Đan Lê bất ngờ tiết lộ giảm cân sau sinh
Nữ MC xinh đẹp đã có những chia sẻ rất hữu ích về cách kiểm soát cân nặng khi mang thai và sau sinh nở.
Tái xuất sau ca sinh nở lần 2 chỉ khoảng 2 tháng, nữ MC xinh đẹp Đan Lê gây bất ngờ cho người hâm mộ với vóc dáng thon gọn, làn da trắng hồng rạng rỡ. Dù đã là mẹ của hai con nhưng vóc dáng của cô không thay đổi nhiều và điều này khiến không ít người hâm mộ đặc biệt là các bà mẹ thắc mắc không biết cô giảm cân sau sinh bằng cách nào mà hiệu quả vậy.
Để giải đáp thắc mắc của những người quan tâm, cách đây ít giờ, trên facebook của bà mẹ trẻ bất ngờ có chia sẻ khá dài và chi tiết về cách giảm cân sau sinh mà theo cô gọi đó là “cách kiểm soát cân nặng” khi bầu bí và sau sinh nở. Ngay sau khi đăng tải, “status” này đã nhận được sự quan tâm của lượng lớn chị em và người hâm mộ.
Chia sẻ về những kinh nghiệm này, nữ MC xinh đẹp cho biết thêm đây là những chia sẻ mang tính chất cá nhân đúc rút từ kinh nghiệm bản thân và cô muốn chia sẻ với mọi người.
Những chia sẻ của Đan Lê về cách giảm cân trên facebook.
Được sự đồng ý của MC Đan Lê, xin trích nguyên văn những chia sẻ về cách giảm cân sau sinh này:
Vụn vặt về Bầu và Sau sinh
Như đã hẹn với mọi người, hôm nay bạn lớn đi học còn bạn bé thì đang say ngủ nên mình có thể rảnh tay chia sẻ về cách giảm cân sau sinh. Gọi là giảm cân theo mình chưa chính xác lắm, đúng hơn là kiểm soát cân nặng. Mình cũng lưu ý mọi người, kinh nhiệm chỉ là quá trình đúc kết của cá nhân, có thể phù hợp hoặc không phù hợp với người này người kia. Bản thân mình cũng không cho rằng mình đã “suất sắc” trong việc gìn giữ vóc dáng sau sinh nhưng do có nhiều bạn tín nhiệm hỏi thăm nên mình cũng mạnh dạn chia sẻ đôi chút những gì mình đúc rút được. Trong hiểu biết hạn hẹp, mình đã cố gắng tìm tòi, tham khảo tài liệu, sách báo, hỏi ý kiến bác sĩ và cả google để làm sao ổn định cân nặng một cách hiệu quả, an toàn và khoa học nhất. Nhưng theo mình, lắng nghe cơ thể là điều rất quan trọng vì mỗi người lại là một cơ địa khác nhau (VD: như em gái mình hay bảo “chỉ cần hít thở thôi cũng béo”, tất nhiên mình không tin điều đó lắm, he he), mọi thông tin chỉ là tham khảo và mỗi người cần sàng lọc để biết cái gì phù hợp với mình.
Trước tiên cách tốt nhất để không phải giảm cân là đừng tăng cân mất kiểm soát. Các bạn biết đấy, thường thì những người béo quá rất khó giảm cân vàngược lại những người gầy quá cũng rất khó tăng cân. Theo mình đây là lúc cơ thể đã mất đi sự ổn định khi không có sự quan tâm đến cân nặng một cách kịp thời. Ví dụ: người béo quá do ăn uống tùy tiện, ăn cố, ăn cho sướng, năng lượng tích tụ trong một thời gian dài và đến một ngày đẹp trời cân nặng cứ thế tăng vèo vèo không tài nào “hãm phanh” được. Nói thế để thấy, cái gì cũng cần có quá trình, khi cân nặng của chúng ta đang ổn định, không thể vì 1 cái bánh ngọt mà tăng cân. Giảm cân cũng thế, khi cơ thể chúng ta đang “phì nhiêu” không thể vì nhịn ăn 1 ngày mà có thể xuống cân được. Cái gì đột ngột quá, cấp tốc quá cũng khó có thể giữ được hiệu quả lâu dài. Và để có được cân nặng trong mức hợp lý, theo mình cần lưu ý các điểm sau:
1, Chế độ ăn:
Trong note này mình sẽ chỉ đề cập đến chế độ ăn khi mang thai và sau khi sinh thôi nhé!
