Dân khốn khổ sống trong điểm nóng ô nhiễm
Với cách xử lý “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay, thâm niên gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất dọc kênh Tham Lương, quận 12 – TPHCM không chỉ dừng lại ở con số 10!
Sau một thời gian tạm lắng, điểm nóng ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 – TPHCM có dấu hiệu… bùng phát trở lại.
Dưới nhuộm kênh, trên nhuộm trời
Bà Lê Thị Sờ, đại diện chi hội phụ nữ KP4, kể: Khoảng tháng 6, 7, khi nhiều đoàn kiểm tra và xử phạt các cơ sở sản xuất, mức độ ô nhiễm có phần giảm. “Giảm chứ không phải hết!” – bà Sờ nhấn mạnh. Khoảng 2 tuần trở lại đây, khói đen phủ kín trời và bụi than bay đầy nhà dân. Cùng với khói bụi là nước nhuộm đầy màu sắc, bốc khói nghi ngút từ hệ thống thoát nước tràn ngược ra đường và tràn vào nhà dân.
Từ 15-16 giờ, các lò đốt bắt đầu hoạt động, khói đen, khói trắng bay cuồn cuộn phả lên trời, khu dân cư hai bên tuyến đường Nguyễn Văn Quá bị “tẩm” bởi mùi khét và gắt của vỏ hạt điều cháy. Bụi than rơi đầy sổ tay của chúng tôi, phủi đi có cảm giác rít dính của dầu. Người dân cho hay đó chính là loại bụi đặc trưng của vỏ hạt điều, khác hẳn với các loại chất đốt là củi hay mùn cưa.
Khói từ lò đốt vỏ hạt điều của cơ sở sản xuất Trang Kiểm, số 70/6 đường 13, KP4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 – TPHCM. Ảnh: Minh Khang
Thế nhưng ông Trần Trung Hòa, đại diện MTTQ KP5, cho biết các cơ sở chỉ mới hoạt động… lai rai, “Sau khi bị xử phạt, hầu hết các lò đốt đều chuyển về đêm từ 17-18 giờ đến 6-7 giờ hôm sau. Lúc đó, cả khu phố nồng nặc mùi dầu điều.
Ngủ một đêm dậy, nhà cửa đen thui, quét được cả nắm bụi”. Rất nhiều trẻ em trong khu phố mắc bệnh về đường hô hấp được người dân cho là do hít phải khói độc. Theo GS-TS Lê Huy Bá, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, phenol trong vỏ hạt điều là một chất cực độc khi phát tán trong môi trường không khí và môi trường nước.
Chất này có khả năng bào mòn rất lớn nên đồ vật bị khói bụi từ vỏ hạt điều bám vào sẽ nhanh chóng bị hư hỏng, thậm chí nồng độ chỉ một phần chục ngàn đã có thể làm thủng da người. Vì vậy, khói từ vỏ hạt điều cháy có khả năng gây ung thư rất cao. GS Lê Huy Bá cho hay cách đây hơn 10 năm, một kho chứa nhựa vỏ hạt điều ở Bình Chánh rò rỉ nhựa xuống kênh. Khi các công nhân đi nạo vét bùn, gặp phải nước này đã bị lở loét nặng.
Phải chuyển vào KCN
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 12, trên địa bàn phường Đông Hưng Thuận có khoảng 35 cơ sở gây ô nhiễm. Hầu hết là cơ sở ô nhiễm di dời từ các quận nội thành ra và đã tồn tại hơn chục năm, gây bức xúc trong dư luận. Từ tháng 5, khi HĐND TP về giám sát và UBND TP chỉ đạo xử lý triệt để, quận đã thành lập đoàn chuyên trách để giải quyết điểm nóng này. Trong số 17 cơ sở thuộc thẩm quyền xử lý của quận, đã kiểm tra, đình chỉ hoạt động 9 cơ sở, xử phạt hành chính và tạm đình chỉ 5 cơ sở.
