Dân mạng Ba Lan hô hào “ăn táo để chọc tức ông Putin”
Mặc dù chiến dịch “Ăn táo để chọc tức ông Putin” đang được hưởng ứng rộng rãi trên mạng xã hội Ba Lan, các siêu thị cho biết lượng táo bán ra vẫn dậm chân tại chỗ so với những năm trước, tạp chí The Economist ghi nhận.
Một chiến dịch có tên “Ăn táo để chọc tức ông Putin” đã được phát động và được hưởng ứng rộng rãi trên mạng xã hội Ba Lan. Ảnh: Facebook
Việc Nga ban lệnh cấm nhập rau quả từ Ba Lan sẽ khiến quốc gia này tồn đọng một lượng táo dư thừa khổng lồ tính đến cuối năm.
Riêng trong năm ngoái, Ba Lan đã xuất khẩu 677.000 tấn táo sang Nga, chiếm 56% tổng lượng táo xuất khẩu của quốc gia này.
Trong năm nay, Ba Lan chỉ được xuất khẩu táo sang Nga đến ngày 1/8, theo lệnh cấm vận vừa được Nga ban hành.
Người dân Ba Lan đã phản ứng bằng cách tôn vinh thứ quả được mệnh danh là “trái cấm” này.
Video đang HOT
Một chiến dịch có tên “Ăn táo để chọc tức ông Putin” đã được phát động và được hưởng ứng rộng rãi trên mạng xã hội Ba Lan.
Intermarché – chuỗi siêu thị tại quốc gia này – đang lên kế hoạch gửi 40 tấn táo tới Kaliningrad – khu vực của Nga giáp với biên giới Ba Lan, để nhái lại một cách hài hước đoàn xe “nhân đạo” gây tranh cãi của Nga gửi tới Ukraine trong thời gian vừa qua.
Một bức ảnh đăng trên Facebook của chiến dịch “Ăn táo để chọc tức ông Putin”.
Trên khắp đất nước Ba Lan, lệnh cấm vận thương mại từ Nga đã khiến nhiều cư dân phẫn nộ.
Theo lời Tổng thống Lithuania – bà Dalia Grybauskait, Nga là một “bạn làm ăn không đáng tin và khó lường”.
Lithuania và Ba Lan thuộc nhóm các nước có hàng nông sản bị Nga cấm vận, bên cạnh Estonia và Latvia, mặc dù động thái này từ Nga đã được quan chức các nước tiên đoán, nhưng khi lệnh cấm được chính thức áp dụng, nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào Nga vẫn không kịp trở tay.
Lệnh cấm có thể làm người nông dân Ba Lan thiệt hại khoảng 659 triệu USD, theo ước tính của Bộ nông nghiệp nước này.
Trong ba quốc gia thuộc Baltic với kim ngạch xuất khẩu thực phẩm vào Nga ở mức tương đối thấp, các nhà sản xuất sản phẩm bơ sữa là thành phần bị ảnh hưởng mạnh nhất, bên cạnh những công ty vận tải xuyên biên giới sang Nga.
Bộ trưởng kinh tế Lithuania – ông Evaldas Gustas cho biết hiệu ứng của lệnh cấm “sẽ không quá mạnh mẽ”, nhưng nó có thể kéo tụt 2% tăng trưởng GDP của nước này.
Thủ tướng Estonia – ông Taavi Rõivas lại khẳng định chính người dân Nga sẽ là người chịu thiệt phần nhiều từ những lệnh cấm trên.
Không chỉ mối quan hệ làm ăn với Nga bị ảnh hưởng, mà chính quan hệ thương mại giữa các nước bị cấm vận cũng chịu tác động, ví dụ như nhiều nhà sản xuất sản phẩm bơ sữa của Lithuania đã ngừng nhận hàng từ các công ty sản xuất sữa tại Latvia.
Hiện chính phủ các nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Chính quyền thủ đô Riga của Latvia vừa tung ra các mức thuế ưu đãi đối với bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu hơn 10% tổng sản phẩm sang Nga.
Chính quyền thủ đô Warsaw của Ba Lan đang bàn bạc tìm biện pháp hỗ trợ những công ty sản xuất rượu táo, mặc dù theo truyền thống, các nhà sản xuất đồ uống có cồn nói chung tại quốc gia này chịu thuế khá nặng.
Nhiều nông dân Ba Lan đang trông chờ trợ cấp từ Brussels, mặc dù Bộ trưởng nông nghiệp nước này cho biết khoản trợ cấp 162 triệu USD từ Liên minh châu Âu vẫn “chưa thấm vào đâu”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh”, ông nói.
Trong khi các cơ quan kiểm dịch của Nga đang ngày càng gắt gao và độc đoán trong việc xét duyệt thực phẩm nhập khẩu, một vài nhà sản xuất có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm thị trường tiêu thụ mới.
Chính phủ Warsaw đang nỗ lực thuyết phục Washington mở cửa thị trường Mỹ đối với táo của Ba Lan. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt của Mỹ cộng với sự phản đối từ phía người nông dân nước này có thể khiến đề xuất trên bị kẹt lại trên bàn giấy một thời gian dài nữa.
Trong khi đó, 4 tuần sau khi lệnh cấm được ban hành và mùa thu hoạch táo đang gần kề, người dân Ba Lan có vẻ cũng không tiêu thụ nhiều táo hơn mọi năm.
Mặc dù chiến dịch “Ăn táo để chọc tức ông Putin” đang được hưởng ứng rộng rãi trên mạng xã hội, các nhà cung cấp và siêu thị cho biết lượng táo bán ra vẫn dậm chân tại chỗ so với những năm trước.
Trong một tính toán vui, để người Ba Lan có thể “hấp thụ” hết thiệt hại từ lệnh cấm, trung bình mỗi người sẽ phải ăn nhiều táo gấp đôi so với bình thường, nâng mức tiêu thụ hàng năm từ 15kg/người lên 30 kg/người.
Theo NTD/Bizlive