Nội: Người vô gia cư giả trà trộn vô gia cư thật 'hành nghề' xuyên Tết...