Video đang HOT
Trạm biến áp bị che khuất bởi đống củi khổng lồ. Ảnh: Minh Khang
Ba cơ sở còn lại đã có quyết định đình chỉ hoạt động nhưng chưa chấp hành, dự kiến cuối tháng 10 quận sẽ tiến hành cưỡng chế. Riêng 18 cơ sở thuộc thẩm quyền xử lý của TP, có 8 cơ sở đã bị Sở Tài nguyên – Môi trường TP ra quyết định tạm đình chỉ để khắc phục, 10 cơ sở còn lại do Công an TP tham mưu UBND TP hướng xử lý. Đến giữa tháng 9, các cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động đã được tháo niêm phong, cho phép hoạt động trở lại vì đã có những biện pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm.
Theo ông Thắng, về mặt lý thuyết, các cơ sở này đã ký hợp đồng với các viện, trung tâm xử lý môi trường để cải tạo, lắp đặt các hệ thống xử lý khí thải và nước thải nên phải tháo niêm phong cho họ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp để tận thu lợi nhuận, các cơ sở này không vận hành hệ thống xử lý, xả lén ra môi trường, trong khi địa phương không có đủ thiết bị và nhân lực để liên tục giám sát hoạt động của các cơ sở.
Chính vì vậy, biện pháp căn cơ và triệt để nhất là di dời các cơ sở này vào các KCN tập trung. “Hiện chúng tôi đã rà soát và đề xuất lên TP kế hoạch di dời khoảng 40 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó có nhiều cơ sở tại phường Đông Hưng Thuận” – ông Thắng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số cơ sở sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận nhiều hơn con số 35 mà quận đưa ra, bởi chỉ riêng KP4 đã tập trung gần 30 cơ sở nhuộm, giặt tẩy… và số cơ sở sản xuất ngành nghề này trên địa bàn KP5 cũng bằng từng ấy. Hầu hết cơ sở sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận đều có “thâm niên” vi phạm về môi trường và nhiều lần bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt.
Giỡn mặt với “bà hỏa”!
Hầu hết cơ sở sản xuất trong khu vực đều chứa củi bên dưới … các trụ điện, thậm chí trạm biến áp cũng được tận dụng làm “kho” chứa củi. Theo quan sát của chúng tôi, các cơ sở sản xuất tập trung trong các hẻm, xen lẫn trong khu dân cư. Tuy nhiên, đường hẻm ở đây khá nhỏ, vòng vèo và lầy lội. Khi sự cố về cháy nổ xảy ra, việc di tản dân sẽ rất khó khăn và hậu quả khôn lường.
Theo 24h
100% trẻ em nhiễm độc ở làng đúc chì
Nhờ nghề đúc chì từ nhiều đời nay mà cuộc sống người dân thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên trở nên sung túc.
Nhưng, sau nhiều năm lăn lộn, gắn bó với nghề, người dân nơi đây đã và đang phải hứng chịu những hệ lụy từ nghề đúc chì...
Thời điểm hiện tại, lượng chì thành phẩm xuất qua Trung Quốc không còn nhiều như mấy tháng đầu năm, nhưng khi chạy xe dọc đường làng, cho tới các ngõ ngách, đều không khó để bắt gặp những xe ô tô tải đủ kích cỡ chất đầy các thùng ắc quy phế phẩm.
Hỏi ra mới hay, số bình ắc quy thải trên được chở về làng, sau đó đưa tới các hộ gia đình để phá dỡ, trước khi chuyển tới lò nấu chì thành phẩm. Theo các chủ lò nấu chì, hiện mỗi ngày Đông Mai xuất đi không dưới 100 tấn chì thành phẩm. Và để cho ra lò 100 tấn chì này, thì phải có cả trăm tấn ắc quy phế phẩm.
Nhiều người dân biết nhiễm độc chì thì đã quá muộn
Ám ảnh làng nghề
Chỉ tay vào chiếc ô tô đời mới, cùng những vật dụng đắt tiền trong nhà, anh Lê Ngọc Hai ở thôn Đông Mai, người có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề làm chì, cho hay: Không riêng gì hộ gia đình anh, mà đại đa số người dân Đông Mai mở mày, mở mặt, con cái được học hành, đi đây đi đó cũng đều nhờ những bễ, những lò nấu chì. Và để chứng minh, anh Hai dẫn tôi một vòng quanh làng.
