Dân “lửng lơ” chật vật tìm đường làm sổ đỏ
Dù UBND Hà Nội liên tục “thúc” các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ nhưng nhiều gia đình đang ở nhà tự quản (được công ty phân đất) vác đơn đi mọi nơi đều bị từ chối. Nhiều năm nay họ phải sống kiếp “ở nhờ” ngay trên mảnh đất của mình.
Bi kịch “ở nhờ” trên đất của mình
12 hộ gia đình sống ở khu nhà tập thể đội xe 306, Công ty vận tải ô tô Số 3 (xã Đại Mỗ, Từ Liêm) được cấp đất 15 năm nhưng không làm được sổ đỏ. Hệ lụy các hộ dân phải chịu đựng là không được cấp phép xây dựng, không được cải tạo nhà ở hoặc có cải tạo lại nhà thì làm lén lút… vì không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ở trong phòng này 45 năm nhưng Bà Phạm Thị Đạm Nga không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của mình
Để người dân ổn định cuộc sống, năm 2003, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Quý Đôn đã có văn bản yêu cầu Công ty Vận tải ô tô số 3 hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên, trước ngày 30/6/2003. Yêu cầu của thành phố là vậy, nhưng 9 năm đã qua, người dân ở đây vẫn phải chờ…
“Dân chúng tôi chẳng ai muốn phạm luật, nhưng vì nhà không có sổ đỏ làm gì chúng tôi cũng phải lén lút như kẻ trộm. Trong khi đó gia đình đi cầu cạnh khắp nơi để làm sổ nhưng không được. Tới cơ quan chức năng thì họ bảo phải có hồ sơ của Công ty Vận tải ô tô số 3 trình UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hết cách chúng tôi lại đành quay về đợi công ty”, Vũ Tuấn Anh, người dân sống ở tập thể đội xe 306 cho biết.
Sau vụ cháy khu nhà gỗ C8 (tập thể Hàm Tử Quan – phường Chương Dương), UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố Hà Nội thu hồi toàn bộ 8 khu nhà gỗ còn lại. Kiến nghị này khiến hàng trăm hộ gia đình sống tại đây thêm lo lắng về chính sách thu hồi liệu có làm họ thiệt thòi. Lý do khiến người dân băn khoăn là họ sống ở đây gần nửa thế kỷ nhưng gần như không có giấy tờ, sổ sách liên quan đến căn hộ.
Bà Phạm Thị Đạm Nga ở phòng 37, nhà B7 được Công ty thực phẩm Tông Đản phân căn phòng từ năm 1967. Sống ở đây 45 năm nhưng không có giấy tờ gì chứng minh căn phòng là của mình. “Có đất, có nhà nhưng không được làm sổ đỏ nên gần nửa thế kỷ qua chúng phải sống kiếp “ở nhờ” ngay trên mảnh đất của mình. Nhiều người chuyển nhượng quyền sử dụng như làm chui Nhà nước”, bà Nga bùi ngùi nói.
Người dân trong khu nhà B7 cũng như bà Nga đều rất muốn làm sổ đỏ để căn hộ được Nhà nước giao chính thức thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, 45 năm qua, chưa cơ quan nào đề cập đến chuyện cấp sổ đỏ cho nhà bà Nga đang ở. Nhiều nhà muốn thế chấp căn hộ để vay tiền ngân hàng làm ăn thoát nghèo cũng không được. Khi công ty Thực phẩm Tông Đản giải thể, bà Nga cho biết, mọi thứ gần như buông xuôi, không ai có trách nhiệm gì nữa.
Video đang HOT
Chính quyền yêu cầu công ty cũng không làm
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng hợp chưa đầy đủ từ các quận huyện cho biết, thành phố đang có hơn 12.000 hộ đang ở nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước nhưng nay không còn cơ quan quản lý, cũng chưa tiến hành kê khai theo yêu cầu của thành phố. Vì thế, chưa có cơ sở để thành phố tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận.
