Dân cố bám trụ chung cư Carina Plaza trong cảnh không điện, nước
Nếu người dân block A, B đã chuyển ra khỏi chung cư Carina sau vụ cháy, thì cư dân block C, nơi không bị ảnh hưởng nhiều, đang cố bám trụ tại đây, sống trong cảnh không điện nước.
Người dân Carina mong được trở về nhà Block C của chung cư Carina, nơi ít bị ảnh hưởng bởi đám cháy, có một số người dân quay lại ở. Họ mong sớm được ổn định cuộc sống.
Trở lại chung cư Carina Plaza 20 ngày sau vụ cháy, Zing.vn ngạc nhiên khi tòa nhà vẫn có người ở. Sau vụ hỏa hoạn khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương vào đêm 23.3, điện, nước của chung cư này đã bị ngắt toàn bộ để phục vụ điều tra, đồng thời thi công sửa chữa, khắc phục hậu quả cho tới khi đủ điều kiện sinh hoạt, vận hành trở lại.
Nếu block A và B – 2 tòa nhà ảnh hưởng nặng nề nhất của vụ cháy vắng hoe, không bóng người, thì block C – nơi thiệt hại nhẹ hơn vẫn có một vài hộ bám trụ ở lại, không muốn rời đi.
Cố ở đến khi chung cư hoạt động trở lại
Cuộc sống của gia đình anh Nam (tầng 7, block C) đảo lộn hoàn toàn sau đám cháy kinh hoàng 20 ngày trước. Dù may mắn sống sót, gia đình 4 người không thể tiếp tục ở lại chung cư này. Điện nước ở tòa nhà đã ngừng hoạt động. Hộ dân này được hỗ trợ 300.000 đồng/ngày tiền thuê nhà. Họ được sắp xếp ở tạm tại một căn hộ trống tại chung cư City Gates phía đối diện. Tuy nhiên, cả nhà 4 người chọn ở lại Carina.
Người dân xếp hàng lấy nước mang lên nhà sử dụng tại block C, chung cư Carina. Ảnh: Hoàng Việt
“Một căn hộ được xây cho 1 gia đình nhưng được phân cho 3 nhà ở. Đồ đạc không có, chật chội, nóng bức, lại nơm nớp lo sợ căn đó được phân cho chủ mới nên chúng tôi không yên lòng ở đó”, anh Nam giải thích lý do “bám trụ” tòa nhà từng gặp hỏa hoạn chưa đầy một tháng trước.
Không điện, không nước, anh và con trai thay phiên dùng xô xách nước từ bồn nước đặt trước sảnh lên nhà. Đây cũng là nguồn nước đang được dùng để dọn dẹp block A và B.
Căn hộ được mua vài tỷ của vợ chồng anh Nam bày đầy xô, chậu, để trữ nước. Số nước này chủ yếu dùng cho sinh hoạt cá nhân, ăn uống.
“Mấy ngày mới tắm một lần. Đi vệ sinh cũng phải tiết kiệm. Nhưng nước còn giải quyết được chứ điện là chịu chết. Ban ngày cả nhà nằm dài giữa nhà cho mát, nhưng tối thì nóng lắm, không chịu nổi”, vợ anh Nam than thở.
TP.HCM đang vào đỉnh điểm mùa khô, đứa con gái út còn nhỏ, lại ốm yếu, nên vài ngày nay cứ tầm 22h, 4 người rồng rắn nhau sang căn hộ được phân cho ngủ nghỉ, để sáng hôm sau tỉnh dậy lại trở về Carina.
Cũng như gia đình anh Nam, nhà bà Liên (tầng 7, block C) cũng chọn “bám” Carina. Với suy nghĩ căn hộ của mình không bị ảnh hưởng gì, toàn bộ đồ đạc vẫn còn nguyên, bà cùng vợ chồng con trai và hai đứa cháu chấp nhận chịu nóng để ở lại.
Nước được dùng tiết kiệm, chủ yếu phục vụ sinh hoạt cá nhân. Ảnh: Hoàng Việt
“Đi ra ngoài thuê thì lại ăn hàng suốt ngày, vừa tốn kém lại rắc rối. Ở đây tuy không có điện nhưng đồ đạc đầy đủ, nấu nướng được. Thôi thì chịu khó sống không điện, nước thì phải xách từ lầu trệt lên”, bà Liên nói.
Cư dân này cũng làm một phép tính nhanh. Với 300.000 đồng/ngày, gia đình bà chỉ đủ thuê 1 phòng khách sạn hạng trung. Với 5 người, ít nhất nhà bà cần thuê căn hộ có 2 phòng ngủ, hoặc 1 phòng ngủ, 1 phòng khách. Số tiền này cũng khó tìm nơi nào cho thuê ngắn ngày. Chưa kể tiền ăn uống, đi lại.
