Dân đóng tiền cho “quan” nuôi… bồ nhí!
Nghĩ đến việc phải còng lưng chắt bóp đóng thuế cho “quan” nuôi bồ nhi đã xót xa, uất ức lắm rồi. Nếu như lại phải nghe những lời tuyên án “thân nhân tốt, chưa có tiền án, tiền sự…” với mức án “nhẹ hều” thì càng xót xa, đau đớn!
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Sáng 14/10, cơ quan cảnh sát điều tra đã chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị can trong vụ án tham nhũng trong việc mua ụ nổi 83M tại Vinalines.
Theo đó, Dương Chí Dũng và đồng bọn cố ý làm trái trong đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước gần 400 tỷ đồng. Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD. Cơ quan điều tra phát hiện Dương Chí Dũng đã sử dụng số tiền tham ô để mua cho bồ nhí 2 căn hộ chung cư.
Cụ thể, theo báo Thanh niên ngày 16/10, bài “Ăn 1 phá 10″, để biển thủ số tiền ấy, chúng đã mua một “đống sắt vụn” với giá 37 tỉ đồng, chỉ sau một hồi “nhào nặn” khối sắt vụn này được thổi giá lên thành 9 triệu USD (theo tỷ giá năm 2008 tương đương 144 tỉ đồng):
“Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo Vinalines đã móc nối với cơ quan đăng kiểm, hải quan “vẽ” cục sắt này thành một con tàu để đủ điều kiện hoạt động hàng hải, đủ điều kiện thông quan. Báo cáo của Vinalines cho thấy chỉ tính riêng việc vận chuyển chiếc ụ nổi này theo đường biển về VN đã lên tới hơn 73 tỉ đồng, tính đến tháng 5.2012, tổng chi phí cho chiếc ụ nổi này lên tới 525 tỉ đồng…
Trong phi vụ nói trên, lãnh đạo Vinalines “chỉ” được chia người nhiều nhất 10 tỉ đồng, người ít 340 triệu đồng nhưng con số thiệt hại họ gây ra đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Điều cay đắng hơn để ăn được những khoản tiền này, lãnh đạo Vinalines phải chấp nhận lại quả cho người nước ngoài. Theo kết luận điều tra, trong khoản chênh lệch 9 triệu USD mua ụ nổi với thực giá 2,3 triệu USD, lãnh đạo Vinalines đã phải “biếu” không do các doanh nghiệp nước ngoài hàng triệu USD”.
Video đang HOT
Đọc những dòng tin trên không khỏi bất bình và uất ức bởi sự nhẫn tâm, sa đọa của bọn quan chức tham nhũng.
Bất bình hơn bởi lúc này đây, kinh tế đất nước đang cực kỳ khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp thua lỗ, phá sản vì thiếu vốn, hàng chục vạn công nhân không có việc làm đang phải ngày đêm bươn chải kiếm từng đồng, từng cắc để nuôi gia đình và góp vào ngân sách nhà nước….
Uất ức bởi trước áp lực về ngân sách, Bộ Tài chính vừa phải đề xuất giảm 100.000 đồng lương tối thiểu trong số tiền còm cõi của công chức bởi không thể cân đối thu chi.
Nhẫn tâm bởi để có được hơn 30 tỉ đồng (1,6 triệu USD), Dương Chí Dũng và đồng bọn đã cấu kết với nhau ăn cắp số tiền gần 400 tỉ đồng tiền thuế của dân, trong đó có hàng triệu USD được bọn chúng “lại quả” cho người nước ngoài.
Không chỉ bất bình, uất ức thậm chí là cảm giác nhục nhã bởi số tiền đó được ông Dũng dùng để mua nhà cho bồ nhí ở các chung cư đẹp nhất Hà Nội. Nói trắng ra, dân chúng ta đã phải còng lưng chắt bóp để ông ta đem tiền đi nuôi gái, mua nhà cho gái.
Thế nhưng càng thất vọng hơn, nếu như rồi đây, cái án ông Dũng chịu rất nhẹ so với những gì mà ông Dũng gây ra. Lý do có thể lại vẫn là những lập luận quen thuộc như thân nhân tốt, chưa phạm tội bao giờ…
Có thể sẽ có ý kiến cho rằng không nên “Cầm đèn chạy trước ô tô” nhưng còn nhớ vụ ông Phạm Thanh Bình Vinashin, số tiền lên tới 500 tỉ đồng song cũng chỉ có án 20 năm tù, thì không biết án của ông Dũng sẽ như thế nào?
Nghĩ đến việc phải còng lưng chắt bóp đóng thuế cho “quan” nuôi bồ nhi đã xót xa, uất ức lắm rồi. Nếu như lại phải nghe những lời tuyên án kiểu: Thân nhân tốt, chưa phạm tội bao giờ… với mức án “nhẹ hều” thì không chỉ bất bình, uất ức mà còn xót xa, đau đớn và thất vọng!
