Dân chơi Hà Nội hoàn lương
Nhà Thạc không ở phố cổ, mãi huyện Đan Phượng nhưng những vũ trường bậc nhất Hà Nội, những đêm “bay, lắc, nghiền đá” tột đỉnh của sự thác loạn, đều không thiếu Thạc.
Như con thiêu thân gặp đèn bão, Thạc lao vào cuộc chơi một cách điên cuồng trong ánh sáng, âm thanh ma mị của vũ trường đêm Hà Nội. Từ sự sĩ diện của tuổi trẻ, từ sự thiếu bản lĩnh của chàng trai ngoại thành, Thạc đã chứng tỏ mình để cho chúng bạn biết rằng “Thạc chơi chẳng hề kém cạnh bất cứ bạn nào”. Vì thế, tất cả tệ nạn được dân chơi gọi là “sành điệu” đã trở thành “người bạn” không thể thiếu với Thạc.
Ban đầu, tiền Thạc tiêu có người cung cấp, ấy là người thân trong gia đình. Bởi Thạc là quý tử độc đinh, lại con nhà có điều kiện. Nguồn thu của gia đình từ xưởng thêu, dệt vải Công ty May Hà Đông khi ấy tưởng như chẳng thể tiêu hết.
Trần Thạc: “Cuộc đời biết dừng lại là không bao giờ muộn”. Ảnh: ANTĐ.
Sinh năm 1970, ở thời điểm khoảng năm 1996, Thạc đủ trình độ để nhận biết kinh tế của nhà mình khá đến đâu, và tiền bạc lời lãi cũng trước sau là của mình chứ chẳng thể của ai khác. Và cứ thế, cái tên Trần Thạc trở thành “thần tượng” của giới vũ trường, chơi đêm “đập đá”.
Thạc bộc bạch: “Tôi có thể khẳng định tên tôi được nhắc đến nhiều ở vũ trường Hà Nội khi ấy. Có khi 20h tối nổi hứng còn phóng xuống Hải Phòng, sàn Biển Gọi chơi bời rồi lại phóng về Hà Nội ngay khi vũ trường tắt điện. Mà chơi không chỉ có rượu mạnh, thường xuyên có cả ma túy mới vui được…”.
Thạc không nhớ bản thân tiêu phá của gia đình bao nhiêu tiền, nhưng chắc chắn rằng không hề nhỏ. “Bọn thanh niên khi ấy, nếu đứa nào có tiền thì chơi đồ xịn, còn không có tiền thì hút thuốc đểu, nên ‘đi’ rất sớm. Còn tôi, rất may nhà có điều kiện, chơi toàn đồ xịn thôi, nên chỉ bị hỏng răng thôi”, Thạc tâm sự.
Nhưng may mắn cho Thạc hơn, có lẽ là sự tỉnh táo sau mỗi cuộc chơi ngập ngụa trong ma túy khiến Thạc thấy tiếc vô cùng quãng đời mình đã đốt phung phí tiền bạc, sức lực, trí tuệ. Bởi Thạc không như tay chơi khác, chơi bời nhưng trước đó thì vẫn học hành. Anh từng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương và từng làm việc ở nước ngoài. Ngẫm những gì mình có, Thạc muốn thoát ra khỏi vòng đen tối đã bập phải. Và Thạc cố tự điều chỉnh chính bản thân bằng nhiều cách.
Video đang HOT
“Tôi định tìm đến cái chết để cho gia đình khỏi bận lòng, nhưng ngẫm kỹ làm thế thì mình thật hèn, và mình phải chứng minh cho mọi người biết, làm thằng đàn ông dù dại nhưng vẫn phải có bản lĩnh”, rít hơi thuốc lá, Thạc nói và liếc ánh mắt như chuộc lại lỗi lầm. Một kẻ từng bập vào ma túy đâu có dễ gì dứt bỏ. Trong cuộc liên hoan chia tay người em họ đi lao động Ba Lan, Thạc lần nữa không cưỡng lại được bản thân bởi sự thừa thãi ma túy của nhóm bạn bày ra trước mắt…
Khuôn viên cơ sở cai nghiện tự nguyện. Ảnh: ANTĐ.
