Dàn lãnh đạo huyện, xã sắp hầu tòa vì chiêu quyết toán khống lấy tiền chúc Tết
Lãnh đạo 4 xã bàn bạc cùng các doanh nghiệp lập hồ sơ khống 13 công trình, giảm một số hạng mục của 5 công trình đang thi công để quyết toán khống lấy tiền gửi cho UBND huyện Chợ Mới.
Đầu tháng 7 này, 23 bị cáo với phần lớn là lãnh đạo xã, huyện Chợ Mới ( tỉnh An Giang) cùng nhiều chủ công ty xây dựng sẽ được Toà án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm. Các bị cáo bị truy tố về tội “ Tham ô tài sản”.
Quyết toán khống để lấy tiền chi chúc Tết
Theo bản cáo trạng, từ năm 2019-2021, UBND huyện Chợ Mới nợ hàng tỷ đồng để chi hoạt động thăm hỏi, chúc Tết. Do đó, ông Ngô Hoàng Hiếu (nguyên Chủ tịch UBND huyện) đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Nguyễn Hồng Viễn, Vũ Minh Thao (Phó chủ tịch huyện) cùng Nguyễn Văn Ven (Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện)… để bàn cách trả nợ.
Tại đây, các vị lãnh đạo này đã “chọn” 4 xã (Hòa Bình, Hòa An, Hội An và Tấn Mỹ) để quyết toán ngân sách, lấy tiền nộp về huyện. Chỉ riêng tại xã Tấn Mỹ, cơ quan điều tra đã xác định hàng loạt sai phạm.
Lăng Thanh Phong (bên trái) – Phó phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chợ Mới và Nguyễn Tuấn Minh – Phó chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện. Ảnh: T.T
Theo đó, đầu năm 2020, Nguyễn Văn Ven liên hệ với Trần Hữu Đức (Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ) truyền đạt ý kiến của Thường trực UBND huyện yêu cầu xã quyết toán tiền gửi lên huyện.
Đức bàn bạc và chỉ đạo Phan Thái Thanh (kế toán xã) làm khống hồ sơ quyết toán 5 công trình, gây thất thoát hơn 550 triệu đồng. Sau khi “chia tiền công” cho chủ cửa hàng vật liệu xây dựng và người làm hồ sơ, Đức và Thanh đã đưa 515 triệu đồng gửi UBND huyện.
Phần lớn số tiền trên được huyện Chợ Mới sử dụng chi chúc Tết Nguyên Đán 2021 (trao quà cho cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, hỗ trợ lại cho 18 xã, thị trấn…).
Đến đầu năm 2021, thực hiện ý kiến của lãnh đạo huyện, Nguyễn Tuấn Minh (Phó chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện) liên hệ 8 chủ tịch xã đến phòng làm việc. Tại đây, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Viễn yêu cầu mỗi xã hỗ trợ huyện 200 triệu đồng…
Sau đó, Nguyễn Thị Bích Liễu (Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ) bàn bạc với kế toán xã là Phan Thái Thanh lập hồ sơ quyết toán khống nhiều công trình trên địa bàn. Bằng cách làm này, Liễu và Thanh đã rút ruột ngân sách hơn 330 triệu đồng. Liễu sau đó mang 200 triệu đồng đến UBND huyện đưa cho Minh.
Khoảng một tháng sau, biết việc làm khống hồ sơ lấy tiền đưa cho huyện bị phát hiện, Liễu liên hệ với Minh lấy lại tiền để thực hiện việc rải đá, bê tông các tuyến đường theo chủ trương ban đầu.
“Nhờ” người kế nhiệm trả nợ
Video đang HOT
Năm 2018, để phục vụ cho việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Chợ Mới giao UBND xã Tấn Mỹ làm chủ đầu tư xây dựng chợ Tấn Lợi với nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi tiến hành thi công thì phát sinh việc mở rộng mái che 2 bên hông chợ, diện tích 416m2. Dù vậy, Huỳnh Cẩm Giang (Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ) vẫn chỉ đạo thi công mà không báo cáo các cơ quan chuyên môn và không có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Đến tháng 6/2019, Huỳnh Cẩm Giang nhận nhiệm vụ mới. Khi chuyển công tác, ông Giang nhờ chủ tịch xã mới là ông Trần Hữu Đức trả nợ phần xây dựng mái che và được Đức đồng ý.
Tháng 10/2020, xã có tờ trình xin cải tạo nâng cấp nền chợ Tấn Lợi. Quá trình khảo sát, Đức bàn bạc với đơn vị giám sát, thi công… đưa vào hồ sơ thiết kế dự toán kinh phí mái che 2 bên hông chợ (đã xây dựng xong) để quyết toán lấy tiền trả nợ. Chính vì vậy, tổng số tiền dự toán sau khi thẩm tra là hơn 1 tỷ đồng.