Theo Dân trí
Dương Chí Dũng "kéo theo" các đồng phạm và em trai "trượt dốc"
Liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT TCty Hàng hải Việt Nam - Vinalines), đã có nhiều người vướng vòng lao lý. Trong đó có cả em trai của Dũng là Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) vì đã tổ chức cho Dũng trốn đi nước ngoài.
Truy tố Dũng và 9 đồng phạm tham ô 1,66 triệu USD
Mới đây, Bộ Công an vừa chính thức ra thông báo Cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến VKSNDTC đề nghị truy tố bị can Dương Chí Dũng cùng 9 bị can cùng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Theo kết luận điều tra, dù chưa được Thủ tướng phê duyệt, ngày 27/6/2007 ông Dũng (Chủ tịch HĐQT Vinalines thời điểm đó) đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi. Riêng việc mua ụ tàu, lai dắt về Việt Nam nâng mức đầu tư từ 14,1 triệu USD lên 19,5 triệu USD, trong đó giá mua ụ là 9 triệu USD.
Theo CQĐT, ụ nổi hiện nay là đống thép gỉ, không sử dụng được vào việc gì, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Căn cứ quy định pháp luật, CQĐT kết luận hành vi làm trái của các bị can đã gây thiệt hại cho tài sản nhà nước số tiền hơn 335,4 tỉ đồng.
Về hành vi tham ô tài sản, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,66 triệu USD. Cụ thể, ông Dũng ký Quyết định số 186/QĐ-HĐQT phê duyệt, trong đó chấp thuận giá mua ụ nổi là 9 triệu USD để ông Mai Văn Phúc đại diện Vinalines ký Hợp đồng số 01-07/VNL-AP mua ụ nổi giá 9 triệu USD.
Sau khi nhận tiền, Công ty AP (công ty môi giới mua ụ) đã chuyển lại số tiền 1,66 triệu USD từ số tiền 9 triệu USD trên. Ông Dũng và ông Phúc mỗi người hưởng 10 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều hưởng 340 triệu đồng, Trần Thị Hải Hà 2 tỉ đồng (do không biết nguồn gốc tiền, đã nộp lại nên bà Hà không phải là đồng phạm với các bị can trong hành vi tham ô), Trần Hải Sơn hưởng hơn 5,8 tỉ đồng.
Truy tố em trai và 6 đồng phạm tổ chức cho Dũng bỏ trốn
Cơ quan An ninh điều tra cũng đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSNDTC đề nghị truy tố 7 bị can vì có hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài sau khi có lệnh bắt giam. 7 bị can bị đề nghị truy tố gồm: Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó phòng PC45, Công an Hải Phòng), Hoàng Văn Thắng (nguyên Đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (Phòng PC45, Công an Hải Phòng), Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn - một đối tượng giang hồ cộm cán), Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng), Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Đội chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng).
Cơ quan điều tra xác định sau khi biết tin anh trai bị khởi tố và có lệnh bắt giam, Trọng đã liên hệ với những cán bộ dưới quyền như Sơn, Thắng và tìm gặp Phong, Văn Dũng để bàn cách đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài. Sau khi bàn bạc, các đối tượng đã thống nhất giao cho Tuấn sử dụng xe ô tô từ Hải Phòng lên Hà Nội để đón Dương Chí Dũng chạy trốn.
Sau khi đưa anh về Hải Phòng, Trọng đã chỉ đạo đàn em đưa Dũng về Quảng Ninh để trốn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành nên Trọng cũng đã bàn bạc với Phong, Văn Dũng, Sơn đưa Dũng vào TP.HCM.
Sau khi đưa được Dũng vào TP.HCM, Dũng đã được Nguyễn Hồng Vĩnh dùng ô tô con chở lên cửa khẩu Tây Ninh để trốn sang Campuchia. Trong vụ án này, Đồng Xuân Phong là người đã che giấu, chịu trách nhiệm làm giả giấy tờ cho Dương Chí Dũng. Riêng ông Trọng còn đang bị khởi tố, điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" về hành vi làm giả CMND để khai sinh cho con ngoài giá thú.
Theo Pháp luật Việt Nam
Kỳ án "ụ nổi" của Dương Chí Dũng: Con voi chui lọt... cửa hải quan Trong kỳ án "ụ nổi sắt vụn" của Dương Chí Dũng và đồng bọn gây thiệt hại gần 370 tỷ đồng cho nhà nước, nếu không có sự tiếp tay của những cán bộ hải quan tại cảng Vân Phong (Khánh Hòa) thì chắc chắn sẽ không có chuyện "con voi chui lọt lỗ kim". Trong số 10 bị can bị Cơ quan...