A, Trước sinh
Như đã nói ở trên, với mình việc kiểm soát cân nặng trong quá trình mang thai là quan trọng nhất. Tuyệt đối các bạn không nên hiểu kiểm soát cân nặng là ăn kiêng nhé. Vì mang thai là quá trình mà cơ thể người phụ nữ cần đầy đủ chất để nuôi dưỡng bào thai, thiếu/thừa chất gì cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới em bé. Tuy nhiên, mình không ủng hộ quan niệm “ăn cho 2 người”, nhồi nhét hết nước mía, nước dừa, trứng ngỗng, trứng gà, yến sào… nói chung trên đời “nghe nói” có cái gì bổ béo cũng cố nhồi hết vào lúc này. Kết quả thì mẹ béo ú, nhiều mẹ tăng 20 – 30kg, còn con cũng chỉ đạt cân nặng trung bình. Người mình hay bị tâm lý chạy đua cân nặng trẻ con, cứ béo, nặng thì mới khỏe (Cái này chắc do kết quả một thời đói khổ gây ra.). Với mình một đứa trẻ khỏe mạnh là đứa trẻ đạt những chỉ tiêu tăng trưởng trong giới hạn cho phép, con chào đời đạt mốc 2,8 – 3,5kg là “vừa đẹp”. Mẹ bồi bổ nhiều quá khiến các bé trên 4kg còn tăng các nguy cơ về tim mạch, tiểu đường, béo phì…
Cả 2 lần mang thai của mình (Bé thứ nhất, cân nặng của mẹ lúc bắt đầu mang thai là 48kg, lúc trước sinh là 60kg, tăng 12kg, bé nặng 3,5kg. Bé thứ 2, cân nặng của mẹ lúc bắt đầu mang thai là 50kg, lúc trước sinh là 60kg, tăng 10kg, bé nặng 3,3kg). Sau khi sinh mình chỉ còn thừa khoảng 3 – 4kg so với lúc chưa mang thai nên việc giảm cân không quá vất vả.
Video đang HOT
Phân bổ cân nặng trong 9 tháng thai kỳ là rất quan trọng. Ví dụ: trong 3 tháng đầu người mẹ chưa cần tăng chế độ ăn vì lúc này em bé chủ yếu lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ. 3 tháng đầu bầu cả 2 bạn mình đều không tăng cân nào, thậm chí có lúc không ăn được còn hơi sút một chút. Mình thấy có nhiều bạn ốm nghén, cứ ăn vào là nôn ra mà cứ chăm chỉ ăn để “nhiệt tình” nôn. Như vậy rất phản tác dụng, thức ăn chẳng vào được cả mẹ lẫn con mà mẹ thì mệt rũ ra, nhiều lần như thế sẽ lại càng sợ ăn. Nên “nuông chiều” mình 1 chút, nếu không muốn ăn, sợ ăn mà không đến mức đói xỉu, lả đi thì cũng không cần thiết phải ăn uống gì cả. 1 chút nho khô, mơ gừng, bánh mỳ cũng có thể giảm cảm giác khó chịu cho các bạn đấy! Các tháng tiếp theo của thai kỳngười mẹ mới cần chế độ ăn nhiều dinh dưỡng hơn để đảm bảo sức khỏe cho em bé và cuộc sinh sắp tới gần. Mức tăng tiêu chuẩn trong cả thai kỳ là từ 8 đến12kg. Với chỉ số vàng này bạn không những dễ dàng trở lại vóc dáng sau sinh màcòn có thể hạn chế được hiện tượng rạn da, da trùng, chảy sệ do tăng, giảm cân đột ngột nữa. Với bản thân mình khi mang bầu bé thứ 2 đến khoảng tuần thứ 33, nhau thai vôi hóa mức độ 0, em bé nặng đạt chuẩn mà mẹ đã 60kg nên mình quyết định hạn chế hẳn đồ ngọt, lượng cơm bớt xuống 1/2 và cho đến tận ngày sinh cân nặng của mẹ vẫn giữ nguyên, chỉ có em bé là tăng.
