Đàn khỉ kết bè vượt Đại Tây Dương cách đây 34 triệu năm
Một loài khỉ cổ đại cách đây 34 triệu năm từng tự kết bè thực vật vượt Đại Tây Dương để di chuyển từ châu Phi tới Nam Mỹ.
4 hóa thạch răng của loài khỉ Ucayalipithecus perdita được tìm thấy ở Peru giúp các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Nam California (USC) khám phá ra chuyện thú vị này.
Theo nhóm nghiên cứu, vào khoảng 34 triệu năm trước, các lục địa chưa xích lại như hiện nay nên hải trình mà đàn khỉ vượt qua rơi vào khoảng 1.450km.
Để hoàn thành quãng đường này, những con khỉ thả các thảm thực vật trôi nổi trên biển để tạo thành bè. Những chiếc bè này đồng thời là nơi các loại cây ăn quả phát triển, cung cấp thức ăn cho khỉ trong suốt hành trình.
Các hóa thạch răng khỉ được tìm thấy ở Peru. (Ảnh: SWNS)
Theo Daily Mail, 2 trong số 4 hóa thạch răng được tìm thấy ở Peru vào năm 2015 và bắt đầu được Giáo sư Erik Seiffert tới từ Đại học Nam California nghiên cứu từ năm 2016.
Một cuộc thám hiểm tới địa điểm phát hiện 2 hóa thạch trên vào năm 2016 giúp khai quật thêm 2 chiếc răng khác ở gần sông Yurúa.
Những chiếc răng này to hơn so với răng của khỉ Tân Thế giới, loài khỉ từng vượt Đại Tây Dương khoảng 40 triệu năm trước.
Các phân tích sau đó cho thấy những chiếc răng hóa thạch ở Peru thuộc về một nhóm linh trưởng ở châu Phi chứ không phải Nam Mỹ.
“Đây là một khám phá độc đáo. Nó cho thấy ngoài những con khỉ tân Thế giới và một nhóm động vật gặm nhấm được gọi là caviomor, còn có loại động vật có vú thứ ba bằng cách nào đó đã thực hiện hành trình xuyên Đại Tây Dương rất khó khăn này để đi từ Châu Phi đến Nam Mỹ”, Giáo sư Seiffert cho hay.
Các nhà nghiên cứu tin rằng hành trình di cư này xảy ra cách đây 34 triệu năm khi thế giới chuyển từ Thế Eocen (56 đến 33,9 triệu năm trước) sang thời kỳ Oligocene (33,9 triệu đến 23 triệu năm trước).
Khỉ tiền sử từng dùng bè để vượt Đại Tây Dương
Cách đây 35 triệu năm, một loài khỉ tiền sử đã vượt quãng đường gần 1.500 km qua Đại Tây Dương để đi từ châu Phi đến Nam Mỹ, theo một hóa thạch mới được phát hiện ở Peru.
Theo CNN, các nhà khoa học cho rằng loại khỉ tiền sử Ucayalipithecus từng vượt quãng đường gần 1.500 km qua Đại Tây Dương bằng một chiếc bè lớn từ các đám cây bị mắc vào nhau trong một trận bão.
"Đó là điều rất khó khăn, mặc dù kích thước nhỏ bé của loại này sẽ là một lợi thế lớn so với những loài động vật có vú to hơn, vì chúng cần ít thức ăn và và nước uống hơn", ông Erik Seiffert, giáo sư khoa học giải phẫu tích hợp lâm sàng tại Trường Y khoa Keck của Đại học Nam California (USC). Nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp vừa được đăng trên tạp chí khoa học Science.
Chỉ có 2 loại động vật có vú khác từng vượt biển thành công qua Đại Tây Dương, mặc dù việc chúng đến Nam Mỹ bằng cách nào vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Các nhà khoa học cho rằng 2 lục địa Nam Mỹ và châu Phi ở gần nhau hơn trong thời tiền sử so với bây giờ.
Một trong hai loại này được gọi là Khỉ Thế giới Mới (New World Monkey) bao gồm 5 nhánh khỉ mũi tẹt được phát hiện ở Trung Mỹ ngày nay. Loại còn lại là một loài gặm nhấm, tổ tiên của loài chuột lang nước.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy hóa thạch của loài khỉ Ucayalipithecus tại khu vực bờ sông Yurua trong rừng Amazon của Peru. Tên đầy đủ của chúng là Ucayalipithecus perdita của chúng bắt nguồn từ Ucayali - khu vực mà răng của chúng được phát hiện trong rừng Amaron, và từ "pithikos" trong tiếng Hy Lạp nghĩa là khỉ, còn perdita là tiếng Latin, có nghĩa là "bị thất lạc".
Các nhà khoa học khai quật mẫu hóa thạch của loại khỉ tiền sử trên bờ sông Yurua trong rừng Amazon. Ảnh: Erik Seiffert.
Chúng khá nhỏ, chỉ nặng khoảng 350 gram - tương tự như một số loại khỉ đuôi sóc đang sống ở Nam Mỹ ngày nay.
Ông Seiffert cho biết hàm răng hóa thạch của loài khỉ này rất giống với một nhánh linh trưởng châu Phi đã tuyệt chủng có tên là Parapithecidae, từng sống ở nơi hiện nay là Ai Cập, Libya và Tanzania cách đây 23-56 triệu năm.
"Nếu như Ucayalipithecus giống như người họ hàng Parapithecidae của nó, thì chúng sẽ sống trên cây và di chuyển rất nhanh nhẹn", ông Seiffert nhận định.
Ông Seiffert ban đầu hoài nghi rằng động vật có thể đi bè qua một đại dương nhưng sau khi nhìn thấy hình ảnh về một đám cây và thực vật bị mắc kẹt lại với nhau, trôi qua kênh đào Panama sau một cơn bão thì ông đã bị thuyết phục bởi giả thiết này.
Ông cho biết một chiếc bè tự nhiên với kích thước lớn như vậy có thể giúp các cây thẳng đứng trên đó sinh trái, và qua đó cung cấp thức ăn cho loài khỉ Ucayalipithecus.
Hương Hảo
Phát hiện về người sống sót cuối cùng trên con tàu nô lệ Clotilda huyền thoại của Mỹ Matilda McCrear mới chỉ hai tuổi khi bị những kẻ buôn bán nô lệ ở Tây Phi bắt và đưa đến Mỹ trên chiếc Clotilda, con tàu nô lệ cuối cùng được biết đến. Bà Matilda McCrear, người nô lệ cuối cùng sống sót trên chuyến tàu Clotilda Theo tờ Fox News, sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia đã xác định...