Năm 1999, Thạc được đưa sang Trung Quốc để cai nghiện. Thạc được đưa đến nơi này là vì khi ấy gia đình nghe thông tin có nhiều phương pháp cắt cơn và thuốc điều trị hiệu quả. Triền miên chữa trị nhưng vẫn không tách được thứ khói “ma quái” chết người ấy. Cuối cùng, phương pháp được cho là hiệu quả nhất được gia đình Thạc lựa chọn là thực hiện xét nghiệm và chuẩn bị cho ca tẩy não.
“Gia đình tôi đã bỏ hơn 400 triệu đồng ra để tẩy não cho tôi. Ngần ấy tiền lúc đó cũng rất lớn đối với thu nhập của người dân Hà Nội…”, Thạc cho biết. Ca tẩy não không những không thành công mà Thạc còn “nhớ” ma túy nhiều hơn khiến gia đình, vợ con thất vọng, buồn bã. Trở về nhà, Thạc trông thấy các con tíu tít hỏi bố rằng “bệnh bố hết chưa” hay “ sao bố lại thế hả bố”… tiếng nói trẻ thơ, tíu tít quây quần bên người bố trong anh thức tỉnh.
Thạc tự nguyện tìm đến trung tâm cai nghiện tự nguyện nằm sâu trên sườn núi ở xã Cư Yên (Lương Sơn, Hòa Bình). Trung tâm này đâu có tường rào thép gai, đâu có tường bao hay cánh cổng ngăn cách ai đâu, mà chỉ có những con người tận tình bằng những liều điều trị một cách khoa học theo phương pháp được cơ quan chức năng phê chuẩn. Cắt cơn thật sự, giải độc tối đa, và phục hồi sức khỏe.
Sau nhiều tháng điều trị, Thạc đang kiểm tra sức khỏe những lần cuối cùng. Thạc bảo, trong cuộc đời không có gì khó làm, mà cũng không có gì đơn giản thực hiện nếu như chính mình còn chưa thể vượt qua mình. Anh có những người bạn từng đi ra ốc đảo ở mãi Quảng Ninh để cai nghiện, nhưng khi trở về thì đâu lại vào đó. Anh bảo rằng, ốc đảo là ở mình, và tự mình phải lập ra ốc đảo. “Thực ra, thuốc chỉ là hỗ trợ, sự quyết tâm là thuốc hữu hiệu nhất”, Trần Thạc nói lúc chia tay.
Theo VNE
Các trường ĐH nói về nghi án mại dâm của các giáo viên,ca sĩ tương lai
"Có một số nữ sinh viên hiện nay suy nghĩ tình dục không phải là cái quá cao quý đối với chồng hay gia đình nên dẫn đến hiện tượng đi làm gái mại dâm"...
Con sâu làm rầu nồi canh
Với muôn vàn lý do được đưa ra khi bị bắt vì tội mua bán dâm, các cô sinh viên đi làm gái gọi thực chất luôn tìm cách biện minh cho chính những hành động sai trái của mình. Đó là những con "sâu" làm hỏng cả "nồi canh" là hai từ "sinh viên" cao quý - những người trí thức sẽ làm chủ đất nước trong tương lai.
Nhận xét ở góc độ xã hội học về vấn đề sinh viên đi làm gái gọi, TS. Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định: "Cụm từ "mại dâm sinh viên" không có gì quá mới lạ trong cuộc sống hiện nay. Thực tế, từ thời bao cấp cũng đã có hiện tượng và cụm từ mại dâm sinh viên này. Tuy nhiên, đáng báo động là hiện nay, một số nữ sinh viên lại cho rằng, tình dục không phải là cái quá cao quý đối với chồng tương lai hay gia đình nên dẫn đến hiện tượng một số sinh viên làm gái mại dâm dù biết là cả xã hội kì thị. Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, đôi khi việc nghèo khổ cũng là nhân tố dẫn đến việc sinh viên đánh mất mình và đi bán dâm. Nhưng đó chỉ là một vấn đề, một mắt xích nhỏ mà các cô gái gọi sinh viên biện minh, đối phó mỗi khi họ bị bắt...".