Chế độ ăn của mình trong quá trình mang thai về lượng không khác gì lúc chưa mang thai. Về chất thì có một số điều chỉnh nho nhỏ như ănnhiều thịt, cá, trứng gà, các thức ăn giàu canxi như hải sản, canh cua đồng, sữa tươi, sữa chua, phomat tiệt trùng, rau xanh, các loại quả như: đu đủ chín,quả bơ, táo, đặc biệt là bưởi mình ăn khá nhiều (bưởi giúp nhuận tràng, hạn chếgiữ nước, phù nề nên cả 2 bé ở những tháng cuối của thai kỳ mình đều không bị “xuống máu”), không ăn quá nhiều tinh bột (1 ngày mình ăn 2 bữa có cơm, mỗi bữa chỉ lưng chén) và không uống sữa bầu. Ngoài ra uống đầy đủ các vitamin thiết yếu cho cơ thể mẹ và bé theo sự hướng dẫn của bác sĩ như: Acidforlic, canxi và sắt. Mình thì hay quên nên cũng “bữa đực bữa cái” lắm, nhưng có lẽ do dinh dưỡng trong thức ăn tự nhiên cũng đã đủ nên trộm vía 2 bé nhà mình đều đủ cân, tăng trưởng ổn định và khá cứng cáp, cả 2 bạn đến tháng thứ 2 đều lẫy choanh choách.
Đan Lê và con trai thứ 2
Sau sinh nở không lâu, bà mẹ trẻ đã lấy lại được vóc dáng thon gọn.
B, Sau sinh
Chế độ ăn sau sinh cũng rất quan trọng vì lúc này bào thai không còn trong bụng, dinh dưỡng chỉ hấp thụ vào cơ thể mẹ và đảm bảo chất lượng sữa. Ngay từ ngày đầu tiên cho đến hết tháng đầu sau sinh tuyệt đối không nên ăn kiêng, thậm chí còn cần bồi bổ 1 chút vì lúc này cơ thể đang rất yếu đuối, cần bồi bổ để sức khỏe hồi phục. Sau 1 tháng đầu nếu muốn hoặc thấy thật sự cần thiết mới dần điều chỉnh chế độ ăn, ăn uống các loại thức ăn có lợi cho nguồn sữa mà không khiến mẹ tăng cân quá nhiều, nói không với chân giò hầm (kinh nghiệm thương đau của mình sau 2 tháng sinh bé đầu mình tăng tận 4kg), cung cấp cho cơ thể> 3 lít nữa/ ngày ( nước ấm ). Nếu mẹ nào dùng được nên uống Cao Chè Vằng thay nước lọc hàng ngày vừa nhiều sữa, giảm cân (uống cái này mình thấy đói kinh khủng). 4 tháng sau sinh mới là lúc các mẹ cần chính thức quan tâm đến chế độ ăn uống và vận động để lấy lại vóc dáng, chuẩn bị trở lại với công việc của mình (cái mình hạn chế nhiều nhất là cơm).