Nhiều gia đình phải sống kiếp “ở nhờ” ngay trên mảnh đất của mình
Dù rất muốn cấp sổ đỏ cho người dân để tiện cho việc quản lý, song chính quyền đành “bó tay” với diện nhà còn cơ quan quản lý nhưng chưa bàn giao cho thành phố. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ Nguyễn Minh Giảng cho biết, chính quyền cũng rất muốn làm sổ đỏ cho dân. Tuy nhiên, xã chỉ có trách nhiệm thông báo làm sổ đỏ cho dân ở làng xóm diện đất thổ cư. Còn thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ dân sống khu đất thuộc diện tự quản như ở Công ty Vận tải ô tô số 3 phải do chính công ty này làm. “Chúng tôi đã nhiều lần mời lãnh đạo Công ty Vận tải ô tô số 3 lên trao đổi về việc làm thủ tục, tạo điều kiện cấp sổ đỏ cho dân, không hiểu lý do gì đến nay vẫn chưa làm được”, ông Giảng nói.
Theo ông Giảng, việc không được cấp sổ đỏ đã vô tình làm khó dân trong việc cấp phép xây dựng. Nhiều người phải sống trong ngôi nhà xuống cấp nhiều năm nhưng không được cấp phép xây dựng. Nhiều người dù không muốn phạm luật nhưng vì cuộc sống vẫn lén lút xây dựng buộc chính quyền xã phải xử lý.
Ngoài khu đất của Công ty Vận tải ô tô số 3, trên địa bàn xã Đại Mỗ còn có hơn 20 hộ gia đình đang ở khu nhà của Công ty Viễn Thông được cấp đất nhiều năm chưa làm sổ đỏ. “Chúng tôi buộc phải khoanh khu đất này lại để đôn đốc công ty làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân”, phó Chủ tịch xã Đại Mỗ Nguyễn Viết Hùng chia sẻ.
Nhiều khu nhà vì không có cơ quan quản lý từ nhiều năm nay (do cơ quan đã giải thể hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, cổ phần hóa) nên coi như bị mất gốc. Trong nhiều năm, các khu nhà này đều có hiện tượng mua đi bán lại bằng giấy tờ viết tay, hoặc xây dựng không phép, sai phép… nên càng khó cho chính quyền xét cấp giấy chứng nhận.
Theo Dantri
Những uẩn khúc cần làm rõ trong việc cấp sổ đỏ ở 24 Nguyễn Thiệp
Là mảnh đất xảy ra tranh chấp khiếu kiện kéo dài từ năm 1993, nhưng nhà 24 phố Nguyễn Thiệp, phường Nguyễn Trung Trực vẫn được cấp sổ đỏ. Sự việc này khiến nhiều người cho rằng có dấu hiệu bao che của chính quyền địa phương gây thiệt hại quyền lợi công dân.
Theo đơn khiếu nại của ông Nguyễn Đình Tuân, tạm trú tại tổ 30A đường Nước Phần Lan, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ gửi đến báo Dân trí phản ánh UBND phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình đã xét duyệt sai quy trình, trái pháp luật đơn xin cấp giấy chứng nhận QDSĐ cho ông Phạm Nam tại 24 phố Nguyễn Thiệp, gây thiệt hại quyền lợi các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đình Tuân.
Nội dung đơn của ông Nguyễn Đình Tuân nêu rõ: Thửa đất mang 3 số nhà 24, 26, 28 trên phố Nguyễn Thiệp, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình có nguồn gốc sở hữu của cụ Nguyễn Đình Minh và vợ Nguyễn Thị Thảo (bố mẹ ông Nguyễn Đình Tuân) đã sinh sống nhiều đời. Khi còn sống, ông bà Minh - Thảo, cùng các con: Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Thị Tài, Nguyễn Đình Ngân, Nguyễn Đình Tuân đều sinh sống tại đây.