Một số nữ sinh viên đang có những suy nghĩ lệch lạc trong cuộc sống
Trong khi đó, ở góc độ là một nhà tâm lý học nổi tiếng từng tư vấn cho rất nhiều trường hợp và có nhiều năm giảng dạy ở bậc Đại học, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa có một cách nhìn khác, ông cho rằng: "Những trường hợp gái gọi sinh viên bị bắt thực chất cũng chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh". Đó là chưa kể không ít gái mại dâm giả danh sinh viên để có giá trị hơn với khách. Nếu hiểu sai có thể làm tổn thương hai tiếng "sinh viên" và có một cái nhìn sai lệch về nữ sinh viên cũng như các trường đại học nghiêm túc. Số sinh viên chấp nhận làm gái gọi, theo tôi nếu có cũng rất ít, có thể chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp nhưng đó là hiện tượng quá chua chát bởi vì sinh viên là người có học, ít nhiều đều biết suy nghĩ. Họ đang chịu đựng kham khổ học hành để có được một chỗ đứng đàng hoàng trong xã hội, để trở thành cử nhân, có một cái nghề và được mọi người tôn trọng, có cuộc sống hạnh phúc, gia đình tự hào. Vậy mà, nếu họ đi làm gái mại dâm thì đó là cái "nghề" bán thân nuôi miệng, xấu xa nhất, đáng hổ thẹn nhất mà người ta gọi một cách khinh miệt là "làm đĩ". Không một người yêu hay người chồng nào thông cảm với điều này. Tức là họ tự hủy hoại nhân cách của mình, hủy hoại hạnh phúc tương lai của mình, khi mà đang học hành phấn đấu miệt mài để có một nhân cách.
Hai quá trình ấy đi ngược chiều nhau, triệt tiêu nhau. Vì thế nó rất chua chát. Nó là một bi kịch rất đau lòng. Có thể những người làm như vậy chưa ý thức được hết cái giá rất đắt mà họ sẽ phải trả cho cả cuộc đời mình còn đang ở phía trước, với bao hy vọng hạnh phúc, tương lai".
Đừng đổ lỗi tất cả cho sinh viên
Lý giải về hiện tượng một số nữ sinh viên mặc dù được ăn học đàng hoàng nhưng vẫn làm những công việc bị xã hội kì thị nhất, TS. Lưu Hồng Minh cho rằng cần phải nhìn ở nhiều góc độ, đôi khi không hẳn đã là lỗi tất cả của các cô gái gọi sinh viên: "Hiện nay, việc sinh viên đi làm thêm rất nhiều. Công việc của các em không ai giống ai, mỗi công việc có một đặc thù riêng. Phần lớn các sinh viên đi làm rất dễ bị lôi kéo. Mặc dù có là sinh viên đứng đắn, nhưng trong đó có nhiều sự móc nối của nhiều kẻ xấu, họ tìm đến sinh viên để lôi kéo bằng được tham gia vào hoạt động mại dâm. Các đường dây này thường móc nối rất kín, chúng ta rất khó có thể để biết được các sinh viên này đang làm nghề như vậy".
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa tất cả các nữ sinh viên hiện nay rất dễ bị cám dỗ trước vòng xoáy của kim tiền trong thời đại mở cửa. Vẫn còn đó rất nhiều sinh viên làm những công việc chân chính để nuôi dưỡng ước mơ của mình, chia sẻ về điều này, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: "Ở nước nào cũng thế, sinh viên là lớp người nghèo nhất trong xã hội, đơn giản vì họ chưa làm ra tiền, sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp của gia đình. Ở nông thôn, nhiều nhà cố gắng cho con ăn học đến đại học nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gửi cho con mỗi tháng 1 triệu đồng cũng là cố gắng lắm. Tôi đã gặp nhiều sinh viên vừa học vừa đi làm gia sư, phụ việc rửa bát ở các hàng quán, đi bán hàng thuê, thậm chí phục vụ người già ốm yếu tại nhà ... chẳng việc gì kiếm được đồng tiền chính đáng mà sinh viên không làm. Số người này khá nhiều, có lắm em lấy làm xấu hổ, giấu giếm rất giỏi, không muốn cho ai biết, kể cả thày cô giáo. Nhưng thực ra lao động của các em đáng được cảm thông và trân trọng".