“Thấy có dân ở lại, quản lý tòa nhà cũng bật thang máy cho đi lại. Vậy là tốt lắm rồi. Nóng còn chịu được, chứ già rồi khó leo nổi 7 tầng”, bà Liên chép miệng, cười nói.
Phần lớn những hộ này khi được hỏi về việc tòa nhà chưa đủ an toàn để sử dụng, họ đều cho biết đã nắm rõ điều này. Và khi họ đã tự quay lại chung cư để ở, thì trách nhiệm thuộc về người dân, chứ không còn là trách nhiệm của chủ đầu tư nữa. “Nhưng chúng tôi cần nơi ở”, họ giải thích.
Mong sớm ổn định cuộc sống
Theo quan sát, hiện block C có khoảng 14 hộ ở lại. Phần lớn tập trung ở lầu 7. Block A và B đang được tu sửa, dọn rửa. Block C không bị ảnh hưởng, nhưng cũng phải chờ giám định mới có thể đưa vào hoạt động.
Theo cam kết của chủ đầu tư, block C sẽ hoàn thiện trong 10 ngày. Sau khi có kết luận chung cư đủ điều kiện hoạt động trở lại sẽ thông báo đến cư dân. Tuy nhiên, đã 20 ngày trôi qua, người dân nơi đây vẫn mong mỏi ngày tòa nhà chính thức được vận hành trở lại.
Từng xô nước được người dân xách từ tầng trệt lên nhà. Ảnh: Hoàng Việt
Trước đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện cư dân chung cư Carina Plaza, cho biết nhóm cư dân đã gửi kiến nghị lên Công an TP.HCM, Công ty Hùng Thanh, yêu cầu ngừng khởi công sửa chữa tầng hầm bị cháy vì lo ngại chủ đầu tư xóa dấu vết.
Đơn này cho rằng Công ty Hùng Thanh gấp rút cho thi công sửa chữa ngay vào thời điểm này là nhằm làm thay đổi hiện trường vụ án, xóa vết tích, gây cản trở trong việc giám định hiện trường, giám định thiệt hại và cản trở việc điều tra vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
“Do vậy, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư ngay lập tức ngưng việc thi công sửa chữa tầng hầm, giữ nguyên hiện trường”, trong đơn nêu.
Tuy nhiên, theo lời chia sẻ của một số hộ dân sống tại chung cư này, việc yêu cầu ngừng thi công làm chậm thời gian người dân được ổn định cuộc sống.
“Đơn của cô Mai là đúng nhưng chưa đầy đủ. Chúng tôi mong việc dọn dẹp, thi công sớm hoàn thành để chúng tôi được về nhà sinh sống. Cứ nay đây mai đó rất mệt mỏi. Cuộc sống còn phải tiếp tục. Người lớn phải đi làm. Trẻ con còn đi học”, một người dân bức xúc.
Các căn hộ phải trữ nước để nấu ăn trong ngày. Ảnh: Hoàng Việt
Theo ghi nhận của phóng viên, 3 tòa nhà của khu chung cư không còn được trông coi như những ngày mới xảy ra vụ cháy. Người ngoài có thể thoải mái ra vào bên trong.
Tới thời điểm này, các tầng 12-13-14-15 của block A đã được dọn sạch sẽ, một vài tầng trên cao của block B đã hoàn thành việc lau chùi. Không khí ở những nơi này thoáng mát, bớt nặng nề hơn những tầng dưới.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết chung cư Carina cần phải giám định lại để đảm bảo an toàn, thời điểm này chưa thể cho cư dân vào ở trở lại.
Theo Ngân Giang – Ảnh: Hoàng Việt (Zing)
Cư dân Carina và City Gate phản ánh các lỗi thoát hiểm ở chung cư mới
Sau vụ cháy kinh hoàng xảy ra khiến 13 người thiệt mạng, cư dân chung cư Carina lại càng không thể lơ là, chủ quan trước những kỹ năng PCCC. Buổi tập huấn về các kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố hỏa hoạn được tổ chức tại nơi ở tạm thu hút hàng trăm người dân tham gia.
Clip mô phỏng 13 phút lửa bùng phát trong hầm chung cư Carina
Khác hẳn với những lần tập huấn vắng vẻ trước đây. Vụ cháy khiến cả người lớn và trẻ em đều quan tâm bảo vệ tính mạng mình hơn.
