Dân bất bình vì nút giao đường dẫn cầu Nhật Tân gấp khúc bất thường
Lối rẽ từ đường dẫn cầu Nhật Tân vào khu vực tập trung đông dân cư, trường học trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội gấp khúc, khuất tầm nhìn nên đã xảy ra nhiều va chạm giao thông khiến người dân bức xúc.
Điểm nối từ đường dẫn cầu Nhật Tân vào ngõ 15 An Dương Vương gấp khúc và khuất tầm nhìn.
Những người dân sinh sống tại ngõ 15 đường An Dương Vương ( phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa cùng nhau có đơn kiến nghị xem xét lại việc thiết kế nút giao từ đường dẫn cầu Nhật Tân vào khu dân cư, trường học thuộc địa bàn phường Phú Thượng, gửi Bộ Giao thông vận tải và Ban điều hành Dự án cầu Nhật Tân.
Theo người dân, trong quá trình giải phóng mặt bằng để phục vụ cho việc triển khai dự án làm đường dẫn lên cầu Nhật Tân, các số nhà 31 và 33 ngõ 15 đường An Dương Vương nằm trong diện giải tỏa. Tuy nhiên đến nay hai ngôi nhà này vẫn “bình an vô sự” trong khi khu vực xung quanh đã được giải tỏa để thực hiện dự án. Chính vì thế đoạn đường nối từ đường dẫn cầu Nhật Tân với ngõ 15 An Dương Vương đã tạo thành một góc cua gấp khúc hình chữ S, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông bởi chính ngôi nhà chưa giải phóng mặt bằng.
Hai ngôi nhà chưa giải phóng được đã che khuất tầm nhìn của người lưu thông từ ngõ 15 ra đường dẫn cầu Nhật Tân và ngược lại.
Phản ánh với PV Dân trí, người dân sinh sống tại ngõ 15 An Dương Vương cho rằng đây là tuyến đường quan trọng của phường Phú Thượng kết nối với các trường mần non – tiểu học – THCS Phú Thượng, THPT Tây Hồ, Trung tâm Dạy nghề quận Tây Hồ và khu chung cư Packexim. Hàng ngày lưu lượng phương tiện giao thông đi theo hướng từ đường An Dương Vương rẽ xuống đường dẫn cầu Nhật Tân để vào đường ngõ 15 và ngược lại rất lớn nên từ khi cầu Nhật Tân đưa vào sử dụng (đầu năm 2015) tới nay, nơi đây trở thành điểm xung đột, va chạm giao thông nguy hiểm.
Theo ông Mai Quang Tuyến (ngõ 15 An Dương Vương), va chạm giao thông thường trực xuất hiện vào mỗi buổi sáng và chiều muộn khi các gia đình đưa con em đi học.
Video đang HOT
“Nguy hiểm nhất là vào giờ tan học buổi chiều khi các cháu đi từ ngõ 15 ra đường dẫn cầu Nhật Tân thì bị khuất tầm nhìn và có thể va quệt bất cứ lúc nào với dòng phương tiện lưu thông từ đường An Dương Vương xuống rẽ vào ngõ 15. Chúng tôi đã xem bản đồ thiết kế chi tiết nút giao này do Ban quản lý giao thông hạ tầng Tả Ngạn thiết kế, hoàn toàn thông thoáng chứ không có chuyện gấp khúc như thế này. Thế nên các hộ gia đình ở đây rất muốn ban quản lý cầu Nhật Tân trả lời rõ ràng về sự việc này và có sự thay đổi thiết kế để tránh những tai nạn giao thông không đáng có”- một người dân bức xúc nói.
Chính vì đường cua gấp khúc nên khu vực này đã xảy ra nhiều va quệt giao thông nguy hiểm.
Tuyến đường quan trọng của phường Phú Thượng, kết nối với nhiều trường học, khu đông dân cư nhưng được lại được làm gấp khúc, khuất tầm nhìn (!)
Thởi điểm xảy ra va quệt, xung đột giao thông nhiều nhất là vào buổi sáng sớm và chiều muộn khi người dân đưa con đi học.
