Dân Cao Phong hốt bạc tỷ từ giống cam lòng vàng
Đến thăm vườn cam lòng vàng của gia đình bà Đặng Thị Thu, Khu 2 ( thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh 1.500 gốc cam sai trĩu quả rủ xuống đất.
Vườn cam lòng vàng của bà Thu rộng hơn 2,2 ha, sau khi trừ chi phí mỗi năm bà lãi gần 2 tỷ đồng.
Nói về cơ duyên đến với nghề trồng cam lòng vàng, bà Đặng Thị Thu, tâm sự: “Trước đây tôi trồng ngô, nuôi gia súc, gia cầm, do giá cả lên xuống thất thường nên hầu như toàn thua lỗ. Tình cờ tôi xem ti vi thấy bà con ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) trồng cam lòng vàng cho năng xuất và thu nhập cao. Sau đó, tôi xuống tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm trồng cam từ các nhà vườn lớn ở dưới Hưng Yên.Trở về tôi cải tạo lại 2,2ha đất nương để trồng cam phát triển kinh tế gia đình…”.
Nhờ cách chăm sóc tốt, vườn cam lòng vàng của gia đình bà Thu sai trĩu quả.
“Tôi mua 1.500 cây giống lòng vàng mang về trồng tại nương rẫy. Để có đủ lượng nước tưới cho vườn cây, tôi đầu tư vốn mua máy bơm lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ suối Bưng về tưới tiêu cho toàn bộ vườn cam.Việc lắp đặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Tôi trồng khoảng 3 năm thì cho quả bói, lúc đó thu nhập hầu như không đáng kể. Bước sang năm thứ 4, thu nhập kinh tế của gia đình tôi cao hẳn lên so với ngô, sắn và chăn nuôi gia súc, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình đã có của ăn của để”- bà Đặng Thị Thu chia sẻ.
Ông Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội nông dân huyện Cao Phong (từ trái sang) đang trao đổi kỹ thuật chăm sóc cam với bà Thu tại vườn.
Từ khi trồng cam lòng vàng đến nay, bà Thu không ngừng học hỏi nâng cao kỹ thuật trồng cam, quy trình chăm sóc vườn cam tại các lớp tập huấn của Hội Nông dân Huyện Cao Phong (Hòa Bình). Không những thế, bà Thu còn tìm hiểu qua mạng internet, sách, báo để tìm ra cách chăm bón cho cây cam lòng vàng phát triển và sai quả nhất.
Bà Thu vui mừng, khi năm nay vườn cam lòng vàng cho năng suất và sản lượng cao.
Video đang HOT
Bà Thu chia sẻ kinh nghiệm trồng cam lòng vàng: “Tôi chủ yếu dùng phân bón hữu cơ kết hợp với phân chuồng,; tôi ngâm ngô trong bể gần 6 tháng, sau đó lấy nước bón cho cây cam tại vườn. Thời điểm cam ra hoa, tôi tiến hành phun thuốc sinh học để cây không bị sâu bệnh và tỷ lệ đậu quả cao hơn. Nhờ cách chăm sóc bài bản như vậy, mà vườn cam của gia đình tôi luôn sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh, cho quả xum xuê quanh năm…”.
Sau 1 vụ thu hoạch quả, bà Thu cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành cam lòng vàng khỏe mạnh để năm tiếp theo cây cho quả và tiếp tục bón phân hữu cơ và 1 lượng phân NPK, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian nuôi quả.
Hiện nay vườn cam lòng vàng của bà Thu có 1.500 gốc đã cho thu hoạch.
Hàng năm, cứ đến vụ thu hoạch cam lòng vàng, các thương lái trong tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Nam… đều đến tận vườn cam gia đình bà Thu thu mua, nên đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định và bán được với giá cao. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình bà Thu có lãi gần 2 tỷ đồng từ việc bán cam lòng vàng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Thu còn tạo công ăn việc làm cho 2 người dân địa phương với mức lương 5 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh đó, bà còn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp, làm giàu, giảm nghèo ở địa phương.
Khu trồng cam lòng vàng của bà Thu rộng 2,2 ha tại khu 2, (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội Nông dân Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, cho biết: Là một huyện miền núi nhưng Cao Phong lại là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế – xã hội cũng như công tác giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình. Đóng góp cho thành quả này không thể không nhắc đến việc phát triển thành công cây cam đặc sản. Cam Cao Phong không chỉ thơm ngon mà còn thay đổi diện mạo của một huyện vùng cao.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Thu còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội của địa phương phát động.
Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, phù hợp sự sinh trưởng và phát triển nên cam, quýt ở huyện Cao Phong nổi tiếng thơm ngon, mọng nước, vị ngọt, quả màu vàng óng. Những năm gần đây, người dân Cao Phong áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, vì vậy sản lượng cam lòng vàng ngày càng cao, chất lượng đảm bảo. Cam đã trở thành giống cây làm giàu của đồng bào các dân tộc nơi đây.