Sau khi xã gửi hồ sơ thẩm định, huyện điều chỉnh cấp kinh phí xuống còn hơn 950 triệu đồng. Tới tháng 1/2021, Đức nói kế toán xã làm hồ sơ thanh, quyết toán toàn bộ số tiền theo dự toán, qua đó gây thiệt hại gần 500 triệu đồng.
Với thủ đoạn tương tự, lãnh đạo 4 xã nói trên bàn bạc cùng các doanh nghiệp lập hồ sơ khống 13 công trình, giảm thi công một số hạng mục của 5 công trình đang thi công. Thông qua đó, các xã quyết toán khống lấy tiền gửi cho UBND huyện, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 3,5 tỷ đồng. Các bị can sau đó đã nộp khắc phục hơn 3,2 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định Nguyễn Văn Ven có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến 4 xã trên nhưng vào tháng 3/2023, ông Ven đã chết nên không truy cứu trách nhiệm. Tới giữa tháng 4 vừa qua, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ngô Hoàng Hiếu chết do bệnh lý nên cơ quan điều tra đình chỉ vụ án đối với bị can này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thâu tóm gói thầu như thế nào?
Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà.
Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.
"Đặt hàng" lợi nhuận và trúng thầu
Theo kết luận điều tra, năm 2014, Trung tâm CNSH được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án với giai đoạn 1 trị giá 149 tỉ đồng, giai đoạn 2 trị giá khoảng 200 tỉ đồng và giai đoạn 3 trị giá hơn 75 tỉ đồng. Biết Trung tâm Công nghệ sinh học đang triển khai dự án 12 phòng thí nghiệm, cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp cận, làm quen và đề nghị ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH cho Công ty AIC tham gia, tạo điều kiện để doanh nghiệp này trúng thầu, và xây dựng mức giá để AIC hưởng lợi 40% giá trị gói thầu. Đề nghị của bà Nhàn đã được ông Xô đồng ý.
Lập biên bản khám xét tại trụ sở AIC.
Tháng 7/2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh phê duyệt 12 dự án phòng thí nghiệm, gần một năm sau Sở này phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 năm 2015 gồm 4 gói thầu, trị giá gần 150 tỉ đồng. Khi kế hoạch đấu thầu được phê duyệt, Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà đến gặp, thỏa thuận với ông Xô cho AIC xây dựng lại danh mục thiết bị để đảm bảo lợi nhuận cho công ty này 40% giá trị mỗi gói thầu (giá thực tế của thiết bị khoảng 60% giá trị gói thầu).
Do đã thông đồng với bà Nhàn, ông Xô thuê công ty định giá, yêu cầu ra chứng thư định giá các thiết bị cần mua với 169 tỉ đồng, trong khi dự kiến ban đầu là 149 tỉ đồng. Ông Xô giao Nguyễn Đăng Quân (Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học, Chủ tịch Hội đồng khoa học) điều chỉnh, thay đổi các thiết bị dự kiến mua sắm giai đoạn 2 và 3 theo hướng thay thiết bị lạc hậu, bổ sung thiết bị mới.
Để thuận lợi trong việc nhận dự án, bà Nhàn làm quen với bà Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh). Sau đó, bà Nhàn cùng Phó Tổng giám đốc AIC - Trần Mạnh Hà đến phòng làm việc của bà Minh gặp gỡ. Từ tháng 3/2016, khi được giao phụ trách dự án 12 phòng thí nghiệm tại Trung tâm CNSH, bà Minh nhiều lần gặp ông Dương Hoa Xô. Đồng thời, ông Hà cũng nhiều lần đến gặp nhờ bà Minh "tạo điều kiện" cho AIC.
Ngày 22/11/2017, ông Xô ký tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất điều chỉnh danh mục thiết bị và thời gian thực hiện giai đoạn 2 và 3 dự án. Theo đó, giá trị thiết bị toàn dự án tăng từ 425 tỉ đồng lên gần 469 tỉ đồng. Do tác động từ ông Hà và ông Xô nên khi tiếp nhận tờ trình, bà Minh chỉ đạo cấp dưới là ông Thắng và ông Nhi thực hiện, trực tiếp báo cáo bà Minh. Ngày 13/12/2017, bà Minh ký quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư 12 phòng thí nghiệm và giá trang thiết bị tăng gần 44 tỉ đồng, như đề xuất của ông Xô. Hôm sau, ông Xô đề nghị phê duyệt dự toán cũng như điều chỉnh kế hoạch đấu thầu giai đoạn 2 và 3 trong năm 2018-2019.
