Dân Huế dựng lán trại chống cát tặc trên sông
Thấy cát tặc lộng hành, người dân dựng lán trại bên sông để canh gác và xua đuổi thuyền bè hoạt động trái phép.
Thời gian qua, nhiều người dân thôn Hạ, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã dựng lán trại và mua ghe máy để bên bờ sông để chống cát tặc. Họ lập thành tổ tự quản và cắt cử nhau canh gác, thấy thuyền hút cát nào hoạt động ở khu vực cấm và ngoài khung giờ quy định thì chạy ghe máy ra xua đuổi hoặc báo lực lượng chức năng bắt giữ.
Người dân thôn Hạ dựng lán trại canh cát tặc. Ảnh: Võ Thạnh.
Anh Lê Văn Tân (45 tuổi, trú ở thôn Hạ ) – một thành viên tổ tự quản, cho hay trong nhiều năm qua, cát tặc hoạt động cả ngày lẫn đêm trên sông Tả Trạch đã khiến hàng trăm mét khối đất canh tác của người dân thôn Hạ sạt lở xuống lòng sông; hiện tình trạng sạt lở ở địa phương chưa dừng lại.
“Thấy đất đai của làng mất dần, mọi người trong thôn bàn nhau phải có cách nào đó ngăn cát tặc. Ban đầu, chúng tôi treo võng bên sông để canh nhưng thấy cuộc chiến với cát tặc còn lâu dài nên mọi người bỏ công chặt tre nứa làm lán trại”, anh Tân nói.
Nhiều đoạn thôn Hạ bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Võ Thạnh.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Trước (53 tuổi, Trưởng thôn Hạ) cho biết, tổ tự quản hình thành cách đây gần một tháng với 10 thành viên. Không dừng lại ở hoạt động tự phát, tổ đã kết hợp với Công an xã tổ chức canh gác trên sông theo từng ca; mỗi ca trực một ngày đêm gồm 3 người.
“Từ lúc có tổ tự quản, tình trạng khai thác cát trái phép tại sông Tả Trạch đoạn qua thôn Hạ giảm hẳn. Gần một tháng qua, tổ tự quản và lực lượng chức năng đã bắt quả tang năm tàu thuyền khai thác cát lậu”, ông Trước thông tin.
Theo ông Lê Văn Tuấn – Trưởng Công an xã Dương Hòa cho biết, từ mô hình của thôn Hạ, chính quyền địa phương sẽ thành lập tổ tự quản tại thôn Buồng Tằm để ngăn chặn cát tặc.
Võ Thạnh
Theo VNE
Cựu binh hơn 30 năm bám trụ chiến trường tìm hài cốt đồng đội
Mang theo balô và chiếc xẻng, ông Lâm ở Huế trở lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt đồng đội hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngày đầu tháng 7, trong ngôi nhà khang trang mới xây dựng ở tổ 10, phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), ông Võ Văn Lâm lại hồi tưởng về những ngày đi tìm mộ liệt sĩ khi có khách hỏi thăm.
Năm 1962, ông Lâm thoát ly, tham gia vào lực lượng vũ trang Hương Thủy, chiến đấu chống Mỹ tại Bình Trị Thiên. Trong trận đánh Mậu Thân 1968, ông đã chôn cất một đồng đội hy sinh ở bụi tre xã Thủy Vân. Sau này, ông cùng gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ, đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Ông Võ Văn Lâm cùng thị đội Hương Thủy trên đường tìm hài cốt liệt sĩ ở khe 57. Ảnh: Thị đội Hương Thủy.
Chứng kiến cảnh người nhà rưng rưng xúc động khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ, ông Lâm lại nghĩ về đồng đội cùng chiến đấu với mình đang nằm đâu đó ở vùng rừng núi chiến khu Dương Hòa (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy). Về hưu năm 1981, với balô cùng chiếc xẻng, người Đại đội trưởng lực lượng vũ trang Hương Thủy năm xưa trở lại chiến trường để tìm hài cốt liệt sĩ.
Chiến trường xưa đã thay đổi, những vị trí đánh dấu địa điểm chôn cất liệt sĩ không còn nữa, thay thế là cánh đồng, vườn tược, công trình xây dựng. Ông Lâm cố gắng kết nối các đồng đội còn sống, đơn vị bộ đội, xác minh địa điểm chôn cất và đến nay tìm được hơn 50 bộ hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa trang an táng.
Năm 1994, ông ở lại hẳn chiến khu xưa, vừa khai khẩn đất đai làm kinh tế, vừa tìm kiếm hài cốt đồng đội.
Trong hàng trăm chuyến đi, ông Lâm nhớ mãi chuyến tìm đồng đội tên Kim hy sinh năm 1962 ở vùng rừng núi huyện Nam Đông, được ông chôn cất dưới gốc cây rừng. Năm 1983, người nhà anh Kim đến nhờ ông tìm kiếm hài cốt. Mang theo xẻng, balô, ông quay trở lại chiến trường xưa.
Cứ nghĩ trực tiếp chôn cất thì sẽ tìm ra sớm, nhưng thời gian đã làm thay đổi địa hình, ông rất khó xác định vị trí nấm mồ. Hơn một tháng đào bới nhiều địa điểm trong rừng, ông mới tìm thấy hài cốt đồng đội dưới gốc cây khô để đưa về nghĩa trang thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông) an táng.
Ông Lâm vẫn day dứt khi chưa tìm ra trạm xá Nam nơi có nhiều đồng đội chôn cất. Ảnh: Võ Thạnh.
Cựu binh 74 tuổi với mái tóc gần bạc trắng bảo vẫn day dứt khi chưa tìm được trạm xá Nam, nơi ông dưỡng thương năm 1964. Là nơi điều trị cho các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang 3 huyện phía Nam là Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, quanh trạm xá Nam có rất nhiều liệt sĩ được chôn cất.
"Ngày ấy, người lính nào hy sinh cũng được cuốn lại bằng tấm nylon, sau đó chôn tại gốc cây để sau này có thể nhận biết. Nếu sức khỏe cho phép, tôi muốn tìm ra trạm xá Nam. Hy vọng những chuyến đi sau tôi sẽ tìm được", ông Lâm chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Quang Cư, Chỉ huy trưởng Thị đội Hương Thủy cho biết, nhiều năm qua đơn vị đã phối hợp ông Lâm đi khảo sát các vùng đóng quân trước đây tại chiến khu Dương Hòa. Nhờ có ông, thị đội đã quy tập nhiều mộ liệt sĩ đưa về nghĩa trang thị xã an táng trong sự vui mừng của gia đình thân nhân.
"Gần đây nhất dịp 30/4 vừa qua, bác Lâm cùng đơn vị tìm và quy tập được 2 hài cốt liệt sĩ ở khe 57 xã Dương Hòa. Mặc dù tuổi cao, nhưng khi chúng tôi đề nghị, bác lại mang dép rọ cùng anh em lên đường", thượng tá Cư kể.
Võ Thạnh
Theo VNE
Con sông lớn nhất Khánh Hòa "hấp hối" vì sạt lở nghiêm trọng Người dân cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sông Cái - con sông lớn nhất Khánh Hòa - bị sạt lở nghiêm trọng là do nạn hút cát chui vào ban đêm. Tình trạng sạt lở khiến con sông đang "hấp hối", đe dọa đến cuộc sống hàng nghìn người dân ven sông Theo ghi nhận của PV Dân trí vào...