“Gia đình bà Đặng Thị Thu là 1 tấm gương tiêu biểu ở thị trấn Cao Phong, có nguồn thu nhập cao từ cam lòng vàng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, để tăng cao sản lượng cam, giúp bà con phát triển kinh tế…”, ông Biên khẳng định.
Theo Danviet
Giá chanh bất ngờ cao vút, nông dân khóc ròng vì lỡ phá vườn
Vụ thu hoạch chanh năm 2018, giá xuống đáy, bà con bán chanh không đủ trả công cho người hái nên nhiều nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... đã chặt chanh làm củi. Vụ chanh năm nay, giá bỗng lên cao vút, bà con lại tiếc hùi hụi.
Bà Nguyễn Thị Thi là đầu mối buôn chanh ở thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình từ nhiều năm nay. Mỗi ngày cơ sở thu mua của bà có thể xuất vài tấn chanh mỗi ngày. Năm 2018, bà mua chanh dễ bao nhiêu thì năm nay lại khó bấy nhiêu. Giá chanh lên cao gấp 3 lần so với năm ngoái mà bà không mua đủ hàng.
Trao đổi với PV DANVIET, bà Thi than thở: "Mới đầu tháng 10, giờ tôi muốn mua chanh đào mà chịu không tìm được nguồn hàng. Chắc tôi phải chuyển sang bán cam thôi, chứ mỗi ngày gom được vài thùng chanh thì không đủ công".
Giá chanh đào lên cao, cơ sở thu mua chanh của bà Thi gom được rất ít hàng.
Nỗi buồn của bà Thi chỉ là không mua được hàng, trong khi nhiều nông dân ở Hòa Bình lại vô cùng đau xót vì cũng tầm này năm ngoái, giá chanh siêu rẻ, chỉ đạt 2.000 - 3.000 đồng/kg, thu hoạch không đủ bù chi phí nên bà con chán nản, phá bỏ cả vườn.
Ngồi thẫn thờ bên vườn của gia đình, ông Triệu Văn Hòa ở xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình cũng không giấu nổi tiếc nuối. "Năm ngoái chanh rẻ quá, tôi để rụng đầy gốc. Năm nay, ai ngờ nó lại lên đến 15.000 - 16.000 đồng/kg" - ông Hòa tiếc rẻ nói.
Năm 2018, giá chanh đào chỉ dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Năm nay, giá chanh lên đến 15000 đồng/kg mà bà con không có chanh để bán.
Cách đây 6-7 năm, cây chanh đào lên cơn sốt, giá lên đến 50.000 - 60.000 đồng/kg. Nhiều nhà trồng chanh thu về cả tỷ đồng. Cây chanh lại dễ chăm, ít phải đầu tư, cho sai quả, có những cây cho thu 2-3 triệu đồng. Thấy lợi ích cao từ cây chanh nên nhà nhà lại đổ xô vào trồng chanh.
Khi chanh rẻ, bà con chặt làm củi.
Trong khi đó, toàn tỉnh Hòa Bình ước tính có hàng nghìn hecta chanh đào và chanh trắng. Diện tích tăng lên cũng là lúc giá chanh xuống dốc không phanh. Từ mấy chục nghìn đồng/kg, giá chanh đào giảm xuống chỉ còn vài nghìn đồng, rồi có vườn bán không ai mua. Khi đó, bà con nông dân vô cùng lo lắng và sốt ruột. Thay vì "ôm cây" đợi ngày mai, bà con lại đốn hạ chanh không thương tiếc.
Chỉ trong vài tháng, diện tích chanh tươi tốt của bà con đã bị biến thành vườn củi. Điển hình như gia đình chị Lê Thị Mai ở thị trấn Cao Phong, cũng trồng 300 cây chanh nhưng khi được thu hoạch, giá chanh lại xuống giá thê thảm. Không giấu nổi nỗi buồn, chị Mai đành lòng mà phá bỏ hàng trăm cây chanh. Trớ trêu thay, năm nay giá chanh lên cao vút nên chị Mai cũng như nhiều hộ khác tiếc xót ruột.
Giá chanh lên, bà con không còn chanh để bán. Người trồng chanh, ai cũng tiếc rẻ vì lỡ phá bỏ vườn chanh.
Cây chanh đã bén rễ đất Hòa Bình từ nhiều năm nay. Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Thi, Khu 1, thị trấn Cao Phong, nhu cầu tiêu thụ chanh, đặc biệt là chanh trắng vẫn rất lớn. Một ngày như cơ sở của bà có thể xuất vài tấn chanh. Nếu giá chanh được 10.000 đồng/1kg là người trồng chanh có thể sống được. Việc bà con ồ ạt trồng chanh rồi lại ồ ạt phá bỏ là điều đáng tiếc.
Theo Danviet
Nông dân Cao Phong sửa đường, hiến đất xây dựng nông thôn mới Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã huy động các hội viên nông dân góp tiền, công lao động tham gia sửa đường, hiến đất xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Qua đó, Hội không chỉ tạo được phong trào nông dân tham gia xây dựng NTM, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo làng...