2, Chế độ vận động:
A, Trước sinh
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ và bé mà mẹ có thể tìm cách vận động hợp lý. Khi mình mang thai bé thứ nhất cơ thể mình rất khỏe mạnh,đi lại, làm việc, bay lượn ầm ầm, suốt 9 tháng ròng mình không hề có cảm giác phải mang vác một em bé trong bụng, nếu có chỉ đến 2 tuần cuối trước sinh đôi lúc mình mới thấy khó chịu vì thời tiết quá nóng bức. Động tác mình hay thực hiện nhất là vung tay nhẹ nhàng và nằm xoay khớp háng do em bé nằm chèn vào dây chằng gây đau nhức. Với bé thứ 2 cơ thể mình có chút thay đổi nên chế độ vận động cũng phải thay đổi theo. Mình ít đi lại hơn (có thời điểm còn phải nằm yên một chỗ), nhất là máy bay thì phải hạn chế hẳn, nhưng có lẽ vì ít vận động nên cơ thể cũng nhức mỏi nhiều hơn và thấy yếu hơn. May mắn là đến tháng thứ 6 mình tìm ra cách vận động “thụ động” (tức là để các chuyên viên chăm sóc bầu massage cho máu huyết lưu thông, xương khớp đỡ đau nhức) nên càng về cuối thai kỳ mình thấy sức khỏe khá hơn nhiều.
B, Sau sinh:
Mình xếp việc cho con bú vào chế độ vận động vì mình thấy việc cho con bú chả khác nào cho tử cung tập thể dục cả. Không biết các bạn thấy thế nào chứ riêng với mình cảm giác bụng dạ như có ai vo tròn, buộc túm lại mỗi lần cho con bú chính là lúc tử cung co bóp nhiều nhất để trở về trạng thái cũ. Mỡ bụng có thể tiêu tan khi cơ thể cho phép vận động mạnh trở lại, còn dạ con chỉ có thời điểm để co về nhanh nhất và lúc mới sinh và cho con bú thôi.
Giống như chế độ ăn, chế độ vận động sau sinh cũng cần có thời gian mới áp dụng được, đừng sốt ruột với những ngấn mỡ, bạn còn cả quãng đời còn lại để đốt cháy nó. Tuy nhiên sau sinh là giai đoạn lớp mỡ thừa chưa “đông cứng” vì thế đây cũng là lúc dễ dàng rút mỡ đi nếu biết chăm sóc đúng cách. Cá nhân mình cả 2 lần sinh bé xong sau 2 – 3 tuần nghỉ ngơi hoàn toàn đều chăm sóc sau sinh (tùy theo cảm nhận về sức khỏe của bản thân). Có thể nhiều người nghĩ rằng dùng dịch vụ sau sinh thật tốn kém, phí phạm, mình cũng thuộc diện hay tiếc tiếc như bao người phụ nữ có gia đình khác. Nhưng có lần anh chồng nói một câu mà mình đã thay đổi hẳn suy nghĩ đó, anh chồng bảo: “Nếu không có gì thay đổi, em chỉ trải qua giai đoạn này 2 lần trong đời thôi, cố gắng tận hưởng nó đi, đừng tiếc rẻ”. Thế mới thấy phụ nữ mình hay đối xử tệ bạc với bản thân! Vì xét cho cùng, tiết kiệm 1 khoản nho nhỏ để phục vụ sức khỏe như thế cũng chỉ bằng vài lần đi ăn tiệm cuối tuần.
Đừng đặt nặng vấn đề giảm béo, giảm eo vào dịch vụ sau sinh vì mình cho rằng tác dụng lớn nhất của dịch vụ này là giúp cơ thể người phụ nữ sau sinh khỏe mạnh, thư giãn, máu huyết lưu thông và tử cung co hồi nhanh hơn. Tất nhiên vòng 2 có thể giảm nhưng nếu bạn vẫn phải ăn nhiều để cho con bú thì tác dụng này không bền vững. Cơ thể bạn chỉ có thể hồi phục toàn diện sau ít nhất 3-4 tháng sau sinh, khi chế độ ăn cùng chế độ vận động được thực hiện cùng lúc.
