Đan Mạch và Đức tiếp tục tài trợ vũ khí cho Ukraine
Ngày 29/9, Bộ Quốc phòng Đan Mạch tuyên bố nước này sẽ giải ngân 1,3 tỷ kroner (194 triệu USD) để hỗ trợ Ukraine củng cố kho vũ khí vốn đang chịu áp lực lớn do cuộc xung đột ở nước này.
Binh sĩ Ukraine tham gia huấn luyện trên pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất tại Kiev, ngày 26/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố nêu rõ số vũ khí và trang thiết bị được hỗ trợ này sẽ được sản xuất tại Ukraine, nhưng sẽ được tài trợ thông qua khoản tiền giải ngân của Đan Mạch.
Ngoài việc tài trợ vũ khí cho Ukraine, Đan Mạch, quốc gia vốn ủng hộ Ukraine kể từ khi cuộc xung đột giữa nước này và Nga bắt đầu nổ ra hồi năm 2022, cũng đã thông báo việc thành lập trung tâm phòng thủ chung tại Kiev nhằm hỗ trợ phát triển các mối quan hệ đối tác mới.
Đầu năm nay, Đan Mạch đã ký thỏa thuận về đảm bảo an ninh kéo dài 10 năm với Ukraine, sau những thỏa thuận tương tự của Đức, Anh và Pháp.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trên các phương tiện truyền thông của nước này cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố nước này cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, bà Annalena Baerbock cho biết Chính phủ Đức không ủng hộ đề xuất cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Hiện Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì liên tục không đạt được mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là chi 2% GDP cho quốc phòng. Nguồn dự trữ của lực lượng vũ trang Đức, vốn đã thiếu hụt do bị hạn chế đầu tư trong nhiều thập kỷ, lại càng cạn kiệt do cung cấp vũ khí cho Kiev.
Ngoại trưởng Đức tuyên bố không ra tranh cử Thủ tướng
Ngày 10/7, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố không có kế hoạch ra tranh cử Thủ tướng vào năm 2025.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 18/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao, bà sẽ không đại diện cho đảng Xanh trong cuộc bầu cử liên bang vào năm tới do nhận thấy sự ủng hộ dành cho đảng này sụt giảm trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra ngày 9/6 vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bài phát biểu trên truyền hình, bà Baerbock cho biết trách nhiệm chính trị của bà lúc này là tập trung vào giải quyết các cuộc khủng hoảng chứ không phải chiến dịch bầu cử. Bà khẳng định sẽ nỗ lực với tư cách là ngoại trưởng để xây dựng lòng tin và hợp tác, cho rằng rất nhiều đối tác trên thế giới và ở châu Âu trông cậy vào điều này.
Bà Baerbock trở thành ứng cử viên Thủ tướng đầu tiên của đảng Xanh vào năm 2021. Với kết quả bầu cử là 14,7%, thành công này đưa đảng Xanh gia nhập liên minh cầm quyền với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả và đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo chủ nghĩa tân tự do.
Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) ở Washington, bà Baerbock cho rằng thế giới đã hoàn toàn khác so với cuộc bầu cử quốc gia Đức vừa qua, viện dẫn xung đột Nga - Ukraine và xung đột ở Trung Đông. Tuy nhiên, bà Baerbock khẳng định: "Trong thời gian bầu cử, tôi sẽ làm mọi thứ để hỗ trợ đảng của mình, giống như tôi đã làm trước đây".
Nhiều người dự đoán Phó Thủ tướng Robert Habeck sẽ tranh cử với tư cách là ứng cử viên đảng Xanh vào năm 2025. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử EP, với tỷ lệ ủng hộ của đảng này giảm xuống 11,9%, thấp hơn cả đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), có vẻ như kịch bản Đức sẽ có Thủ tướng của đảng Xanh vào năm tới khó xảy ra.
Trung Quốc và Đức sẵn sàng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt Ngày 18/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Đức để xây dựng thêm sự đồng thuận cũng như hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của mỗi bên. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo ở...