Trên cơ sở thẩm định của ông Nhi và Thắng, giữa tháng 1/2018, bà Minh ký phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Khi thẩm định dự toán, ông Nhi cho rằng chưa có cơ sở pháp lý xem xét thẩm định dự toán giai đoạn 2 và 3. Ông Nhi và Thắng cùng đề xuất bà Minh họp với đại diện các Sở liên quan để lấy ý kiến, làm rõ tổng dự toán dự án. Tuy nhiên, bà Minh chỉ yêu cầu Trung tâm Công nghệ sinh học sửa tờ trình đề xuất phê duyệt dự toán và yêu cầu ông Nhi, Thắng tiếp tục thẩm định, thay vì hủy quyết định phê duyệt dự toán của Trung tâm sai quy định trước đó. Bà Minh cũng không họp với các sở ngành liên quan để làm rõ cơ sở thay đổi dự toán.
Sau đó, bà Minh ký phê duyệt dự toán giai đoạn 2 và 3 với 12 phòng thí nghiệm, tổng giá trị gần 300 tỉ đồng, theo đề xuất của Trung tâm Công nghệ sinh học. Khai tại Cơ quan điều tra, bà Minh thừa nhận khi điều chỉnh dự án, dự toán "đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định pháp luật". Bà giải thích việc không tổ chức họp với các sở ngành, bởi "sắp nghỉ hưu" và bị ông Hà và Xô tác động. Bà Minh bị cáo buộc đã bỏ qua sai sót, tạo điều kiện cho AIC trúng thầu dự án 12 phòng thí nghiệm, gây thiệt hại 33 tỉ đồng.
Do được tạo điều kiện khi thẩm định điều chỉnh dự án, dự toán, trong gần năm rưỡi (9/2016-1/2018), ông Hà bốn lần đến gửi quà bà Minh tổng 900 triệu đồng. Ngoài ra, ông Dương Hoa Xô hai lần đưa tiền cho bà Minh tổng một tỉ đồng. Bà Minh nhận 1,9 tỉ đồng và đã tiêu dùng cá nhân.
Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa - nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở KH-ĐT TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) thuộc Sở NN-PTNT TP.Hồ Chí Minh. C03 đề nghị truy tố cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) cùng 13 người trong vụ án ở 4 nhóm tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Lập "quân xanh", ngồi không hưởng lợi
Đầu năm 2015, ông Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Công ty Gene Việt, đề nghị bà Nhàn cho tham gia liên danh thực hiện dự án. Bà Nhàn đồng ý với điều kiện Gene Việt thực hiện toàn bộ khâu chuyên môn như mua hàng, bàn giao, lắp đặt, hướng dẫn vận hành, bảo hành, bảo trì... Lợi nhuận AIC vẫn phải đảm bảo như ban đầu.
Cơ quan điều tra xác định AIC đứng đầu liên danh, lo ngoại giao và chi phí. Phần lợi nhuận do Gene Việt đàm phán giảm giá với nhà cung cấp thì công ty này được hưởng. Tuy nhiên, do Gene Việt chưa đủ năng lực nên ông Vũ để Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt tham gia liên danh (Gene Việt có 10% vốn góp của Việt Á). Để tránh khiếu kiện nếu trúng nhiều gói thầu, Phan Quốc Việt chỉ đạo cấp dưới nhờ Công ty Vimedimex đứng tên hộ một gói thầu. Các bị can thỏa thuận liên danh AIC - Việt Á sẽ trúng hai gói thầu giai đoạn 1; Vimedimex trúng một gói.
Theo kết luận điều tra, Phan Quốc Việt còn đề nghị thay đổi một số thiết bị trong danh mục do ông Quân lập. Sau đó, ông Quân chuyển danh mục, dự toán thiết bị đã thay đổi được ông Xô phê duyệt cho phía Việt Á biết để chuẩn bị tham gia đấu thầu. Việc thay đổi thiết bị mà vẫn phải đảm bảo 40% lợi nhuận cho AIC nên dự toán 4 gói thầu cao hơn 20 tỉ đồng so với giá đã duyệt. Để tháo gỡ, ông Xô chỉ đạo cấp dưới thuê tư vấn thẩm định hợp thức giá dự toán.
Hồ sơ mời thầu được xây dựng theo hướng có lợi cho liên danh AIC - Việt Á và Vimedimex, dựa theo năng lực, thế mạnh các công ty này. Quy định về nhân sự trong hồ sơ mời thầu cũng cao hơn mức tối thiểu để hạn chế nhà thầu khác tham gia. Diện hợp đồng tương tự từ công nghệ sinh học/ y dược được mở rộng thành khoa học công nghệ/ y dược để liên danh AIC - Việt Á và Vimedimex đủ điều kiện dự thầu.