Do đặc thù công việc và trở lại đi làm khá sớm nên sau 4 tháng mình bắt đầu tập luyện 1 số động tác cho cơ bụng như sau và thấy khá hiệu quả, các bạn cũng có thể tham khảo nhé. (Mình cũng được biết là những người thường xuyên tập luyện trước khi mang bầu thì cơ thể cũng hồi phục dễ dàng hơn.).
Động tác thứ nhất (cho bụng trên): Nằm thẳng trên giường, hai tay đặt sau gáy, bật ngồi dậy lưng và chân tạo thành góc vuông. Chân giữ nguyên, từ từ ngả lưng xuống, trở lại vị trí ban đầu.
Động tác thứ hai (cho bụng dưới): Nằm thẳng trên giường, hai tay xuôi the cơ thể, nâng hai chân nâng cao lên từ từ, gập hết cỡ xuống rồi trả lại vị trí cũ.
Động tác thứ ba (cho eo): Đứng thẳng, hai chân bằng vai, lắc hông theo hình số 8.
Động tác thứ tư (tập cả ngày): Hóp bụng. Đây là thói quen từ thời còn con gái của mình và không ngờ đó cũng là “mẹo” được các bạn điều dưỡng viên hướng dẫn khi mình không muốn dùng gen vì cả 2 bé mình đều sinh vào mùa hè, thời tiết rất nóng bức. Các bạn hãy cố gắng tập luyện để bụng lúc nào cũng ở trong tình trạng hóp lại, bất kể đang làm việc gì, lâu dần trạng thái này sẽ trở thành thói quen và bạn sẽ hoàn toàn quên mất mình đang phải thực hiện nó. Tác dụng phụ nếu có của động tác này có lẽ là quên thở sâu nên trước khi đi ngủ các bạn cũng cần nhắc nhở mình nằm thẳng, hít thở thật sâu cho nở phổi nhé!
3, Vài “tiểu xảo” giúp đánh lừa thị giác:
Cơ thể tròn trịa, giữ nước sau khi sinh là điều khó thể tránh khỏi nên các bạn cũng có thể áp dụng vài mẹo để giúp mình trông gọn gàng hơn khi đi ra ngoài.
- Trang phục: Váy liền thân là “cứu cánh” cho mình sau khi sinh, ngoài phần bụng cần che giấu thì cánh tay cũng là điểm không nên để lộ. Các bạn nên lựa chọn trang phục vừa phải, đừng chật quá nhưng cũng đừng rộng quá. Trang phục chật sẽ tố cáo vòng eo bánh mỳ, còn quá rộng sẽ khiến bạn thật lôi thôi. Chất liệu cũng vậy, những chất liệu quá mỏng, co giãn sẽ làm lộ ra những ngấn mỡ và chất liệu quá dày, cứng sẽ khiến bạn trông thật cục mịch. Không nhất thiết phải chọn trang phục tối màu, nhưng 1 chút hoa nhí hoặc các mảng phối màu sắc cũng sẽ đánh lừa được cảm giác về một cơ thể đang thừa cân.
- Mình chọn mái tóc dài xóa, uốn xoăn nhẹ, bồng bềnh để trông cân đối hơn với hình thể mập mạp sau sinh.
- Cuối cùng là tinh thần thoải mái, vui vẻ. Bạn vừa thực hiện thiên chức vô cùng thiêng liêng của người phụ nữ và dù bạn có tự cho rằng trông mình đang thật “xấu xí” thì bạn vẫn xứng đáng được trân trọng. Hãy tin rằng sự tròn đầy của người phụ nữ khi mang bầu và sau khi sinh là một vẻ đẹp khác, một vẻ đẹp không nằm ở số đo 3 vòng.
Chúc cho hành trình làm mẹ của chúng ta luôn tuyệt diệu!
Hình ảnh Đan Lê eo thon chỉ 2 tháng sau sinh nở.