Sáng ngày 1/4, sau hơn một tuần xảy ra thảm họa cháy ở chung cư Carina Plaza (1648 Võ Văn Kiệt phường 16 quận 8 TP HCM) làm 13 người chết, khoảng gần 150 cư dân của chung cư City Gate (nằm đối diện chung cư Carina qua đường Võ Văn Kiệt) và cả cư dân Carina đang tạm trú đã cùng lực lượng PCCC và Ban quản lý chung cư thực hiện tập huấn chữa cháy và thoát hiểm ở chung cư.
Cư dân cho biết, trước đây cũng đã có các đợt diễn tập tương tự ở chung cư Carina nhưng số người tham gia khá ít ỏi do bận đi làm hoặc thờ ơ không quan tâm, chỉ lần này là đông nhất. Sau thảm họa, ý thức của người dân có vẻ tăng lên rõ rệt.
Chung cư City Gate có 4 block nhà cao 28 tầng, tổng cộng 1.094 căn hộ, vừa giao nhà vào tháng 8 năm ngoái và đã lấp gần kín. Cư dân hai chung cư có mối quan hệ gần gũi, nhiều gia đình có con ở bên này, cha mẹ hoặc anh em ở bên kia, hoặc là bạn bè thân thiết. Sau hỏa hoạn, nhiều gia đình bên City Gate đã lập tức chia sẻ chỗ ở cho bạn bè gặp hoạn nạn. Đến nay, tại lô C là lô ít bị ảnh hưởng nhất của chung cư Carina, một số gia đình đã rải rác về ở lại, mặc dù chưa có điện nhà (chỉ có điện thang máy và hành lang, còn nước phải xách từ bồn ở dưới đất lên).
Cả hai chung cư này đều thuộc khu phức hợp các dự án Carina Plaza - City Gate Towers - Diamond Riverside do Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư.
Anh Duy Khánh, 43 tuổi, cư dân Carina đang xem xét cách hoạt động của vòi xịt cứu hỏa. Anh cho biết gia đình anh sống trên tầng 12 block B, bản thân anh cũng có tập huấn về PCCC trước đây ở công ty, nhưng chưa thực sự quan tâm lắm. "Nhưng từ giờ phải lưu ý kỹ hơn các biện pháp an toàn" - anh Khánh cho biết.
Theo yêu cầu của cư dân, các cửa từ tầng hầm giữ xe lên lầu trước kia là các lồng kính, nay đang được bỏ đi và thay toàn bộ bằng cửa chống cháy. Tuy nhiên, các cửa thoát hiểm trên cầu thang vẫn có khe hở khá lớn phía dưới, nếu có sự cố khói có thể lọt vào. Hệ thống cầu thang thoát hiểm đều thông xuống dưới tầng hầm; hoàn toàn chưa có bảng ghi số tầng, đèn khẩn cấp và hệ thống bảng chỉ dẫn thoát hiểm. Người dân lo ngại nếu có sự cố tương tự Carina (phát cháy từ tầng hầm), người dân theo thang thoát hiểm sẽ có thể chạy thẳng xuống tầng hầm rất nguy hiểm.
Anh Hổ, Đội trưởng Đội bảo vệ chung cư City Gate cho biết sẽ lắng nghe hết ý kiến của cư dân và đề đạt với Ban quản lý để chỉnh sửa. Trước mắt sẽ đặt các bảng báo số tầng thật to và có dạ quang để người dân nhìn rõ số tầng khi có sự cố phải chạy xuống; sẽ đặt vật cản ở lối thoát hiểm từ tầng trệt xuống tầng hầm.
Những lý thuyết cơ bản về công tác PCCC trực quan, và được thực hành sinh động để người dân dễ nắm bắt.
Toàn bộ đội bảo vệ của chung cư City Gate cũng đã được thay kể từ hôm qua 31/2/2018. Đội bảo vệ mới có 28 người, thuộc công ty Thái Long Sài Gòn. Cư dân cho biết đây là lần thay bảo vệ thứ ba từ tháng 8/2017 đến nay, sau khi cư dân phản ánh bị mất xe.
Theo HOÀNG XUÂN - HỮU NGHĨA (Trí thức trẻ)
Cháy chung cư: Những sai lầm nghiêm trọng phải tuyệt đối tránh Thực tế khi gặp cháy, nhiều người dân sẽ hoảng loạn và luống cuống tìm cách thoát khỏi vùng cháy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phòng cháy chữa cháy (PCCC), người dân cần có kỹ năng, cần phải tập huấn PCCC để có thể ứng xử nhanh trí khi gặp sự cố, tránh việc tìm lối thoát nhưng lại đang đi vào...