Trao đổi với PV Dân trí, một chuyên gia về giao thông đường bộ ở Hà Nội thường xuyên lưu thông qua khu vực này cho rằng thiết kế đường nối “có vấn đề”, “Đây là đường dẫn vào khu vực đông dân cư, nhiều trường học mà để dòng phương tiện uốn cong hình chữ S và bị che khuất tầm nhìn như vậy thì chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều vụ va quệt nữa”- vị này bức xúc.
Tuyến đường quan trọng dẫn vào khu vực đông dân cư, trường học của phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội đang gặp phải phản ứng của người dân địa phương.
Ngày 29/8, lãnh đạo Ban điều hành Dự án cầu Nhật Tân khẳng định sẽ phản hồi Dân trí trong thời gian sớm nhất liên quan đến sự việc này.
Thế Kha
Theo Dantri
Cây chết khô bên cầu Nhật Tân: Nhà thầu chịu hoàn toàn trách nhiệm
Ông Nguyễn Lê Minh - Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân - khẳng định, Công ty Vinaconex phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước việc cây xanh chết khô hàng loạt bên cầu Nhật Tân như Dân trí đã phản ánh.
Nhiều cây ở đảo cây xanh cầu Nhật Tân đã được trồng thay thế nhưng tiếp tục khô héo.
Trả lời PV Dân trí xung quanh sự việc cây trồng dọc đường lên xuống và đảo cây xanh cầu Nhật Tân (thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) đang chết khô hàng loạt, gây bức xúc dư luận, ông Nguyễn Lê Minh - Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân - cho biết đã yêu cầu Công ty Vinaconex (một trong những liên danh xây dựng cầu Nhật Tân - PV) phải có trách nhiệm hoàn toàn trong việc này.
"Chúng tôi đã yêu cầu họ thống kê đầy đủ số lượng cây chết khô nhưDân trí phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa có được con số đầy đủ. Đồng thời chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tăng cường tưới nước, chăm sóc cây để cây trồng xuống phải phát triển, cây trồng thay thế cây đã chết khô phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo phát triển, đúng như hợp đồng ký kết trước đây"- ông Minh nói.
Sáng 19/8, PV Dân trí ghi nhận một nhóm công nhân dùng cưa máy cắt khúc một số cây xanh đã chết khô trong khu đảo cây xanh cầu Nhật Tân.
Theo ông Minh, hệ thống cây xanh được trồng trong các khu vực thuộc dự án cầu Nhật Tân vẫn còn thời gian bảo hành. "Mặc dù cây đã được bàn giao cho đơn vị quản lý một thời gian rồi, nhưng theo hợp đồng ký kết nhà thầu phải bảo hành trong thời gian 2 năm kể từ ngày bàn giao, tức là cây được bảo hành tới đầu năm 2017. Sau thời gian đó thì sẽ bàn giao toàn bộ cho đơn vị quản lý thuộc Sở Xây dựng Hà Nội"- ông Minh thông tin.
Ông Minh cho biết hiện nay Công ty Vinaconex đang lên phương án để thay thế những cây xanh đã chết, đồng thời thông báo với các cơ quan liên quan để kiểm soát quá trình trồng lại cây, đảm bảo cây trồng tốt nhất.
"Tôi cũng hi vọng trong dịp này thời tiết thuận lợi hơn thì cây trồng lại sẽ phát triển tốt hơn. Vẫn đang trong thời gian bảo hành, nên cây chết hàng loạt như vậy thì nhà nước cũng không phải bỏ thêm tiền mà nhà thầu phải chịu hết"- ông Minh quả quyết.
Thế Kha
Theo Dantri
Nhổ sạch hàng cây chết khô bên cầu Nhật Tân Sau khi Dân trí phản ánh hàng cây xanh trồng ven đường lên xuống cầu Nhật Tân (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) chết khô cả tháng nay, ngay trong buổi chiều 18/8, đơn vị quản lý đã cử nhân viên tới nhổ sạch cây chết để chuẩn bị trồng cây mới. Không cần dùng quá nhiều sức lực cũng có...