Theo ngôi sao
Mẹ bầu có vòng bụng mét rưỡi giảm 30kg trong nửa năm
Nhờ thực hiện nghiêm túc chế độ ăn kiêng và luyện tập thể thao, bà mẹ trẻ người Anh đã lấy lại vóc dáng thon thả sau khi mang bụng bầu có số đo khủng 140 cm.
Suốt 9 tháng mang thai đứa con đầu lòng, Lara Carpenter Beck (29 tuổi) người Anh liên tục phải đối mặt với vấn đề sức khỏe và cân nặng. Có lúc cô cảm giác bụng bầu số đo 140cm như một tảng đá có thể nghiền nát cô khi ngủ.
Lara Carpenter Beck chia sẻ, cô cảm thấy rất hạnh phúc và hoàn toàn khỏe mạnh khi bắt đầu biết mình mang thai cho đến tuần thứ 12. Sau một thời gian tăng cân đều đặn và ăn ngon miệng, mẹ bầu Lara Carpenter Beck thấy mình tăng cân nhanh hơn bình thường.
So với những người phụ nữ khác, số đo vòng bụng của cô tăng chóng mặt. Chỉ khoảng tháng thứ 4, bụng bầu của Lara đã to bằng người mang thai tháng thứ 9. Nếu nằm ngửa khi đi ngủ, cô có cảm giác như bị một tảng đá chèn lên ngực, không thể thở nổi.
8 tháng mang thai, Lara Carpenter Beck tăng tới 42kg, với số đo vòng bụng khổng lồ 140cm. Bác sĩ chuẩn đoán cô mắc chứng tiểu đường trong thời gian mang thai vì vậy em bé chỉ có cân nặng tương đương những đứa trẻ khác. Song Lara vẫn phải mang bụng nặng nề do lượng nước ối quá nhiều. Cô đã phải dùng tới quần áo cỡ 22 (tăng 10 cỡ so với trước).
Trong 9 tháng mang thai, Lara Carpenter Beck tăng 42kg và 10 cỡ quần áo (từ cỡ 12 lên 22).
Tháng cuối thai kì số đo vòng bụng của cô là 140cm.
Sau một năm cô lấy lại thân hình thon thả và bơi trong chiếc quần bầu trước đây.
Nhờ phương pháp giảm cân Slimming World ăn ít chất béo và tập thể thao nhẹ nhàng, Lara thon thả như trước khi sinh con.
Một thời gian sau khi bé gái Savannah đa chao đơi vơi cân năng 4,2kg, bà mẹ trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm vì thân hình ngoại cỡ. Cô gặp bác sĩ và được tư vấn dùng phương pháp giảm cânSlimming World.
Áp dụng phương pháp Slimming World người giảm cân không cần ăn kiêng quá kham khổ hay tập thể thao nặng. Chỉ cần dùng những thực phẩm ít chất béo như trái cây, rau, mì, khoai tây, gạo, thịt nạc, cá, trứng... và ăn với số lượng không giới hạn.
Bên cạnh đó, Lara kết hợp tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng. Chỉ sau nửa năm cô đã giảm tới 30kg và sau một năm, bà mẹ trẻ đã lấy lại được thân hình thon thả với cỡ quần áo số 12.
Lara Carpenter Beck chia sẻ: "Có lúc tôi nghĩ rằng mình mãi mãi phải mặc quần áo ngoại cỡ và không dám sinh con nữa. Nhưng giờ thì khác, tôi hoàn toàn tự tin đón chào một em bé thứ hai và giảm cân lại từ đầu".
Theo 24h
Giảm béo sau sinh nhận ưu đãi lớn! Giảm béo tạo form kiểu Nhật được các mẹ rất ưa chuộng bởi hiệu quả và tính tiết kiệm chi phí. Giảm cân sau sinh là mong muốn của rất nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng béo phì sau khi sinh con, nhiều chị em đã phải áp dụng rất nhiều kiểu ăn kiêng không khoa học...