Dân dã nhái đồng
Những ai đã từng gắn bó với ruộng đồng thì khó lòng mà quên được món ăn dân dã làm từ thịt nhái. Cháo nhái, thịt nhái chiên giòn, chả nhái là những món ăn quen thuộc với người dân Việt. Không chỉ là món ngon mà thịt nhái còn là vị thuốc quý lưu truyền trong dân gian, điều trị các bệnh còi xương, biếng ăn cho trẻ, suy nhược, mất ngủ đối với người lớn.
Thửa nhỏ, những hôm rảnh rồi tôi thường theo cậu đi soi nhái. Mùa soi nhái quê tôi rộ lên khi những cơn mưa đầu mùa, ruộng đồng có nước. Đồ nghề chỉ một cái đèn pin, một túi đựng nhái. Trời sụp tối, bóng đêm bao trùm cánh đồng mênh mông, xen lẫn trong tiếng cuốc kêu, tiếng ễnh ương ì ọp… là bản đồng ca của họ nhà ếch nhái. Tôi bám gót theo cậu về phía ao được bọc bởi những bụi dứa – nơi phát ra tiêng kêu inh ỏi của lũ nhái.
Cậu dừng lại trong giây lát, lắng nghe và định hướng chính xác, rồi nhanh như cắt bật đèn lên, chụp mạnh chú nhái con giương to miệng .Vốn là dân ruộng chính gốc, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, cậu đã bắt được túi nhái với vài chục con kêu la inh ỏi.
Video đang HOT
Nhái bắt về làm thật sạch để tránh mùi tanh. Làm thịt nhái, tưởng như đơn giản nhưng quả không dễ dàng đối với ai lần đầu tập tò làm thử. Người ta thường lấy lá tre hoặc tro sát vào thân nhái để loại bỏ hết chất nhờn đồng thời như vậy nhái sẽ nằm im và dễ làm thịt hơn. Dùng dao lột nhẹ lớp da, mổ bụng, bỏ hết các bộ phận chỉ để lại đùi và phần thân. Những con nhái lớn có thể lấy bộ lòng.
Bắt nhái đã thú vị, chế biến thịt nhái càng hứng thú hơn vì thịt nhái có thể chế biến thành rất nhiều món. Phố biến nhất là món nhái chiên giòn. Thịt, da sau khi làm sạch, chặt ra từng miếng rồi cho bột ngọt, muối, tỏi, tiêu, một ít sả… vào ướp. Chỉ mới bỏ vào chảo dầu sôi lăn tăn đã nghe mùi sả, ớt rồi đến mùi thịt bốc lên thơm phức, khiến bụng ai cũng cồn cào.
Người sành ăn không thể bỏ qua món cháo nhái. Món cháo nhái muốn thơm ngon hơn thì gạo nên rang vừa vàng trước khi nấu, nồi cháo sẽ không còn nhựa. Trong khi đợi cháo chín, bắc chảo lên bếp, cho dầu, tỏi, hành vào phi rồi cho thịt nhái đã ướp gia vị vào xào. Cháo nấu vừa nở thì trút hết thịt, trộn đều. Cháo sôi lại vài phút là có thể nhắc xuống. Múc ra từng tô cháo nóng, cho thêm hành lá băm nhỏ, rắc thêm ít tiêu, vài lát ớt trước khi ăn để có cảm giác cay nồng. Món cháo nhái ăn nóng cùng bánh tráng nướng tuyệt không gì bằng.
Nhưng có lẽ hiếm và ngon nhất là món chả nhái. Nhái làm sạch, tẩm ớt tiêu, hành khô rồi xay đều. Sau đó, nặn thành từng miếng nhỏ, cho vào chảo nóng chiên vàng. Chả nhái dai dai, ngọt ngọt chấm với nước mắm chua, kèm vài miếng rau thơm, rau húng là món ăn khó quên. Gắp từng lát thịt nhái vào miệng, tận hưởng mùi thơm dân dã của “hương đồng cỏ nội” mới hiểu hết sự ưu đãi của thiên nhiên đối với con người.
Theo Lao Động
Món chuối khô dân dã
Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo. Lũ trẻ trong xóm tôi ngày ấy dường như chưa bao giờ biết đến áo mới và bao lì xì, dù vẫn chộn rộn niềm vui.