Quả thật, tính mặt bằng chung, ít ở đâu người dân lại nhiều xe hơi, nhà lầu như ở Đông Mai. Chỉ ít năm về trước, người người, nhà nhà tham gia làm chì. Nên đi dọc đường làng, đâu đâu cũng thấy lò, bễ nấu chì. Chì được nấu ngay trên đường, ngoài ruộng, trước ngõ, sau nhà... khói chì nhả ngợp trời, bốc mùi nồng nặc.
Tới độ, các thôn lân cận không nấu chì nhưng cũng bị khói chì bên Đông Mai tấn công, làm lúa chết hàng loạt. Nhưng người Đông Mai chẳng bận tâm, vì tiền lãi kiếm được cũng khá, nên hộ gia đình mang đi đền, rồi lại ngày đêm đỏ lò.
Nước ở làng đúc chì bị ô nhiễm nghiêm trọng
Cũng theo anh Hai, thôn có 600 hộ, thì có tới hơn 500 hộ ngược xuôi hết Nam lại Bắc để thu mua ắc quy hỏng về chặt ra lấy chì, rồi nấu luyện thành chì thỏi đem bán. Và vì chưa có công nghệ hiện đại, tất cả các đông đoạn đều làm thủ công, sơ chế qua loa nên môi trường và người dân lãnh đủ.
"Trong làng, khắp các ngõ ngách, đâu đâu cũng ám khói bụi hôi hám. Cá, tôm nuôi trong ao, cũng như nhiều loại gia cầm vật nuôi của người dân bị chết hàng loạt", ông Đinh Văn Gương, trưởng thôn Đông Mai cho biết. Thậm chí, theo lời ông Gương, quá trình sơ chế, axit sunfuric - thứ dung dịch còn lại trong bình ắc quy phế phẩm, bị đổ bừa bãi khắp nơi.
Chưa hết, vỏ nhựa của bình ắc quy cũ cũng được người dân tận dụng làm tường rào trong gia đình, làm kè bờ ao, làm đường đi... "Hãi hùng nhất là khi các hộ dân đem những rổ nan đựng nguyên những thanh chì còn dính axit sunfuric lấy từ bình ắc quy đem xuống ao, sông của làng để rửa, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Và sau đó là một loạt những cái chết có liên quan tới căn bệnh ung thư: nào là ưng thư vòm họng, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày...
Trẻ nhỏ xét nghiệm, hàm lượng chì đều vượt ngưỡng
Trao đổi với PV, Trạm trưởng trạm y tế xã Chỉ Đạo, bà Đặng Thị Lý cho biết: Mới đây Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) công bố kết quả xét nghiệm sàng lọc của 109 trường hợp là trẻ dưới 10 tuổi trong thôn Đông Mai, thì 100% mẫu máu này đều có hàm lượng chì vượt quá giới hạn bình thường từ 2 - 7 lần.
Rác làng nghề ở khắp nơi
Trong số đó có 24 cháu được lấy máu tĩnh mạch tại phòng thí nghiệm của Viện thì 2 cháu có hàm lượng chì trong máu ở mức nguy hiểm (70 mcg/dl), 17 trường hợp ở mức báo động (45 - 70 mcg/dl), 4 trường hợp ở mức cao (25 - 44 mcg/dl) và 1 trường hợp ở mức ranh giới (15 - 19 mcg/dl).
Trong khi đó, chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn 3,47 lần. Hàm lượng chì trong đất bề mặt cao gấp 10 lần, trong bụi cao gấp hơn 11 lần mức cho phép. Còn trong thực phẩm thì hàm lượng chì cũng vượt tiêu chuẩn 4,61 lần. Lý giải về việc 109 trẻ nhỏ bị nhiễm chì vượt mức cho phép. Bà Lý cho rằng: Đây là hệ luỵ do nghề đúc chì từ những đời trước để lại, ảnh hưởng từ nguồn nước, từ không khí...
Gia đình anh chị Lê Ngọc Q. sau khi nhận được kết quả xét nghiệm chì trong máu của con mình vượt 6 lần mức cho phép đã quyết định từ bỏ nghề đúc chì sau hơn 30 năm theo đuổi. " Nhà có 3 đứa con, thì một đứa đầu năm nay đã tới tuổi gả chồng rồi mà cứ ngơ ngơ.