Ông Nguyễn Đình Tuân đề nghị thành phố xem xét lại giấy chứng nhận QSDĐ của ông Nam (Ảnh: Ngọc Cương)
Năm 1972, cụ Nguyễn Thị Thảo nhận bà Dương Thị Phương (tức Sự), Giám đốc Công ty Rau hoa quả làm cháu nuôi. Đồng thời cho phép bà Phương được làm nhà ở trên diện tích 30m2. Do không biết chữ, cụ Thảo nhờ con trai cả Nguyễn Đình Lộc viết giấy cam đoan, đồng ý cho bà Dương Thị Phương làm nhà trên diện tích 30 m2. Tháng 4/1972, gia đình cụ Minh - Thảo thực hiện lệnh di tản. Trong thời gian này, bà Phương và chồng là Phạm Nam tự ý xây nhà lấn chiếm ngoài diện tích được cho làm nhà thêm 29m2, nâng tổng số diện tích sở hưu lên 59m2.
Ngày 19/8/1993, báo Hà Nội Mới đăng danh sách những người mua bán nhà được xem xét hợp pháp hóa. Trong danh sách này có tên ông Phạm Nam, với phần diện tích xin hợp thức hóa là 30m2. Sau khi danh sách được công bố, gia đình ông Nguyễn Đình Tuân đã làm đơn kiến nghị dừng xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ với lý do gia đình ông Phạm Nam đang lấn chiếm 29m2 đất của gia đình. Muốn hợp pháp hóa phần đất 30m2 theo giấy cam đoan cụ Nguyễn Thị Thảo cho năm 1972, ông Phạm Nam phải trả lại 29 m2 lấn chiếm.
Tháng 10/1994, Sở Nhà đất TP. Hà Nội triệu tập tại trụ sở UBND phường Nguyễn Trung Trực giải quyết tranh chấp tại số nhà 24-26-28 phố Nguyễn Thiệp. Tại buổi làm việc, ông Phạm Nam khẳng định toàn bộ 59 m2 gia đình ông đang sử dụng được cụ Thảo viết giấy chuyển nhượng. Ông Nam có đưa ra 2 giấy phô tô gồm: Giấy cam đoan ngày 28/3/1972 Giấy cam kết ký ngày 5/4/1972. Tuy nhiên, khi gia đình ông Nguyễn Đình Tuân yêu cầu ông Nam xuất trình bản gốc hai tờ giấy cam kết có chữ ký của cụ Nguyễn Thị Thảo thì ông Nam không có.
Vì những lý do này, Sở Nhà đất TP. Hà Nội đã đình chỉ việc xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Phạm Nam tại 24 phố Nguyễn Thiệp vì nhà đang có tranh chấp.
Sau khi cụ Thảo và người con cả Nguyễn Đình Lộc qua đời, năm 2010, ông Phạm Nam tiếp tục nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ lên UBND phường Nguyễn Trung Trực. Theo xác nhận của phường Nguyễn Trung Trực, ông Nam nộp 2 giấy cam kết gốc viết tay ngày 28/3/1972, giấy cam kết viết ngày ngày 5/4/1972 và khẳng định toàn bộ 59 m2 mà ông đang sử dụng đều là của gia đình.
Theo lời ông Nguyễn Đình Tuân, ngay từ lúc ông Phạm Nam nộp đơn đã có nhiều dấu hiệu bất bình thường. Tại Biên bản cuộc họp ngày 5/10/1994 có nêu cụ Nguyễn Thị Thảo không biết chữ, mọi giấy tờ liên quan đều do các con của cụ thực hiện, nhưng trong bản cam kết ký ngày 5/4/1972 ông Nam xuất trình lại do cụ Thảo trực tiếp viết và ký tên. Trong danh sách xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 1993, ông Phạm Nam chỉ xin hợp pháp hóa 30m2, tương ứng phần diện tích cụ thảo cam kết cho bà Phương (vợ ông Nam) xây nhà ký ngày 28/3/1972. Tuy nhiên, trong đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2010, ông Phạm Nam lại xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ với tổng diện tích 59m2, bao gồm cả diện tích bị gia đình ông Nguyễn Đình Tuân tố cáo lấn chiếm.
