Dân đảo Síp xếp hàng dài rút tiền ngân hàng
Sau 2 tuần đóng cửa để ngăn chặn làn sóng rút tiền, các ngân hàng đảo Síp đã mở cửa trở lại. Rất đông khách hàng đã chờ từ sớm để được rút tiền nhưng đều xếp hàng khá trật tự. Nhiều quy định về hạn chế rút tiền đã được chính quyền áp dụng.
Theo hãng tin BBC, ngay từ trong đêm chi nhánh của các ngân hàng đã được tiếp rất nhiều tiền mặt để sẵn sàng cho giờ mở cửa trong khi lực lượng an ninh và cảnh sát được huy động để đề phòng sự hỗn loạn. Một số người đến từ sớm để xếp hàng nhưng tâm lý chung tương đối bình tĩnh.
Người Síp sốt sắng rút tiền sau 2 tuần ngân hàng đóng cửa
Đến 10 giờ (giờ GMT) các ngân hàng bắt đầu mở cửa và đón khách tới 16 giờ (GMT). Tại một số chi nhánh, giờ mở cửa trễ hơn thông báo ban đầu khiến một số khách tỏ ra căng thẳng. Bên ngoài các chi nhánh của Laiki bank, ngân hàng sắp bị giải thể, lượng người tập trung đông hơn các ngân hàng khác.
Hầu hết khách hàng tới đây đều muốn rút hết hạn mức giao dịch tối đa được phép trong ngày là 300 euro. Trong đó có những người muốn rút hết số tiền mình có trong tài khoản nếu có thể. Tuy nhiên cũng có những người không muốn phải xếp hàng nhiều giờ chỉ vì số tiền nhỏ. “Sẽ có nhiều người xếp hàng nên tôi sẽ không mất hàng giờ đợi ở đó chỉ để rút 300 euro”, Roula Spyrou, chủ một cửa hàng trang sức cho biết.
Để ngăn ngừa tình trạng rút tiền hàng loạt, đã có nhiều quy định mới được Ngân hàng trung ương Síp đề ra. Ngoài giới hạn về rút tiền mặt, các khách hàng cũng sẽ không được đổi séc lấy tiền mặt. Các giao dịch thanh toán hoặc chuyển tiền ra ngoài đảo Síp thông qua thẻ tín dụng được cho phép ở mức tối đa 5.000 euro/người/tháng.
Trong khi đó các giao dịch từ 5.000 – 200.000 euro sẽ phải được sự xem xét và chấp thuận của một ủy ban đặc biệt. Những giao dịch lớn hơn 200.000 euro phải có đơn đề nghị và được phê chuẩn từng lần. Các khách du lịch khi rời đảo Síp chỉ được phép mang theo tối đa 1.000 euro. Ngoài ra các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn cố định cũng không được rút trước hạn.
Nhiều nhà kinh tế dự báo các biện pháp này sẽ còn được duy trì trong vòng vài tháng. Mặc dù các biện pháp kiểm soát này đã vi phạm một nguyên tắc của EU, trong đó khẳng định vốn cũng như con người và hàng hóa cần phải được tự do luân chuyển bên trong khu vực EU, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định biện pháp trên là cần thiết.
Video đang HOT
Lí do được EC đưa ra đó là “sự ổn định của các thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng tại Síp tạo thành một vấn đề vượt trên lợi ích của công chúng”. Nhưng EC cũng khẳng định “sự tự do lưu thông vốn cần phải được khôi phục sớm nhất có thể”.
Một số người đến chờ trước ngân hàng nhiều giờ đồng hồ
Phó chủ tịch của Liên đoàn các chủ sử dụng lao động của Síp, Demetria Karatoki khẳng định với hãng tin BBC rằng ông tin đảo quốc này sẽ vượt qua khó khăn. “Mặc dù sẽ có những khó khăn, cuối cùng chúng tôi có thể xây dựng lại nền kinh tế một cách an toàn hơn”.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến ngược lại. “Không ai thực sự tin các chính trị gia. Vậy nên tại sao chúng ta lại tin rằng các biện pháp kiểm soát này sẽ chỉ kéo dài một vài tuần và mọi người sẽ được nhận lại cổ phiếu và tiền?”, Costa Thomas, một doanh nhân người Síp gốc Anh quốc hoài nghi.
Đến nay Síp là quốc gia eurozone đầu tiên phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Thông tin từ Ngân hàng trung ương Síp ngày 28/3 cho biết trong tháng 2, những người gửi tiền người nước ngoài đã rút 18% số tiền mặt của họ từ các ngân hàng của đảo này trước khi khủng hoảng nổ ra.
Hãng tin AP dẫn số liệu của Ngân hàng trung ương châu Âu cho biết, lượng tiền gửi tại các ngân hàng của Síp đã sụt 2,2% trong tháng trước, xuống mức 46,359 tỷ euro, thấp nhất kể từ tháng 5/2010. Vào tháng 5/2012, lượng tiền gửi tại đảo quốc này từng đạt mức đỉnh 50,5 tỷ euro. Con số trên chưa kể lượng tiền gửi từ các ngân hàng khác cũng như ngân hàng trung ương.