Đi khám thì bác sĩ nói bị động kinh, nhưng cũng không rõ có phải nhiễm độc chì không nữa. Khi đó tôi cứ nghĩ, thôi ông trời không thương, bắt tội thì mình đành chịu. Nhưng tới đứa thứ hai, được đi xét nghiệm hẳn hoi thì mình phải tin thôi. Phải dừng lại thôi để cứu lấy hai đứa khi mọi chuyện chưa muộn", vừa nói, anh Q. vừa đưa tay cố che giấu cặp mắt đỏ hoe.
Được biết, mới tháng trước, hai vợ chồng anh Q. có đưa cháu nhỏ lên Trung tâm Chống độc thuộc BV Bạch Mai để thải độc. Tin vui, nồng độ chì trong máu của cháu nay chỉ còn ở ngưỡng 40,2 mcg/dl thay vì 60,3 mcg/dl như trước.
Trong khi đó, không hề tham gia làm chì, nhưng hai người con đang độ tuổi đến trường của chị Nguyễn Thu T. ở thôn Đông Mai cũng được phát hiện có nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng cho phép gần 7 lần. Theo lời chị T.: Trước khi được phát hiện, hai cháu nhà chị có biểu hiện như da xanh, còi cọc và chậm chạp hơn với lũ trẻ cùng lứa.
Vẫn theo bà trạm trưởng Lý thì, con số 109 cháu nhỏ được xét nghiệm và phát hiện nồng độ chì nhiễm trrong máu cao hơn mức bình thường, chỉ là con số nổi, mọi người có thể nhìn thấy. "Ngoài thôn Đông Mai, các thôn lân cận khác ở xã Chỉ Đạo như Trịnh Xá, Nghĩa Lộ... cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ nghề làm chì. Theo con số thống kê chưa thật sự đầy đủ, các thôn lân cận trên còn có hơn 1.000 trẻ em dưới 10 tuổi chưa được xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra độ nhiễm chì trong máu", bà Lý nói.
Khu công nghiệp không thu hút được các hộ làm nghề
Trong buổi làm việc với PV, ông Trịnh Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo cho hay: Nhận thấy hậu họa từ việc sản xuất chì bằng phương pháp thủ công, nên từ 4 năm trước, chính quyền xã đã yêu cầu các hộ gia đình làm chì ngừng ngay việc sơ chế, đốt lò trong thôn.
Theo đó, các hộ làm chì được di dời và tập trung tại khu công nghiệp rộng tới 21ha, cách khu dân cư 2km. Và ông Hiến khẳng định, hiện tại xã Chỉ Đạo không còn tình trạng làm chì trong khu dân cư, hay ngay tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, chỉ tính riêng ở thôn Đông Mai vẫn còn không dưới 15 hộ vẫn vô tư thu gom, tập kết và chặt phá bình ắc quy cũ tại gia.
Đem điều này thắc mắc với ông Hiến, chúng tôi mới hay: Hiện khu công nghiệp rộng tới 21ha này mới chỉ duy nhất có một hộ gia đình di chuyển tới đây để hành nghề đúc chì. Trong khi đó Hội làng nghề của xã Chỉ Đạo cũng mới dời trụ sở về đây thì cũng chỉ làm được chức năng nấu chì.
Còn việc chặt phá bình ắc quy cũ vẫn làm tại các hộ gia đình. "Chủ thầu không chịu đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường đi, lưới điện, lò nung... thì thử hỏi các hộ làm nghề sao dám vào khu công nghiệp để tiếp tục theo nghề cho được", ông Hiến phân bua nguyên nhân khu công nghiệp không thu hút được các hộ làm chì.
Theo 24h
Tiếng kêu cứu ở "làng ung thư" Chính quyền và người dân xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) hiện rất âu lo trước thực trạng nhiều người tử vong vì bệnh ung thư (BUT). Căn bệnh đang ầm thầm cướp đi mạng sống của người dân vùng quê nghèo khó này trong khi nguyên nhân gây bệnh vẫn là ẩn số... "Làng ung thư" Tân Phong...