UBND quận Ba Đình vẫn bỏ qua ý kiến chỉ đạo của TP. Hà Nội
Gia đình ông Nguyễn Đình Tuân đã gửi đơn khiếu nại lên UBND phường Nguyễn Trung trực đề nghị không xem xét đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nam vì 2 lý do trên. Tuy nhiên, bà Phùng Thị Hòa, nguyên Chủ tịch UBND phường đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Xét duyệt vẫn phê duyệt đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Phạm Nam, trong đó có nội dung khẳng định "hiện không có tranh chấp khiếu kiện", mặc dù UBND phường biết rõ đang xảy ra tranh chấp kéo dài suốt từ năm 1993 và chưa được giải quyết dứt điểm.
Để đảm bảo quyền lợi, ông Nguyễn Đình Tuân tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên UBND quận Ba Đình và UBND TP. Hà Nội đề nghị xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ sai quy định cho ông Phạm Nam, tố cáo những dấu hiệu bao che của Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực đối với hành vi lấn chiếm 29m2 của gia đình ông Phạm Nam.
Từ ngày 23/9/2011 đến ngày 21/8/2012, UBND TP. Hà Nội đã 4 lần ra văn bản đề nghị quận Ba Đình xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Đình Tuân về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ sai quy định cho ông Phạm Nam tại phố Nguyễn Thiệp nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mới nhất, ngày 21/8/2012, Phó Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội Phạm Chí Công đã ký văn bản yêu cầu UBND quận Ba Đình xem xét giải quyết dứt vụ việc trong tháng 8/2012, nhưng quận Ba Đình vẫn giữ thái độ yên lặng đến khó hiểu.
Ngày 16/5/2012, ông Đỗ Viết Bình khi đó còn là Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình ký văn bản số 557/UBND-TTr gửi ông Nguyễn Đình Tuân trả lời đơn khiếu nại liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Phạm Nam, cùng những dấu hiệu bao che của lãnh đạo UBND phường Nguyễn Trung Trực đối với hành vi chiếm đoạt đất đai của ông Nam. Đón nhận văn bản trả lời của UBND quận Ba Đình, gia đình ông Nguyễn Đình Tuân tỏ ra rất bất bình bởi toàn bộ nội dung trả lời chỉ dựa trên những thông tin UBND phường Nguyễn Trung Trực báo cáo lên trong văn bản số 115/UBND.
Trao đổi với PV báo Dân trí ngày 22/9/2012, ông Nguyễn Đình Tuân khẳng định, gia đình ông chưa bao giờ nhận được văn bản trả lời của UBND phường Nguyễn Trung Trực về nội dung đơn khiếu nại liên quan đến tranh chấp tại số nhà 24-26-28 phố Nguyễn Thiệp. Mặt khác, nội dung văn bản số 115/UBND ngày 15/8/2011 của UBND phường Nguyễn Trung Trực gửi lên UBND quận Ba Đình cũng có nhiều dấu hiệu bất thường: Biên bản cuộc họp Hội đồng xét duyệt xem xét lại quy trình xét duyệt đơn cấp giấy chứng nhận QSDĐ diễn ra ngày 8/8/2011 và 11/8/2011 không ghi rõ ai chủ trì? Ai chịu trách nhiệm? Cuộc họp đề thành phần tham dự là 9, nhưng chỉ có 6 người ký (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và Trưởng Công an phường không ký biên bản).
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình, ông Nguyễn Đình Tuân đề nghị UBND TP. Hà Nội, cùng các cơ quan chức năng xem xét giải quyết đơn khiếu nại mà gia đình gửi đi nhiều tháng qua không được giải quyết Thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ 59m2 nhà 24 Nguyễn Thiệp Cho giám định bản cam kết viết tay gốc ngày 5/4/29712 Có những hình thức xử lý những cán bộ sai phạm.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dantri
Chỉ đạo xử lý tin đồn "Bia Huế đã bán cho Trung Quốc" Ngày 11.9, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu vừa ký công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc để kiểm tra xử lý pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tung tin đồn sai lệch "Bia Huế đã bán cho Trung Quốc" làm ảnh hưởng...