Theo Dantri
Síp: Đóng cửa NH, đóng băng tiền gửi
Chính quyền đảo Síp vừa chấp nhận đóng cửa ngân hàng lớn thứ hai của nước này và đóng băng những khoản tiền gửi giá trị lớn, gồm cả của các ông trùm người Nga, để đổi lấy khoản vay cứu trợ trị giá 10 tỷ USD.
Thỏa thuận đạt được chỉ vài giờ trước hạn chót để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng sau những cuộc thương lượng giữa Tổng thống Nicos Anastasiades và các lãnh đạo của Liên minh châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế.
Nhanh chóng được các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro chấp nhận, bản kế hoạch được cho là sẽ cứu quốc đảo Địa Trung Hải khỏi nguy cơ khủng hoảng tài chính bằng cách đóng cửa ngân hàng Popular Bank of Cyprus, thường được gọi là Laiki, và chuyển các khoản tiền gửi có giá trị dưới 100.000 euros sang Ngân hàng đảo Síp để tạo thành "ngân hàng tốt".
Những khoản tiền gửi có giá trị trên 100.000 euro ở cả 2 ngân hàng - không được pháp luật của EU bảo lãnh - sẽ bị đóng băng và sử dụng để giải quyết các khoản nợ của Laiki và tái cơ cấu vốn Ngân hàng đảo Síp thông qua hoạt động chuyển đổi tiền gửi/vốn chủ sở hữu.
Ước tính những khoản tiền gửi không được bảo hiểm bị đóng băng lần này lên tới 4,2 tỷ euro.
Tổng thống đảo Síp Nicos Anastasiades sau phiên thương lượng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hervan Van Rompuy và các quan chức châu Âu khác hôm 25/3. (Nguồn: Reuters)
Laiki sẽ bị đóng cửa, nghĩa là hàng ngàn người sẽ bị mất việc. Các quan chức nói rằng những người nắm giữ nhiều cổ phiếu trong Laiki sẽ bị xóa bỏ, và những cổ đông của Ngân hàng Đảo Síp cũng sẽ phải đóng góp.
Một phát ngôn viên của EU nói rằng sẽ không đánh thuế vào tất cả các khoản gửi trong các ngân hàng ở đảo Síp, nhưng tác động của việc đóng băng tài khoản của những chủ tiền gửi lớn có thể gây ra tác động lớn hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, nỗ lực đánh thuế tất cả các khoản tiền gửi thất bại vì bị nghị viện Síp bác bỏ.
Bộ trưởng tài chính Pháp Wolfgang Schaeuble nói rằng các nhà làm luật sẽ không cần bỏ phiếu đối với kế hoạch mới, vì họ đã có luật quy định giải tán ngân hàng.
"Điều này khá cay đắng đối với Síp nhưng giờ đây chúng ta được chính quyền Đức luôn luôn ủng hộ", ông Schaeuble nói.
Một quan chức cấp cao nói rằng Tổng thống Anastasiades dọa sẽ từ chức hôm 24/3 nếu bị ép quá mức. Ông Anastasiades đã rời trụ sở của EU mà không đưa ra bình luận nào.
Nhà lãnh đạo theo đường lối bảo thủ Anastasiades - mới lãnh đạo đất nước được 1 tháng nhưng đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Síp từ năm 1974 đến nay - bị ép phải nhường bước khi nỗ lực bảo vệ những chủ tiền gửi lớn.
Các nhà ngoại giao nói rằng Tổng thống rất quyết liệt bảo vệ mô hình kinh tế của đất nước như một trung tâm tài chính riêng biệt, thu hút những khoản tiền gửi lớn từ nhiều người Nga và người Anh giàu có, nhưng cuối cùng cũng phải nhượng bộ.
EU và IMF yêu cầu Síp huy động 5,8 tỷ euro từ hệ thống ngân hàng để tự cứu trợ tài chính nhằm đổi lấy khoản vay 10 tỷ euro từ nguồn quốc tế. Giám đốc quỹ cứu trợ của EU nói rằng Síp sẽ nhận được khoản vay cứu trợ đầu tên vào tháng 5.
Tại thủ đô Nicosia của Síp, tâm trạng lo lắng đang bao trùm người dân. "Từ hồi Síp bị xâm lược năm tôi 13 tuổi đến giờ tôi mới lại cảm thấy bất ổn đến thế. Tôi có 2 đứa con đang học ở nước ngoài và tôi bảo chúng đừng quay về Síp", bà Dora Giorgali, 53 tuổi, nói. Bà Dora là giáo viên đào tạo y tá nhưng đã mất việc cách đây 2 năm vì trường học bị đóng cửa.
Khoảng 200 nhân viên ngân hàng đã tụ tập biểu tình ngoài dinh tổng thống hôm qua để phản đối, mang theo nhiều khẩu hiệu như: "Síp sẽ không trở thành nước bảo hộ", hay "3 chủ nợ hãy biến khỏi Síp".
Theo 24h
Síp sẽ là nước đầu tiên ra khỏi EU? Sau khi kế hoạch đánh thuế vào những khoản gửi tiền tiết kiệm trong các ngân hàng bị thất bại, các nhà phân tích không loại trừ khả năng đảo Síp sẽ ra khỏi khu vực đồng euro, điều chưa có tiền lệ trong lịch sử của liên minh châu Âu (EU). Những biến cố chủ yếu của "cuộc chiến cứu đảo Síp"...