Các gia đình trong xóm ăn Tết theo kiểu "cây nhà lá vườn". Vào khoảng đầu tháng chạp, nhà nào cũng làm chuối khô. Loại chuối để dành ép phơi khô là chuối xiêm. Khi chuối chín muồi, để ép chuối, má tôi đặt trái chuối vào giữa hai miếng lá chuối khô, rồi dùng thớt ép nhẹ cho trái chuối dẹp mỏng ra. Phải ép thật khéo tay để miếng chuối không mỏng quá sẽ khó gỡ, còn dày quá thì lâu khô.
Chuối ép xong phải phơi ba bốn ngày. Tụi trẻ con chúng tôi thường chờ khi chuối gần khô thì trộm vài miếng. Miếng chuối thơm nồng mùi nắng, vừa dẻo vừa ngọt. Với trẻ quê, nó ngon không kém bất cứ thứ quà bánh nào.
Những ngày giáp Tết, má tôi mua về vài ký đường, vài củ gừng và ít đậu phộng. Nhà đông con nên năm nào má tôi cũng phải ép tới ba buồng chuối mới đủ cho lũ con ăn lai rai trong mấy ngày Tết. Tối đến, chúng tôi náo nức xúm quanh bếp lửa xem má ngào chuối. Khi đường tan chảy thì má cho chuối và gừng vào đảo thật nhanh tay. Đến khi chuối khô hẳn lại và dẻo quánh thì nhấc xuống rắc đậu phộng. Chờ cho chuối nguội, má xới chuối cho vào các hũ.
Hũ để dành cúng ông bà, hũ để đãi khách và hũ để đãi... đám con của má. Lần nào làm má cũng chừa một ít dưới đáy chảo để chị em tôi tranh nhau. Chuối khô ngào đường vừa ngọt vừa cay cay, thơm thơm. Đám con nít chúng tôi cạo sạch đáy chảo mà vẫn còn thòm thèm.
Đêm giao thừa, má tôi bày lên bàn thờ bình hoa vạn thọ. Má sắp một đĩa chuối khô và châm một ấm trà đặt lên bàn thờ tổ tiên. Chiếc bàn uống trà của ba tôi thường ngày được dọn dẹp để đặt một bình hoa, một đĩa chuối khô và bình trà để cúng đất đai... Chỉ vậy thôi nhưng ba má tôi bày biện rất trịnh trọng, trang nghiêm. Mấy chị em tôi dường như cũng cảm nhận được không khí thiêng liêng nên không dám nói cười lớn tiếng.
Đúng 12g đêm 30, ba má tôi mặc áo dài, thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên, vái lạy ông bà về ăn Tết cùng con cháu, nguyện cầu cho một năm mới làm ăn thuận lợi... Chúng tôi lần lượt cúng tổ tiên rồi chúc Tết ba má. Ba má dặn các con đầu năm không được khóc nhè, không được làm bể chén đĩa, phải ráng học hành... Dù năm nào cũng bấy nhiêu câu răn dạy như vậy nhưng chúng tôi vẫn náo nức chờ đợi giây phút ấy... Ba tôi ra ngõ xông đất đầu năm. Đâu đó vang lên tiếng trống múa lân rộn ràng. Vậy là một năm mới đã đến, chúng tôi lại thêm một tuổi mới.
Cuộc sống thay đổi dần. Bây giờ mỗi lần về quê chúc Tết, hiếm thấy nhà nào mang món chuối khô ngào đường ra đãi khách. Hôm nọ vào siêu thị bỗng thấy bày bán chuối khô ngào đường. Chuối được đóng hộp rất đẹp. Cầm hộp chuối trên tay bỗng thấy mắt cay cay. Món ăn dân dã nơi quê nghèo đã tiến ra phố thị. Chợt thấy thèm cảm giác thiêng liêng, nô nức của những ngày thơ dại, thèm cả nhà xúm xít bên bàn thờ tổ tiên lãng đãng khói nhang trong giờ phút giao thừa, bên đĩa chuối khô ngào đường màu nâu dân dã của má ...
Theo Tạp chí ẩm thực
Dân dã cá mờm Cá mờm là một loại cá biển nhỏ bé, bình dị và dân dã như chính cái tên của nó. Nhưng với người dân quê tôi, cá mờm là loại cá rất được ưa chuộng, có thể chế biến thành những món ngon, ăn hoài mà vẫn không biết chán. Ai đã từng được một lần thưởng thức món cá mờm kho rim...