Dân dã cá mờm
Cá mờm là một loại cá biển nhỏ bé, bình dị và dân dã như chính cái tên của nó. Nhưng với người dân quê tôi, cá mờm là loại cá rất được ưa chuộng, có thể chế biến thành những món ngon, ăn hoài mà vẫn không biết chán.
Ai đã từng được một lần thưởng thức món cá mờm kho rim sẽ không thể ngờ rằng loại cá chỉ lớn hơn đầu que tăm này lại ngon và đậm đà đến thế. Cá mua về rửa sạch, để ráo nước. Gia vị để kho cá gồm hỗn hợp nước mắm ngon, đường, nước màu, tiêu, ớt thái sợi và một ít bột bắp với một lượng vừa đủ.
Phi thơm dầu phụng với hành hương rồi cho hỗn hợp gia vị trên vào, chờ cho hỗn hợp sôi thì cho cá vào đảo nhẹ tay, để lửa liu riu khoảng mười lăm phút, cá sẽ tự tiết ra nước và thấm gia vị. Khi nồi cá kho rút nước còn sền sệt là hoàn thành. Nhưng chú cá mờm bé nhỏ khi kho rim trông thật bắt mắt, thơm tho và rất hấp dẫn với hương thơm dịu nhẹ hòa quyện với vị mặn đậm đà của nước mắm, ngọt của đường, cay nhẹ của ớt, ấm nóng của tiêu, dậy lên nước màu thật bắt mắt, khiến mọi người ăn rất ngon miệng.
Cá mờm kho rim.
Ngoài ra, cá mờm còn được dùng để nấu canh. Cá mờm có thể nấu canh với các loại rau có sẵn trong vườn nhà như canh cá mờm mồng tơi, canh cá mờm rau “tập tàng”, canh cá mờm dưa hồng, canh cá mờm bí đao… Nhưng với người dân quê tôi, món canh vừa dân dã, vừa bình dị, không tốn nhiều tiền và công chế biến (đặc biệt là trong những ngày Tết), nhưng rất ngon là canh bầu cá mờm.
Video đang HOT
Mùa cá mờm cũng là mùa bầu nên canh bầu nấu cá mờm là một sự kết hợp và lựa chọn tuyệt vời nhất của các bà nội trợ quê tôi.
Để có một tô canh ngon, phải chọn quả bầu non, tươi xanh. Bầu gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng. Đun sôi nước, thêm dầu, muối, mì chính rồi cho cá mờm vào. Chờ cho nước sôi lại thì cho bầu vào nấu sôi rồi bắt ra khỏi bếp. Để món canh thêm đậm đà hương vị, cần phải cho thêm ít tiêu bột và hành lá xắt nhỏ.
Những ngày tháng ba se lạnh rét nàng bân được ăn một bát canh bầu nấu cá mờm nóng hổi, tỏa hương ngào ngạt, thấy khoan khoái lạ thường. Những chú cá mờm nhỏ nhắn, xinh xắn, trắng phau như những dấu hỏi, ngã, huyền, ….sóng sánh trong tô canh, trông rất vui mắt, hứa hẹn một bữa cơm ngon lánh, rất mộc mạc nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào và nồng ấm.
Theo Lao động
Dân dã hương vị chuối rừng
Sáng sớm, trời còn se sắt lạnh, sương bồng bềnh giăng mắc, phủ mờ những mái nhà lọt thỏm giữa lòng thung lũng. Vậy mà nội đã lục đục dậy nhóm lửa từ khi nào. Tôi co ro trong tấm chăn mỏng, nghe cái giọng đặc khàn của nội mà tỉnh ngủ hẳn "tí nữa thằng Bảy vác cái rựa vô rừng chặt mấy cây chuối".
Tôi biết ngay là nội cố chiều đứa cháu gái lâu ngày về thăm nhà đây. Bởi từ nhỏ, tôi vốn thích các món được chế biến từ cây chuối rừng.
"Ngon quá!" Cô bạn tôi thích thú cho từng muỗng canh chuối vào miệng, chậm rãi nhai sợi chuối mềm mại rồi tấm tắc khen. Có lẽ, đây là lần đầu tiên người thị thành như nó được thưởng thức các món ăn dân dã, ngon và lạ miệng từ cây chuối rừng. Riêng đối với tôi chuối rừng nấu canh, kho thịt cá hay làm rau sống lại khá quen thuộc.