Cáo mượn oai... hùm
Trước thực trạng đau lòng về các nữ sinh viên bán thân để nuôi miệng hoặc thậm chí chỉ để phục vụ cho việc ăn chơi trác táng nhiều hơn là việc học, không ít trường hợp các cô gái gọi chuyên nghiệp đã lợi dụng đặc điểm này để "gắp lửa bỏ tay người" và làm giá khi tự nhận là sinh viên trường này trường khác. Không ít những vụ bắt giữ thời gian gần đây, ngay chính các cơ quan chức năng cũng đau đầu vì hiện tượng các cô gái gọi khai vanh vách là sinh viên Đại học nhưng đến xác minh thì toàn là... thông tin vịt.
"Chúng tôi đã nhận được thông tin về trường hợp gái mại dâm nhận là sinh viên của trường. Trước đó, phía công an đã đến điều tra làm rõ như trong hồ sơ mà các cô gái khai nhận. Tuy nhiên, trong trường lại không có một cô sinh viên nào có danh tính như vậy. Việc khai man tên trường không những là thông tin khai báo không đúng sự thật mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng của trường. Thời gian gần đây, tất nhiên cũng có một số gái gọi khi bị bắt họ đã mượn danh trường để nhằm thoát thân. Có một số trường hợp trước, họ từng là sinh viên của trường nhưng hiện tại đã ra trường thì việc quản lý đó không thuộc của trường nữa", Đại tá Đặng Hùng Thắng, Trưởng phòng tham mưu hành chính, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho biết.
Không ít trường hợp gái gọi chuyên nghiệp giả danh sinh viên xịn để làm giá khách làng chơi. Chính những đối tượng này cũng đang góp phần không nhỏ làm hoen ố hình ảnh sinh viên.
Trao đổi thêm về vấn đề có thông tin về sinh viên của trường đi bán dâm, bà Phùng Thị Việt Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh lại khẳng định: "Từ trước đến giờ chúng tôi chưa nhận bất kì một công văn về vấn đề mại dâm của sinh viên cả. Tôi trực tiếp phụ trách việc quản lý sinh viên nên nắm được thông tin cụ thể nhất. Có nhiều lần tôi đã từng nghe đến việc có sinh viên trong trường nhưng cũng chỉ là những lời đồn đại".
Hay như trường hợp có sinh viên của trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương bị bắt vì tội mua bán dâm, chúng tôi đã tìm gặp ông Hoàng Kim Nam - Trưởng phòng công tác sinh viên trường Sư Phạm mẫu giáo Trung ương để làm rõ, ông Nam mới "ngã ngửa", ông khẳng định: "Rất nhiều lần các đồng chí Công an cũng đã đến làm việc với chúng tôi nhưng không có kết quả. Có thể các đối tượng này là học viên ở các trung tâm liên kết đào tạo với trường ở các tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ quản lý dựa trên văn bản còn trực tiếp là ở dưới cơ sở mới quản lý được hết".
Thực tế, hiện nay vấn đề mại dâm vẫn đang là một đề tài nóng bỏng và đặc biệt với hiện tượng mại dâm trong giới sinh viên càng nóng hơn bao giờ hết. Từ những vụ mua bán dâm được xác định có sinh viên tham gia do các cơ quan chức năng phanh phui ra, không thể nói là không có sinh viên đi làm gái gọi dù số đó là rất ít. Rõ ràng, mại dâm sinh viên là một hiện tượng đáng lo ngại và trách nhiệm không chỉ riêng từ phía các nữ sinh viên trẻ.
"Tôi nghĩ rằng các trường đại học nên quan tâm hơn đến việc giúp sinh viên nhận thức được về vấn đề mại dâm vì cho dù có được tấm bằng đại học nhưng nếu nhân cách không còn thì làm sao họ đảm nhiệm được cái vị trí mà xã hội sẽ trao cho họ với tất cả niềm tin? Nếu nhận thức được như vậy, sinh viên sẽ không sa ngã vào vũng bùn của sự sa đọa để đổi lấy những đồng tiền nhơ bẩn mà người đau lòng nhất trước hết là cha mẹ họ...", nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa nhận định.
Theo GDVN
Giảng viên Đại học trải lòng về một nữ sinh bán thân (Kỳ 11) "Đọc xong loạt bài về gái gọi sinh viên được đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam, trong tôi xen lẫn nhiều cảm xúc lẫn lộn...". LTS: Sau khi Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài về "gái gọi sinh viên", rất nhiều độc giả đã gửi ý kiến chia sẻ, trao đổi về hiện tượng này. Thậm chí, nhiều độc...