Theo cáo buộc, do được ông Xô chỉ đạo, biết rõ hồ sơ mời thầu do Trần Vinh Vũ (Giám đốc Công ty tư vấn Hồng Hà) tạo lập có lợi cho liên danh AIC - Việt Á, nhưng ông Nguyễn Viết Thạch (Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học) và Nguyễn Trần Long (chuyên viên ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình) vẫn thẩm định, thông qua.
Tại Cơ quan điều tra, ông Xô thừa nhận đã thỏa thuận, thông đồng nâng giá, tiết lộ danh mục thiết bị trước khi đấu thầu, thông đồng lập hồ sơ mời thầu tạo điều kiện cho AIC và các công ty AIC chỉ định trúng thầu. Đáp lại, ông Xô được bà Nhàn chỉ đạo nhân viên 6 lần đưa "quà cám ơn" tổng 14,4 tỉ đồng. Ông Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm CNSH, bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ.
Khi Trung tâm Công nghệ sinh học mở thầu, Phan Quốc Việt chỉ đạo nhân viên Việt Á phối hợp với AIC làm hồ sơ dự thầu cho cả liên danh và các công ty "quân xanh". Đến thời điểm đóng thầu, nhân viên AIC nộp hồ sơ dự thầu cho liên danh AIC - Việt Á. Nhiều nhân viên Việt Á nộp hồ sơ dự thầu cho các công ty "quân xanh".
Việt Á cũng hỗ trợ Vimedimex lập hồ sơ kỹ thuật, còn lại công ty này tự chuẩn bị hồ sơ pháp nhân, năng lực, nộp hồ sơ dự thầu. Nhờ chiêu thức này, liên danh AIC - Việt Á trúng hai gói thầu, Vimedimex trúng một gói thầu, đúng như kế hoạch nhóm bị can đã thỏa thuận trước đó.
Sau đó, với các gói thầu liên danh AIC - Việt Á trúng, Việt Á đứng tên ký hợp đồng mua hàng từ nhà cung cấp rồi bán lại cho Gene Việt để bán cho AIC đưa vào dự án. Với gói thầu Vimedimex trúng, Công ty Mopha (do bà Nhàn lập, điều hành) ký hợp đồng với các nhà cung cấp, sau đó bán lại cho Vimedimex để bàn giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học.
Kết quả thực hiện, Trung tâm Công nghệ sinh học thanh toán cho AIC hai gói thầu trị giá hơn 106 tỉ đồng. AIC thanh toán cho Gene Việt gần 89 tỉ đồng nguồn hàng đầu vào. Vimedimex được Trung tâm Công nghệ sinh học thanh toán một gói thầu 53,4 tỉ đồng, trong khi tiền hàng 52,5 tỉ đồng, được hưởng 800 triệu đồng.
Đọc lệnh khám xét trước sự chứng kiến của những người liên quan.
Bằng thủ đoạn tương tự, Công ty AIC của bà Nhàn tiếp tục trúng nhiều gói thầu giai đoạn 2 và 3 thuộc dự án 12 phòng thí nghiệm Trung tâm Công nghệ sinh học. Ông Xô cũng giao Quân nghiên cứu, điều chỉnh danh mục thiết bị giai đoạn 2 và 3 sao cho đảm bảo chất lượng và lợi nhuận dự kiến 40% cho AIC, trước khi trình Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh dự án.
Trong cả ba giai đoạn, AIC và Mopha trúng 6 gói thầu. Các công ty do AIC chỉ định trúng ba gói thầu. Hành vi của các bị can gây thiệt hại gần 95 tỉ đồng và phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với bà Nhàn, bị can này vẫn đang bỏ trốn, song C03 căn cứ lời khai của các bị can và các chứng cứ khác để xác định bà này là chủ mưu, cầm đầu trong việc để nhóm AIC thông thầu, gây thiệt hại hơn 83 tỉ đồng.
Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xử lý hình sự nhưng hiện trốn truy nã. Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND Hà Nội phạt 30 năm tù. Tháng 10/2023, bà Nhàn bị TAND Quảng Ninh tuyên phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, án 10 năm tù, trong sai phạm cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Giải cứu 3 thiếu nữ miền Tây bị lừa bán sang Trung Quốc Khi đến sát biên giới, biết bản thân bị lừa bán, 3 thiếu nữ miền Tây đã tìm cách trốn thoát và may mắn được lực lượng chức năng giải cứu, đưa trở về địa phương. Ngày 28/3, Công an tỉnh Sóc Trăng thông tin, 3 trường hợp trên địa bàn trước khi bị bán sang Trung Quốc may mắn được lực lượng...