Quê tôi chuối mọc thành vùng, bát ngát một màu xanh đầy sức sống. Những hôm rảnh rỗi, tôi thường lẽo đẽo theo ba, mẹ lên rừng làm rẫy, đốn chuối. Là người có kinh nghiệm nên ba chỉ cần quét tầm mắt một vòng, đi thẳng ra hướng suối là bắt gặp một vạt chuối dài, cây cao cây thấp. Ba vung rựa chặt những gốc chuối, tay lau giọt mồ hồi trên trán và nhắc nhở tôi : " Những cây chuối mập, lá xanh mướt và chưa trổ buồng này về sẽ nấu canh, các cây còn lại lấy phần nõn bên trong để làm rau sống, hoặc xào hay kho cá suối". Lớn lên một tí, tôi biết thêm cây chuối ngon phải có thân màu tím, củ bình vôi, cái củ càng to càng tròn thì càng ngon.
Cây chuối rừng.
Chuối ba đem về, nội tước bỏ phần bẹ ngoài, xắt lát mỏng vừa ăn ngâm vào nước đã pha chanh cho trắng. Thường canh chuối được nấu với những con cá mới bắt ngoài suối. Mẹ làm sạch cá, sau đó rán nhẹ trên lửa nhỏ cùng với hành khô thái mỏng. Vớt cá ra, tiếp tục cho chuối xắt mỏng vào nồi xào, chế nước đun sôi. Mẹ để lửa rim cho chuối chín mềm mới bỏ cá vào.
Thêm một chút nước mắm và lá lốt để "dậy" mùi. Vài phút sau đã thoang thoảng mùi thơm của cá, mùi lá lốt ngai ngái. Khi ăn, không quên cắn phựt một miếng ớt rừng. Cái ngòn ngọt của cá, chan chát của chuối, lẫn vào vị cay nồng của ớt khiến một đứa sành ăn như bạn tôi phải ồ lên ngạc nhiên.
Giống như các loại rau rừng khác, chuối cây còn có thể xào làm món ăn hằng ngày. Chỉ cần bắc chảo lên phi thơm dầu cùng hành tỏi, đổ chuối xắt mỏng vào xào, nêm gia vị. Cho thêm ít rau răm, hành, ngò, tiêu lên trên để tăng tăng thêm phần quyến rũ cho đĩa xào. Chuối rừng xào có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại rau nào khác.
Đậm đà bát canh chuối rừng.
Ngoài ra chuối rừng có thể làm rau sống ăn cùng cơm, mì đều ngon và được nhiều người ưa thích. Có lẽ, người quê tôi nghiện rau chuối cây hơn bất kì món rau nào. Rau chuối tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm. Để tận hưởng hết vị thanh ngọt của rau chuối rừng, thường người ta chọn những cây chưa trổ buồng để lấy lõi non. Lõi non thân cây chuối được rửa sạch, xắt mỏng, băm nhỏ.
Trong khi băm, các mẹ, các chị còn lấy bớt nhựa chuối để loại bỏ bớt vị chát. Bưng bát cơm hay tô mì trên tay, ngó những lát non chuối trắng tinh tưởng chừng như không thể chờ thêm được nữa rỗi.
Cũng như nhiều người trong cuộc đời mình, tôi đã từng ăn những món vương giả, cao lương mỹ vị. Nhưng không hiểu sao, cái vị chuối rừng dân dã nơi quê nhà luôn quấn quyện trong nỗi nhớ không nguôi.
Theo Lao Động
Hương quê trong bát canh chua lá giang Lá giang vốn quen thuộc với người dân quê, nhất là ở vùng núi, trung du. Thuộc giống dây leo, lá giang thường mọc thành lùm ở bờ rào, bụi rậm. Chỉ cần một vòng quanh lối nhỏ là đã có một rổ lá giang xanh mơn mởn, còn đọng những hạt sương mai. Ngày còn ở quê, tôi được thưởng thức nhiều...