Đan Mạch ghi nhận 1 ca tử vong, 1 ca bệnh nặng sau tiêm vaccine AstraZeneca
Hai nhân viên tại một bệnh viện ở Đan Mạch đã xuất hiện chứng cục máu đông và xuất huyết não sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Một người sau đó đã tử vong.
Các lọ vaccine phòng bệnh COVID-19 của hãng AstraZeneca tại Milan, Italy, ngày 19/3. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin RT (Nga), hôm 20/3 Đan Mạch cho biết cả hai nhân viên này đều gặp sự cố trong vòng chưa đầy 14 ngày sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.
Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch xác nhận đã nhận được “2 ca có phản ứng nghiêm trọng”. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về sự việc chưa được cung cấp. Hiện cũng chưa có thông tin về việc các nhân viên này mắc bệnh chính xác khi nào.
Báo cáo mới này được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu ngày càng lo ngại về việc liệu vaccine COVID-19 của AstraZeneca có liên quan đến hiện tượng máu đông hay không.
Đầu tuần này, Đan Mạch đã ghi nhận ít nhất 10 trường hợp gặp chứng máu đông sau khi tiêm vaccine COVID-19. Trên khắp châu Âu, tình trạng tương tự cũng đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục phân phối các liều vaccine sau khi tạm ngừng tiêm chủng và cuộc điều tra kết luận rằng “vaccine này có nhiều lợi ích hơn rủi ro”.
Video đang HOT
Trong khi đó, hôm 19/3, Phần Lan cũng đã đình chỉ phân phối vaccine sau khi ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc chứng máu đông.
Trước đó, các nhà khoa học Na Uy đã tuyên bố rằng chứng máu đông có liên quan đến vaccine AstraZeneca. Cơ quan cố vấn y tế hàng đầu của Pháp – Haute Autorite de la Sante (HAS) cũng đã khuyến cáo vaccine chỉ nên sử dụng cho những người trên 55 tuổi, với lý do “có thể tăng nguy cơ đông máu” ở những người trẻ hơn.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã nỗ lực xoa dịu lo ngại về tính an toàn của vaccine AstraZeneca bằng cách cam kết sẽ tiêm loại vaccine này.
AstraZeneca, hãng dược phát triển vaccine trên phối hợp với Đại học Oxford, cho hay việc kiểm tra hơn 17 triệu người đã tiêm vaccine của hãng này tại châu Âu và Anh cho thấy không có bằng chứng về nguy cơ gia tăng đối với hiện tượng máu đông.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định không có lý do ngừng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca.
“AstraZeneca là một vaccine tốt giống như các vaccine khác đang được sử dụng. Chúng tôi đã xem xét dữ liệu của các ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy nguyên nhân do tiêm chủng vaccine. Chúng ta nên tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca”, bà Margaret Harris, phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại một cuộc họp báo hôm 12/3 ở Geneva, nói.
Đức, Pháp, Italy tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca
Đức, Pháp, Italy và nhiều nước châu Âu khác quyết định tiếp tục sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, hôm 18/3.
Quyết định đưa ra sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Anh tuyên bố vaccine an toàn, hiệu quả và không gây ra tình trạng đông máu. Các ca tử vong sau tiêm vaccine đã khiến hơn 10 quốc gia đình chỉ sử dụng sản phẩm - đặt ra thách thức đối với tham vọng tạo ra "vaccine cho thế giới" của AstraZeneca, khi số người chết do Covid-19 toàn cầu đạt 2,8 triệu.
Đức tái khởi động chương trình vaccine kể từ ngày 19/3. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết việc đình chỉ tiêm vaccine "cho đến khi xác định được nguyên nhân của chứng đông máu hiếm gặp" là biện pháp đúng đắn.
Pháp cũng thông báo sẽ tiếp tục sử dụng vaccine. Thủ tướng Jean Castex dự kiến tiêm chủng vào chiều 19/3. Italy có động thái tương tự. Thủ tướng Mario Draghi cho biết quốc gia vẫn ưu tiên tiêm cho càng nhiều người càng tốt.
Tây Ban Nha cho biết đang xem xét nối lại chương trình tiêm chủng. Trong khi Cyprus, Latvia và Lithuania chuẩn bị tiêm lại vaccine.
Kết luận của EMA sau khi điều tra 30 trường hợp rối loạn đông máu bất thường là lợi ích của vaccine trong việc bảo vệ người dùng vượt trội hơn rủi ro. Trong cuộc họp báo, ông Emer Cooke, giám đốc cơ quan, cho biết: "Đây là loại vaccine an toàn và hiệu quả. Nếu được chọn, tôi sẽ tiêm nó luôn vào ngày mai".
Nhiều nước quyết định ngừng chương trình tiêm chủng chỉ để phòng xa. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các động thái bắt nguồn từ mục đích chính trị có thể làm suy yếu niềm tin của công chúng và vaccine, khi các quốc gia phải vật lộn để kiểm soát biến thể nCoV lây nhiễm mạnh hơn.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, sau những quyết định thận trọng của các cơ quan quản lý, chiến dịch tiêm phòng có thể tiếp tục trên khắp châu Âu", giám đốc y tế của AstraZeneca Ann Taylor tuyên bố.
Kể từ ngày 15/3, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức đình chỉ sử dụng vaccine Covid-19 do hãng dược AstraZeneca sản xuất để điều tra về tình trạng đông máu và chờ ý kiến của EMA. Đến 18/3, EMA kết luận vaccine không liên quan việc tăng nguy cơ tổng thể biến cố thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hoặc hiện tượng máu đông. Cơ quan này nhấn mạnh "không thể loại trừ hoàn toàn" mối liên quan giữa vaccine với chứng rối loạn đông máu hiếm gặp.
Nhà sản xuất, Tổ chức Y tế Thế giới đều khẳng định vaccine an toàn. Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai tiêm vaccine AstraZeneca, từ ngày 8/3 đến nay hơn 24.000 người đã tiêm, đều thuộc nhóm ưu tiên.
Đức, Italy hỗn loạn sau đình chỉ vaccine AstraZeneca Tình cảnh hoang mang, hỗn loạn bao trùm Italy và Đức sau lệnh đình chỉ sử dụng vaccine Covid-19 AstraZeneca. Quyết định được đưa ra sau khi Đức ghi nhận 7 trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca, 3 người trong số đó đã tử vong. Tại Italy, 8 người đã chết và 4 người khác gặp phản ứng phụ...